"Tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại"
PV:- Vừa qua, theo khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường GCOMM, với sự tham gia của 1.005 sinh viên, du học sinh, trí thức trẻ (18-35 tuổi) trên cả nước, khi được hỏi về những đức tính của người Việt trong quá khứ và hiện tại, thì hầu hết đều lựa chọn đức tính cần cù, thân thiện, tỷ lệ lên tới hơn 80%. Quan điểm của ông ra sao trước kết quả này, đây có được coi là một tín hiệu đáng mừng trong nhận thức của giới trẻ?
GS.TSKH Trần Ngọc Thêm:- Tôi thường rất cảnh giác với các số liệu điều tra ở Việt Nam.
Bởi lẽ thông thường, các cuộc điều tra của chúng ta hiện nay được thực hiện với các bảng hỏi theo mẫu phương Tây, với cách thức tiến hành theo cách làm của phương Tây, dựa trên một đặc điểm rất quan trọng của văn hóa phương Tây là nói thẳng, nói thật.
Trong khi đó, văn hóa Việt Nam có truyền thống sống theo quan hệ, ứng xử cốt sao cho vừa lòng nhau. Người Việt Nam thường nghĩ một đằng nói một nẻo; ông cha ta có những câu như “Tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại”, “Không giở áo cho người xem lưng”.
Với những câu hỏi “thẳng băng” kiểu như “Theo bạn, người Việt hiện có những đức tính nào?” mà Công ty Nghiên cứu thị trường GCOMM đã dùng thì tất nhiên là người Việt Nam sẽ có phản xạ tự nhiên là chọn những đức tính tốt đẹp để đánh dấu. Vì vậy, xây dựng bảng hỏi để điều tra ở Việt Nam khó khăn hơn ở phương Tây rất nhiều, phải làm sao để giảm bớt được sai số do tâm lý trả lời “sao cho đẹp” gây ra.
Mặt khác, phần lớn các câu hỏi trong các bảng hỏi đều là hỏi xem người ta nghĩ gì. Những câu hỏi của Công ty GCOMM như vừa nêu trên chính là thuộc loại như thế. Nhưng người Việt Nam không chỉ có thói quen nghĩ một đằng nói một nẻo, mà còn nói một đằng làm một nẻo, cho nên điều quan trọng hơn là câu hỏi, bảng hỏi phải được tổ chức làm sao để kiểm tra được xem bản thân người ta làm gì, sống như thế nào.
Một cuộc khảo sát của chính Công ty GCOMM trên 75 bạn trẻ ở Tp. Hồ Chí Minh vào đầu tháng 11 năm 2011 đã từng cho biết có 42% cho rằng người sống tốt phải là người thẳng thắn, trong khi có tới 73,7% cũng chính những người này thừa nhận rằng họ ngại đối mặt tranh luận, chỉ muốn sống và làm việc một cách yên ổn.
Ngoài ra cần lưu ý rằng con số 1.005 người tham gia trả lời đợt điều tra này của GCOMM chưa phải là nhiều, cộng thêm hình thức khảo sát lại là trực tuyến thì độ tin cậy của kết quả điều tra lại càng giới hạn.
PV:- Đúng là kết quả điều tra không minh chứng được cho thực tế, khi từ những việc nhỏ nhất người Việt cũng đã thể hiện sự lười biếng của mình, vứt rác bừa bãi, trồng rau cũng sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng để rau lớn nhanh, có nghĩa không cần làm nhiều, đầu tư thời gian ít mà lại thu được lợi nhuận cao.
Trong khi đó, hơn 30% số lượng công chức hiện nay lại trong tình trạng sáng cắp ô đi, tối cắp ô về. Vậy chúng ta phải hiểu nghịch lý giữa nhận thức của giới trẻ và thực tế này như thế nào? Đó là thực tế mà chúng ta buộc phải thừa nhận đúng không, thưa ông?
GS.TSKH Trần Ngọc Thêm:- Theo tôi, hình như chúng ta đang lẫn lộn từ chuyện nọ sang chuyện kia. Người Việt lười hay chăm là một chuyện; còn việc vứt rác ra đường, sử dụng thuốc tăng trưởng để rau lớn nhanh, 30% công chức sáng cắp ô đi tối cắp ô về lại là những chuyện rất khác, đó không hoàn toàn là những biểu hiện của tính lười.
