Theo quan niệm chung của xã hội, nói dối xưa nay được xem là phản giá trị, do vậy cũng đương nhiên được xem là phi văn hoá, nó luôn bị ngăn cấm và hạn chế sử dụng. Tuy vậy, cho tới nay, nó còn tồn tại rất phổ biến và phát triển rất đa dạng. Điều này cho thấy đây là hiện tượng tất yếu mang tính văn hoá - xã hội – ngôn ngữ và có những giá trị riêng biệt.
Do vậy, chúng tôi hướng tới việc xác định bản chất và những đặc điểm chủ yếu của hiện tượng nói dối để trên cơ sở đó đưa ra những dự đoán về tương lai của nó, cũng như góp phần điều chỉnh, hướng dẫn dư luận trong việc sử dụng nó.
Nói dối là hiện tượng văn hoá ngôn từ. Ngôn từ ở đây được giới hạn trong phạm vi ngôn ngữ/lời nói cụ thể, bỏ qua các hình thức vật chất, ngôn ngữ hình thể, màu sắc,... biểu trưng khác.
Nói dối chủ yếu tồn tại dưới dạng truyền miệng (nói). Tuy vậy, cũng có thể tìm được dưới dạng viết trong các bài viết, phỏng vấn, kể lại, hoặc văn bản văn chương. Bài viết này chủ yếu được xây dựng trên cơ sở các tư liệu thuộc loại thứ hai.
Từ lâu người ta đã nhận thức được vai trò to lớn của ngôn ngữ trong việc hình thành và phát triển văn hoá dân tộc và đã để tâm tìm hiểu mối quan hệ qua lại giữa chúng. Tuy nhiên nói dối như một hiện tượng văn hoá ngôn từ còn ít được quan tâm hoặc quan tâm chưa được thoả đáng.
Nói dối rộng hơn còn thuộc lĩnh vực văn hoá ứng xử xã hội giữa con người với con người, nó có mối liên quan trực tiếp đến các nghiên cứu tâm lý, giáo dục, đạo đức, lối sống của các chủ thể liên quan. Tuy nhiên, trong tiếng Việt, những tài liệu nghiên cứu trực tiếp về nói dối không nhiều, ngoại trừ cuốn sách Phạm Minh Lăng 2003 có nguyên một mục “sự nói dối” trong “chương VI. Những vấn đề luân lý đạo đức” (tr. 336-340) bàn về khía cạnh đạo đức của nói dối và nêu lên những nghịch lý của sự dối trá. Ở đây tác giả mới chỉ dừng lại ở những vấn đề lý luận chung. Các bài báo hoặc các bài viết trên mạng nhiều thì chỉ dừng lại ở các khía cạnh tâm lý, đạo đức khác nhau của vấn đề.
Khái niệm
1. Cùng một khái niệm nói dối, người Việt có hàng loạt tên gọi vô cùng phong phú và đa dạng: bịa (bịa đặt), nói điêu, nói ngoa, nói láo, nói khoác, nói bốc, nói phét, bốc phét, nói trạng, nói xạo, nói bỡn, lừa dối, bóp méo sự thật, nói thách, nói giảm, nói khéo, nói vòng vo, nói tránh,...
Để tiện cho việc trình bày, chúng tôi sẽ dùng “nói dối” làm thuật ngữ đại diện cho tất cả các từ kể trên, vì trên thực tế nó là tên gọi có tần số sử dụng cao nhất và về mặt nội dung cũng có vẻ bao quát nhất.
2. Trong Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên cho rằng dối (động từ) là “cho biết sai sự thật nhằm che giấu điều gì. Ví dụ: Thói dối trên lừa dưới”, còn dối (tính từ) là “không được kỹ, chưa đạt yêu cầu mà đã coi như xong” [Hoàng Phê 1992]. Còn trong Tầm nguyên tự điển Việt Nam của Lê Ngọc Trụ có định nghĩa dối là “khi dễ, không thật” (từ chữ di tiếng Hán nghĩa là không thật) [Lê Ngọc Trụ 1993].
