Thứ ba, 06 Tháng 5 2014 15:09

Các hoạt động của đoàn CB-GV trường ĐH KHXH&NV tại Đài Loan

  • CÁC HOẠT ĐỘNG CỦA ĐOÀN CÁN BỘ - GIẢNG VIÊN
    TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHXH&NV TẠI ĐÀI LOAN

  • TS. Nguyễn Ngọc Thơ

  • (ĐH KHXH&NV – ĐHQG Tp.HCM)

Từ ngày 17 đến ngày 25 tháng 5 năm 2013, qua sự kết nối của Phòng QLKH-DA của Trường, đoàn Cán bộ - Giảng viên của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh) gồm GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm - Giám đốc Trung tâm Văn hoá học lý luận & Ứng dụng, PGS.TS. Lê Khắc Cường -Trưởng khoa Việt Nam học và TS. Nguyễn Ngọc Thơ- Trưởng phòng QLKH-DA đã thực hiện chuyến công tác tại một số trường đại học tại Đài Nam, Đài Bắc, Hoa Liên - Đài Loan. Sau đây là một số hoạt động của đoàn trong chuyến công tác này:

1. Tham dự Hội nghị quốc tế Việt Nam học và Đài Loan học tại ĐH Thành Công

Trong hai ngày 18 và 19/5/2013, đoàn đã tham dự Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần 2 & Hội thảo chữ La-tinh Đài Loan lần 6 – năm 2013 do Hiệp hội giao lưu văn hoá Việt Nam – Đài Loan và Khoa Đài văn Trường Đại học Thành Công (Đài Nam, Đài Loan) tổ chức.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Tham dự Hội thảo này có hơn 20 tác giả Việt Nam (Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh), 3 tác giả phương Tây, 2 tác giả Nhật Bản và hàng chục tác giả Đài Loan tham gia. Hội thảo phân làm hai nhóm chính (1) Nghiên cứu lịch sử - văn hoá Việt Nam và Việt Nam học đương đại; và (2) Kinh nghiệm chữ Quốc ngữ Việt Nam và sự phát triển chữ La-tinh Đài Loan. Nội dung các bài viết tham gia hội thảo khá rộng, bao trùm nhiều lĩnh vực ngôn ngữ, lịch sử, văn hoá và xã hội Việt Nam và Đài Loan trong đó có các bài viết tiêu biểu như: “Các di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại ở Việt Nam, thực trạng vấn đề bảo tồn và phát huy” của PGS.TS. Nguyễn Chí Bền; “Heritagization of Ethnic Minority Cultures in Vietnam: The Case of Gong Culture in the Central Highlands” của GS.TS. Oscar Salemink; “Cultural heritage: a concept under (re)construction của GS.TS. Charles Jeurgens; “Nét tương đồng và khác biệt trong nghi lễ vòng đời của người Ngái ở Việt Nam và người Khách Gia ở Đài Loan” của PGS.TS. Hà Thị Thu Hương và Kuo Wei Yen;“Việc nghiên cứu ngôn ngữ các dân tộc thiểu số tại Việt Nam” của PGS.TS. Lê Khắc Cường; “Dung hợp văn hoá đa nguyên: Tín ngưỡng Thiên Hậu tại Nam Bộ Việt Nam” của TS. Nguyễn Ngọc Thơ; “Xi vẫn – xi vĩ và thuyết Long sinh cửu tử trong văn hoá Việt Nam và Đông Á” của TS. Trần Trọng Dương;“Alexandre de Rhodes và chữ Quốc ngữ thời kỳ đầu ở Việt Nam” của TS. Nguyễn Đại Cồ Việt; “Về việc vận động sử dụng chữ La-tinh ở Đài Loan nhìn từ kinh nghiệm Việt Nam” của GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm; “Missionary Scripts in Vietnam and Taiwan” của PGS.TS. Chiung Wi-vun …

Đoàn CB - GV Trường ĐH KHXH&NV tại Hội thảo

Sau hội thảo, Ban tổ chức đã sắp xếp đưa đoàn Việt Nam và các nước khác đi tham quan các di chỉ chữ La-tinh Đài Loan tại khu vực Đài Nam.

