Thứ sáu, 18 Tháng 1 2013 19:51

Đối thoại cùng bạn đọc về quan hệ văn hóa p. Bắc và p. Nam

  • ĐỐI THOẠI CÙNG BẠN ĐỌC VỀ QUAN HỆ VĂN HÓA
    PHƯƠNG BẮC VÀ PHƯƠNG NAM

  • GS.TSKH.Trần Ngọc Thêm

  • (Trường Đại học KHXH & NV, Đại học Quốc gia Tp.HCM)

Cuốn “Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam” (in lần đầu năm 1996) là sự mở rộng của công trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Tính hệ thống của văn hóa Việt Nam” (nghiệm thu năm 1994, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về công trình NCKH xuất sắc 5 năm 1991-1995) và cuốn “Cơ sở văn hóa Việt Nam” dày 500 trang do Trường Đại học Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh xuất bản chính thức lần đầu năm 1995. Mặc dù khi đó sách mới chỉ lưu hành nội bộ với số lượng xuất bản không nhiều, song sau khi ra mắt, “Cơ sở văn hóa Việt Nam” đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của dư luận bạn đọc. Một Hội thảo đã được tổ chức tại Trung tâm Quốc học. Nhiều báo và tạp chí trong nước và của Việt kiều ở nước ngoài đã đăng tải các bài giới thiệu, nhận xét, thảo luận.

Bên cạnh nhiều ý kiến, bài viết đánh giá cao công trình này và những góp ý đúng đắn, chân thành mà chúng tôi rất trân trọng tiếp thu, cũng có một số bài viết chứa những nhận xét không thỏa đáng do không hiểu rõ, không cùng điểm xuất phát, hoặc đơn giản là do chưa đọc kỹ. Nhận thấy một số băn khoăn thắc mắc trong những bài này có thể cũng là băn khoăn thắc mắc chung của bạn đọc “Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam” nên chúng tôi đã đưa vào phần “Đối thoại cùng bạn đọc” này mà nội dung chủ yếu được soạn theo bài trả lời phỏng vấn của chúng tôi với phóng viên Công Bình nhan đề “Trò chuyện với tác giả Cơ sở văn hóa Việt Nam” đã đăng trên Báo “Văn nghệ”, số 32-1996 và một bài khác đã gửi cho báo “Văn nghệ” sau đó, nhưng chưa được tòa soạn công bố.

“Đối thoại cùng bạn đọc” hy vọng góp phần làm sáng tỏ thêm về phương pháp tiếp cận và nội dung những vấn đề đã trình bày trong sách “Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam”. 

- Nhiều người băn khoăn về việc khẳng định các giá trị của văn hóa phương Nam.

- Đó là điều dễ hiểu. Lâu nay nhiều người trong chúng ta quen nghĩ rằng lãnh thổ và văn hóa Trung Hoa vốn đã định hình như thế ngay từ đầu, rằng ở Việt Nam và trong khu vực này, mọi thứ lớn nhỏ đều từ Trung Hoa mà ra cả, và rằng mọi cái do các ông Tàu nói ra đều đúng cả, kể cả những điều hoang đường nhất (chẳng hạn những chuyện như ông vua này thì “nhìn trời đất mà vạch ra bát quái”, ông vua kia thì “nếm tất cả cỏ cây để tìm ra cách chữa bệnh”…). Hiển nhiên là trong hai nghìn năm sau này, Việt Nam đã học hỏi và chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa rất nhiều, điều đó hà tất phải nói thêm; song chính cái ảnh hưởng lớn ấy đã tạo ra căn bệnh trầm kha mà khoa học gọi là “lấy Trung Hoa làm trung tâm” (Sinocentrism, “dĩ Hoa vi trung”). Thực ra thì, như Lương Khải Siêu ­ một nhà hoạt động văn hóa Trung Quốc nổi tiếng ­ đã thừa nhận, tổ tiên người Trung Hoa vốn là một sắc dân du mục “khởi lên từ phía Tây Bắc, rồi tràn xuống chiến thắng những giống man tộc ở lưu vực sông Hoàng Hà, và ngày càng tràn ra khắp cả trên cõi đất đại lục”. Sự việc “tràn ra khắp cõi đại lục” ấy mới chỉ diễn ra vào thời Tần-Hán, cho nên “Chine” (= Tần) đối với người phương Tây trở thành tên gọi nước Trung Hoa, còn “Hán” trở thành tên gọi dân tộc chủ thể, chiếm gần 94% dân số nước này. Trước thời Tần, khu vực từ sông Dương Tử tới Bắc Trung Bộ của Việt Nam là địa bàn cư trú của chủng Austroasiatic (Nam-Á) mà sách vở Trung Hoa và Việt Nam thường gọi là “Bách Việt”; người Việt-Mường là một bộ phận tách từ chủng này mà ra. Vùng văn hóa Nam-Á (Bách Việt) này nằm trong khu vực cư trú của người Indonésien, tức là thuộc văn hóa phương Nam cổ đại nói chung.

