GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm chia xẻ: Mảnh đất này chúng tôi mua cuối năm 1999. Ngôi nhà được cải tạo và xây dựng lại, do tôi và cậu em vợ là KTS phối hợp thiết kế. Gia đình chúng tôi dọn về đây từ đầu năm 2000 nhưng không ở ngay do bận thỉnh giảng tại Hàn Quốc trong vòng 2 năm. Như vậy, chúng tôi sống ở đây được 7 năm.
Nhìn lên ban công, các bạn có thể thấy gia huy của chúng tôi. Vì cả gia đình đều có tên và chữ lót bắt đầu bằng chữ N và T nên gia huy của gia đình chúng tôi được xây dựng trên cơ sở hai chữ cái này. ChữN được cách điệu thành hình chim Lạc bay ngang, chữ T thành hình máy bay lên thẳng – chim Lạc tượng trưng cho văn hóa, cho phương Đông, cho phụ nữ... phát triển đi lên theo chiều ngang; máy bay tượng trưng cho văn minh, cho phương Tây, cho nam giới... phát triển đi lên theo chiều đứng. Cả hai tạo nên sự hợp nhất của hai chiều kích không gian và thời gian, của vũ và trụ, của văn hóa và văn minh, của phương Đông và phương Tây, của chậm và nhanh, của phụ nữ và nam giới...
Vào phòng khách, nhìn phía trên tủ búp-phê các bạn có thể thấy 3 vật được treo trên tường ở vị trí nổi bật thể hiện mô hình tam tài “thiên - địa - nhân”. Đó là một con đồi mồi Việt Nam tượng trưng cho đất, một pho tượng Brahma bốn mặt trên tháp Bayon của Campuchia tượng trưng cho trời, và một mặt nạ Hàn Quốc tượng trưng cho người. Đất thuộc tự nhiên, nên thật; trời thuộc siêu nhiên, nên đa chiều kích; người có văn hóa nâng cuộc sống thoát khỏi tự nhiên, nên có hai khuôn mặt.
Trong tủ búp-phê, chúng tôi trưng bày sưu tập những đồ lưu niệm đặc trưng của các nền văn hóa, những món đồ này một số là của bạn bè tặng, phần chủ yếu là do chúng tôi thu thập trong các chuyến đi công tác, làm việc ở nước ngoài và được sắp xếp theo từng quốc gia, khu vực, như Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Úc, Mỹ, Anh...
Ngày còn bé tôi rất say mê hội họa, vì thế trong nhà chúng tôi treo khá nhiều tranh ảnh nghệ thuật. Tôi rất thích bức tranh phong cảnh Nga có tên là “Sinh tồn” này không chỉ vì Nga là đất nước đã đào tạo chúng tôi mà còn vì nó mang nhiều ý nghĩa. Tranh mô tả vẻ đẹp kinh điển của thiên nhiên, tuy không thuộc loại nổi tiếng, nhưng lại gián tiếp thể hiện được những phong cách sống khác nhau của con người. Trong cuộc đời, bên cạnh những người được phú cho sự mạnh mẽ để ưỡn ngực vươn lên mà sống (như phần lớn các cây trong bức tranh) thì cũng có những người không có được may mắn đó, họ phải đấu tranh sinh tồn bằng cách linh hoạt thích ứng để không bị đè bẹp (giống như cái cây nhỏ uốn mình luồn lách để vươn ra ánh sáng trong bức tranh này). Bên cạnh lối sống cạnh tranh hoặc linh hoạt thích ứng để vươn lên theo kiểu phương Tây, bức tranh với hình ảnh dòng suối vô tình còn thể hiện lối sống khiêm cung nhún nhường hạ thấp mình xuống theo kiểu phương Đông – đó là lối sống của nước “càng xuống thấp thì càng lên cao” mà Lão Tử thường nói tới: nước chảy xuống chỗ trũng, chính vì thế biển là lớn nhất, không gì có thể tranh cùng; cây thuộc sinh vật, có sự sống, dòng nước chảy còn động hơn.
Bàn ăn là không gian ấm cúng để các thành viên gia đình gặp mặt nhau sau mỗi ngày bận rộn công việc. Ăn uống là quan trọng nhất, nên bàn ăn nằm ở giữa nhà, ứng với trung tâm là hành thổ. Nhà quay về hướng đông nên trước nhà là sân và cây xanh ứng với hành mộc, phía sau là hướng tây có bếp và dao kéo ứng với hành kim, bên trái là hướng bắc có bể cá (ở phòng khách) ứng với hành thủy, bên phải là hướng nam có lối đi – nơi mặt trời chiếu sáng suốt ngày, ứng với hành hỏa. Mọi đường nét trong nhà đều là sự phối hợp của hai hình tròn - vuông. Phương vị và sự sắp đặt bài trí trong ngôi nhà được chúng tôi thực hiện theo mô hình âm dương ngũ hành.