 2. Làm việc với Trung tâm Nhân văn và Khoa học Xã hội, ĐH Thành Công

Sáng ngày 20/5/2013 đoàn đã đến chào hỏi và giao lưu tại Trung tâm Nhân văn và Khoa học Xã hội, Đại học Thành Công. Tiếp đoàn có GS.TS. Chen Yi Yuan – Phó Giám đốc Trung tâm. Trung tâm Nhân văn và Khoa học Xã hội, Đại học Thành Công đã ký MoU với Trường Đại học KHXH&NV, do vậy GS. Chen Yi Yuan mong muốn phối hợp với Trung tâm Văn hoá học Lý luận và Ứng dụng triển khai các kế hoạch nghiên cứu văn hoá – xã hội tộc người Hoa ở Việt Nam cũng như mối quan hệ kinh tế, văn hoá song phương.

Giao lưu với Trung tâm NC Nhân văn và KHXH

Hiện tại Trung tâm Nhân văn và Khoa học Xã hội - Đại học Thành Công đang triển khai nghiên cứu các cộng đồng dân tộc Hoa tại các quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt ở các khía cạnh di sản văn hoá người Hoa được lưu giữ ở hải ngoại từ mấy trăm năm qua cũng như quá trình hoà nhập đời sống kinh tế - văn hoá – xã hội của họ ở các quốc gia bản địa.

3. Thuyết trình và tham dự Hội thảo khoa học tại Đại học Chung Chi

Nhận lời mời của Trung tâm nghiên cứu các tộc người bản địa Đài Loan (Austronesien) - Đại học Chung Chi (Đài Bắc), ngày 20/5/2013 đoàn CB-GV Trường ĐH KHXH&NV đã đến thăm và thuyết trình tại trường Đại học Chung Chi với chủ đề “Cộng đồng Bách Việt cổ: văn hoá Lạc Việt”. Buổi thuyết trình của ba đại diện từ Việt Nam đã thu hút đông đảo nhà nghiên cứu, Nghiên cứu sinh, Học viên cao học và nhân sĩ xã hội tham gia.

GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm tặng quà lưu niệm cho Trung tâm NC các dân tộc bản địa Đài Loan

    Mở đầu buổi thuyết trình, GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm nhấn mạnh mối quan hệ mật thiết giữa văn hoá Lạc Việt cổ - tổ tiên Việt Nam và văn hoá bản thổ Đài Loan trên cơ sở của văn hoá Bách Việt cổ, đồng thời nhấn mạnh đến tầm quan trọng của nghiên cứu so sánh hai đối tượng này nhằm tìm kiếm / phát hiện nhiều yếu tố văn hoá tinh thần và vật chất được tổ tiên chung lưu giữ âm thầm bên dưới lớp văn hoá Trung Hoa ảnh hưởng ở cả hai nhóm.

Quang cảnh buổi thuyết trình

Kế tiếp, TS. Nguyễn Ngọc Thơ đã trình bày chuyên đề Văn hoá Lạc Việt cổ dựa trên nội dung của luận án tiến sĩ (năm 2012). Bằng cách tiếp cận liên ngành, tác giả đã vận dụng các kết quả nghiên cứu từ các ngành khảo cổ học, ngôn ngữ học, dân tục học, di truyền học và dân tộc học để phác hoạ diện mạo văn hoá Lạc Việt cổ với tư cách là một thành viên quan trọng của cộng đồng Bách Việt cổ sinh sống từ hạ lưu sông Dương Tử kéo dài đến Bắc Đông Dương, đồng thời thể hiện sống động mối quan hệ chủng tộc và văn hoá với nhiều tộc người trong khu vực, cũng như mối quan hệ mật thiết với tiền dân các cộng đồng dân tộc bản địa tại đảo Đài Loan.

Ở phần trao đổi, PGS.TS. Lê Khắc Cường đã giải thích, làm sáng rõ loại hình và đặc điểm loại văn tự Việt cổ - chữ khoa đẩu, mà dấu vết của nó tìm thấy rải rác ở đồng bằng Bắc Bộ cũng như bãi đá cổ Sa Pa v.v..