Một vài người khi bàn về vấn đề này đã thiếu sự cập nhật hóa kiến thức cần thiết, chỉ dùng những điều thu lượm được từ những năm 60 để đưa ra những nhận xét kiểu như: “Rất có thể là suốt hai nghìn năm văn hóa Văn Lang, chúng ta chưa hề có liên hệ gì với Bách Việt phía Nam sông Dương Tử cả? Chừng như văn hóa Lạc chỉ được trộn với văn hóa Việt khi Thục Phán đến nước ta…?”. “Cho đến cuối nhà Chu thì vùng Hoa Nam hầu như đã bị Hoa hóa gần hết” (báo Văn nghệ số 17-18 năm 1996). Hoặc: “Phương Nam trong sách cổ Trung Hoa có khi cũng ở ngoài biên giới Trung Hoa nhưng kèm theo tên nước, như nước Việt Thường; phần lớn là chỉ Hoa Nam. Phương Nam đã là Hoa Nam, tức vẫn là Trung Hoa, thì việc đối lập sẽ không còn ý nghĩa gì” …” (tạp chí Văn Tp. Hồ Chí Minh tháng 5-1996).

Trong khi ta biết rằng vào thời nhà Chu nói riêng và Tiên Tần nói chung, biên giới Hoa Hạ chỉ mới loanh quanh ở vùng Hoa Bắc thì nơi mà sau này được gọi là “Hoa Nam” thời đó cũng vẫn còn nằm “ngoài biên giới Trung Hoa” có khác gì Việt Thường? Và như thế thì làm sao mà “Hoa hóa gần hết” vùng Hoa Nam được? Đến thời Tần-Hán mới chiếm được vùng đất này, nhưng đâu phải cứ chiếm được đất là đồng hóa ngay được con người? Nhà Đông phương học Nga nổi tiếng D.V. Deopik trong một bài viết gần đây (1993) đã lưu ý rằng “khu vực ven biển ở phía Nam Trung Hoa là vùng đất của các quốc gia Việt có trình độ phát triển cao vào nửa sau thiên niên kỷ I trước công nguyên, bị chiếm đất vào cuối thiên niên kỷ I trước công nguyên, và bị đồng hóa khoảng một nghìn năm sau đó. Bởi vậy mà giữa Việt Nam với vùng này có rất nhiều điểm chung.”

- Như vậy, có thể hiểu “phương Nam” là khái niệm bao gồm cả vùng Hoa Nam và Bắc Việt Nam?

- Đúng hơn, phương Nam cổ đại là một khu vực cư trú của người Indonésien lục địa trải dài từ sông Dương Tử về phía Nam; trong đó, vùng Hoa Nam và Bắc Việt Nam trước thời Tần-Hán là địa bàn cư trú của chủng Nam-Á. Đó là một kết luận khoa học liên ngành với những bằng chứng do nhân chủng học, ngôn ngữ học, khảo cổ học… cung cấp. Đến đây, chúng ta đụng chạm tới vấn đề các giá trị của văn hóa phương Nam và ảnh hưởng của nó. Đây không còn là giả thuyết, cũng chẳng phải là một “đề quyết động trời”, do một ai gần đây đề xuất ra. Đây là một thực tế đã được các nhà khoa học thuộc nhiều chuyên môn khác nhau, nhiều quốc tịch khác nhau (kể cả Trung Quốc) xác nhận và khẳng định.