Chúng ta đang nói về câu chuyện văn hóa, mà văn hóa thì phức tạp, cùng một hiện tượng có thể có nhiều nguyên nhân chồng chéo lên nhau. Đa số người Việt đều vốn từ nông thôn chuyển ra đô thị. Việc hôm qua vứt cái vỏ chuối ra đường làng và hôm nay vứt bao nilon ra đường phố về bản chất không có gì khác nhau, cũng không liên quan gì đến việc chăm hay lười, nhưng do bối cảnh khác nhau nên có hậu quả khác nhau rất xa.
Năng suất cao, lợi nhuận nhiều thì ai chả muốn. Các loại thuốc tăng trưởng, tăng trọng đều là phát minh của người phương Tây cả đấy chứ đâu phải của người Việt Nam? Việc hiện nay người phương Tây đã nhận thức được tác hại của chúng và bắt đầu dừng lại, trong khi người Việt Nam chỉ mới bắt đầu làm quen và ồ ạt lạm dụng thì có nhiều nguyên nhân.
Một bộ phận là do thiếu hiểu biết hoặc hiểu biết không đến nơi đến chốn. Số đông thì do sau khi ra khỏi văn hóa làng xã đã trở nên vô trách nhiệm, “Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”. Phần lỗi quan trọng khác là do quản lý lỏng lẻo, pháp luật không nghiêm.
Theo tôi, cả hai nhận xét ngược nhau rằng người Việt lười nhác và chăm chỉ đều là đúng. Xưa nay đã từng có nhiều người nước ngoài đến Việt Nam nhận xét rằng người Việt rất chăm chỉ; và có một số khác cũng nhiều không kém thì cho rằng người Việt Nam quá lười.
Mỗi nhận xét ấy mới chỉ thấy được một mặt của con người Việt Nam. Bởi vì văn hóa Việt Nam là văn hóa trồng lúa nước, mà trong số các ngành kinh tế nông nghiệp thì trồng lúa nước là nghề mang tính thời vụ cao nhất.
Khi vào vụ thì mật độ công việc rất cao, người nông dân phải làm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”; cực kỳ cần cù, chăm chỉ; dù là cấy hay gặt, chống hạn hay chống úng… đều phải cố gắng làm sao cho trong vài ngày là phải xong. Nhìn thấy người Việt Nam trong tình trạng ấy ắt phải cho rằng người Việt quá chăm.
Thế nhưng, cũng chính nghề trồng lúa nước lại có những khoảng thời gian nhàn rỗi sau khi cấy trước lúc gặt, khi không phải chống lũ chống hạn, giữa thời điểm kết thúc vụ trước với khởi đầu vụ sau. Những lúc này thì người nông dân Việt Nam cực kỳ rỗi rãi, bởi vậy mới có “Tháng giêng là tháng ăn chơi”, mới có những “mùa lễ hội” (mùa xuân và mùa thu). Gặp người Việt Nam trong tình trạng này thì không thể nghĩ là họ chăm chỉ được.
Bởi vậy, câu chuyện người Việt chăm hay lười, phải xem xét trong từng hoàn cảnh cụ thể. Nếu là làm việc cho mình, cần chăm thì họ sẽ rất chăm. Còn nếu là làm cho người khác, lợi ích không rõ ràng thì, với bản tính tư hữu, ích kỷ, họ sẽ “không dại gì” mà chăm chỉ.
Chả thế mà trước đây, khi phải gia nhập hợp tác xã nông nghiệp, với nhận định “Mỗi người làm việc bằng hai/ Để cho quản trị xây nhà xây sân”, người nông dân Việt đã rất “lười”, cố tình đi muộn về sớm. Thế nhưng chỉ cần thay đổi cách quản lý bằng việc chuyển sang khoán hộ, năng suất lao động ở tất cả các địa phương từ Bắc chí Nam đều ngay lập tức tăng lên đột biến.