Nhiều định nghĩa về nói dối chứa đựng các cách đánh giá khác nhau. Từ điển mở Wikitionary có định nghiã nói dối đơn giản nhất, đó là “chủ tâm nói cái gì đó không đúng”1. Hoặc như cách nói: “Nói dối là khi đặt điều và không nói đúng sự thật. Hoặc khi trẻ kể sai sự thật, nói láo, nói chơi, hay là không kể lại đầu đuôi sự thật là cách nhằm mục đích lừa gạt ai đó”2. Vế thứ hai là việc giải thích và cố ý nhấn mạnh khái niệm nói dối về khía cạnh đạo đức của vấn đề. Từ điển Hoàng Phê 1992 còn nhấn mạnh hơn nữa về tính mục đích của chủ thể, cho rằng nói dối là “nói sai sự thật một cách cố ý nhằm che dấu điều gì”.
Như vậy, về bản chất xuất xứ từ dối có nghĩa là không thật, không đúng thực tế. Như vậy: nói dối là nói điều không thật, không đúng như thực tế.
Tuy nhiên, sự thật và thực tế là điều mà người ta vươn tới, cố gắng để hiểu biết cho đúng. Việc trình bày, miêu tả lại thực tế bao giờ cũng có khoảng cách nhất định, không phải lúc nào cũng đúng, chính xác. Vì vậy trong hầu hết các trường hợp người nghe chỉ nhận được những thông tin không hoàn toàn thật, không chính xác như thực tế.
Để phân biệt với hạn chế này của nhận thức, chúng tôi đưa thêm vào định nghĩa nói dối yếu tố “chủ tâm”, “cố ý” của chủ thể lời nói, nhằm loại trừ phần lớn những thông tin không thật, không đúng thực tế do nhận thức hạn chế và những trường hợp “ngộ nhận”...
Mục đích “lừa gạt ai đó”, hoặc “nhằm che giấu điều gì” không phải là đặc tính đương nhiên của nói dối. Nói dối để lừa gạt ai đó chỉ là trường hợp nói dối theo nghĩa hẹp (khi xác định chính xác động cơ trực tiếp hoặc gián tiếp của người nói). Vì vậy chúng tôi không chấp nhận đưa đặc tính này vào định nghĩa khái niệm nói dối.
Đến đây, ta có thể định nghĩa nói dối như sau: Nói dối là một loại hoạt động ngôn từ nhằm phát ngôn điều không đúng sự thật một cách cố ý.
Đặc điểm
Nói dối có 3 đặc điểm chính (x. hình 1):
Hình 1
(1) Đặc trưng giống: Hoạt động ngôn từ (hình thức)
(2) Đặc trưng loài 1:Không đúng sự thật (tính chất)
(3) Đặc trưng loài 2: Tính cố ý (mục đích)
1. Đặc điểm hình thức ngôn từ để chúng ta khu biệt nói dối với làm dối, lời nói dối với đồ giả (hàng giả, hoa giả, tóc giả, ngực giả, màu sắc giả, tiếng động giả...)
Hình thức ngôn từ này cũng giúp phân biệt với những dạng thức tương tự nhưng với mức độ mục đích và tính chất cao hơn có sự kết hợp cả hành động như lừa dối, gian dối, lừa đảo...
2. Nội dung không thật, không đúng thực tế là đặc trưng loài quan trọngnhất, giúp phân biệt giữa thật và giả (không thật).
3. Tính mục đích cố ý của hành vi nói dối nhằm khu biệt nó với những hình thức nói sai “ngộ nhận” mà chủ thể “hiểu/nghĩ sao nói vậy”, nhưng không đúng thực tế khách quan.
Những tranh luận khoa học cùng có chung đề tài và cùng hướng tới chân lý/sự thật, tuy nhiên có những kết quả khác nhau hoặc thậm chí trái ngược nhau. Điều này không có nghĩa là nhà khoa học nói dối, mà họ nói những điều họ tin là đúng.
Trong nghiên cứu những nguyên nhân bịa chuyện ở trẻ em, các nhà tâm lý đã tìm ra hai loại chủ yếu: nói dối chạy tội và sáng tác tưởng tượng. “Trẻ em có trí tưởng tượng rất cao, và trẻ thường sống trong một thế giới kỳ ảo nào đó. Đồng thời, trẻ cũng có thể không phân biệt được cái nào là sự thật và cái nào không. Khi trẻ nói bằng trí tưởng tượng của mình thì không thể cho là trẻ cố tình nói dối”3.