Đông Nam Á, theo các giáo sư Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lương Ninh ­ tác giả cuốn Lịch sử Việt Nam (NXB Đại học vàGDCN, 1991, tr. 20), “là một trong những trung tâm phát sinh nông nghiệp sớm nhất của nhân loại”. Nhà địa chất học Mỹ Carl Sauer từ năm 1952 đã nhận định rằng đây là trung tâm nông nghiệp cổ xưa nhất. Nhà Đông Nam Á học người Mỹ Wilhelm Solheim II tuyên bố (1971): “Tôi đồng ý với Sauer rằng sắc dân Hòa Bình ở miền nào đó trong vùng Đông Nam Á là giống người biết trồng cây trước hết trên thế giới. Tôi cũng không ngạc nhiên nếu thời kỳ đó bắt đầu khoảng 15.000 năm trước công nguyên”. Cuốn Lịch sử văn hóa Trung Quốc do các nhà nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc biên soạn (Hà Nội: 1993, tr. 767) khẳng định: “Lúa đạo được nhập vào trồng ở vùng Trung Nguyên từ đời Chu”. Nhập từ đâu? Không chỉ là từ vùng Hoa Nam mà có người tưởng rằng thời đó vốn đã thuộc Trung Hoa rồi, hoặc có người khác lại nghĩ rằng vào đời Chu “đã bị Hoa hóa gần hết”. Căn cứ vào kết quả nghiên cứu của các học giả Trung Quốc như Lin Zhui-sian (1958), Sia Nai (1972) và nhiều người khác, giáo sư D.V. Deopik đã viết trong một công trình năm 1977: “Vào thiên niên kỷ thứ III trước công nguyên, ở trung tâm vùng Đông Á (= vùng sông Hoàng Hà - T.N.T.), ta chỉ thấy một chấm nhỏ của văn minh trồng kê Ngưỡng Thiều (Janshao), lạc hậu hơn so với văn hóa đồ gốm có hoa văn vùng trung tâm Đông Dương. Ở Bắc Đông Á không có những nôi nông nghiệp lớn... Những nền văn hóa trồng lúa vùng sông Dương Tử thời kỳ Long Sơn (Lunshan) và muộn hơn thực chất đều là ngoại vi của nôi trồng lúa Đông Dương". Một nhà Đông phương học Nga khác, ông Ja.V. Chesnov nhận xét trong cuốn Dân tộc học lịch sử các nước Đông Dương (Moskva, 1976, tr. 265): “Ảnh hưởng của Đông Nam Á trong lĩnh vực kinh tế thể hiện ở việc đưa cây lúa thâm nhập vào vùng Đông Á từ vài nghìn năm trước công nguyên và vùng Tây Á ít nhất vào khoảng 1000 năm trước công nguyên. Đông Nam Á đóng vai trò rất lớn trong việc phổ biến lợn, trâu và gà. Đến năm 1450 trước công nguyên, gà đã xuất hiện ở Aicập Egip”. Về gà, nhà sinh vật học lỗi lạc người Anh thế kỷ XIX Charles Darwin (Đác-uyn) đã khẳng định trong tác phẩm nổi tiếng Nguồn gốc các loài rằng tất cả các giống gà nuôi trên thế giới đều bắt nguồn từ loài gà rừng Đông Nam Á. Gần đây nhất, Stephen Oppenheimer trong một cuốn sách dày 560 trang do Phoenix xuất bản năm 1998 nhan đề “Vườn Địa đàng ở phương Đông: Một lục địa đã chìm ở Đông Nam Á” (Eden in the East: The Drowned Continent of Southeast Asia) với những cứ liệu địa chất học, khảo cổ học, ngôn ngữ học, di truyền học,... đã nói về những nền văn minh Đông Nam Á đã bị lãng quên; theo ông, thời đại đồ đồng ở Đông Nam Á đã diễn ra cách đây 5-6000 ngàn năm, trước cả Trung Cận Đông và thời đại đồ đồng Trung Hoa khá xa, nền văn hóa Đông Nam Á chính là cái nôi của văn hóa và văn minh thế giới.