Ngày nay người Việt đã từ nông thôn đi vào thành phố, nhưng những tính cách và thói quen xưa vẫn còn nguyên. Khi làm việc trong các cơ quan nhà nước, đồng lương trả không tương xứng, quản lý lỏng lẻo thì con số 30% công chức “sáng cắp ô đi tối cắp ô về” có lẽ vẫn còn là thấp so với thực tế. Nhưng cũng vẫn những người Việt Nam ấy, khi vào làm trong các công ty nước ngoài quản lý tốt, trả lương cao thì rõ ràng là họ đã chăm chỉ khác thường.
Thiếu sự công bằng trong các ngành nghề lao động
PV: - Thưa ông, như ông vừa chia sẻ, chúng ta phải nhìn nhận sự tồn tại song song của cần cù và lười biếng. Một thực tế hiện nay đang xảy ra, nông dân vẫn chăm chỉ lao động nhưng hiệu quả lại không cao, đua nhau trồng cao su nhưng khi thu hoạch thì bán không được, giá thành thấp; thu hoạch thanh long thì không xuất khẩu được phải cho bò ăn…chính những điều này dẫn đến sự chán nản, không muốn lao động, bỏ đất, bỏ ruộng.
Có phải nguyên nhân dẫn đến sự lười biếng còn phụ thuộc vào sự tương quan giữa sự chăm chỉ - hiệu quả lao động hay không? Vì sao ạ?
GS.TSKH Trần Ngọc Thêm:- Ở đây có hai chuyện. Thứ nhất là do tính cộng đồng làng xã quá mạnh nên người Việt Nam làm gì cũng theo phong trào, ít chịu đầu tư suy nghĩ để có bản lĩnh hành động độc lập.
Thấy người khác trồng cao su thì mình cũng trồng cao su, thấy người ta trồng thanh long thì mình cũng trồng thanh long, thấy người ta nuôi tôm thì mình cũng nuôi tôm… Lẽ tất yếu là khi mới có ít người làm thì cung ít cầu nhiều tất sẽ thành công; còn khi nhà nhà, người người đều làm thì cung nhiều cầu ít, lại bị trung gian đầu nậu ép giá, tất sẽ thất bại.
Thứ hai là hiện nay nói chung giữa các ngành nghề lao động còn thiếu sự công bằng. Loại lao động giản đơn ai cũng nhìn thấy thì giá trị rất thấp; trong khi đó loại lao động phức tạp hơn một chút, người ngoài nhìn vào không phải ai cũng hiểu, thì thường được đánh giá rất cao.
Tất nhiên là lao động trí tuệ phải được đánh giá cao hơn lao động chân tay; nhưng cái phần trí tuệ ấy, thực ra rất khó biết đánh giá đến đâu là vừa nên dễ sinh ra bất công, xảy ra tình trạng giá trị sản phẩm công nghiệp thường quá cao so với nông nghiệp, hiện nay giá trị sản phẩm công nghệ tin học còn cao hơn tất cả một cách quá mức.
Bên cạnh những khác biệt đương nhiên, có những khác biệt không đương nhiên chút nào. Nó dẫn đến sự bất thường là ngành này bắt chẹt ngành kia, khâu trung gian thường hưởng lợi quá nhiều, còn người lao động trực tiếp thường bị bóc lột nhiều nhất (không chỉ trong nông nghiệp, mà cả trong công nghiệp và thậm chí trong lĩnh vực trí tuệ: sự chênh lệch giữa nhuận bút 10-12% cho tác giả và phần thu 30-50% cho khâu phát hành là một ví dụ điển hình). Đó chính là mối tương quan về công việc và hiệu quả lao động.
Ở Việt Nam chúng ta do tình hình quản lý còn đang lộn xộn cho nên sự bất công còn tăng thêm: từ đổi mới đến nay, xuất hiện lớp người giàu lên cực nhanh do có các mối quan hệ móc ngoặc hoặc nhờ buôn bán BĐS, trong khi người nông dân mất đất khiếu kiện khắp nơi...
Những sự bất bình đẳng đó trong xã hội khiến không ít người nhìn thấy mà chán nản không còn hào hứng để làm việc; họ sẽ chạy theo trào lưu lười nhác, ăn chơi của số đông xung quanh.
PV: - Bên cạnh đó, đúng như ông chia sẻ là lao động trí tuệ được đánh giá rất cao, có thể lương của một lập trình viên công nghệ thông tin lên tới 3000-4000 USD/tháng. Nhưng họ chỉ cần làm 6h/ngày, thay vì phải làm vất vả từ sáng sớm đến tối muộn như người nông dân. Lương cao, làm ít, hiệu quả lại nhìn thấy rõ, như vậy có được coi là lười biếng hay không, thưa ông?
