- Nhưng cho đến nay, vẫn có những người cho rằng tác giả đã “vơ vào” cho người Việt cổ (nói chính xác hơn là các bộ tộc Bách Việt hoặc Nam-Á) một số ý niệm căn bản của văn hóa Hán, và dùng lối suy diễn tư biện để áp đặt kiến giải của mình. Ông có thể nêu vài bằng cứ chứng minh nguồn gốc phương Nam của triết lý âm dương ngũ hành mà ông coi là hạt nhân của văn hóa Việt?
- Trước hết, tôi muốn lưu ý: thường có sự ngộ nhận coi triết lý âm dương là triết lý về những mặt đối lập. Phương Nam (vùng Đông Nam Á cổ đại) là quê hương của cây lúa nước, ước mong người sinh đông con (để đáp ứng nhu cầu lao động mang tính thời vụ cao) và đất sinh mùa màng chính là cơ sở hình thành tiềm thức về sự hợp nhất của hai cặp khái niệm “mẹ-cha” và “đất-trời”. Triết lý âm dương của người phương Nam không phải là triết lý về những mặt đối lập mà là triết lý của sự tổng hợp động trong âm có dương, trong dương có âm và âm dương luôn chuyển hóa cho nhau.
Hai từ Hán-Việt “âm dương” càng khiến người ta yêm tâm về nguồn gốc phương Bắc của triết lý này. Thực ra yin (âm) của Hán ngữ là vay mượn từ tiếng chỉ “mẹ” của các ngôn ngữ phương Nam (yana tiếng Chàm cổ, ina tiếng Giarai, inang tiếng Indinesia, nạ tiếng Việt cổ), còn yang (dương) vay mượn từ tiếng chỉ “trời, thần” (giàng tiếng Mường, yang trong hàng loạt ngôn ngữ Tây Nguyên). Biểu tượng âm dương của người phương Nam cổ còn rõ mồn một trong các đồ án vuông-tròn mà tôi tìm thấy trên mặt các trống đồng Đông Sơn (mà có nhà khảo cổ học giải thích là “hình đồng tiền”, quên rằng thời Đông Sơn làm gì đã có tiền đồng!).
Từ cặp “âm dương”, phương Nam phát triển thành “tam tài”, “ngũ hành”, trong khi phương Bắc phân đôi thành “tứ tượng”, “bát quái”. Về những điều này, tôi đã đưa ra nhiều bằng chứng, không thể nói vắn tắt trong vài câu được. Song tôi nghĩ, muốn tiếp nhận một cách khách quan những kiến giải này, điều trước tiên là cần rũ bỏ thói quen coi văn hóa Việt Nam là bản sao của văn hóa Trung Hoa đã ăn sâu vào tiềm thức từ lâu đời. Đáng tiếc là một số trí thức Việt Nam, thậm chí có người tham gia đề tài nghiên cứu cấp nhà nước về văn hóa Việt Nam mà trong lòng đã nghĩ sẵn rằng “văn hóa Việt Nam chẳng có gì!”. Trong khi đó, như tôi đã dẫn trong sách, không ít thư tịch cổ kim của nhiều nước, kể cả Trung Hoa, lại thừa nhận ảnh hưởng của văn hóa phương Nam trong sự hình thành của văn hóa Trung Hoa.
- Theo ông, muốn thấy rõ bản sắc văn hóa Việt Nam phải tìm về lớp văn hóa bản địa trước khi có ảnh hưởng Trung Hoa và Tây phương; bản sắc ấy là sản phẩm của văn minh nông nghiệp lúa nước: người Việt thiên về tình, quan hệ hài hòa với thiên nhiên, sống hài hòa âm dương (mức độ, vừa phải), linh hoạt… Những nét bản sắc ấy liệu có thích hợp cho việc xây dựng một xã hội hiện đại?
- Cái gì cũng có tính hai mặt của nó. Những đặc trưng bản sắc lâu đời đều có mặt gây trở ngại cho hiện đại hóa, nhưng ngược lại cũng phải thấy mặt dở của hiện đại hóa: mỗi bước tiến tới văn minh đồng thời là một bước thụt lùi của chính con người về cả năng lực sinh học lẫn đời sống tình cảm… Cho nên xu hướng chung của thế giới là kết hợp quá khứ và hiện đại, phương Đông và phương Tây để phát huy cái hay và hạn chế cái dở của mỗi bên. Trong bản sắc Việt Nam có điểm rất thuận lợi cho đổi mới là tính linh hoạt, nó phù hợp với yêu cầu năng động của kinh tế thị trường. Văn hóa là một cơ chế tự điều chỉnh. Tôi tin rằng với truyền thống văn hóa của mình, Việt Nam sẽ biết tự điều chỉnh để chuyển từ truyền thống hài hòa thiên về âm tính sang hài hòa thiên về dương tính, tức là hướng sang phát triển chứ không chỉ lo giữ ổn định như trước, nhưng là một sự phát triển vững chắc.
- Nhiều trí thức trong và ngoài nước đánh giá “Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam” là một trong những công trình có giá trị. Thật khó hình dung người làm được việc đó lại là một nhà nghiên cứu trẻ tuổi không có quá trình lăn lộn ở những di chỉ hay mòn mắt trên những trang sách cổ, và nguyên là một người được đào tạo về ngôn ngữ toán!
- Đúng là khi tốt nghiệp ngành ngôn ngữ toán tại Đại học Quốc gia Saint-Petersburg 24 năm về trước, tôi không nghĩ rằng mình có lúc trở thành một nhà nghiên cứu văn hóa học. Nhưng có lẽ chính là sự đào tạo bài bản về ngôn ngữ toán cộng với kinh nghiệm 10 năm nghiên cứu về ngữ pháp - ngữ nghĩa của văn bản đã giúp tôi có được, nói như GS. Phạm Đức Dương, cái thế mạnh của phương pháp hệ thống - cấu trúc, nhờ nó mà ngôn ngữ học đã trở thành một ngành mũi nhọn của khoa học nhân văn. Trong khoa học xã hội và nhân văn, sau một thời gian tích luỹ tư liệu theo hướng quy nạp cần dừng lại để có một cái nhìn bao quát theo hướng diễn dịch nhằm hệ thống hóa tư liệu và điều chỉnh những sai sót, mâu thuẫn đã mắc phải. Sự thành công của tôi có được có lẽ là nhờ kết hợp thế mạnh của phương pháp tư duy hệ thống - cấu trúc với lao động miệt mài để trong một thời gian không dài đã cố gắng bao quát và hệ thống hóa những nét chính trong khối lượng tư liệu khổng lồ mà các nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam lâu nay đã tích luỹ được nhằm phác thảo ra một cái nhìn toàn cảnh.
- Xin cảm ơn anh.