Nhiều gia đình có một phòng thờ riêng, còn ở gia đình chúng tôi thì việc thờ cúng ông bà được đặt trong phòng làm việc của tôi. “Đàn ông” - ‘làm việc” - “thờ cúng tổ tiên” ở đây được hợp nhất làm một. Trong không gian của căn phòng này là những công cụ phục vụ cho công tác giảng dạy, nghiên cứu. Xung quanh phòng là các giá sách, trong đó có một khu vực chứa tất cả những công trình nghiên cứu của tôi về ngôn ngữ học và văn hoá học đã được in thành sách. Để phục vụ cho công tác nghiên cứu, bên cạnh sách, tôi còn sưu tầm những loại tài liệu khác mang đậm tính văn hóa của các dân tộc, vùng miền khác nhau trên thế giới như tạp chí, đĩa CD, DVD, film, v.v. Trong đó tôi đặc biệt quý bộ CD chứa đựng toàn bộ các số của tạp chí National Graphic nổi tiếng trong suốt hơn 100 năm tồn tại. Trên giá sách đối diện chỗ ngồi làm việc là những bằng khen mà tôi đã đạt được. Các sách trong phòng được tập trung theo chủ đề văn hóa Việt Nam. Còn những sách nghiên cứu về văn hóa thế giới và lí luận văn hóa được đặt trong một thư viện khác, lớn hơn, ở tầng trên cùng.
Như các bạn thấy, thư viện ở tầng thượng này có rất nhiều sách mà thú thật tôi cũng chưa bao giờ có thời gian thống kê xem tổng cộng có bao nhiêu cuốn. Sách được chia thành nhiều khu vực như: Sách về văn hóa phương Đông nói chung, văn hóa Trung Quốc, văn hóa Hàn Quốc, văn hóa Nhật Bản, văn hoá Đông Nam Á, văn hóa Ấn Độ, văn hóa phương Tây... Khu vực còn lại là sách lý luận chung về văn hóa, văn hóa quản trị kinh doanh, triết học, tâm lí học, xã hội học, văn hóa kiến trúc, văn hóa tình dục, văn hóa tôn giáo, văn hóa ngôn từ.... Tôi cũng sưu tầm được nhiều tư liệu quý, như đầy đủ bộ tạp chí “Văn hóa phương Đông", "Văn hóa Á Châu"... in tại Sài Gòn trước năm 1975.
Tầng thượng vừa là thư viện, đồng thời cũng vừa là không gian sinh hoạt gia đình, tụ họp bạn bè. Nó trở thành nơi ưa thích của cả hai vợ chồng. Chúng tôi đều rất thích giao du với bạn bè nhưng lại không thích đưa nhau ra nhà hàng nên rất hay rủ bạn bè về đây ăn uống, xem phim, thậm chí cả tổ chức trò chơi nữa. Cách này vừa thể hiện sự trân trọng khách, lại vừa thân mật, ấm cúng, thoải mái trong không khí gia đình. Bàn ăn mà các bạn nhìn thấy đây có thể tụ họp được khoảng 40 người.
Tầng thượng này hoàn toàn mở ra với các mái vòm lộ thiên để tiếp nhận ánh sáng, khí trời, tạo nên sự mát mẻ thoáng đãng cho ngôi nhà. Với mặt bằng 8x12m có lối đi vào nhà để xe phía bên trái và giếng trời phía bên phải, tất cả các phòng trong nhà đều có cửa sổ đón gió và ánh sáng trời. Nó thể hiện cách nhìn của chúng tôi về mối quan hệ giữa con người với môi trường: không phải con người chế ngự tự nhiên theo kiểu phương Tây mà là con người thích ứng với tự nhiên và tận dụng tự nhiên theo kiểu phương Đông. Nếu không thấu triệt chân lý đơn giản này, con người sẽ mắc phải những sai lầm lớn như phá hủy tầng ozon, khai thác tài nguyên cạn kiệt và để lại những hệ quả nặng nề cho hậu thế. Cũng chính vì yêu không gian xanh, yêu tự nhiên nên mỗi khi rảnh rỗi, chúng tôi thích đi chân đất ra sân vườn (4m sân phía trước và 2m lối đi bên hông) tưới cây để tạo cảm giác thư thái mát mẻ trong tâm hồn.
Ngôi nhà của chúng tôi là như thế đó. Tuy không sang trọng, cầu kỳ, nhưng đối với chúng tôi, nó là mái ấm bình yên nhất mỗi khi trở về.
Tại trang www.sucsongmoi.com.vn, bạn có thể xem bài gốc của Hoàn Hảo và video-clip giới thiệu ngôi nhà.