Cùng với nghề nông, Đông Nam Á cổ đại còn cống hiến cho phương Bắc (và các khu vực lân cận) nhiều thành tựu văn hóa khác. Đó là con rồng được tưởng tượng từ cá sấu và rắn ­ những loài động vật phổ biến của vùng sông nước (rồng, long là những từ bắt nguồn từ k’rong trong các ngôn ngữ Đông Nam Á có nghĩa là “sông nước”). D.V. Deopik (1993) khẳng định: “Rồng là sản phẩm chung của tất cả các cư dân Việt và từ họ, nó đã đi vào văn hóa Trung Hoa”. Ja.V. Chesnov (1976) cho biết: “Hình tượng con rồng sinh ra ở Đông Nam Á đã vươn đến cả những vùng xa xôi nhất của châu Âu”. Đó còn là Thần Nông và một số nhân vật thần thoại liên quan đến nông nghiệp. Nhà Hán học nổi tiếng người Mỹ Joseph Needham trong bộ Science and Civilization in China (1954) khẳng định rằng “Thần Nông cũng như một số nhân vật thần thoại khác liên quan đến nông nghiệp, đều vốn là của cư dân bản địa phương Nam bị sát nhập vào Hoa tộc”. GS Đinh Gia Khánh trong cuốn Thần thoại Trung Quốc (Hà Nội, NXB KHXH, 1991) đưa ra khá nhiều tư liệu, đặc biệt là tư liệu của các nhà nghiên cứu Trung Hoa, nói về nguồn gốc phương Nam của Thần Nông, Nữ Oa; nguồn gốc Bách Việt của Ngưu Lang - Chức Nữ; nguồn gốc Mèo-Dao của Bàn Cổ. Nhà nghiên cứu người Nga V.V. Evsjukov trong cuốn Thần thoại thời đá mới ở Trung Hoa (Novosibirsk, 1988, tr. 39) cũng cho biết: nhân vật Bàn Cổ được “các nhà nghiên cứu thừa nhận rằng <…> theo nguồn gốc không phải là Trung Hoa mà được vay mượn từ các dân tộc láng giềng phương Nam của Trung Hoa là các bộ tộc Mèo-Dao”.

Nói về vai trò của phương Nam, GS Trần Quốc Vượng, trong một bài đăng trên tạp chí Dân tộc học (số 1-1980), đã viết: “Trung Quốc đã “chữ nghĩa hóa” <…> nhiều thành tựu của văn hóa phương Nam và nhận làm của mình <…>. Qua sách vở Trung Quốc, về sau người Việt học lại nhiều điều vốn là kinh nghiệm, ký ức của tổ tiên mình nhưng đã qua sự sửa đổi, “khái niệm hóa” của học giả Trung Quốc”. GS Phạm Đức Dương, Viện trưởng Viện nghiên cứu Đông Nam Á, chủ trì đề tài khoa học cấp nhà nước “Tiếp xúc, giao lưu và phát triển văn hóa: quan hệ giữa văn hóa Việt Nam và thế giới”, đã kết luận (1994): “Nền văn minh Trung Hoa đã phát sáng do những người làm nông nghiệp khô <…> vùng Trung nguyên lưu vực sông Hoàng Hà hỗn dung với văn hóa của cư dân du mục phía Bắc và Tây-Bắc <…>, sau đó là với văn hóa của cư dân nông nghiệp lúa nước Đông Nam Á <…>. Kết thúc cuộc “Hán Sở tranh hùng”, nhà Hán đã thống nhất đất nước Trung Hoa từ Bắc xuống Nam (tiền Bắc hậu Nam) và phát triển đất nước theo một trật tự ngược lại: tiền Nam hậu Bắc”. GS Hà Văn Tấn, Viện trưởng Viện Khảo cổ học, trong một bài viết về chữ Việt cổ năm 1983, thì nói đến vai trò cụ thể của văn hóa Đông Sơn: “ảnh hưởng của văn hóa Đông Sơn lên phía Bắc, theo lưu vực sông Nguyên, sông Tương, đến đất Sở là đã rõ ràng”.

