Thứ năm, 17 Tháng 1 2013 19:44

Một số vấn đề phương pháp luận trong việc đi tìm bản sắc của VHVN

  • MỘT SỐ VẤN ĐỀ PHƯƠNG PHÁP LUẬN

    TRONG VIỆC ĐI TÌM BẢN SẮC CỦA VĂN HÓA

    VIỆT NAM

  • GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm

  • In trong “TRIỀT” – tập san triết học và tư tưởng (San Jose, USA),
    số 3&4, 9-1997, tr. 155-162.
    Xem lại (có bổ sung một số chỗ) tháng 5-2008.

Từ khi cuốn Cơ sở văn hóa Việt Nam (Trường Đại học Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh xuất bản năm 1995, 504 tr.) rồi sau đó bổ sung và mở rộng của nó với nhan đề Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam: Cái nhìn hệ thống – loại hình (NXB Tp.Hồ Chí Minh, 1996, 670 tr.) ra mắt đến nay, chúng tôi đã nhận được khá nhiều ý kiến nhận xét đánh giá từ trong nước và ngoài nước qua thư riêng, ở các hội thảo, trên các báo và tạp chí. Điều đáng chú ý là có nhiều ý kiến, tuy khác nhau về nội dung và hình thức, song đều liên quan đến những vấn đề mang tính phương pháp luận (khen cũng là khen những kết quả thu được do áp dụng phương pháp hệ thống – loại hình mà chê hoặc hiểu lầm nhiều khi cũng là do chưa hiểu hết về phương pháp này). Bởi vậy mà ở đây, chúng tôi muốn làm rõ thêm về vấn đề này.

Từ khi cuốn  sở văn hóa Việt Nam (Trường Đại học Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh xuất bản năm 1995, 504 tr.) rồi sau đó bổ sung và mở rộng của nó với nhan đề Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam: Cái nhìn hệ thống – loại hình (NXB Tp.Hồ Chí Minh, 1996, 670 tr.) ra mắt đến nay, chúng tôi đã nhận được khá nhiều ý kiến nhận xét đánh giá từ trong nước và ngoài nước qua thư riêng, ở các hội thảo, trên các báo và tạp chí. Điều đáng chú ý là có nhiều ý kiến, tuy khác nhau về nội dung và hình thức, song đều liên quan đến những vấn đề mang tính phương pháp luận (khen cũng là khen những kết quả thu được do áp dụng phương pháp hệ thống – loại hình mà chê hoặc hiểu lầm nhiều khi cũng là do chưa hiểu hết về phương pháp này). Bởi vậy mà ở đây, chúng tôi muốn làm rõ thêm về vấn đề này.

1. VỀ VIỆC ĐỊNH NGHĨA KHÁI NIỆM VĂN HÓA

Việc đầu tiên phải làm khi nghiên cứu một đối tượng là định nghĩa nó. Và tình trạng chung mà các nhà nghiên cứu thường vấp phải là định nghĩa đó không khi nào thỏa mãn được hết thảy mọi người. Chính vì vậy mà trong thực tế hầu như không có một khái niệm khoa học nào lại không có trên một (thậm chí hàng chục, hàng trăm) định nghĩa. Cho nên cũng chẳng có gì là lạ nếu khái niệm văn hóa đến nay có ới hàng mấy chục trăm định nghĩa, và định nghĩa văn hóa mà chúng tôi nêu ra chưa làm hài lòng được tất cả mọi người.

Tại sao lại có sự đa dạng đến như vậy trong việc định nghĩa khái niệm? Xét về mặt khoa học luận, điều này rất đơn giản. ĐỊNH NGHĨA là sự diễn đạt cô đọng những đặc trưng cơ bản nhất của khái niệm. Từ đó có thể thấy sự đa dạng trong việc định nghĩa khái niệm là do hai nguyên nhân: Thứ nhất là do sự khác biệt trong các diễn đạt; thứ hai là do sự khác biệt trong việc xác định những đặc trưng cơ bản là vấn đề thuộc về nội dung. Chính bởi vậy mà chúng tôi đã viết: “Thực ra thì bản thân định nghĩa không phải là quan trọng…điều quan trọng hơn cả không phải là định nghĩa như thế nào, mà là định nghĩa đó nói lên cáigì”.

Xác định các đặc trưng cơ bản của một khái niệm tức là xác định những nét riêng biệt và tiêu biểu, cần và đủ để phân biệt khái niệm (sự vật) ấy với khái niệm (sự vật) khác. Các định nghĩa văn hóa hiện có đại để có thể quy về các nhóm: coi văn hóa như tập hợp, nhưhệ thống, như giá trị, như hoạt động, như kíhiệu, như thuộc tính nhân cách, như thuộc tính xã hội… Tổng hợp một số cách tiếp cận trong đó, chúng tôi đã xác định 4 đặc trưng cơ bản: a) tính hệ thống cần để phân biệt văn hóa như một hệ thống với quan niệm sau lầm coi văn hóa như một tập hơp (phức hợp) của những tri thức rời rạc từ nhiều lĩnh vực; b) tính giá trị cần để phân biệt văn hóa (cái có giá trị) với phi văn hóa; c) tính nhân sinh cần phân biệt văn hóa (cái do con người tạo nên) với các giá trị tự nhiên; d)tính lịch sử cần để phân biệt văn hóa (cái được tích lũy qua thời gian) với văn minh như cái chỉ trình độ phát triển ở một thời điểm nhất định. Định nghĩa văn hóa của chúng tôi chính là sự tổng hợp của bốn đặc trưng cơ bản đó (nhiều đặc trưng khác đều có thể xem như hệ quả của chúng hoặc được bao hàm trong chúng). Hai đặc trưng đầu làm thành khái niệm “giống” (VĂN HÓA là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần…), hai đặc trưng sau chỉ ra sự khu biệt “loài” của nó (…do con người sáng tạo và tích lũy quá trình hoạt động thực tiễn trong sự thương tác với môi trường tự nhiên và xã hội của mình). Định nghĩa này đáp ứng những yêu cầu cơ bản về việc định nghĩa khái niệm:1) có ngoại diên tương ứng với ngoại diên của khái niệm cần định nghĩa (các đặc trưng được chọn ra là cần và đủ); 2)không nói vòng; 3)không nói theo lối phủ định; 4)không nói mập mờ đa nghĩa.

