Chủ nhật, 27 Tháng 4 2014 21:09

Truyền thống là kế thừa và chuyển giao

  • TRUYỀN THỐNG LÀ KẾ THỪA VÀ CHUYỂN GIAO

  • Tô Diệu Hiền (thực Hiện)

  • Báo Phụ nữ, số Tất niên 24-1-2014

Bánh chưng có thể được đặt hàng; kẹo mứt mua ở siêu thị; đêm giao thừa, các thành viên gia đình không nhất thiết quây quần bên nhau cùng cúng trời đất, tổ tiên mà có thể ra đường xem pháo hoa, ca nhạc… Phong tục ngày Tết đã được giản lược, rút gọn; nhiều nét đẹp truyền thống bị mai một; cơ hội thắt chặt tình thâm gia đình trong những ngày Tết phải chăng cũng mong manh hơn? Giáo sư Tiến sĩ khoa học Trần Ngọc Thêm (Giám đốc Trung tâm Văn hóa học lý luận và ứng dụng - Trường ĐH KHXH & NV TP.HCM) đã trao đổi với Báo Phụ Nữ về xu thế Tết hiện đại, cách giữ gìn nét đẹp truyền thống ngày Tết trong mỗi gia đình.

*Phóng viên: Thưa giáo sư, trong dòng chảy của cuộc sống hiện đại, phong tục ngày Tết có những chuyển biến nào cần phải xem xét lại?

- Giáo sư Trần Ngọc Thêm: Cùng với việc chuyển sang kinh tế thị trường, bên cạnh những chuyển biến tích cực, có không ít thói xấu lọt vào khiến cho nhiều phong tục tốt của văn hóa truyền thống bị “biến thái” theo hướng vật chất hóa và thực dụng.

Tục tặng quà vào những ngày cuối năm không cốt ở giá trị vật chất mà cốt thể hiện tình cảm “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” thì nay giá trị vật chất đã ngày càng lấn át giá trị tinh thần. Người tặng đôi khi cho rằng chỉ cần bỏ tiền ra để mua quà là được mà không quan tâm chăm chút món quà nhằm mang lại niềm vui cho người nhận. Khi mua quà, có khi bị con buôn lường gạt, độn mút xốp, cho trái cây thối, rượu dỏm, hết đát vào giỏ quà cũng không biết. Lại có khi người ta chỉ tặng theo lệ, đứng ngoài cổng đưa vội rồi đi vội. Cái tình trong đó có được bao nhiêu? Thậm chí, phổ biến tình trạng nhiều cơ quan mượng cớ tặng quà, trích quỹ công để biếu xén, hối lộ cấp trên khiến Ban bí thư phải ra chỉ thị nhắc nhở.

Tục phát vốn, lì xì ngày Tết với chút tiền lẻ màu đỏ trong phong bao đỏ vốn mang ý nghĩa gây dựng, cầu chúc sự phát đạt, may mắn (màu đỏ), sự sinh sôi nảy nở (số lẻ thể hiện sự sinh sôi) đã biến thành việc “tặng tiền” thô thiển (tới mức có những trẻ con tỏ ra không hài lòng ra mặt nếu người lớn không lì xì, hoặc nhận phong bao đỏ thì lập tức rút tiền để xem mệnh giá).

Tục uống rượu ngày Tết với liều lượng phù hợp để tạo không khí thân mật chuyện trò giữa những người thân quen lâu ngày có dịp cùng sum họp, trở thành nhậu nhẹt quá đà, ép nhau uống chỉ để mà uống, là mối nguy đối với sức khỏe và sự an toàn.

*Nhiều phong tục văn hóa truyền thống liên quan đến ngày Tết đang bị mai một, có phải vì nhiều người đã không còn trân trọng hay có những ì lý do nào khác, thưa giáo sư?

- Giáo sư Trần Ngọc Thêm: Vấn đề trước hết là phải xem những phong tục đang bị mai một đó là những phong tục nào. Có nhiều người do thiếu hiểu biết nên đã giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc một cách cực đoan, tưởng rằng càng giữ được nhiều phong tục truyền thống thì càng tốt. Văn hóa không phải là tập hợp của những cái gì cũ kỹ; truyền thống không phải là cái bất biến không bao giờ thay đổi. Cùng với thời gian, bối cảnh xã hội, điều kiện sống, nhận thức của con người, v.v. đã đổi khác thì văn hóa truyền thống cũng phải thay đổi theo. Có những phong tục mất đi và những phong tục mới sẽ hình thành thay thế. Văn hóa sinh ra vốn để phục vụ con người. Cho nên khi nào con người cảm thấy thuận tiện nhất, phù hợp nhất, sung sướng nhất thì đó chính là văn hóa.