- Phê phán cách hiểu của “Cơ sở văn hóa Việt Nam” và “Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam” về “Nam phương chi cường” và “Bắc phương chi cường” của Khổng Tử [Trung dung, 10] là “cái mạnh của người phương Nam” và “cái mạnh của người phương Bắc”, có ý kiến cho rằng phải hiểu “Nam phương” là “Nam diện” (quay mặt về phương Nam) = kẻ trên = người quân tử; còn “Bắc phương” là “Bắc diện” (quay mặt về phương Bắc) = kẻ dưới = tiểu nhân mới đúng! (báo Văn nghệ số 37-1996)

- Cách hiểu của chúng tôi hoàn toàn phù hợp với thực tế lịch sử là trong một thời gian dài, “phương Nam” là thuật ngữ được sách vở Trung Hoa dùng để chỉ khu vực phía Nam sông Dương Tử; phù hợp với cách hiểu của Chu Hy, học giả nổi tiếng đời Tống, khi ông giải thích đoạn này trong bộ Tứ thư tập chú của mình như sau: “Phong thái của người phương Nam thì mềm dẻo, cho nên lấy sức nhẫn nại để thắng người làm sức mạnh của họ ­ đó là cái đạo của người quân tử. Phong thái của người phương Bắc thì cứng cỏi, cho nên lấy sự dũng cảm để thắng người làm sức mạnh của họ ­ đó là thái độ của kẻ mạnh”. Nó cũng phù hợp với cách hiểu trong tất cả các bản dịch tiếng Việt trước nay của Nhượng Tống, Đoàn Trung Còn, Phan Khoang, Quang Đạm…, cũng như cách hiểu của James Legge trong bản dịch tiếng Anh (Nam phương = southern regions, Bắc phương = northern regions).

Cách hiểu: “Nam phương = Nam diện (quay mặt về phương Nam) = kẻ trên = người quân tử; Bắc phương = Bắc diện (quay mặt về phương Bắc) = kẻ dưới = tiểu nhân” quả thực chẳng giống ai và cũng không hợp lý. Khái niệm “người quân tử” trong học thuyết của Khổng Tử không dùng để chỉ kẻ đang cầm quyền, mà là chỉ người cầm quyền lý tưởng mà Nho gia chủ trương đào tạo. Kẻ đang nắm quyền lực trong tay ở xã hội phong kiến Trung Hoa thì việc gì mà phải ứng xử mềm dẻo, lấy sức nhẫn nại để thắng người? Và kẻ bị trị đã “ở dưới” rồi thì làm sao mà cứng cỏi, làm sao mà có thái độ của kẻ mạnh được?

- Cách hiểu “quân tử = ngưởi cai trị” như trong Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam (§23.2.1) e rằng không đúng, bởi lẽ theo Hán-Việt từ điển của Đào Duy Anh thì quân tử là “người tài đức xuất chúng, người phẩm hạnh ngay thẳng, người có nhân cách hoàn toàn...”? Hơn nữa, đây là một khái niệm xuất phát, hiểu sai khái niệm này e sẽ dẫn đến nhận định sai lạc toàn bộ về Nho giáo? (Xưa & nay, số 75B, tr. 29).

- Chúng tôi không phải là không biết đến cách hiểu ghi trong Hán-Việt từ điển của Đào Duy Anh. Cách hiểu này, người có trình độ bình thường, không cần tra từ điền cũng có thể cảm nhận mà biết được. Nhưng nếu nhà khoa học mà cũng chỉ bằng lòng với những cách hiểu thông thường thì khoa học sẽ chẳng tiến lên được bước nào.