Có thể có nhiều cách tiếp cận một khái niệm. Ngay trong cùng một cách tiếp cận thì tùy theo mục đích cũng có thể chấp nhận những định nghĩkhác nhau. Do vậy khi đánh giá một định nghĩa thì không nên dựa vào cảm tính mà nên xuất phát từ những yêu cầu khoa học.

2. VỀ PHƯƠNG PHÁP HỆ THỐNG - LOẠI HÌNH VÀ HAI LOẠI HÌNH VĂN HÓA

Đối tượng khảo sát của chúng tôi không phải là văn hóa Việt Nam nói chung mà là cái gốc (BẢN) của văn hóa Việt Nam với những  biểu hiện cụ thể (SẮC) mang tính hệ thống trong các lĩnh vực. Bản sắc ấy làm nên cái cơ sở nền tảng thường xuyên suốt quá trình hình thành và phát triển của văn hóa Việt Nam. Chúng tôi hiểu rõ rằng đó là công việc lớn. Tuy lớn, nhưng không hẳn là ngoài tầm tay, bởi lẽ bắt tay vào công việc này, chúng ta có được thuận lợi là cho đến nay, với công sức của hàng trăm nhà nghiên cứu người Việt Nam và nước ngoài thuộc nhiều thế hệ, ngành Việt Nam họcđã tích lũđược một khối lượng tư liệu đồ sộ về các lĩnh vực văn hóa cụ thể. Cho nên vấn đề chủ yếu là ở chỗ làm sao tìm được con đường ngắn nhất để xử lí một cách có hiệu quả khối tư liệu đồ sồ ấy.

liệu nhiều tất nhiên là thuận lợi, song nó cũng hàm chứa một nguy hiểm khôn cùng mà người nghiên cứu rất dễ rơi vào (và trên thực tế nhiềungười đã rơi vào) là “thấy cây mà không thấy rừng”, lạc lối trong khu rừng tư liệu văn hóa rậm mịt mùng ấy. Cái la bàn tốt nhất có thể giúp ta định hướng trong trường hợp này, giúp ta nhìn ra mối liên hệ giữa các sự kiện văn hóa là PHƯƠNG PHÁP HỆ THỐNG – CẤU TRÚC mà người đặt nền móng là nhà ngôn ngữ học Thụy Sĩ F.De Saussure. Sẽ thuận lợi hơn nữa nếu ta có được một khung phân loại các nền văn hóa; khi đó công việc sẽ là xếp nền văn hóa cần khảo sát vào một trong các loại hình văn hóa rồi dùng phương pháp hệ thống – cấu trúc để miêu tả và xác lập cơ sở nền tảng của nó. Công việc này được thực hiện bằng PHƯƠNG PHÁP SO SÁNH – LOẠI HÌNH. Gộp lại, có thểgọi chung phương pháp mà chúng tôi áp dụng trong công trình này là PHƯƠNG PHÁP HỆ THỐNG – LOẠI HÌNH

Nhưvậy, việc áp dụng phương pháp hệ thống – loại hình về cơ bản đi theo con đường DIỄN DỊCH. Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nếu hiểu như một số người rằng diễn dịch là sự áp đặt chủ quan không xuất phát từ thực tiễn.

Trong lịch sử phát triển khoa học, cả diễn dịch lẫn quy nạp thực ra đều xuất phát từ thực tiễn. Về nguyên tắc, phương pháp diễn dịch và phương pháp quy nạp đều có thể được sử dụng với xác suất nhưnhau trong các khoa học khác nhau. Song do bản chất của khoa học là đi từ dễ đến khó, từ cái đã biết đến cái chưa biết mà đối tượng của các khoa học lại khác nhau, cho nên trên thực tế, việc sử dụng hai phương pháp này ở các khoa học không giống nhau. Các khoa học tự nhiên do có đối tượng là những vật thể tự nhiên dễ quan sát cho nên thường dùng phương pháp diễn dịch (đi từ cái vật chất tổng thể đã biết đên các bộ phận chưa biết như phân tử, nguyên tử, hạt cơ bản…); còn các khoa học xã hội và nhân văn do có đối tượng là những cơ cấu, tổ chức vô hình khó nắm bắt cho nên thường dùng phương pháp quynạp (đi từ các bộ phận riêng lẻ đã biết đến cái tổng thể chưa biết). Nhưng dù dùng phương pháp nào thì cũng cần phải có phương pháp kia bổ sung, hỗ trợ. Bởi vậy, trong lĩnh vực khoa học xã hội, sau một thời gian tích lũy tư liệu và đi theo hướng quy nạp, cần dừng lại để có một cái nhìn bao quát theo hướng diễn dịch nhằm điều chỉnh những sai sót, mâu thuẫn gặp phải.

