Phóng viên VieTimes đã trò chuyện với Giáo sư, Viện sĩ, Tiến sĩ Khoa học Trần Ngọc Thêm, Trưởng bộ môn Văn hóa học - Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân Văn, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, về những giá trị cơ bản của văn hóa Việt sẽ bừng nở trong thế giới hiện đại (bài đăng trên VieTimes 11-10-2007).
Mỗi dân tộc có một nền văn hóa riêng và những dân tộc càng cách xa thế giới ồn ào thì càng sở hữu nhiều giá trị đặc sắc. Những nền văn hóá bước vào hội nhập trước thì chịu nhiều ảnh hưởng của các nền văn hóa ngoại lai hơn nên chúng cũng mất đi nhiều nét đặc thù hơn. Thời gian hội nhập của Việt Nam chưa nhiều, hơn thế nữa, chúng ta còn có một lịch sử lâu đời nên văn hóa Việt Nam còn mang trong mình rất nhiều điều độc đáo.
Cội nguồn và bản sắc văn hóa Việt
Nếu phân chia theo tính chất của nền kinh tế, thì các nền văn hóá trên thế giới có thể chia thành: văn hóa du mục, văn hóa nông nghiệp, văn hóa công nghiệp... Văn hóa nông nghiệp đến lượt mình lại chia thành nông nghiệp khô và nông nghiệp nước. Việt Nam là dân tộc có truyền thống văn hóa nông nghiệp trồng lúa nước điển hình.
Khu vực ứng với loại hình văn hóa này rất hẹp, gốc của nó là vùng Đông Nam Á, sau đó mở rộng lên Đông Bắc Á. Do đặc điểm nổi bật của nông nghiệp trồng lúa nước là mỗi giai đoạn phát triển của cây lúa đòi hỏi những mức nước khác nhau cho nên loại nông nghiệp này có tính thời vụ rất cao. Bởi vậy mà cần rất nhiều sức người. Đi kèm với nó là cách tổ chức xã hội, quan hệ giữa con người với con người phải tạo nên sự gắn bó tự nguyện ở mức độ cao.
Điều này khiến cho nông nghiệp lúa nước khác hẳn với các loại hình văn hóa trồng trọt khác và các loại hình văn hóa chăn nuôi mà phần đông sau này đã chuyển hóá thành văn hóa công nghiệp. Nếu như văn hóa phương Tây với gốc là văn hóa du mục nên có tính cá nhân mạnh, tính cạnh tranh cao, thì văn hóa phương Đông với gốc là văn hóa nông nghiệp nên có tính cộng đồng mạnh, tính nhường nhịn cao. Ngay cả trong phương Đông thì Đông Bắc Á là khu vực văn hóa trồng kê mạch, tính gắn bó không cao bằng văn hóa lúa nước của chúng ta.
Trong văn hóa lúa nước với nhu cầu cao về tính thời vụ, trong một thời gian ngắn, một nhà, một họ làm không kịp nên đã hình thành nên tập quán cả làng tự nguyện giúp nhau và tạo thành cơ chế LÀNG-NƯỚC. Cộng đồng của Việt Nam là cộng đồng từ làng mở rộng ra thành nước. Sự gắn bó của Đông Bắc Á là trong phạm vi gia đình. Cộng đồng của người Trung Quốc là từ NHÀ mở rộng ra thành NƯỚC, tạo thành cơ chế NHÀ-NƯỚC (= Quốc gia).
Trong làng, mọi người phải tôn trọng và bình đẳng với nhau nên cộng đồng người Việt Nam là cộng đồng dựa trên tình cảm. Trong nhà thì quan hệ tôn ti trên dưới rất rõ ràng nên cộng đồng của người Hoa là cộng đồng dựa trên ý chí. Người phương Tây thì duy lý, người Trung Hoa thì duy ý chí, còn người Việt thì trọng tình.
Văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể Việt Nam
Do là một cộng đồng dựa trên tình cảm, tinh thần tôn giáo lại không cao, nên người Việt Nam không có những công trình kiến trúc đồ sộ như Vạn Lý Trường Thành, Ăng-co hay Kim Tự Tháp… (những công trình loại này đòi hỏi một tinh thần tôn giáo cao hoặc một bộ máy quản lý quân phiệt để có thể huy động được một nguồn nhân lực lớn).
Trải qua nghìn năm Bắc thuộc, rồi nhiều cuộc xâm lăng, nhiều công trình văn hóa lịch sử của Việt Nam lại bị tàn phá nặng nề. Vậy mà trong quá trình phát triển, Việt Nam đã có nhiều thời kỳ đạt đến thịnh trị cả về kinh tế lẫn văn hóa (như thời Văn Lang, Lý - Trần, Lê...), đã để lại những sản phẩm và địa danh văn hóa rất đáng tự hào như: Trống đồng Đông Sơn, Thánh địa Mỹ Sơn, quần thể di tích cố đô Huế, Hoàng thành Thăng Long, đô thị cổ Hội An…
Người Việt có khả năng thâu hóa và sáng tạo rất tài, đã tạo ra không ít những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể được nhiều người trên thế giới biết đến.