“Người cai trị” mới chính là nghĩa gốc của từ “quân tử”. Giải thích chữ “quân”, sách Tìm về cội nguồn chữ Hán của Lý Lạc Nghị và Jim Waters (1997) viết: “Quân 君(ví dụ: quân tử, quân chủ”; âm Bắc Kinh: [jūn]) - nghĩa gốc là “quân chủ”... Chữ 君 là ghép chữ “doãn” 尹 với chữ “khẩu” 口: “doãn” là một tay cầm gậy, tượng trưng quyền lực; khẩu chỉ việc phát lệnh”.

Từ nghĩa gốc là “người cai trị” dùng để chỉ giới quý tộc cầm quyền thời Xuân Thu (thời đại Khổng Tử), mà “người cai trị kiểu mẫu” theo Khổng Tử thì phải có được các phẩm chất tốt đẹp về tài đức, phẩm hạnh, nhân cách, đối lập với “tiểu nhân” là người bị trị ­ dần dần từ “quân tử” mới được chuyển sang dùng để chỉ người có tài đức, nhân cách nói chung (dù có cầm quyền hay không). Ngay từ những trang đầu bản dịch “Luận ngữ” của mình, học giả Nguyễn Hiến Lê [1994: 26] đã cẩn trọng dặn dò kỹ lưỡng nhằm tránh nhầm lẫn về nghĩa của từ này: “Quân tử ­ mới đầu trỏ hạng quý tộc cầm quyền, trị dân. Tiểu nhân là dân thường. Khổng Tử cho rằng người cầm quyền phải có đức, do đó mà quân tử còn có nghĩa là người có đức dù cầm quyền hay không. Chữ tiểu nhân cũng vậy, có hai nghĩa: dân thường, hoặc người cầm quyền nhưng thiếu đức. Đọc Luận ngữ, chúng ta phải tùy chỗ mà hiểu theo nghĩa này hay nghĩa khác”.

Từ điển Từ hải phân biệt hai nghĩa của từ “quân tử” càng làm rõ hơn quá trình phát sinh phát triển nghĩa này: “Quân tử: 1- Từ... để chỉ giới quý tộc thời Xuân Thu...; 2- Cuối thời Xuân Thu về sau, quân tử và tiểu nhân dần dần chuyển sang khái niệm chỉ người có đức và người không có đức”.

- Có ý kiến cho rằng tác giả Cơ sở văn hóa Việt Nam và Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam đã “lấy Việt Nam làm trung tâm”?

- Khi làm việc, chúng tôi luôn cố gắng khách quan tới mức tối đa. Mọi kết luận, tôi đều dựa trên những cứ liệu, những kết luận do nhiều người hoặc những nhà khoa học có uy tín cung cấp cộng với sự phân tích lí giải của mình. Sự vật được chúng tôi xem xét trong sự vận động: Bên trong, mọi nền văn hóa đều có lúc thịnh lúc suy, tính cách một dân tộc có tốt có xấu; bên ngoài, các nền văn hóa luôn giao lưu, trao đổi, có đi có lại. Chẳng qua là lâu nay nhiều người mắc bệnh lấy Trung Hoa và châu Âu “làm trung tâm” nên nhìn vào văn hóa Việt Nam, bên trong người ta thường chỉ thấy cái suy, trong quan hệ giao lưu chỉ thấy tác động một chiều từ ngoài vào; thành ra khi chúng tôi nói đến cái thịnh, cái ảnh hưởng từ Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung ra bên ngoài thì có người thấy lạ và đã vội cho rằng như thế là “lấy Việt Nam làm trung tâm” rồi. Người đọc kỹ sẽ thấy rằng chúng tôi không chỉ nói đến cái hay mà còn phân tích rất kỹ càng và khách quan cả về nguồn gốc những cái dở của người Việt Nam như các thói tùy tiện, coi nhẹ cá nhân, dựa dẫm, cào bằng; các bệnh bè phái, địa phương chủ nghĩa, tư hữu, gia trưởng… (xem các trang 157-159, 420-422 sách Cơ sở văn hóa Việt Nam bản in năm 1995 và các mục §§2.3, 10.6, 27.2 của sách Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam). Về vấn đề “lấy Việt Nam làm trung tâm” hay không, xin xem thêm ý kiến của Nguyễn Trọng Văn ở trang 624 sách này.

