Các ngày LỄ TẾT được phân bố đều theo thời gian trong năm, chúng đan xen vào các khoảng trống trong lịch thời vụ. Chữ "tết" là biến âm từ chữ "tiết" (thời tiết) mà ra. Tết gồm hai phần: cúng ông bà tổ tiên (lễ) và ăn uống bù cho những ngày làm lụng đầu tắt mặt tối (tết). Tết là phải ăn, ta vẫn nói "ăn Tết".
Trong năm, quan trọng nhất là tết đầu năm, xưa người Việt Nam gọi là Tết Caû (cả = lớn) để phân biệt với các tết nhỏ còn lại; thời giao lưu với Trung Hoa nó được gọi theo âm Hán-Việt là tết Nguyên Đán (nguyên = bắt đầu, đán = buổi sáng; nguyên đán = buổi sáng đầu năm), đến thời giao lưu với phương Tây, nó được gọi là Tết Ta để phân biệt với "Tết Tây" (đầu năm theo lịch dương). Thời cổ, năm mới của phương Nam bắt đầu từ tháng Tý, tức tháng Một (= 11) bây giờ, về sau ta chịu ảnh hưởng của Trung Hoa, mới lấy tháng Dần (tháng Giêng) làm tháng đầu năm. Tuy chịu ảnh hưởng của Trung Hoa trong việc xác định mốc đầu năm, Tết Ta vẫn mang trọn vẹn đặc trưng văn hóa truyền thống của người Việt Nam.
Có thể nói, đặc trưng văn hóa điển hình nhất của Tết Cả Việt Nam là nếp sống cộng đồng: Từ ngày 23 tháng Chạp (ngày ông Táo lên Trời), người dân nô nức rủ nhau đi chợ Tết có người đi chợ để sắm Tết, có người đi cốt để chơi chợ Tết (ở chợ Tết miền núi, vợ chồng con cái đưa nhau đi chợ vui chơi suốt ngày). Chợ Tết mở trước Tết, nhưng nhiều nơi mở cả sau Tết, vào mồng 3, mồng 4 Tết; cá biệt, có nơi mở cả từ sáng mồng Một. Chợ Tết là thước đo sự ấm no của cả cộng đồng trong năm.
Sau khi cùng nhau đi sắm Tết, đi chơi chợ Tết, người ta lại tìm hàng xóm, họ hàng, bạn bè... để chung nhau giết lợn, chung nhau gói bánh chưng, cùng nhau ngồi bên bếp lửa canh nồi bánh, ấm cúng, sum vầy trong cái lạnh cuối đông.
Nếp sống cộng đồng còn thể hiện ở chỗ Tết là dịp duy nhất trong năm có sự sum họp đầy đủ của tập thể gia đình, gia tiên và gia thần. Con cháu dù đi làm ăn ở đâu, ngày Tết cũng cố gắng về ăn Tết với gia đình; hương hồn ông bà tổ tiên các thế hệ cũng cùng về gặp mặt; các vị thần phù hộ cho gia đình đều được chăm lo cúng bái. Tết thật là một cuộc đại đoàn viên. Tính cộng đồng của Tết bộc lộ một cách đặc biệt trong tục mừng tuổi: Truyền thống Việt Nam không có tục kỷ niệm sinh nhật, mọi người đều như nhau Tết đến, tất cả mọi người đều được thêm một tuổi.
Truyền thống nông nghiệp vốn "trọng nông ức thương". Nghề thương nghiệp không phát triển nên nảy sinh tập quán xấu là "buôn gian bán lận", "mua rẻ bán đắt". Chính vì vậy mà đến ngày Tết Cả, theo nhiều tài liệu cho biết([i]) thì ở nhiều nơi có những phong tục mua bán theo nguyên tắc ngược lại, chỉ cốt để "lấy may", tạo nên những Chợ Tết khá kỳ lạ.
Từ Nghệ An, Hà Tĩnh trở vào đến Thừa Thiên ngày xưa có phong tục đến phiên chợ Tết thì có người đem các hàng lặt vặt như gạo, kẹo, bánh, đồ chơi trẻ con... đi bán và cất tiếng rao rất lạ: "Có ai mua dại không?". Những người "bán dại" này không cần bán mà cũng không cần có ai trả lời là mua hay không mua, còn nếu có người mua thì bán rẻ mà không cần lấy lãi.