Việc chọn con đường diễn dịch trong việc nghiên cứu văn hóa đang bàn nằm trong bối cảnh như thế. Sau một thời gian dài tích lũy tư liệu theo hướng quy nạp, bây giờ đã đến lúc ta có thể tiến hành hệ thống hóa và loại hình hóa chung. Cả hai công việc đều có mục đích xây dựng MÔ HÌNH (một hoặc nhiều). Các mô hình được khái quát hóa từ thực tế muôn màu – do vậy chúng là những cái có cơ sở thực tiễn, không phải bịa đặt. Khi khái quát hóa thì bắt buột phải giản lược. Muốn có mức độ khái quát hóa cao thì phải chấp nhận mức độ giản lược hóa nhiều. Nhiệm vụ của nhà khoa học chính là trong mớ bòng bong của các sự kiện phải biết phân biệt được cái chính và cái phụ, để rồi bỏ qua cái phụ,dựa vào cái chính mà xây dựng MÔ HÌNH.

Bởi vậy, trong khi xác định loại hình văn hóa, ta hoàn toàn có đầy đủ cơ sở khoa học để chỉ tập hợp trung chú ý vào hai vùng địa lí chính là đồng bằng và thảo nguyên (đơn giản vì các vùng địa lí khác như núi rừng, sa mạc, đại dương, đầm lầy không có hoặc có rất ít người sinh sống); vào hai nếp sống chính là định cư và du cư (đơn giản vì lối sống du canh du cư – mà Vũ Tiến Thủy [1996:212] gọi là”ngụ cư”, có người khác gọi là “du nông” – chỉ gặp ở một số lượng rất ít người và chỉ là một biến thể của nếp sống nông nghiệp định cư; đó là định cư có thời hạn từng vài chục năm do làm ruộng ở địa hình đất dốc sói mòn). Cũng hệt như khi phân loại con người theo giới tính, sự tồn tại của các loại trung gian (á nam á nữ, hoạn quan,…) không hề cản trở ta chỉ phân biệt hai loại “nam” và “nữ”, bởi lẽ đơn giản là những loại trung gian này có số lượng ít, không giữ một vai trò quan trọng. Bởi vậy, không thể nói theo kiểu Vũ Tiến Thủy: “Ta không thể định hình đơn giản như Trần Ngọc Thêm: thế giới chỉ có hai loại hình văn hóa… Và ngay cả hai loại hình văn hóa ấy cũng chẳng thể khẳng định thuộc âm hay thuộc dương, thuộc tĩnh hay thuộc động, thuộc Đông hay thuộc Tây” [1996: 212]. Tôi hiểu rằng tác giả không nghĩ thế, đó chẳng qua là một lối nói cực đoan thôi. Nhưng dầu sao thì nói vậy cũng trái với tinh thần khoa học: Thế giới vốn gồm những tập mờ, nhiệm vụ của khoa học chính là cố gắng làm  ranh giới của những tập mờ ấy. Nếu hoang mang trước cái “mờ” đến mức “chẳng thể khẳng định” được gì thì có nghĩa là ta mới dừng lại ở trình độ nhận thức của người nguyên thủy và đang giẫm chân tại chỗ khôg tiến lên được bước nào.

Mà ranh giới của hai lọai hình thì khá rõ ràng. Chúng hoàn toàn không phải là sản phẩm của sự khiên cưỡng, nóng vội mà là xuất phát từ thực tế về sự khác biệt hiển nhiên giữa hai khu vực văn hóa phươngĐông và phương Tây (khái niệm “phương Tây” về mặt văn hóa thường được hiểu là gồm từ Châu Âu đến dãy Ural, nên nó thực chất là Tây-Bắc; còn “phương Đông” – từ “Cận Đông” tới “Viễn Đông” – thực chất là Đông-Nam) mà bất kì người quan sát khách quan nào cũng thấy (ví dụ: trong khi các ngôn ngữ phương Tây biến hình thì các ngôn ngữ phương Đông đơn lập, trong khi người phương Tây coi trọng cá nhân thì người phương Đông coi trọng cộng đồng, trong khi người phương Tây chìa tay bắt khi gặp mặt thì người phương Đông khoanh tay cúi đầu…). Tất nhiên, sẽ là sai lầm nếu tuyệt đối hóa vai trò của môi trường địa lý – tự nhiên (dẫn đến cái gọi là “quyết định luận địa lí về văn hóa”), song cũng sẽ sai lầm không kém nếu phủ nhận nó.

Thực vậy, khu vực Đông Nam Á là vùng đồng bằng sông nước và núi non, ở đây không có những đồng cỏ rộng lớn cho  nên không thể có đủ điều kiện để “du” và “mục”. Bởi vậy mà “trên cơ sở kinh tế hái lượm phát triển ở vùng rừng nhiệt đới, các bộ lạc Hòa Bình đã thực hiện một bước nhảy có ý nghĩa lớn lao trong đời sống nhân loại: phát minh nông nghiệp… Đông Nam Á là một trong những trung tâm phát sinh nông nghiệp lớn nhất của nhân loại” [Phan Huy Lê… 1991: 20]. Càng lên phía Bắc và sang phía Tây, đất đai càng kém màu mỡ và khí hậu thì lạnh giá; thiên nhiên – khí hậu ấy không thích hợp cho trồng trọt bằng chăn nuôi và thương mại. Bởi vậy mà, như Bửu Dưỡng cho biết trong cuốn Lịch sử nhân loại [1972: 28, 67], “ngày xưa, người Hi Lạp chỉ nuôi dê và cừu, ít người làm nghề nông, phần đông lo việc mục súc và hàng hải”; người La Mã thì uống sữa bò, áo quần dệt bằng lông cừu hoặc bằng da thú vật. Còn W.Durant trong cuốn Nguồn gốc văn minh [1991: 33] thì cho biết: “Tại những bộ lạc săn bắn và mục súc, loài bò là một đơn vị giá trị rất tiện… Vào thời đại Homer, ở Hi Lạp người ta đánh giá người và vật bằng số bò: bộ binh giáp của Diomède đáng giá 9 con bò, một người nô lệ khéo tay đáng giá 4 con. Người La Mã cũng vậy, họ dùng hai danh từ gần giống nhau – pecus và pecunia – để trỏ bò và tiền bạc”. Xem thế đủ thấy mối liên hệ giữa phương Đông với nông nghiệp và văn hóa phương Tây với nguồn gốc du mục của nó đã quá rõ ràng.