Hành vi chỉ được liệt vào nói dối khi chủ thể lời nói biết chắc nó không đúng thực tế. Tuy nhiên, người nghe không phải bao giờ cũng nhận biết được điều này, bởi có những sự kiện xảy ra trong phạm vi hẹp ít người biết, hoặc nói tới những sự việc khó có thể kiểm chứng. Có những điều nói dối không bao giờ bị phanh phui, nhưng cũng có những lời nói dối bị đưa ra ánh sáng một cách bất ngờ. Ví dụ về nữ diễn viên trẻ rất được các bạn học sinh hâm mộ, diễn viên này đã rất thoải mái trả lời phỏng vấn và nói về mình như một thiếu nữ ngoan ngoãn, ngây thơ phù hợp với những gì cô đã thể hiện trên phim. Và toàn bộ những trả lời phỏng vấn đó của cô trở thành lời những nói dối lố bịch khi những đoạn video riêng tư của cô bị đưa lên internet4.
Chính tính mục đích của nói dối là quan trọng nhất để đánh giá khía cạnh đạo đức của khái niệm này. Các nhà luân lý học hoặc các tác giả thiên về đánh giá đạo đức thường đưa vào khái niệm này động cơ “nhằm lừa gạt ai đó”, hoặc “nhằm che giấu điều gì” [Hoàng Phê 1992], hoặc cụ thể hơn là “nhất thiết phải có ý tưởng lợi dụng người khác” [Phạm Minh Lăng 2003: tr. 336]. Chính những động cơ được gán này đã làm cho nghĩa của từ nói dối hẹp lại, là nguyên nhân gây cho khái niệm này tính chất phản giá trị và khiến cho nó bị ngăn cấm và hạn chế sử dụng.
Khía cạnh đạo đức
Nguyên nhân quan trọng nhất để xảy ra hiện tượng nói dối đó là nhận thức non yếu, hay là sự thiếu hiểu biết của người nghe. Phạm Minh Lăng cụ thể hơn, cho rằng “sự lầm lẫn bổ sung cho sự ngu dốt một ảo ảnh về sự hiểu biết” [Phạm Minh Lăng 2003: tr. 336] và người nói đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết này để hình thành một cách thức giao tiếp khác: cố tình nói điều không đúng.
Do vậy nói dối có thể xảy ra khi người nói đã nhận thức đúng vấn đề, nhưng cố tình đưa ra thông tin sai thực tế ngay từ đầu. Hoặc có thể mới đầu người nói chưa nhận thức được, tin là sự thực, song người nghe không phát hiện ra và người nói sau khi kiểm chứng biết là sai vẫn không điều chỉnh lại. Sự nói dối bắt đầu từ lúc biết là nói sai mà không điều chỉnh lại ấy.
Đạo đức truyền thống thường xem việc cố tình nói điều không đúng là không chấp nhận được. Phạm Minh Lăng nhận xét: “với những nhà luân lý học thì sự dối trá phải được lên án một cách tuyệt đối và triệt để” [2003: tr. 337].
Tuy nhiên, trong thực tiễn cuộc sống thì lại hoàn toàn không vậy. Con người sống trong xã hội với những mối quan hệ đan xen và phụ thuộc lẫn nhau thì sự thật đôi khi không đáp ứng được yêu cầu cuộc sống. Trên thực tế, chúng ta vẫn gặp những câu trách móc kiểu “Cậu này thật thà quá”, hoặc những yêu cầu kiểu “Cậu nhớ nói khéo khéo nhé!”, thậm chí những lời tâm sự “mình phát hiện ra rằng với BMC [bố mẹ chồng] thì không cần có sự thành thật, cũng ko cần sự đơn giản vì BMC mình thích những lời nói "điêu" chỉ để nghe cho sướng tai mà thôi”5. “Đơn giản là vì sự thật không như mong đợi nên người ta mới vỗ về và nịnh bợ nhận thức của bản thân và người xung quanh”6 – Đây là một nhận xét xác đáng. “Chính cái nghịch lý trong sự dối trá lại là cái có thể thay thế cho cái chân lý khi cả hai đều nhằm cùng mục đích cũng như kết quả như nhau, thiết lập sự tin tưởng giữa những con người trong một sự hài hoà chung” [Phạm Minh Lăng 2003: tr. 339].
Chính vì nguyên nhân này mà “Talleyrand cho rằng sự dối trá là vấn đề thuộc bình diện tiện lợi hơn là vấn đề đạo đức chân chính” [dẫn theo Phạm Minh Lăng 2003: tr. 336]. Nói dối là một hoạt động nhằm đáp ứng những nhu cầu có thực của đời sống con người. Nó không những tồn tại mà còn ngày càng phát triển đa dạng, phong phú về cả thể loại cũng như cách thức.
