Thứ bảy, 19 Tháng 1 2013 11:21

Chất âm tính trong văn học - nghệ thuật (trả lời PV)

  • CHẤT ÂM TÍNH TRONG VĂN HỌC - NGHỆ THUẬT

  • Trần Ngọc Thêm

Đây là ý kiến của GS. Trần Ngọc Thêm trả lời phỏng vấn của phóng viên Hoàng Hoài Sơn về hiện tượng âm tính trong văn học nghệ thuật hiện đại, đăng trên báo Thể thao và văn hoá, số 14, 2004

Giáo sư Viện sĩ Trần Ngọc Thêm: Trong xã hội nói chung thì văn học nghệ thuật tuy có nhiều thành tố, nhưng bản chất của nó thuộc loại hình âm tính nhất. Bởi, trước hết văn học nghệ thuật đáp ứng nhu cầu của con người khi nghỉ ngơi vào khoảng thời gian rỗi, (nghỉ ngơi so với lao động, thời gian rỗi so với thời gian bận là âm tính). Đây là xuất phát điểm để bàn luận vấn đề, nếu không sẽ dễ gây ngộ nhận, nhầm lẫn.

Trước đây văn học nghệ thuật của ta so với văn học nghệ thuật một số nước khác là dương tính hơn. bởi thực tế chiến tranh của nước nhà mà nó phản ánh lúc ấy là dương tính. Chất dương tính này nổi trội cũng còn là do chịu tác động của cung cách quản lý văn học nghệ thuật theo kiểu công thức, lên gân cứng nhắc lúc bấy giờ.

So với trước đây thì văn học nghệ thuật của ta hiện nay trở nên âm tính hơn là điều dễ hiểu, vì chiến tranh không còn nữa. Tuy văn học nghệ thuật vẫn còn khai thác đề tài chiến tranh, song đây chỉ là một dòng chứ không còn mang tính chủ đạo như trước nữa. Hình tượng "người anh hùng" trong thời kinh tế này hẳn sẽ không "dương tính" như anh hùnh trong chiến trận khi xưa. Ngoài ra, bước vào thời kỳ đổi mới, cách quản lý mang nặng tính quan liêu đã được gỡ bỏ, nghệ thuật có điềâu kiện để trở về với bản chất âm tính đích thực của mình.

Cho nên hiện tượng âm tính trong văn học nghệ thuật hiện nay theo tôi là điều hoàn toàn bình thường và phù hợp với quy luật vận động xã hội.

Tuy nhiên, văn học nghệ thuật ngày nay cũng đồng thời có mặt dương tính hơn chứ không phải chỉ âm tính một chiều như ta tưởng. Đó là do xã hội ta đang hướng theo văn hoá công nghiệp và hậu công nghiệp, mà gốc của thứ văn hoá này là phương Tây, vì vậy, cho dù ta có cố giữ gìn bản sắc văn hóa đến mấy thì chất Tây phương cũng vẫn thâm nhập vào ngày càng rõ nét. Có thể thấy, vẫn là con người Việt đấy, nhưng trong một môi trường sống mới thì nhu cầu sẽ khác. Cả những người làm văn học nghệ thuật cũng chú trọng kinh tế, sinh hoạt đời sống sôi động, không còn nhiều thời gian rảnh rỗi, làm gì cũng phải nhanh, do vậy phần đông mọi người không còn đọc, xem các loại hình văn học nghệ thuật cần nhiều thời gian tư duy, ngẫm nghĩ giàu chất triết lý như thời "trà dư tửu hậu" nữa. Điều này giải thích vì sao như ở bộ môn kịch nói chẳng hạn, loại hài kịch kiểu Trong nhà ngoài phố lại có xu hướng phát triển rộng. Con người Nam Bộ năng động trước đây và con người công nghiệp, con người kinh tế thị trường bận rộn bây giờ có nhu cầu xem cái gì đó nhẹ nhàng, thoải mái để sau đó còn làm việc.

Do vậy sự phát triển của văn học nghệ thuật có lẽ nó sẽ tuân thủ theo quy luật hình sin để tự điều chỉnh theo hướng dung hòa âm - dương.