Phương Tây hình thành muộn hơn phương Đông, du mục có đời sống thấp hơn nông nghiệp, cho nên các văn hóa cổ đại lớn đều phát sinh trước hết ở phương Đông: trong 5 nền văn hóa cổ thì có 4 làphát sinh từ những vùng đồng bằng trù phú tại lại lưu vực những con sông lớn (văn hóa Ai Cập ở lưu vực sông Nil, văn hóa Lưỡng Hà ở vùng sông Tigr và Eufrat, văn hóa Độ ở lưu vực sông Ấn, văn hóa Trung Hoa hình thành ở lưu vực sông Hoàng Hà). Nền văn hóa cổ duy nhất ở phương Tây là Hi-La thì hình thành sau cùng trên cơ sở tiếp thu những thành tựu của văn hóa Ai Cập và Lưỡng Hà. Rồi theo quy luật vận động lịch sử, chính cố gắng vùng vẫy thoát ra khỏi cái đời sống thấp đó đã là động lực giúp phương Tây xưa nhanh chóng vượt qua giai đoạn nông nghiệp (mà điều kiện thiên nhiên ở đó không thuận tiện) để đạt tới giai đoạn phát triển thương mại, công nghiệp và đô thị. Lối sống tập trung quyền lực về một mối từ các bộ lạc du mục (= quân chủ) giúp cho phương Tây sớm trở thành một xã hội có kỉ cương chặt chẽ, sớm quen sống theo pháp luật. Và óc phân tích giúp cho khoa học kĩ thuật phát triển nhanh.

Vì loại hình chỉ là những mô hình, cho nên cần hiểu rằng các cụm từ “gốc du mục” và “gốc nông nghiệp” được dùng như những thuật ngữ để chỉ hai mô hình văn hóa thỏa mãn hai chùm các dấu hiệu đặc trưng nhất định; theo đó, có thể chỉ ra những tính cách đặc thù (ví dụ: “văn hóa gốc nông nghiệp” thì trọngnh, trọng âm; còn “văn hóa gốc du mục” thì trọng động, trọng dương), chỉ ra những khu vực địa lí đặc thù (ví dụ: “văn hóa gốc nông nghiệp” thì phổ biến ở phương Đông, còn “văn hóa gốc du mục” thì phổ biến ở phương Tây). Vì mô hình là sự giản lược của hiện thực (mô hình ≠ hiện thực), cho nên, để chỉ sự khác biệt ấy, chúng tôi đã luôn phải dùng những từ như “gốc”, “trọng”, “thiên”, “đặc thù”, “phổ biến”,… và, do vậy, từ những điều chúng tôi trình bày, xin đừng đặt dấu bằng vào những đẳng thức như: “phương Đông = nông nghiệp = tĩnh = âm = cân đối = thơ = biểu trưng…”, “phương Tây = du mục = động = dương = không cân đối = văn xuôi = tả thực…”, song có thể hiểu rằng những thuộc tính ấy có liên hệ chặt chẽ với nhau.

Song liên hệ dù sao cũng chỉ là “liên hệ”. Trong thực tế, biểu hiện của hai loại hình văn hóa này đan xen rất đa dạng. Loại hình văn hóa, cũng như mọi mô hình, sơ đồ, thường đúng trên đại thể, trong không gian lớn mà có thể biến hóa, di dịch trong tiểu tiết, trong không gian nhỏ. Do vậy, sẽ là khôi hài nếu từ những đặc trưng và quy luật chung đã trình bày,ta rút ra những đẳng thức tuyệt đối để rồi phản bác bằng cách đưa ra những trường hợp cá biệt nào đó nằm ngoài hoặc dường như nằm ngoài quy luật khiến cho một người đọc không được trang bị phương pháp khoa học dễ hoang mang và đi đến chỗ nghi ngờ, phủ nhận sự phân biệt hai loại hình văn hóa. Thực ra thì ngay cả những hiện tượng dường như là “phản ví dụ” cũng vẫn không nằm ngoài các quy luật đã biết.

Thật vậy, trong khi nói rằng văn hóa gốc nông nghiệp là những nền văn hóa thiên về âm tính (ưổn định, tĩnh tại, ứng xử theo tình cảm, trọng phụ nữ…) thì lại thấy chính người nông nghiệp có lối tư duy trọng quan hệ và lối sống linh hoạt (là những đặc trưng dương tính!). Song nếu bình tĩnh mà nhìn sẽ thấy đó chính là biểu hiện của sự vận hành rất chặt chẽ các quy luật “trong âm có dương” và “âm dương chuyển hóa cho nhau” (xem bảng)