GS.TSKH Trần Ngọc Thêm:- Không thể đánh giá chăm hay lười như thế được. Ai chả muốn có công việc nhàn nhã mà thu nhập cao, nhưng vấn đề là mình có đủ năng lực để làm được những việc như thế hay không? Thành ra mỗi người sẽ chọn lựa công việc trong phạm vi nhu cầu và năng lực của mình sao cho có lợi nhất, đạt được hiệu quả cao nhất.
Bên cạnh đó, phải biết được mức nhu cầu của mình đến đâu là đủ để dừng lại. Tôi khẳng định không có mức nhu cầu chung cho tất cả mọi người và, do vậy, cũng không có mức cần cù chung cho tất cả mọi người. Nếu một người làm trong 6 giờ mà đã xong công việc của cả ngày thì người ấy có quyền chơi, đừng nên quan liêu cào bằng mà bắt người ta cũng phải làm ngày 8 giờ như những người khác.
Một xã hội tốt đẹp là một xã hội hướng tới cuộc sống hạnh phúc chứ không phải là một xã hội lúc nào cũng hùng hục làm. Mà hạnh phúc thì phải có làm việc và có hưởng thụ. Nên khuyến khích làm việc hiệu quả để tăng thời gian chơi, nghỉ. Có không ít người tìm được niềm vui trong công việc, làm mà như chơi; và cũng có không ít người biết chơi có ích, chơi mà vẫn có hiệu quả như làm.
PV:- Nếu vậy thì ông có đồng tính với doanh nhân người Nhật Ito Junichi, CEO công ty World Link Japan Inc trước nhận xét về người lao động Việt Nam có khách quan hay không. Doanh nhân này nhận định khi mới đến Việt Nam 20 năm trước, ông thấy người Việt Nam cũng rất chăm chỉ như người Nhật. Nhưng giờ thì ông không còn cảm thấy điều đó nữa. Giờ ông thấy người Việt Nam thích kiếm tiền nhưng không còn chăm chỉ như 20 năm trước.
Theo nhìn nhận đánh giá của ông, điều gì tác động dẫn tới sự thay đổi trong nhận thức này. Có thể nhìn nhận bệnh lười của người Việt đang có xu hướng phát triển lên hay không?
GS.TSKH Trần Ngọc Thêm:- Có lẽ là vị doanh nhân người Nhật này đã quan sát người Việt Nam ở hai giai đoạn khác nhau, trong hai bối cảnh hoàn toàn khác nhau nên mới có nhận xét phiến diện như vậy.
Tôi nghĩ người Việt không giống người Nhật, mà khác rất nhiều, khó có thể nói một cách đơn giản rằng người Việt chăm chỉ ngang bằng hay thua kém người Nhật, bởi đơn giản là bối cảnh sống hoàn toàn khác nhau. Nhật Bản là đất nước rất nghèo tài nguyên, lại hay có thiên tai núi lửa, động đất, sóng thần.
Từng có người phê phán rằng do SGK của VN dạy rằng nước ta “rừng vàng, biển bạc, đất phì nhiêu” cho nên người Việt sinh ra lười, còn bên Nhật thì dạy học sinh rằng nước Nhật nghèo nên người Nhật rất chăm. Tôi thấy đổ lỗi như vậy là không đúng, vì SGK phải trung thực, nghèo thì nói là nghèo, giàu thì phải nói là giàu chứ. Còn ứng xử với cái giàu, cái nghèo như thế nào là chuyện của văn hóa, của quản lý, của con người. Giàu thật mà không biết quản lý, không biết giữ, tàn phá hết thì trở nên nghèo là phải.
Phải biết thế nào là đủ
PV: - Theo ông, so với trước đây người Việt có những thay đổi gì, thể hiện qua những mặt nào?
