1. Trải qua 15 năm thực hiện Nghị quyết TW5 (khóa VIII), chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhưng cũng bộc lộ không ít khiếm khuyết, kể cả về lý luận.
Dễ nhận thấy ngay nếu nhìn từ bên ngoài, khái niệm “văn hóa” có thể gặp trong nhiều kết hợp khác nhau: “kinh tế - văn hóa”, “kinh tế - văn hóa - xã hội”, “kinh tế - văn hóa - chính trị”, “kinh tế - văn hóa - giáo dục, khoa học - an ninh quốc phòng”, v.v.
Còn từ bên trong (qua các văn bản) thì thực trạng văn hóa nước ta thường được đánh giá theo 5 thành tố: Tư tưởng, đạo đức và lối sống; Giáo dục, khoa học; Văn học, nghệ thuật; Thông tin đại chúng; Giao lưu văn hóa với nước ngoài; Thể chế văn hóa; Thiết chế văn hóa. Năm thành tố này cũng chưa có một tiêu chí phân loại thống nhất. Trong khi đó văn hóa theo nghĩa rộng tuy liên quan đến tất cả mọi thứ do con người sáng tạo ra trong lịch sử, nhưng không đơn thuần là một phép cộng cơ giới của nhiều lĩnh vực khác xa nhau về tầm quan trọng, quy mô và mức độ khái quát - cụ thể.
Bởi vậy mà với mức độ đô thị hóa, công nghiệp hóa và hội nhập ngày càng mạnh mẽ, nhiều lúc chúng ta thấy đã có hiện tượng quá tải trong việc quản lý các cơ sở dịch vụ văn hóa; việc phục hồi và phát huy các di sản văn hóa truyền thống (lễ hội, đình chùa, miếu mạo…); đối phó với các hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tâm linh, ngoại cảm để trục lợi; đối phó với việc du nhập thiếu chọn lọc các sản phẩm văn hóa, truyền thông nước ngoài không phù hợp, v.v.
Trong khi đó việc quan trọng hơn rất nhiều là xây dựng con người thì hầu như bị buông lỏng, điều này không hẳn là do chúng ta không thấy tầm quan trọng của công việc xây dựng con người mà có lẽ vì nó không thuộc hẳn công việc của một bộ hoặc ban, ngành nào. Rõ ràng đấy là một trong những lý do dẫn đến sự xuống cấp về tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận xã hội. Lối sống ích kỷ; hiện tượng càn quấy, coi thường luật pháp, làm mất an toàn xã hội; nạn bạo hành trong gia đình, trường học, trên sân cỏ; cách ứng xử thiếu văn hóa nơi công cộng; căn bệnh “vô cảm” đang ngày càng lan rộng...
Đánh giá tổng thể, Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2013 và kết quả 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2011-2015 trình bày tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII ngày 21.10.2013 đã nhận định: “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc chưa đạt yêu cầu; tác động của mặt trái cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế chưa được ngăn chặn có hiệu quả; nhiều biểu hiện xấu về đạo đức, lối sống gây bức xúc trong xã hội”. Nghị quyết 33-NQ/TW của Hội nghị TW9 (khóa XI) thì đánh giá rằng: “So với những thành tựu trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thành tựu trong lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng; chưa đủ để tác động có hiệu quả xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội có chiều hướng gia tăng”.
2. Theo tôi sở dĩ có tình trạng đó là vì chúng ta chưa thấy hết được những mối quan hệ phức tạp trong bộ ba “chính trị”, “kinh tế” và“văn hóa”.
Quan hệ giữa kinh tế và văn hóa thực tế là một quan hệ biện chứng hai chiều, không chỉ kinh tế quyết định văn hóa, mà ngược lại, đến lượt mình, văn hóa cũng định hướng và chi phối kinh tế. Chính là trên thực tế, văn hóa từ lâu đã luôn đóng vai trò nền tảng tinh thần và chi phối không chỉ kinh tế mà toàn xã hội. Xưa, văn hóa trọng tình cảm, thơ ca, thì con người hài lòng với một nền kinh tế ổn định, đủ ăn; nay, văn hóa trọng sự giàu có, trọng đồng tiền – chính sự thay đổi giá trị ấy đã tạo nền cho kinh tế bứt phá để phát triển. Thế nhưng, do sự sát sườn của “cơm áo gạo tiền” mà trong ý thức của đại bộ phận, kinh tế thường được coi trọng hơn văn hóa. Nói khác đi, chính là thực tiễn và nhận thức không tương xứng với nhau.
Trong 23 văn kiện cơ bản tính từ Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH năm 1991 đến nay, trong khi từ “văn hóa” được sử dụng 463 lượt, chiếm 28%, thì từ “kinh tế” được sử dụng tới 1.171 lượt, chiếm 72%, nhiều hơn “văn hóa” gấp trên 2,5 lần.
GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm (ĐHQG TP.HCM; Ủy viên HĐ Lý luận T.Ư)
Quan hệ giữa chính trị với kinh tế và văn hóa cũng có tình trạng như vậy. Trong nhận thức, một mặt do áp lực những hệ quả phức tạp của việc mở cửa và tiếp nhận kinh tế thị trường những năm 1986-1996 và mặt khác, do tác động của những hồi chuông do Liên Hiệp Quốc gióng lên trong cùng thời gian này về vai trò của văn hóa nên Đảng ta đã nhận thức được tầm quan trọng của văn hóa để đưa ra một chủ trương đúng đắn là kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa và từ đó là sự ra đời của Nghị quyết TW5 (khóa VIII).
Tuy nhiên, do một mặt, kinh tế thì sát sườn, còn văn hóa thì có vẻ xa xôi; mặt khác, kinh tế thì cụ thể rõ ràng còn văn hóa thì vừa rộng vừa trừu tượng, cho nên, trên thực tế chúng ta vẫn chỉ chú trọng đến phát triển kinh tế. Trong 23 văn kiện cơ bản tính từ Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH năm 1991 đến nay, trong khi từ “văn hóa” được sử dụng 463 lượt, chiếm 28%, thì từ“kinh tế” được sử dụng tới 1.171 lượt, chiếm 72%, nhiều hơn “văn hóa” gấp trên 2,5 lần.
Cũng cần phải nói thêm rằng thế giới đã hình thành một quan niệm được UNESCO và các quốc gia thừa nhận rộng rãi về bốn trụ cột của phát triển bền vững gồm kinh tế, môi trường, chính trị (hoặc xã hội) và văn hóa. Đối với vấn đề đang được bàn tại Diễn đàn này, theo nhiều đánh giá thì do chúng ta chưa chú ý đúng mức đến văn hóa - con người mà tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội có chiều hướng gia tăng, lan rộng.
Tôi đồng ý với ý kiến cho rằng trong tình trạng của nước ta, có thể nói cái gốc của mọi vấn đề nằm ở thành tố văn hóa - con người. Những yếu kém về kinh tế không chỉ do thiếu vốn mà còn do con người. Tương tự, những bất cập về môi trường cũng không chỉ do thiếu tài nguyên mà cũng còn do con người. Sự “chưa đạt yêu cầu” trong phẩm chất, tính cách của người Việt Nam hiện nay là hệ quả sự kết hợp từ những thói hư tật xấu có nguồn gốc từ trong quá khứ của một nền văn hóa tiểu nông khép kín trong làng xã với những mặt trái của chủ nghĩa tư bản, kinh tế thị trường (như chủ nghĩa thực dụng). Chúng có đất phát triển là do luật pháp chưa nghiêm, buông lỏng trong quản lý, năng lực tổ chức còn hạn chế.
3. Để khắc phục tình trạng này, theo tôi việc tổ chức thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Hội nghị TW9 (khóa XI) không nên làm theo cách cũ, nghĩa là chỉ như một phép cộng đơn thuần những nỗ lực của các Bộ, ngành với Bộ VHTTDL làm đầu mối; thành tích cũng sẽ chỉ tính bằng các con số thống kê đơn thuần... Việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo tôi chỉ có thể thực hiện được với ít nhất ba điều kiện: Thứ nhất là xác định đúng vai trò của văn hóa - con người trong hệ thống các trụ cột của phát triển bền vững. Thứ hai là xác định được một hệ giá trị Việt Nam hợp lý cho hiện tại và tương lai mà Nghị quyết 33 đã đặt ra là “Hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam, tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật”. Thứ ba là việc đưa hệ giá trị đó vào cuộc sống phải do một tổ chức “siêu bộ” (hiểu theo nghĩa là phải có một cơ quan quyền lực cao nhất chủ trì thực hiện; bởi lẽ chỉ có một tổ chức đủ mạnh, có quyết tâm cao mới có thể khắc phục được những yếu kém như luật pháp chưa nghiêm, quản lý bị buông lỏng, năng lực tổ chức chưa theo kịp với sự phát triển của hiện thực... ở những lĩnh vực có liên quan đến việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người. Mặt khác cũng phải là một tổ chức như thế mới có thể tạo ra môi trường mới lành mạnh cho những phẩm chất tinh hoa của truyền thống có điều kiện phát huy; những phẩm chất, giá trị mới tiến bộ có điều kiện hình thành và phát triển).
Chỉ khi đó, văn hóa sẽ không chỉ trở thành nền tảng tinh thần của cộng đồng dân tộc, mục tiêu và động lực của sự phát triển mà hơn thế nữa, cùng với chính trị, kinh tế, xã hội (môi trường), nó sẽ còn là cơ sở cho sự phát triển bền vững của đất nước.