TIÊU CHÍ

VH GỐC NÔNG NGHIỆP

VH GỐC DU MỤC

Thiên nhiên

Đông-Nam, Nóng

DG

Tây Bắc, Lạnh

ÂM

Cách sống

Định cư

ÂM

Du cư

DƯƠNG

Thái độ đối với MTTN

Hòa hợp với thiên nhiên

Chế ngự thiên nhiên

Thái độ đối với MTXH

Dung hợp; Mềm dẽo

Độc tôn; Cứng rắn

Lối tổ chức cộng đồng

Trong tình cảm; trọng văn, phụ nữ

Trọng sức mạnh; trọng võ, nam giới

Lối tư duy và ứng xử xã hội

Tổng hợp & biện chứng; Linh hoạt

DG

Phân tích & Siêu hình; Nguyên tắc

ÂM

TIÊU CHÍ

VH TRỌNG ÂM

VH TRỌNG DƯƠNG

Hai loại hình văn hóa dưới góc độ triết lí âm dương

Thiên nhiên Đông-Nam nóng (dương tính) sinh ra nền văn hóa trồng trọt sống định cưưa ổn định (âm tính). Đến lượt mình, nền văn hóa gốc nông nghiệp âm tính lại sinh ra lối tư duy tổng hợp, biện chứng và lối sống linh hoạt (dương tính). Ngược lại, thiên nhiên Tây – Bắc lạnh (âm tính) sinh ra nền văn hóa chăn nuôi sống du cưưa xê dịnh (dương tính). Đến lượt mình, nền văn hóa gốc du mục dương tính lại sinh ra lối tư duy phân tích, siêu hình và lối sống theo nguyên tắc chặt chẽ (âm tính). Bảng này phản ánh quy luật trong âm có dương, trong dương có âm, nhưng đối với văn hóa gốc nông nghiệp thì rõ ràng là các thuộc tính âm là chủ đạo, còn đối với văn hóa gốc du mục thì các thuộc tính dương là chủ đạo.

Trong không gian, quy luật trong âm có dương thể hiện ở chỗ trong nông nghiệp có chất du mục: Càng lên phía Bắc, tính du mục (dương tính) càng cao. Việt Nam âm tính hơn Trung Hoa, Trung Hoa phía Nam âm tính hơn Trung Hoa phía Bắc, Hoa Bắc âm tính hơn Mông Cổ… Nhưng ở trong Việt Nam thì tại sao phía Bắc không dương tính hơn phía Nam? Đó là vì Việt Nam ở vị trí ngã tư đường. Nó là góc tận cùng của Đông Nam lục địa cho nên ngoài luồng ảnh hưởng từ phía Bắc, nó còn đón nhận cả ảnh hưởng từ phía Tây (n Độ trước đây và phương Tây sau này). Nói cách khác, trong không gian, hai loại hình văn hóa được đa dạng hóa bởi quy luật phát triển đan cài do giao lưu văn hóa, do sự khác biệt về các điều kiện tự nhiên và xã hội trong  nội bộ mỗi vùng, mỗi nền văn hóa.

Trong thời gian, quy luật “âm dương chuyển hóa” thể hiện thành quy luật phát triển hình sin mang tính chu kì với các bước phát triển không đồng đều. Chẳng hạn, văn hóa nông nghiệp có truyền thống coi trọng phụ nữ – người “nội tướng” cai quản đất-nhà và là biểu tượng của cuộc sống định cưổn định. Nó dẫn đến truyền thống tôn sùng người phụ nữ với những câu tục ngữ nhưNhất vợ nhì trời; Lệnh ông không bằng cồng bà; Ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng… Và truyền thống tôn phụ nữ làm thần thánh (đạo Mẫu) với những bà Trời, bà Thủy, bà Hỏa, Địa Mẫu, bà chúa Xứ, bà chúa Sông, bà chúa Lạch, Thiên Yanna, Phật Bà, Mẹ Phật Thích Ca (Tày Nùng),… Truyền thống định danh quy mọi thứ to lớn, quan trọng, chủ yếu về cho mẹ (cái) nhưđường cái, đũa cái, cột cái, trống cái, sông cái, máy cái, ngón tay cái, chữ cái… Truyền thống trao cho người phụ nữ vai trò quyết định trong việc giáo dục con cái: Phúc đức tại mẫu; Con dại cái mang. Song không phải suốt lịch sử lúc nào bức tranh cũng là như vậy. Sau giai đoạn trong nữ thì đến trọng nam, nhất là từ thời Lê, khi Nho giáo trở thành quốc giáo. Mặc dù vậy, vẫn có thể nói là rằng nét chủ đạo trong truyền thống văn hóa Việt Nam là tinh thần trọng phụ nữ, bởi lẽ nó là gốc và giai đoạn này chiếm khoảng thời gian rất dài trong lịch sử.Còn việc đề cao nam giới là hậu quả ảnh hưởng của văn hoá Trung Hoa và chỉ phát triển mạnh vào mấy thế kỉ sau này. Vì vậy ở xã hội Việt Nam thời Lê-Nguyễn, quyền lợi của người phụ nữ vẫn được quan tâm, địa vị của họ không đến nỗi bị hạ thấp một cáh quá đáng. Trong khi đó thì, ngược lại, truyền thống phương Tây lại là trọng nam giới (truyền thuyết Thiên Chúa giáo coi người đàn bà chỉ là cái xương sườn của người đàn ông, khi hai người đàn ông cùng thích một người phụ nữ thì họ đấu gươm đấu súng với nhau để tranh giành). Chỉ mấy thế kỉ gần đây – từ các cuộc cách mạng tư sản, vai trò của người phụ nữ mới bắt đầu được đề cao. Song ban đầu nó chỉ nhưmột thứ mốt, thiên về những biểu hiện hình thức ngoài đường hơn thực chất trong nhà; mãi đến 1920, phụ nữ Mĩ mới được quyền bỏ phiếu, đến năm 1928 phụ nữ Anh mới được quyền bầu cử. Do truyền thống cực đoan của văn hoá phương Tây, xu hướng chú ý đến phụ nữ đã dẫn tiếp đến chỗ vào thập niên 60-70 ở phương Tây nổ ra các cuộc cách mạng nữ quyền, cách mạng tình dục làm đảo lộn vị trí nam nữ.