Buổi thuyết trình diễn ra rất sôi nổi đầy ý nghĩa. Phần hỏi đáp rất nhiệt thành, khiến cho buổi diễn thuyết kéo dài đến hơn 10 giờ đêm.

Cũng tại Đại học Chung Chi, chiều ngày 21 tháng 5 năm 2013 PGS.TS. Lê Khắc Cường đã tham gia hội thảo Biên soạn giáo trình ngôn ngữ các dân tộc bản địa Đài Loan. Tại hội thảo, PGS.TS. Lê Khắc Cường đã thiết lập nhiều mối quan hệ học thuật sâu về ngôn ngữ học, đặc biệt là đối tượng các tộc người thiểu số. Phía Đại học Chung Chi có nhã ý mời PGS.TS. Lê Khắc Cường và các nhà nghiên cứu ngôn ngữ học Trường Đại học KHXH&NV viết và gửi bài công bố trên tạp chí Nghiên cứu ngôn ngữ các tộc người bản địa của họ. PGS.TS. Lê Khắc Cường vui vẻ nhận lời.

4. Thăm và giao lưu tại Đại học Hoa Phạn

Qua giới thiệu và kết nối của GS. Trần Văn Đoàn (Khoa Triết học, Đại học Đài Loan), ngày 21/5/2013 đoàn đã đến chào hỏi và giao lưu với Đại học Hoa Phạn tại Đài Bắc. Tiếp đón đoàn là giáo sư Châu - Hiệu trưởng Nhà trường. Hiệu trưởng Nhà trường bày tỏ niềm hân hoan đón tiếp đoàn và mong muốn được thúc đẩy thiết lập mối quan hệ học thuật với Trường Đại học KHXH&NV, nhất là trong các lĩnh vực triết học, tôn giáo, nghệ thuật. Hiện tại có khoảng 20 NCS, HVCH và sinh viên Việt Nam đang theo học tại ĐH Hoa Phạn.

Buổi gặp gỡ tại ĐH Hoa Phạm

Chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo trường

Tiền thân của Đại học Hoa Phạn là Học viện Nho – Phật, trong đó yếu tố Phật học nổi trội hơn, được xây dựng với sứ mệnh tìm hiểu triết lý phương Đông qua hai hệ thống triết học lớn nhất khu vực là Phật học và Nho học. Chính vì thế trường có tên là Hoa Phạn (Hoa = Trung Hoa, đại diện là Nho học; Phạn = Phạn ngữ, văn tự kinh điển Phật giáo). Trên cơ sở của những thành tựu đào tạo ban đầu Trường Đại học Hoa Phạn đã được xây dựng và hoàn chỉnh, mở rộng ra toàn xã hội và trở thành học phủ quan trọng đối với những ai yêu thích và quan tâm đến triết học phương Đông cũng như các lĩnh vực kinh điển học, tôn giáo học, nghệ thuật học v.v.

Gặp gỡ, giao lưu tại Khoa Trung văn ĐH Hoa Phạm

Sau buổi gặp gỡ với Ban giám hiệu Trường ĐH Hoa Phạn, đoàn đã được mời đến thăm Phòng truyền thống Nhà trường và khoa Trung văn, tận mắt được trải nghiệm không khí học thực hành triết học Thiền của sinh viên khoa Trung văn.

5.Thuyết trình tại Đại học Đông Hoa

Nhận lời mời của GS. Kang, Chủ nhiệm Khoa Đài văn, Đại học Đông Hoa tại Hoa Liên, TS. Nguyễn Ngọc Thơ đã đến thăm và diễn thuyết tại Đại học Đông Hoa vào ngày 22 tháng 5 năm 2013 với chủ đề “Dung hợp văn hoá đa tộc người tại Nam Bộ Việt Nam”.

Nội dung chủ yếu của buổi thuyết trình nhất mạnh đặc trưng sinh thái Nam Bộ và thân phận lịch sử, tính cách mở - thoáng của các cộng đồng cư dân tại Nam Bộ Việt Nam đã hun đúc nên sự dung hợp đa văn hoá tại vùng đất mới cuối trời này của tổ quốc.