Giá trị
Người phương Đông sống theo kiểu cộng đồng, tư duy tổng hợp7, không cần thiết phân biệt quá rõ ràng, mạch lạc các mối quan hệ, nên mặc nhiên chấp nhận những dối trá ở mức độ có thể du di. Đối với người Việt Nam, thẳng thắn đôi khi bị gọi là “tồ”. Chuẩn mực trong ứng xử là phải khéo léo. Những lời nói thẳng, nói thật, đôi khi không được chấp nhận, khiến người ta thường phải dối lòng trong các quan hệ phức tạp cần phải tế nhị. Phụ nữ thường hay có những tâm sự kiểu: “Mỗi lần bà bảo bà về HP [Hải Phòng] mình mừng lắm nhưng vẫn phải dỗ bà ở lại vì chồng mình muốn bà ở lại, mình mà không nói thì chồng mình lại trách là không giữ mẹ ở lại”8. Những người biết “nói gần nói xa”, “vòng vo tam quốc” làm vui lòng người khác được coi là khéo nói. Thực chất của việc nói khéo, nói vòng là nói không hết sự thực hoặc không đúng như nó vốn có, thay đổi đi ít nhiều, hay chuyển sang một chủ đề gần mà vẫn không thay đổi mục tiêu. Trong bài hát truyền thống của cuộc thi “Người dẫn chương trình truyền hình” của đài truyền hình TP.HCM, chúng tôi rất tâm đắc với khẩu hiệu dành cho người dẫn chương trình của nhà đài là “nói sao cho vừa lòng mọi người”, bởi nó rất đúng, rất hợp và rất Việt Nam. Mới đây bên khoa Ngữ văn ĐH KHXH&NV TP. HCM thạc sĩ Nguyễn Đăng Khánh đã bảo vệ cấp cơ sở một luận văn tiến sĩ với tiêu đề “Lối nói vòng trong giao tiếp tiếng Việt”.
Trong khi đó với tư duy phân tích rạch ròi, người phương Tây không thoải mái chấp nhận những hiện tượng này. Tư duy khoa học và ngành luân lý học/đạo đức học phát triển từ lâu ở phương Tây cùng với hệ ngôn ngữ biến hình thiên về chính xác đã tạo cho người phương Tây khuynh hướng thích cách nói thẳng những điều mình suy nghĩ, và do vậy họ có hình thức giải toả ẩn ức bằng cách tổ chức Ngày cá tháng tư (1-4) để mọi người được thoải mái đánh lừa nhau9. Thế nhưng ngay cả ở phương Tây một nghiên cứu mới đây của ĐH Vienna (Áo) đã kết luận: "Nói dối là phần chủ yếu để sinh tồn trong cuộc sống hàng ngày", và “chúng ta bỏ ra rất nhiều thời gian để nói dối”. Chúng ta nói dối ngày càng nhiều. Mỗi ngày chúng ta nói dối... 20 lần10. Như vậy đủ thấy hiện tượng nói dối phổ biến đến mức nào.
Trong đời thường chúng ta thường xuyên gặp các trường hợp nói dối, nói tránh vì phép lịch sự. Những trường hợp nói dối vì danh dự của những nhà tu hành, của luật sư vì phải giữ bí mật nghề nghiệp, nói dối của các y bác sĩ vì lòng nhân ái rất nhiều, và thường được đưa vào mục “những câu chuyện cảm động” đăng trên các báo, tập sách. Những trường hợp này cũng có tên gọi riêng là “nói dối vô hại” hoặc “nói dối ngọt ngào”. Ngoài ra cũng cần kể tới những trường hợp nói dối của những chính khách vì cương vị của mình phải nói khác đi nhằm an dân tạm thời, những nhà yêu nước khi hoạt động trong vòng bí mật cũng không thể không nói dối về nhân thân và công việc của mình... [Xem thêm Phạm Minh Lăng 2003: tr. 339-340].
Các nhà văn, nhà thơ thường xuyên hư cấu để xây dựng nên những hình tượng văn học. Trong văn học có hẳn một cách nói ngoa ngôn tương ứng với phương pháp tu từ ngoa ngữ. Các cách nói sai sự thực, đặc biệt là nói giảm, nói quá được sử dụng rất đắc lực trong các chuyện cười, chuyện giải trí trong văn hoá dân gian, đặc biệt là ở Việt Nam.