Một trong những biểu hiện của truyền thống trọng nữ, thiên về âm tính trong văn hoá Việt là trật tự “âm trước dương sau” (ví dụ các từ ghép: âm dương, vợ chồng, chẵn lẻ, vuông tròn…). Mới nhìn, có thể cho rằng nhận định này là thiếu sức thuyết phục, bởi lẽ các từ ghép cha mẹ, ông  bà, đực cái, trống máiđâu có tuân theo trật tư “âm trước dương sau”? Quả đây là những phản ví dụ. Nhưng chỉ là ở trong tiếng Việt – ngôn ngữ đã chịu ảnh hưởng nhiều của từ vựng tiếng Hán. Trong khi đó, ở ngôn ngữ các dân tộc ít người (mà trong lịch sử hầu như chưa bị ảnh hưởng bởi văn hóa trọng dương), cho đến nay các cặp quan hệ thân tộc đều vẫn giữ được trật tự nguyên thủy “âm trước dương sau”: Trong tiếng K’ho (Lâm Đồng) ta có: mevap (=mẹ cha), mộ pàng (= bà ông), oh mih (= chị anh), ur klau (= gái trai); trong tiếng Hrê (Quảng Ngãi) ta có: mifa (= mẹ cha), za vok (= bà ông), mai ong (= vợ chồng), rụ klo (= gái trai),… Còn về đực cái, trống mái thì người K’no nói me dam (= cái đực, mái trống), người Tày nói mẻ tập (= cái đực), phú pỏ (= mái trống) – tất thảy hóa ra đều là thứ tự “âm trước dương sau” cả! Rõ ràng là cách tiếp cận hệ thống đã cho thấy một bức tranh toàn cảnh với kết luận không thể chối cãi về truyền thống trọng nữ, thiên về âm tính của người Việt nói riêng và Đông Nam Á cổ đại nói chung.

Những nhận định rằng truyền thống văn chương Việt Nam thiên về thơ, ngôn từ Việt Nam thiên về cân đối nhịp nhàng, nghệ thuật Việt Nam thiên về biểu trưng, người Việt Nam ưa dùng các con số lẻ… là xuất phát từ những quan sát tổng thể mang tính thống kê. Một bài ca dao đặc biệt không cân đối (như bàiMười qua trứng), một vài thành ngữ dùng số chẵn… không những không có giá trị phản bác mà, do tính hiếm hoi của mình, càng chứng minh do tính đúng đắn của quy luật.

3. QUAN HỆ CỦA VĂN HÓA VIỆT NAM VỚI KHU VỰC

Để xác định được bản sắc của văn hóa Việt Nam, phương pháp hệ thống - loại hình không chỉ thích hợp trong việc so sánh văn hóa Việt Nam với phương Tây mà còn cả trong việc so sánh văn hóa Việt Nam với văn hóa khu vực, trước hết là với văn hóa Trung Hoa. Nếu không làm rõ được mối quan hệ này thì hãy khoan nói tới bản sắc văn hóa Việt Nam. Mà thực hiện việc đối chiếu này thì ai cũng biết là rất khó vì trước mặt ta, - như Vũ Tiến Thủy [1996: 216] đã dùng một hình ảnh khá sát – là một “khu rừng văn hóa nặng mùi Trung Quốc”.

Phương pháp hệ thống – loại hình đòi hỏi ta không chỉ giải thích sự khác biệt văn hóa bằng các điều kiện địa lí – khí hậu (không gian) mà còn phải chú ý thích đáng đến cả các điều kiện lịch sử – xã hội (thời gian). Lâu nay nhiều người trong chúng ta quen nghĩ rằng lãnh thổ và văn hóa Trung Hoa vốn đã định hình như thế ngay từ đầu, rằng ở Việt Nam và trong khu vực này, mọi thứ lớn nhỏ đều từ Trung Hoa mà ra cả, và rằng mọi cái do các ông Tàu nói ra đều đúng cả, kể cả những điều hoang đường nhất (ông vua này thì “nhìn trời đất mà vạch ra bát quái”, ông vua kia thì “nếm tất cả cỏ cây để tìm ra cách chữa bệnh”…). Hiển hiện là trong hai nghìn năm sau này, ta đã học hỏi và chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa rất nhiều, điều đó hà tất phải nói thêm.Chính cái ảnh hưởng lớn ấy đã tạo ra căn bệnh trầm kha mà khoa học gọi là “lấy Trung Hoa làm trung tâm” (Sinocentrism).

Về mặt lịch sử – xã hội thì Trung Hoa không phải ngay từ đầu đã lớn về lãnh thổ – dân cư và mạnh về văn hóa. “Cư dân đầu tiên được biết đến ở vùng Hoàng Hà là hai dân tộc Hạ và Thương. Cả hai dân tộc này vốn không phải là người bản địa mà là những bộ tộc du mục giống Mông Cổ” [Nguyễn Gia Phu 1993: 68]. Theo Lương Khải Siêu, tổ tiên người Trung Hoa vốn là một sắc dân du mục “khởi lên từ phía Tây Bắc, rồi tràn xuống chiến thắng những giống man tộc ở lưu vực sông Hoang Hà, và ngày càng tràn ra khắp cả trên cõi đất đại lục” [dẫn theo Lê Chí Thiệp 1073: 23]. Sự việc “tràn khắp cõi đại lục” ấy mới chỉ diễn ra vào thời Tần – Hán. Trước thời Tần, khu vực từ sông Dương Tử (Trung Hoa) tới sông Mã (Việt Nam) là địa bàn cư trú của bộ phận phía Bắc cư dân Đông Nam Á cổ đại (Indonésien) mà khoa gọi là chủng Austroasiatic (Nam-Á, sách vở chữ Hán thường gọi là “Bách Việt”); người Việt – Mường là một bộ phận tách từ chủng này mà ra.

Nhưvậy, văn hóa Việt Nam phải được nhìn nhận trên nền của Đông Nam Á cổ đại.