Về văn hóa ẩm thực, chúng ta có Phở được coi là món ăn quốc hồn quốc túy. Phở Việt Nam đã nổi tiếng ở rất nhiều quốc gia trên thế giới. Hễ ở đâu có cộng đồng người Việt làm ăn và sinh sống thì ở đó có Phở. Khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam ai cũng rất thích thú với món ăn này. Gần đây, “Phở” được đưa vào từ điển Oxford – một trong những từ điển được phổ biến rộng rãi nhất trên toàn thế giới. Điều này cho thấy Phở Việt Nam đã chứng tỏ được sức sống, sức hấp dẫn của mình.
Bên cạnh Phở là món ăn đã trở thành một thương hiệu của văn hóa ẩm thực Việt Nam, chúng ta còn có rất nhiều món ăn đặc sắc khác. Việt Nam là một quốc gia trải dài từ Bắc vào Nam với nhiều loại địa hình khác nhau, tạo thành nhiều vùng văn hóa với những nét đặc trưng rất độc đáo và riêng biệt. Ở mỗi vùng, người dân có những món ăn phù hợp với khí hậu, được chế biến từ những đặc sản rất riêng của mỗi vùng. Đây là một thế mạnh để Việt Nam có thể khai thác nhằm quảng bá cho văn hóa và du lịch Việt khi chúng ta tham gia nhiều hơn vào hội nhập trong thời gian tới.
Về trang phục, chúng ta có những loại trang phục truyền thống rất lâu đời như áo the, khăn xếp dành cho nam giới ở Bắc Bộ, áo tứ thân cho phụ nữ Bắc Bộ và áo bà ba cho phụ nữ Nam Bộ. Tuy nhiên, trang phục được coi là biểu tượng của văn hóa Việt Nam chính là chiếc áo dài phụ nữ tân thời. Mặc dù mới xuất hiện vào đầu thế kỷ XX, nhưng tà áo dài đã kết hợp được một cách cực kỳ khéo léo cái kín đáo e ấp của y phục truyền thống với việc tôn những đường nét duyên dáng và vóc dáng của người phụ nữ Việt Nam, khiến cho nó nhanh chóng trở thành biểu tượng của văn hóa Việt Nam.
Một trang phục không thể thiếu thường gắn với áo dài là chiếc nón lá – một trang phục đội đầu độc đáo của Việt Nam mà không quốc gia nào trên thế giới có được. Chiếc nón lá cũng là một trong những trang phục do người Việt sáng tạo ra từ những vật liệu thiên nhiên như lá cọ, tre nứa... để đối phó với thiên nhiên khắc nghiệt nắng lắm mưa nhiều của vùng nhiệt đới. Những sản phẩm văn hóa mặc như áo dài, nón lá luôn là những hình ảnh quảng bá cho du lịch Việt Nam một cách xuất sắc. Người nước ngoài khi nhắc đến Việt Nam thường nghĩ ngay đến hình ảnh nón lá, áo dài. Du khách nước ngoài đến Việt Nam thường mang về làm quà một bộ áo dài, nón lá.
Ngoài ra, Việt Nam còn có những sản phẩm văn hóa đời sống tinh thần rất phong phú và đa dạng khác ở khắp các vùng miền: Đó là các làn điệu dân ca đặc trưng của các miền như: hát quan họ, hát xoan, hát chầu văn, ca trù và hát chèo ở miền Bắc; hát ví dặm, hát bài chòi, hò Huế ở miền Trung; ca vọng cổ, hát bội, hát cải lương ở Nam Bộ… Chính đời sống tinh thần vô cùng phong phú này cũng đã tạo ra vô số những lễ hội văn hóa dân gian đặc sắc của rất nhiều vùng miền mà chúng ta có thể phát huy trong quá trình quảng bá thương hiệu Việt.
Phát huy sức mạnh văn hóa tinh thần Đại Việt trong thời hội nhập
Bước vào thời kỳ hội nhập, văn hóa cộng đồng làng xã cao có những thế mạnh rất đặc trưng: Đó là tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau khi khó khăn hoạn nạn hay khi gặp tai ương. Trong thời kỳ chống giặc ngoại xâm, đặc điểm văn hóa trọng tình này đã phát huy rất mạnh. Nó không những giúp chúng ta chiến thắng kẻ thù mà còn bảo vệ được những giá trị văn hóa truyền thống của người Việt.
Trải qua hàng nghìn năm Bắc thuộc và rất nhiều cuộc xâm lăng của các triều đại phong kiến Trung Quốc, người phương Bắc đã áp dụng hàng loạt chính sách đồng hóa nhằm tiêu diệt văn hóa Việt và thay vào đó là văn hóa của họ. Chữ Hán từng trở thành ngôn ngữ hành chính ở Việt Nam, nhưng người Việt chưa bao giờ để mất đi tiếng nói của mình.
