Thời Lê sơ đã có tiền "dưỡng liêm”
Sáng kiến này của Đà Nẵng thực ra đã được thực hiện từ thời Lê sơ. Từ năm 1498 đến thời Nguyễn, nhà nước đều có cấp thêm một khoản tiền ngoài lương bổng gọi là “tiền dưỡng liêm” để nuôi lòng liêm khiết của quan lại. Vào thời Hồng Đức, có hình thức "Liêm lộc điền" là ruộng dưỡng liêm mà vua cấp để các quan tự cày cấy cho đủ ăn, khỏi sách nhiễu dân.
Nay Đà Nẵng có điều kiện và sáng kiến khôi phục lại việc “dưỡng liêm” này là rất đáng hoan nghênh. Nhưng theo tôi không nên dùng lại khái niệm “tiền dưỡng liêm”. Bởi vì nếu là dưỡng liêm thì có nghĩa là tiền cho thêm – vẫn là sự lúng túng trong cơ chế “xin-cho”.
Thực tế phải thẳng thắn nhìn nhận rằng đã từ rất lâu, hệ thống tiền lương của chúng ta là vô cùng phi lý, nó không tương xứng với công sức bỏ ra. Nhà nước cũng đã trả thêm nhiều khoản phụ cấp cho các ngành, nhưng chỉ là muối bỏ bể. Vì vậy càng ngày càng có nhiều người tài giỏi bỏ Nhà nước ra làm ngoài.
Tiêu cực… vì không đủ sống
Ông bà ta có những câu như: Chó cùng dứt giậu, Bần cùng sinh đạo tặc, những câu nói ấy chẳng hề sai chút nào. Mục đích của người đi làm là để kiếm tiền và ai cũng mong muốn nhận được khoản tiền xứng đáng với công sức mình bỏ ra. Đã xứng đáng rồi, có một việc làm đủ nuôi sống gia đình rồi thì người ta sẽ không bao giờ làm bậy cả.
Ở các nước khác, khi đã tìm được một chỗ làm tốt với đồng lương được trả đủ để nuôi sống bản thân và gia đình, thì người ta luôn phải cố gắng để giữ chỗ làm và không bị mất việc.
Thực tế nước ta có nhiều tiêu cực trong tất cả các ngành nghề chính là vì đồng lương nhận được không xứng đáng. Khi thiếu thốn, người ta sẽ phải tìm cách làm thêm, kiếm thêm để đảm bảo cuộc sống và việc sa ngã trước các khoản hối lộ, đút lót… là rất dễ. Cộng thêm là tình trạng lạm phát, giá tăng, xăng tăng, cái gì cũng tăng, chỉ trừ lương. Cho nên không chỉ là sa ngã mà còn là việc lợi dụng chức quyền, địa vị để hạch sách, vòi tiền dân chúng dẫn đến nạn chạy chức chạy quyền, mua quan bán tước hoành hành ở khắp mọi nơi.
Từ đó thấy rằng nâng cao mức thu nhập, cải thiện tiền lương cho người lao động chính là việc mà nhà nước cần làm cho tất cả mọi công chức chứ không chỉ riêng một tỉnh nào làm.
Muốn con người không sống dối trá, xã hội không tiêu cực nữa thì phải trả công lao động về đúng giá trị thật của nó. Người ta làm bao nhiêu thì người ta phải được hưởng bấy nhiêu. Đó không phải là khoản cho tiền thêm hay “dưỡng liêm” mà là phần tiền mà người lao động xứng đáng được hưởng mà hiện tại chưa được hưởng.
Lâu nay người lao động chỉ mong được như thế thôi.
Không thể cứ đứng nhìn và cùng nhau tiêu cực
Nói như vậy, tức là tôi đã hoàn toàn đồng tình với quan điểm cho rằng “Việc "dưỡng liêm" bằng cách trợ cấp 5 triệu đồng mỗi tháng cho CSGT không phải là giải pháp lâu dài”. Mà giải pháp lâu dài chính là phải cách mạng hệ thống tiền lương.
Nhưng tôi không đồng tình với ý kiến của GS.TS Bùi Văn Nhơn rằng: Khi thực hiện như thế thì những công chức khác trong ngành Hải quan, Y tế, Giáo dục… nhìn sang tiền “dưỡng liêm” của anh cảnh sát rồi bảo nhau: “Ơ, họ có tiền dưỡng liêm thì họ mới phải thế. Mình không có, tội gì…”[1].
Trong khi nhà nước chưa đứng ra thực hiện giải pháp lâu dài, chúng ta không thể cứ đứng nhìn và cùng nhau tiêu cực. Cần có những cú đột phá.
Đầu những năm 1980, nếu không có TP.HCM “xé rào” thì lấy đâu ra đổi mới hôm nay? Tôi hoàn toàn đồng tình với nhận định “Nếu cứ mạnh anh nào anh nấy làm thì sẽ rất khó”. Do vậy, theo tôi muốn thực sự có hiệu quả thì việc làm của Đà Nẵng phải trở thành một tấm gương “xã hội hóa” việc trả lương, kéo theo các địa phương khác, các ngành khác trong cả nước cùng thực hiện như vậy.
Đà Nẵng đã làm rất đúng là kèm theo phụ cấp thêm thì phải có những quy định, xử lý mạnh tay những cán bộ, công chức có hành vi nhận hối lộ, đút lót, hay không làm hết chức trách, phận sự của mình. Khi anh được trả lương đúng, đủ rồi anh không làm hoặc làm sai thì anh sẽ mất việc. Quy định cần cứng rắn, rõ ràng để những người xứng đáng được nhận phải được nhận và tránh những đối tượng đi làm như đi chơi, đục nước béo cò.
Tất nhiên chỗ này được như thế, chỗ kia không được thì nó sẽ tạo ra sự không công bằng. Nhưng chính vì không công bằng thì mới có những tranh cãi, suy nghĩ cho những ngành nghề, địa phương khác và từ đó có thấy việc đúng thì sẽ cố làm theo. Nếu không làm mà cứ ngồi đợi thì sẽ chẳng bao giờ làm được.
Không làm được đồng loạt thì ta nên cải cách dần dần.
Huyền Thu (ghi)