Bởi vậy, không nên quá lo chuyện có bao nhiêu phong tục truyền thống ngày Tết bị mai một, bởi vì cái đẹp của ngày hôm qua chưa chắc sẽ còn đẹp vào ngày hôm nay. Truyền thống chỉ là đẹp trong những điều kiện mà nó được sinh ra. Điều kiện sống đã đổi khác thì chuẩn đẹp cũng sẽ đổi khác. Truyền thống chỉ là đẹp với những ai hiểu biết truyền thống, nhưng lớp người đó thì đang dần mất đi. Truyền thống chỉ là đẹp khi nó vẫn tiếp tục phù hợp và do vậy có tác dụng nâng đỡ, đưa con người đi vào tương lai; còn khi không phù hợp thì nó sẽ trở thành lạc hậu, kiềm chế.

*Đối với gia đình, Tết mang lại cơ hội sum vầy. Theo giáo sư, có phải càng níu giữ phong tục truyền thống thì tình cảm gia đình càng có điều kiện để gắn kết, thắt chặt?

- Giáo sư Trần Ngọc Thêm: Sự đoàn tụ sum vầy của gia đình trong truyền thống Tết ngày xưa quả là thật đẹp. Nhưng Tết ngày nay đã khác hẳn xưa. Xưa, cả nhà quanh năm vẫn ở trong làng, làm gì có cảnh cha mẹ ở ngoài Bắc, con cái ở trong Nam. Nay địa bàn hoạt động không chỉ phân tán khắp cả nước mà còn ra cả nước ngoài. Có nhiều nhà quê vợ ở tỉnh này, quê chồng ở tỉnh kia, mấy ngày Tết rét mướt phải lếch thếch đưa con cái về quê nội một hai ngày rồi lại lếch thếch lên đường về quê ngoại. Trước tết, ô-tô, tàu hỏa, máy bay… cháy vé một chiều từ Nam ra Bắc; sau Tết, tất cả các phương tiện lại cháy vé một chiều từ Bắc vào Nam. Trong bối cảnh đó, việc nhiều gia đình quyết định năm nay về quê nội, năm sau về quê ngoại; năm nay cả nhà sum họp vào dịp Tết, năm sau sum họp vào dịp hè; ngày Tết thay vì về quê thì đưa con cái đi du lịch… chính là những thử nghiệm tạo ra những phong tục mới, truyền thống mới thích hợp hơn.

Ngày Tết, nếu cả nhà cùng chung tay góp sức nấu bánh chưng, trang hoàng nhà cửa, cúng giao thừa… trong không khí chan hòa, vui vẻ thì rất hay, nhưng nếu đổ dồn tất cả mọi công việc cho một hai người thì quá nặng nề, họ chỉ mong đừng có Tết để khỏi khổ. Tại sao không chấp nhận mua bánh chưng dịch vụ, mua giò chả siêu thị; mà siêu thị sang ngày mồng hai Tết đã mở cửa lại rồi, sao nhiều nhà vẫn giữ nếp ngày xưa là trước Tết phải đi chợ tích trữ đủ thứ chất đầy tủ lạnh?

Do sự khác biệt thế hệ, đôi khi ông bà thích duy trì tục lệ nhưng con cái lại miễn cưỡng, không thoải mái; cháu chắt thì gò bó, khó chịu. Mỗi thế hệ có nhu cầu hưởng thụ và niềm vui riêng. Vì thế, người già nếu không hiểu con cháu, không thuyết phục được con cháu mà cứ cố đưa con cháu vào khuôn cũ thì càng cố càng hỏng. Khi xảy ra xung đột thế hệ, mọi người nên nhìn lại mình, lắng nghe nhau, dung hòa, tôn trọng dân chủ, bình đẳng và ưu tiên cho quyền lợi số đông.

Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, văn hóa trong xã hội ngày nay cần hướng đến sự đa dạng. Sự đa dạng sẽ tạo ra nhiều lựa chọn, nó cho phép mỗi người, mỗi gia đình lựa chọn hưởng thụ điều mình muốn, đồng thời giúp cho xã hội phát triển (ngành giao thông vận tải không quá tải; giảm tai nạn giao thông; các khách sạn, khu du lịch đỡ bị ế…). Đó chính là cách văn hóa sinh ra để phục vụ con người chứ không phải là gánh nặng để con người phải mang nó trên vai.