Gặp gỡ với đại diện Phòng QLKH-DA Đại học Đông Hoa tại Tp. Hoa Liên

Buổi thuyết trình diễn ra trong không khí rất thân mật do đa số người nghe đều là các nhà nghiên cứu Đài Loan có quan hệ mật thiết với Việt Nam như GS. Kang Pei De, GS. Chiung Wivun, NCS. Cai Ming Ting, …

Cũng nhân chuyến thăm Đại học Đông Hoa này, TS. Nguyễn Ngọc Thơ đã gặp gỡ TS. Cai – Trưởng phòng QLKH-DA của Đại học Đông Hoa. TS. Cai đề nghị thiết lập mối quan hệ chính thức với Trường Đại học KHXH&NV nhằm thúc đầy giao lưu học thuật giữa GV, nhà nghiên cứu và SV hai trường, phối hợp tổ chức hội thảo quốc tế đối với những chủ đề mà cả hai bên đều quan tâm, ưu tiên xuất bản các công trình NCKH cho nhau v.v..

6. Giao lưu và thuyết trình tại Đại học Sư phạm Đài Loan

Ở chặng cuối của hành trình, ngày 23/5/2013 đoàn đã đến giao lưu với Khoa Đông Á học, Đại học Sư phạm Đài Loan tại Đài Bắc. Tại đây GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm đã có buổi thuyết trình về chủ đề“Văn hoá người Việt vùng Tây Nam Bộ”.

Buổi thuyết trình tại Đại học Sư phạm Đài Loan

Đứng ở góc độ so sánh và áp dụng góc nhìn văn hoá học, GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm đã phác hoạ toàn thể bức tranh văn hoá người Việt vùng Tây Nam Bộ dưới hệ toạ độ chủ thể - không gian – thời gian, từ đó nêu bật được những đặc trưng văn hoá cơ bản vùng miền, đặc trưng tính cách văn hoá người Việt miền Tây Nam Bộ Việt Nam.

7. Làm việc với Thư viện Tổng hợp Đài Loan

 Thừa lệnh Hiệu trưởng Nhà trường, TS. Nguyễn Ngọc Thơ – Trưởng phòng QLKH-DA và PGS.TS. Lê Khắc Cường – Trưởng Khoa Việt Nam học đã đến làm việc với Ban đối ngoại Thư viện Tổng hợp Đài Loan vào lúc 15h00 ngày 24 tháng 5 năm 2013. Buổi làm việc là bước tiếp theo của việc thảo luận thành lập Trung tâm học liệu Đài Loan tại Thư viện Trường ĐHKHXH&NV mà TS. Nguyễn Nam (Khoa Đông phương học) đã kết nối từ trước và được Hiệu Trưởng Nhà trường đồng thuận và chỉ đạo.

Đại diện Ban đối ngoại Thư viện Tổng hợp Đài Loan cho biết chương trình tài trợ thành lập Trung tâm học liệu Đài Loan ở nước ngoài đã được bắt đầu từ năm 2012. Cho đến nay đã thành lập được một trung tâm tại Mỹ, và năm 2013 được chọn là năm dành cho Việt Nam. Thư viện Tổng hợp Đài Loan hy vọng sớm ký kết MoU trong tháng 7/2013 nên đã yêu cầu Trường ĐHKHXH&NV cung cấp các tấm ảnh chụp vị trí dự kiến đặt Trung tâm học liệu tại Trường, sau đó phía Thư viện Tổng hợp Đài Loan sẽ tài trợ sách nghiên cứu mỗi năm từ 500 đến 1000 cuốn.

8. Tham quan Công ty E-learning ở Đài Bắc 

Nhằm tìm hiểu thêm về công nghệ đào tạo e-learning tại Đài Loan, ngày 24/5/2013 PGS.TS. Lê Khắc Cường và TS. Nguyễn Ngọc Thơ đã đến tham quan Công ty E-Learning Đài Bắc – đơn vị cung cấp các dịch vụ e-learning tiên tiến tại Đài Loan. Được giới thiệu khá chi tiết và hệ thống và chương trình đang áp dụng tại Đài Loan, PGS.TS.Lê Khắc Cường đã trao đổi nhiều chi tiết quan trọng nhằm rút ra kinh nghiệm cho việc xây dựng chương trình e-learning tại khoa Việt Nam học của Trường ĐHKHXH&NV trong tương lai gần.