GS.TSKH Trần Ngọc Thêm:- Người Việt thời bao cấp làm việc không có động cơ nên lười. Khi đất nước đổi mới, chuyển sang kinh tế thị trường, từ chỗ cực nghèo, tất cả người Việt đều đã phấn đấu mạnh mẽ, chăm chỉ hết mức để làm giàu, để có cuộc sống bằng chị bằng em. Vị doanh nhân người Nhật nói trên đến Việt Nam lần thứ nhất cách đây 20 năm có lẽ chính là vào giai đoạn này nên đã thấy người Việt Nam “chăm chỉ như người Nhật”.
Nhưng người nông nghiệp Việt Nam có tâm lý vừa phải; tâm lý “cầu sung vừa đủ xài” của người Nam Bộ cũng rất đúng với mọi người Việt Nam. Một khi đã thấy mình bằng chị bằng em rồi, thấy mình đứng ở vị trí “Trông lên thì chẳng bằng ai, trông xuống thì chẳng ai bằng” rồi thì người Việt sẽ bớt tích cực đi. Đó chính là giai đoạn những năm sau 2000, đời sống bắt đầu khá lên, và do vậy tốc độ làm việc của nhiều người có phần chững lại.
Tôi thấy tâm lý này không phải là xấu. Việc khuyến khích làm giàu bằng mọi giá, làm giàu không có điểm dừng của xã hội tư bản không phải là tốt. Xã hội tư bản khuyến khích gia tăng số lượng sản phẩm lên vô độ, không bán được thì kích thích thị trường phải mua (kích cầu), tìm cách dụ dỗ người tiêu dùng, miễn sao bán được hàng. Một nền kinh tế phát triển theo hướng ấy theo tôi là cực kỳ sai lầm, nó sẽ tàn phá hết tài nguyên.
PV: - Đúng như ông vừa chia sẻ, chúng ta đang trông chờ vào một nền kinh tế phụ thuộc vào khai thác tài nguyên có sẵn đem bán, thế nhưng nguồn tài nguyên cũng đang dần cạn kiệt, phải đi nhập khẩu ngược lại tiêu biểu như điện, xăng dầu, điều này sẽ dẫn tới hệ quả nào, thưa ông? Ai hay đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm cho tình trạng này, thưa ông?
GS.TSKH Trần Ngọc Thêm:- Chuyện ta đang khai thác quá mức tài nguyên, khiến tài nguyên bị cạn kiệt, phải đi nhập khẩu ngược lại là câu chuyện không lệ thuộc vào người dân. Chuyện cần cù hay lười nhác thì là chuyện của mỗi người, còn chuyện khai thác tài nguyên như thế nào là chuyện của khâu quản lý.
Trên thế giới hiện nay có rất nhiều nước, đặc biệt là các nước phát triển, có chính sách rất rõ ràng, họ không khai thác tài nguyên dưới lòng đất của mình, họ cho “đóng băng” lại để dành cho con cháu; họ tranh thủ đi khai thác tài nguyên của các nước khác (thường là nước đang phát triển như VN) để sản xuất.
Lại càng không có chuyện họ khai thác và bán tài nguyên thô, bao giờ cũng chế biến đạt giá trị cao mới bán. Đất nước ta từ khi đổi mới đến nay cũng đã khai thác các loại tài nguyên như dầu, than… phần nhiều đều để bán dưới hình thức tài nguyên thô. Đó là tầm nhìn tiểu nông, thấy cái lợi trước mắt nhưng đã vô tình bóc lột con cháu.
Chúng ta hướng đến cuộc sống hạnh phúc, mà để có hạnh phúc thì phải chăm chỉ và cần giàu, nhưng không phải là giàu vô hạn và giàu bằng bất cứ giá nào. Giàu là cần, chăm là cần nhưng quan trọng hơn phải biết thế nào là đủ.
Lời dạy của kinh Phật “thiểu dục tri túc” (bớt tham biết đủ) và câu thơ rất chí lý của Nguyễn Công Trứ “Tri túc tiện túc, đãi túc hà thời túc; Tri nhàn tiện nhàn, đãi nhàn hà thời nhàn?” (Biết đủ là đủ, đợi cho đủ thì bao giờ mới đủ. Biết nhàn là nhàn, đợi cho nhàn thì bao giờ mới nhàn?) không chỉ đúng cho thời xưa mà sẽ mãi cần cho chúng ta và con cháu muôn đời sau.
- Xin cảm ơn những chia sẻ của GS với Đất Việt!
Thanh Huyền