Đông Nam Á cổ đại, theo các tác giả Lịch sử Việt Nam, “là một trong những trung tâm phát sinh nông nghiệp sớm nhất của nhân loại” [Phan Huy Lê… 1991: 20]. Nhà địa chất học M Carl Sauer từ năm 1952 đã nhận định rằng đây là trung tâm nông nghiệp cổ xưa nhất. Nhà khảo cổ học Đông Nam Á người M Wilhelm Solheim II tuyên bố [1971]: “Tôi đồng ý với Sauer rằng sắc dân Hòa Bình ở miền nào đó trong vùng Đông Nam Á là giống người biết trồng cây trước hết trên thế giới. Tôi cũng không ngạc nhiên nếu thời kì đó bắt đầu khoảng 15.000 năm trước công nguyên”. Cuốn Lịch sử văn hóa Trung Quốc do các nhà khoa học thuộc Viện khoa học xã hội Trung Quốc biên soạn khẳng định: “Lúa đạo được nhập vào trồng ở vùng Trung Nguyên từ đời Chu” [Đàm Gia Kiện 1993: 767]. Nhập từ đâu? Căn cứ vào kết quả nghiên cứu của các học giả Trung Quốc như Lin Zhui-sian (1958), Sia Nai (1972) và nhiều người khác, nhà Đông phương học nổi tiếng người Nga là D.V.Deopik [1977: 265] đã viết: “Vào thiên niên kỉ thứ III trước công nguyên, ở trung tâm vùng Đông Á (= vùng sông Hoàng Hà – TNT), ta chỉ thấy một chấm nhỏ của văn minh trồng kê Ngưỡng Thiều (Janshao), lạc hậu hơn so với văn hóa đồ gốm có hoa văn vùng trung tâm ĐôngDương. Ở Bắc Đông Á không có những nôi nông nghiệp lớn…. Những nền văn hóa trồng lúa vùng sông Dương Tử thời kì Long Sơn (Lunshan) và muộn hơn thực chất đều là ngoại vi của nôi trồng lúa Đông Dương”. Trong cuốn Dân tộc học lịch sử các nước Đông Nam Á [1976: 265], Ja.V. Chesnov kết luận: “Ảnh hưởng của Đông Nam Á trong lĩnh vực kinh tế thể hiện ở việc đưa cây lúa thâm nhập vào vùng Đông Á từ vài nghìn năm trước công nguyên và vùng Tây Á ít nhất vào khoảng 1.000 năm trước công nguyên. Đông Nam Á đóng vai trò rất lớn trong việc phổ biến lợn, trâu và gà. Đến năm 1.450 trước công nguyên, gà đã xuất hiện ở Aicập Egip”. Về gà, nhà sinh vật học lỗi lạc người Anh thế kỉ XIX Charles Darwin (Đác-uyn) đã khẳng định trong tác phẩm nổi tiếng Nguồn gốc các loài rằng tất cả các giống gà nuôi trên thế giới đều bắt nguồn từ Đông Nam Á.

Cùng với nghề nông, Đông Nam Á cổ đại còn cống hiến cho phương Bắc (và các khu vực lân cận) nhiều thành tựu khoa học khác. Đó là con rồng được tưởng tượng từ cá sấu và rắn – những loài động vật phổ biến của vùng sông nước (rồng, long là những từ bắt nguồn từ k’rong trong các ngôn ngữ Đông Nam Á có nghĩa là “sông nước”). D.V.Deopik [1993: 13] khẳng định: “Rồng là sản phẩm chung của tất cả cư dân Việt và từ họ, nó đã đi vào văn hóa Trung Hoa”. Ja.V.Chesnov [1976: 265] cho biết: “Hình tượng con rồng sinh ra ở Đông Nam Á đã vươn đến cả những vùng xa xôi nhất của châu Âu”. Đó còn là Thần Nông và một số nhân vật thần thoại liên quan đến nông nghiệp. Nhà Hán học phương Tây nổi tiếng Joseph Needham trong bộ Science and Civilization in China (1954) khẳng định rằng “Thần Nông cũng như một số nhân vật thần thoại khác liên quan đến nông nghiệp, đều vốn là của cư dân bản địa phương Nam bị sát nhập vào Hoa tộc”. GS Đinh Gia Khánh trong cuốn Thần thoại Trung Quốc [1991] đưa ra khá nhiều tư liệu, đặc biệt là tư liệu của các nhà nghiên cứu Trung Hoa, nói về nguồn gốc phương Nam của Thần Nông, Nữ Oa; nguồn gốc Bách Việt của Ngưu Lang – Chức Nữ; nguồn gốc Mèo-Dao của Bàn Cổ. V.V.Evsjukov trong cuốnThần thoại thời đá mới ở Trung Hoa [1988: 39] cũng cho biết: nhân vật Bàn Cổ được “các nhà nghiên cứu thừa nhận rằng… theo nguồn gốc không phải là Trung Hoa mà được vay mượn từ các dân tộc láng giềng phương Nam của Trung Hoa là các bộ tộc Mèo-Dao”.