Ngành tiếp thị quảng cáo hình thành gần đây ở phương Tây dù có lý thuyết hay ho thế nào thì thực chất về cơ bản vẫn là nghề nói dối – nói qúa sự thật. Không phải ngẫu nhiên mà mục “Marketing trực tuyến” của báo Thương mại điện tử đã phải có nguyên một bài với tiêu đề “Quảng cáo - Có nên nói dối trong tiếp thị?”11. Điều này cho thấy ngành quảng cáo đã dử dụng rất nhiều thủ pháp nói dối khác nhau. Bạch Tri Dũng đã phân tích rất hay về cách quảng cáo cầu hôn sao cho tác động một cách tích cực lên tình cảm người nghe [1999: tr. 188].
Trong trường học, “người thầy giáo đôi khi đặt ra những điều không đúng sự thực để người học trò tự tìm ra cái đúng. Người ta gọi đó là sự nói dối trong sư phạm” [Phạm Minh Lăng 2003: tr. 339]. Người ta cho rằng “sự dối trá dù phức tạp nhất cũng đơn giản hơn cái đúng”, bởi nó có cơ chế rõ ràng, con người dễ nhận biết hơn. Và trong trường hợp này, sự dối trá đã được đem ra để phục vụ chân lý. Các nhà sư phạm cũng thống nhất rằng: “Điều quan trọng (...) là giúp bé biết đâu là những chuyện tế nhị nên nói dối và giới hạn của những việc có thể nói dối mà không ảnh hưởng nhiều đến người xung quanh” [Thi Thuyên 2008: tr. 11].
KẾT LUẬN
Nói dối rõ ràng là một loại giá trị do con người tạo ra nhằm đáp ứng những nhu cầu đa dạng có thực của mình. Nó thoả mãn đầy đủ các dấu hiệu của định nghĩa văn hoá. Nó là một hiện tượng có từ lâu đời ở mọi nền văn hoá. Sự ra đời của nó là kết quả tất yếu của quá trình nhận thức thế giới của con người. Và việc nó được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, đặc biệt ở các nền văn hoá phương Đông, là một thành tựu tất yếu trong văn hoá ứng xử của con người.
Chú thích
1http://vi.wiktionary.org/wiki/n%C3%B3i_d%E1%BB%91i
2 http://kynangsong.xitrum.net/giadinh/2006/172.html
3http://kynangsong.xitrum.net/giadinh/2006/172.html;http://vnexpress.net/Vietnam/Khoa-hoc/2004/04/3B9D1DF1/
4 http://vnexpress.net/Vietnam/Van-hoa/2007/10/3B9FB3DB/
5http://www.webtretho.com/forum/showthread.php?t=75011&page=23
6 http://blog.360.yahoo.com/blog-qLjmt94ic6ORlvLipr5IXci5PqNDHmGMg23o
7Xem thêm: Trần Ngọc Thêm 2004: Tìm về bản sắc văn hoá Việt Nam. NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh.
8 http://www.webtretho.com/forum/showthread.php?p=1458364#post1458364
9Phong tục này rất phổ biến ở phương Tây gần đây đã du nhập vào VN và được giới trẻ VN bước đầu tiếp nhận.
10http://www.chantroimoi.de/modules/news/article.php?storyid=433
11http://www.3c.com.vn/Story/vn/hotrokhachhang/thuongmaidientu/Marketingtructuyen/2007/7/20623.html
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Sách, tạp chí:
1. Bạch Tri Dũng 1999: Sách lược trong nghệ thuật quảng cáo. (Người dịch Võ Mai Lý). NXB Trẻ. 217 tr.
2. Hoàng Phê 1992: Từ điển tiếng Việt. Trung tâm từ điển ngôn ngữ. 1147 tr.
3. Lê Ngọc Trụ 1993: Tầm nguyên tự điển Việt Nam. NXB TP. Hồ Chí Minh. 857 tr.
4. Phạm Minh Lăng 2003: Những chủ đề cơ bản của triết học phương Tây. Hà Nội: NXB Văn hoá thông tin. 641 tr.
5. Thi Thuyên 2008: Dạy bé... nói dối? //In trong Mẹ & Con (bán nguyệt san Giáo dục TP.HCM), số tháng 4-2008. Tr. 10-11
6. Trần Ngọc Thêm 2004: Tìm về bản sắc văn hoá Việt Nam. NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh. 690 tr.