*Dù khuyến khích chấp nhận và đón nhận sự thay đổi nhưng giáo sư vẫn hướng đến việc lưu giữ những nét đẹp truyền thống. Vậy thì nên duy trì cái gì và làm sao để duy trì có hiệu quả, thưa giáo sư?

- Giáo sư Trần Ngọc Thêm: Nên duy trì những phong tục có ý nghĩa giáo dục cao mà ít gây phiền hà, tốn kém.

Chẳng hạn, trước Tết có tục tảo mộ, là dịp hướng con cháu đến ông bà, tổ tiên để đừng mất gốc, quên cội nguồn. Tết về, mọi gia đình trang hoàng nhà cửa thì “ngôi nhà” của người đã khuất cũng cần được chăm sóc. Trẻ nên được dắt ra nghĩa trang, nhổ cỏ mộ; trường hợp hỏa thiêu gửi cốt ở chùa thì đưa con cháu đến chùa thắp hương; người lớn tranh thủ kể lại tính cách, công ơn, kỷ niệm sâu sắc về ông bà để con cháu ghi khắc và tự hào.

Đêm giao thừa nên giữ tục cúng tổ tiên, trời đất. Giao thừa là thời điểm giao hòa giữa năm cũ - mới trong phạm vi vũ trụ. Đặt mâm ngoài sân cúng Trời Đất, người lớn giáo dục con cháu ý thức tôn trọng quy luật tự nhiên. Đặt mâm trên bàn thờ cúng tổ tiên, cha mẹ giáo dục con cháu ý thức hướng về nguồn cội; hôm nay con cháu biết cúng ông bà, thì vài chục năm nữa chính chúng ta sẽ không bị con cháu lãng quên. Chính việc lưu giữ từ thế hệ trước qua thế hệ sau như thế tạo thành văn hóa. Chưa kể là niềm tin vào cõi tâm linh sẽ luôn giúp con người sống tốt hơn, chừng mực hơn, biết kiềm chế bản thân hơn...

Mỗi cách ăn Tết đều hay, đều đẹp, không nên bắt buộc phải theo một khuôn khổ nào, chỉ cần giữ được tinh thần ngày Tết là kế thừa và chuyển giao. Điều quan trọng là người lớn cần giáo dục cho con cháu hiểu, yêu những nét đẹp của truyền thốngđể tự giác giữ gìn. Nếu những tục lệ được thực hiện một cách máy móc, cứng nhắc, duy trì để mà duy trì, thực hiện chiếu lệ mà chẳng hiểu gì, thì việc mai một văn hóa là điều dễ hiểu.

* Câu hỏi cuối cùng: Có ý kiến cho rằng nên nhập Tết Ta vào với Tết Tây cho văn minh, gọn và tiết kiệm, giáo sư nghĩ sao về việc này?

Văn hóa sẽ thực sự là văn hóa khi ta biết phân biệt được cái gốc với cái ngọn. Trong trường hợp này, Tết Ta là gốc, còn Tết Tây là ngọn. Nếu muốn đặt vấn đề nhập, thì phải là nhập Tết Tây vào với Tết Ta. Về chuyện văn minh, gọn, thì nếu chấp nhận đa dạng hóa, dân chủ hóa cách ăn Tết như tôi vừa nêu ở trên thì cái Tết Nguyên Đán của chúng ta sẽ văn minh và gọn gàng hơn rất nhiều. Còn về chuyện tiết kiệm, đừng nghĩ rằng không chi tiêu sẽ là tiết kiệm. Tiết kiệm chỉ là tiết kiệm khi không hà tiện và không lãng phí. Một cái Tết Ta đúng cách sẽ là dịp để vừa giữ gìn truyền thốngdân tộc, vừa mở mang đầu óc, vừa giáo dục con cháu, vừa chi tiêu hợp lý để kích thích sản xuất, tiêu dùng... Còn nếu “nhập Tết Ta vào với Tết Tây” một cách thiển cận thì cái mất đi không chỉ là Tết ta, mà chẳng bao lâu sau chính chúng ta sẽ không còn là Ta, nhưng mãi mãi cũng sẽ không bao giờ trở thành Tây, vì Tây không phải là những kẻ mất gốc mà họ cũng có gốc văn hóa của họ!

*Xin cảm ơn và kính chúc giáo sư cùng gia đình năm mới vui khỏe, hạnh phúc, thành công!

TÔ DIỆU HIỀN (thực hiện)