Nói về vai trò của phương Nam, GS Phạm Đức Dương, Viện trưởng Viện nghiên cứu Đông Nam Á, đã kết luận: “Nền văn minh Trung Hoa đã phát sáng do người làm nông nghiệp khô… vùng Trung nguyên lưu vực sông Hoàng Hà hỗn dung với văn hóa của cư dân du mục phía Bắc và Tây – Bắc…, sau đó là với văn hóa của cư dân nông nghiệp lúa nước Đông Nam Á… Kết thúc cuộc “Hán Sở tranh hùng”, nhà Hán đã thống nhất đất nước Trung Hoa từ Bắc xuống Nam (tiền Bắc hậu Nam) và phát triển đất nước theo một trật tự ngược lại: tiền Nam hậu Bắc” [1994: 7]. GS Trần Quốc Vượng, trong một bài đăng trên tạp chí Dân tộc học đã viết: “Trung Quốc đã “chữ nghĩa hóa”… nhiều thành tựu của văn hóa phương Nam và nhận làm của mình… Qua sách vở Trung Quốc, về sau Việt học lại nhiều điều vốn là kinh nghiệm, kí ức của tổ tiên mình nhưng đã qua sự sửa đổi, “khái niệm hóa” của học giả Trung Quốc” [1989: 18]. Còn GS Hà Văn Tấn, Viện trưởng Viện Khảo cổ học, trong một bài viết về chữ Việt cổ [1983], thì nói đến vai trò cụ thể của văn hóa Đông Sơn: “ảnh hưởng của văn hóa Đông Sơn lên phía Bắc, theo lưu vực sông Nguyên, sông Thương, đến đất Sở là đã rõ ràng”.

Nhưvậy, trong lĩnh vực quan hệ của văn hóa Việt Nam với Trung Hoa và khu vực, cách tiếp cận hệ thống cho ta thấy rằng: (a)Xét về cội nguồn, văn hóa Việt Nam phải được xem xét trên nền của văn hóaĐông Nam Á cổ đại; (b)Trên nền đó, ta thấy trong quá trình lịch sử đã diễn ra một sự giao lưu hai chiều: vào khoảng trước thời Tần – Hán, ảnh hưởng văn hóa chủ yếu đi từ Nam lên Bắc; từ thời Tần – Hán về sau lại theo chiều ngược lại – từ Bắc xuống Nam; (c) Do xuất phát từ những cội nguồn khác nhau cho nên, tuy từ thời Tần-Hán về sau Việt Nam đã tiếp thu nhiều yếu tố từ văn hóa Trung Hoa, song hai nền văn hóa này vẫn chứa đựng những nét khác biệt khá cơ bản và sâu sắc. Ví dụ: Trong khi Việt Nam với truyền thống nông nghiệp lâu đời thực sự khinh rẻ nghề buôn thì việc buôn bán ở Trung Hoa lại phát triển từ rất sớm và tài buôn bán của người Trung Hoa cả thế giới đều biết tiếng; trong khi Việt Nam nông nghiệp với lối sống trọng tình cảm, xưng hô bằng vô số các từ chỉ quan hệ họ hàng thì người Trung Hoa lại chỉ dùng các đại từ nhân xưng ngôi 1-2-3 chẳng khác gì các ngôn ngữ phương Tây; trong khi hệ thống tôn ti ở Việt Nam chi li tới mức từ xa xưa đã có nhu cầu phân biệt chín thế hệ (cửu tộc) bằng chín từ đơn riêng rẽ (cố, cụ, ông, cha, tôi, con, cháu, chắt, chút) thì người Trung Hoa chỉ phân biệt bằng từ được 4 thế hệ(phụ, ngã, tử, tôn), còn tên gọi các thế hệ trên nữa và dưới nữa thì do xuất hiện muộn sau này nên phải dùng cách ghép từ (cao tằng tổ, tằng tổ, tổ phụ; tằng tôn, huyền tôn) chẳng khác gì trong các ngôn ngữ phương Tây…

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN

1. Bửu Dưỡng 1971: Ngài ở đâu? Lịch sử nhân loại, tập II. SG: Đa Minh Thiện Bản.

2. Chesnov 1976: Чеснов Я.В. Историческая этнография стран Индокитая. – М., Наука.

3. Deopik D.V 1977: Centralnaja I juzhnaja chaschi Vostochnoj Azij kak kulturnye ochagi vo II-I tycjacheletijiakh do n.e. – V kn.: Rannjaja etnicheskaja istorija vostocjpnoj Azii. – Moskva: Nauka.

4. Deopol D.V. 1993: Vietnam kak chast’ jugo-vostocjpnoj azii. V kn: Tradicionnyj V’etnam. – M: 1993, s. 11-23.

5. Durant W.1990: Nguồn gốc văn minh (Nguyễn Hiến Lê dịch). – Huế, Thuận An.

6. Đàm Gia Kiện (chủ biên) 1993: Lịch sử văn hóa Trung Quốc (nhóm Trương Chính dịch). – HN: NXB KHXH.

7. Đinh Gia Khánh 1991: Thần thoại Trung Quốc. – HN: NXB KHXH.

8. Evsjukov V.V. 1988: Mifologija kitajskogo neolita. – Novosibirsk: Nauka.

9. Hà Văn Tấn 1983: Có một hệ thống chữ Việt cổ thời các vua Hùng. – Báo ảnh Việt Nam, số 291.

10. Lê Chí Thiệp 1973: Kinh Dịch nguyên thủy. – SG: Khai trí.

11. Needham J.1954: Science and civilization in China (7 vol). – Cambridge University Press.

12. Nguyễn Gia Phu 1993: Đại cương lịch sử phương Đông cổ trung đại. Trường ĐHTH TP.HCM

13. Phạm Đức Dương 1994: Tiếp xúc, giao lưu và phát triển văn hóa Việt Nam và thế giới (Chương trình KX-06-15). – In xong: Nghiên cứu Đông Nam Á, số 4, 1994, tr. 1-23.

14. Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lương Ninh 1991: Lịch sử Việt Nam, tập I. – HN: NXB Đại học & GDCN.

15. Solheim II W.G. 1971: New Light on a Forgotten Past. – “National Geographic”, Vol. 139, N 3.

16. Trần Quốc Vượng 1980: Suy nghĩ đôi điều về văn hóa Việt Nam. – Tạp chí Dân tộc học, số 1 – 1980, tr. 12-18.

17. Vũ Tiến Thủy 1996: Về văn hóa Việt Nam. – Tạp chí Triết, số 2 (6-1996), tr. 208-216.