Ở xã Hà Tiến, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa, có tục cứ hàng năm, vào sáng mồng Một, dân làng đi chợ mua may, bán may. Hàng hóa mua bán ở đây là bánh kẹo, chè, thuốc lá, hoa quả vườn nhà. Phong tục là, nếu món hàng đáng giá 500 đồng thì người bán sẽ nói tăng lên gấp 100 lần thành 50.000 đồng. Nhưng người mua, sau khi ngã giá rồi thì lúc nhận hàng, lại trả tiền giảm xuống 100 lần, tức là trả đúng giá trị thực của món hàng là 500 đồng mà thôi. Cái quy ước tự nâng lên 100 lần và tự hạ xuống 100 lần ấy đã làm cho cả hai bên đều thấy là mình được may mắn (người bán thì bán được giá cao vọt, còn người mua thì mua được với giá rẻ như bèo), và cái may mắn ấy sẽ theo họ trong suốt cả năm trên mọi lĩnh vực làm ăn, buôn bán, học hành... Chợ không chỉ là nơi trao đổi mua bán hàng hóa, mà còn là nơi trao đổi những nụ cười, những lời chào, lời chúc thân ái đầu năm để bước vào một năm mới đầy hạnh phúc và may mắn.
Ở một số nơi như chợ Đồng (Hà Nam), chợ Phủ Giày (Nam Định)... có tục mở những phiên chợ Tết đặc biệt vào ngày đầu xuân, để mọi người đến rũ hết mọi sự xúi quẩy của năm qua và mua cái may mắn cho năm mới, gọi là chợ mua may bán dại. Trong phiên chợ ấy, người bán mang đến bán bất cứ thứ gì, nhiều ít, đắt rẻ không quan trọng, cốt bán cho được thì thôi đó là bán "cái dại" của năm cũ. Ngược lại, người mua cũng chỉ cốt mua được thì thôi mua bất cứ thứ gì, đắt rẻ, tốt xấu không quan trọng đó là mua được "cái may" cho năm mới.
Ở Nam Định còn có chợ Viềng nổi tiếng xưa nay là một chợ cầu may đặc biệt và đặc biệt nữa là cho đến nay vẫn còn tồn tại. "Chợ Viềng" là một danh từ chung, chỉ một loạt chợ cầu may ở vùng này. Có chợ Viềng Kim Thái (huyện Vụ Bản), chợ Viềng Nam Trực (huyện Nam Ninh) họp vào ngày vào mồng 8 Tết; chợ Viềng Liễu Đề ngày mùng 6 và chợ Viềng Lạng ngày mùng 7 Tết. Chợ Viềng cầu may mỗi năm chỉ mở đúng một lần và họp từ đúng lúc nửa đêm, cảnh mua bán diễn ra trong ánh sáng nhập nhoạng của đèn đuốc.
Chợ Viềng bán cây kiểng, cây giống; thịt bò, thịt bê thui (hiện nay mỗi phiên chợ Viềng có hàng trăm con bò, bê thui bày bán la liệt từ cổng chợ dài đến vài cây số), và nhiều nhất là bán đồ cũ (người ta có thể mang tới chợ bất cứ vật dụng gì trong nhà đã qua sử dụng, bất kể còn nguyên vẹn hay sứt vỡ, từ quý giá như vàng, bạc, đồ thờ, tới đồ thông thường như bát đĩa, nồi mâm, bình vôi, bát điếu...). Việc bán mua, nhất là mua bán đồ cũ, chỉ cốt để lấy may. Người bán muốn bán nhanh lấy may cho việc làm ăn quanh năm, còn người mua tới chợ, ra về không khi nào về tay không.
Chợ Viềng Nam Định tập trung người mua kẻ bán không chỉ trong tỉnh mà từ khắp tứ xứ gần có Thái Bình, xa tận Thanh Hóa, Vinh..., bây giờ có cả khách các tỉnh phía Nam, đáp máy bay xuống Nội Bài rồi thuê xe xuôi Nam Định, tan chợ lại ngược về ngay. Người ta miệt mài và háo hức đi hàng chục, hàng trăm cây số trong cái rét của một đêm tối trời, để rồi khi tàn chợ lại miệt mài quay về, người bán trong túi có thể chỉ giắt thêm vài chục nghìn đồng, nguời mua có khi mang về chỉ là một món đồ cũ sứt mẻ. Cái phiên chợ một năm chỉ có một lần ấy đã tồn tại bao năm qua và hiện nay có lẽ là phiên chợ cầu may duy nhất còn lại trên xứ Bắc.