Ngay một trí thức Tây học như Phạm Quỳnh cũng đã từng viết: “Tiếng ta còn là nước ta còn”. Chính tinh thần gìn giữ văn hóa và chống lại sự xâm lăng văn hóa trong tính cách đoàn kết, tính cộng đồng của người Việt đã giúp cho văn hóa Việt Nam tồn tại và để lại những giá trị như chúng ta đang có hiện nay mặc dù đã trải qua rất nhiều cuộc xâm lược của các quốc gia lớn khác.
Tuy nhiên, văn hóa làng xã cũng chính là điểm hạn chế khi chúng ta tham gia vào hội nhập toàn cầu. Tính tự cấp tự túc của văn hóa làng xã sinh ra lối làm việc không chuyên nghiệp. Tinh thần dân chủ làng xã dẫn đến tình trạng tự do vô kỷ luật, trên bảo dưới không nghe. Truyền thống trọng tình khiến người Việt chỉ quen ứng xử theo tình cảm mà không quen ra lệnh và chấp hành mệnh lệnh, hay nể nang nhau. Tư duy tiểu nông dẫn đến tầm nhìn hạn hẹp, việc gì cũng “nước đến chân mới nhảy”...
Đây là những đặc điểm đã từng phát huy thế mạnh trong khuôn khổ văn hoá làng xã, nhưng nay trở thành gánh nặng, thành sức cản rất lớn khi chúng ta tham gia vào môi trường kinh tế toàn cầu – môi trường sản xuất yêu cầu tính chuyên nghiệp hóa sâu, tính kế hoạch hóa dài, tính kỷ luật cao.
Trong thời kỳ hội nhập, cùng với việc phát triển kinh tế, chúng ta phải đối mặt với nguy cơ rất lớn: Đó là sự “xâm lăng” của văn hóa phương Tây. Nếu như trước đây, văn hóa phương Tây vào Việt Nam bằng con đường xâm lược lãnh thổ, thì hiện nay, nó thâm nhập vào bằng con đường kinh tế.
Những giá trị văn hóa truyền thống cả về vật chất lẫn tinh thần đều có nguy cơ bị văn hóa phương Tây thay thế và lấn át. Chè chén đã và đang bị thay bằng trà đá, trà Lipton. Nước vối, nước chanh tươi, nước cam vắt bị thay bằng Coca-cola, Seven up. Quần lụa, áo dài bị thay bằng complet, mini jupe.
Tính cộng đồng có nguy cơ bị chủ nghĩa cá nhân lấn át. Những tình người tốt đẹp có nguy cơ bị đồng tiền đẩy lùi... Chúng ta không thể phủ nhận những điểm mạnh, tiến bộ của văn hóa phương Tây, tuy nhiên trong đó có không ít những giá trị không phù hợp với điều kiện tự nhiên và khí hậu Việt Nam, không phù hợp với đặc điểm tâm lý và tính cách của người Việt Nam.
Muốn chống lại nguy cơ đó, không có cách nào hơn là phải tăng cường bản sắc văn hóa Việt đi đôi với phát triển kinh tế, biến văn hóa thành thế mạnh để thu về lợi nhuận, một mặt vừa giáo dục văn hóa truyền thống, mặt khác có thể mang văn hóá của mình “khoe” với thế giới.
Để làm được điều đó, từ Nhà nước đến người dân phải thay đổi lối tư duy, thay đổi lối làm việc, thay đổi cách thức quản lý. Phải kiên quyết loại bỏ “chất nông dân”, “tâm lý tiểu nông” đang bàng bạc hiện hữu khắp mọi nơi.
Bên cạnh phát triển kinh tế, Nhà nước cần phải có những biện pháp cụ thể và hữu hiệu hơn nữa để đưa Nghị quyết Trung ương V về “Xây dựng một nên văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” vào cuộc sống, đề cao các giá trị văn hóa tinh thần để làm đối trọng với khuynh hướng “vật chất” đang ngày càng lấn át, khai thác thế mạnh văn hóa để làm kinh tế, phát triển kinh tế phải đi đôi với phát triển văn hóa một cách cân xứng và bền vững.
Nền văn hóa Việt Nam là một nền văn hóa có nguồn gốc rất lâu đời. Đây là một đặc điểm và cũng là một thế mạnh mà rất ít quốc gia trên thế giới có được. Chính vì thế, nếu làm tốt, chúng ta hoàn toàn có thể giữ gìn và phát triển những giá trị văn hóa truyền thống đi đôi với phát triển kinh tế và thậm chí hướng tới “phủ sóng” văn hóa Việt tới các quốc gia khác – điều mà một số nền văn hóa Á châu như Nhật Bản và Hàn Quốc đã từng làm được.
Nhóm phóng viên VieTimes (ghi)
Nguồn: www.vietimes.com.vn