- Có ý kiến cho rằng khi nói về quan hệ với phương Bắc, Trần Ngọc Thêm đã lặp lại Kim Định?

- Mọi nhà khoa học đều phải “đứng trên vai của những người khổng lồ” (theo cách nói của Newton), tức là dựa vào những người đi trước. Để viết được Cơ sở văn hóa Việt Nam và Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, chúng tôi đã phải tham khảo hơn 400 tài liệu, Kim Định là tác giả của 9 đầu sách trong số đó. Khi dựa vào người đi trước thì sẽ có chỗ giống, có chỗ khác; có chỗ tiếp thu, có chỗ bổ sung. Cái chung cơ bản giữa Kim Định và chúng tôi là cố gắng thoát khỏi căn bệnh “lấy Trung Hoa làm trung tâm”. Còn về sự khác nhau thì, với phương pháp “huyền sử”, quan niệm của Kim Định có thể quy về ba điểm:

a) Viêm tộc (= Việt tộc) đã làm chủ nước Tàu trước Hoa tộc (Việt lí tố nguyên, 1970, tr. 52-53, 77);

b) Bởi thế nên “phải nói rằng Việt Nho bàng bạc trên khắp nước Tàu trước khi người Tàu xâm nhập” và, do vậy, Nho giáo trước thời Tần chính là Việt Nho (Khổng Tử thuộc số những đại biểu cuối cùng), còn Nho giáo từ thời Tần trở về sau là Hán nho (Tinh hoa ngũ điển, 1973, tr. 18, 9);

c) Do đó, tất cả các tư tưởng âm dương, ngũ hành, bát quái cũng như các sách kinh điển của Nho giáo đều thuộc Viêm tộc cả.

Xem thế đủ thấy sự khác biệt cơ bản giữa Kim Định và chúng tôi: Với phương pháp hệ thống - loại hình, sử dụng các tư liệu liên ngành, chúng tôi giới hạn rõ ràng khu vực cư trú của cư dân Nam-Á - Bách Việt, cũng như tách biệt rõ ràng những sản phẩm của văn hóa phương Bắc với phương Nam (điều mà trong các tác phẩm của Kim Định không hề có), đồng thời chỉ ra sự giao lưu qua lại giữa chúng (xem §27.1.2 của sách Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam).

Ngoại trừ những điểm khác nhau và những điều hiển nhiên hoặc đã được nhiều người nói tới, MỌI ý kiến của Kim Định cùng những tư liệu dẫn theo Kim Định chúng tôi đều có chú thích rõ ràng ngay từ bản in đầu tiên của cuốn Cơ sở văn hóa Việt Nam (năm 1995) và bản in đầu tiên của cuốn Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam (năm 1996). Ý kiến cho rằng chúng tôi lặp lại Kim Định chỉ là sự nhận xét vội vàng của người đọc không kỹ mà thôi.

Nhận xét về chỗ giống nhau và khác nhau giữa chúng tôi và Kim Định, ông Vũ Khánh Thành, nguyên học trò của Kim Định và cũng đã từng nhiều năm làm công tác giảng dạy, hiện là Giám đốc Hội An-Việt (một hội có mục đích giúp nhau học hỏi và nghiên cứu triết lý An Vi do Kim Định xây dựng và văn hóa Việt Nam) ở Anh quốc trong một bức thư gửi chúng tôi đề ngày 5-4-2000 đã viết: “Cụ Định do trực giác nhìn thấy cội nguồn văn hóa Việt. Anh, lớp người đến sau chứng minh rõ ràng hơn. Cụ Định xoáy vào suy tư triết lý, anh đi vào khoa học thuyết minh. Cụ Định cho nổ bom thức tỉnh mọi người, anh bình tĩnh tìm cội nguồn trước sau.

Nguồn: Trích từ PHỤ LỤC cuốn Tìm về bản sắc văn hoá Việt Nam
(Trần Ngọc Thêm, NXB Tp. HCM, bản in lần 3, 2001) + vanhoahoc.edu.vn