Bên cạnh nhiều ý kiến, bài viết đánh giá cao công trình này và những góp ý đúng đắn, chân thành mà chúng tôi rất trân trọng tiếp thu, cũng có một số bài viết chứa những nhận xét không thỏa đáng do không hiểu rõ, không cùng điểm xuất phát, hoặc đơn giản là do chưa đọc kỹ. Nhận thấy một số băn khoăn thắc mắc trong những bài này có thể cũng là băn khoăn thắc mắc chung của bạn đọc "Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam" nên chúng tôi đã đưa vào phần "Đối thoại cùng bạn đọc" này mà nội dung chủ yếu được soạn theo bài trả lời phỏng vấn của chúng tôi với phóng viên Công Bình nhan đề "Trò chuyện với tác giả Cơ sở văn hóa Việt Nam" đã đăng trên Báo "Văn nghệ", số 32-1996 và một bài khác đã gửi cho báo "Văn nghệ" sau đó, nhưng chưa được tòa soạn công bố.
"Đối thoại cùng bạn đọc" hy vọng góp phần làm sáng tỏ thêm về phương pháp tiếp cận và nội dung những vấn đề đã trình bày trong sách "Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam".
***
- Có ý kiến phê bình định nghĩa văn hóa trong Cơ sở văn hóa Việt Nam và Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam là chưa đề cập hay đề cập chưa đúng mức đến các đặc trưng như tính chủ động, tính nhân đạo, và các chức năng như chức năng nhận thức và tái tạo thông tin, chức năng định hướng, chức năng tái tạo thế giới của văn hóa?
Một khái niệm khoa học thường có nhiều đặc trưng và chức năng mà một định nghĩa, do yêu cầu diễn đạt ngắn gọn, thường không bao giờ có thể bao quát hết được. Bởi vậy mà trong thực tiễn khoa học xưa nay, đối với một khái niệm, người ta có thể kể ra đủ mọi thứ "tính" khác nhau và định nghĩa nó theo nhiều cách khác nhau (chính vì vậy mà những khái niệm khoa học quan trọng thường bao giờ cũng có nhiều cách định nghĩa khác nhau), do đó không dễ gì kết luận rằng chỉ có định nghĩa này mới đúng, còn những định nghĩa khác là sai cả; phải nêu những đặc trưng, chức năng này mới đúng, còn nêu những đặc trưng, chức năng khác là sai cả. Theo lôgic nghiên cứu khoa học, để đưa ra một định nghĩa có sức thuyết phục, cần phải lựa chọn được trong số các "tính" có thể có, đâu là những đặc trưng cơ bản. Đặc trưng cơ bản là những nét riêng biệt và tiêu biểu, cần và đủ để phân biệt khái niệm (sự vật) ấy với những khái niệm (sự vật) khác.
Về khái niệm "văn hóa", hiện có rất nhiều định nghĩa. Vào năm 1952, hai nhà nhân học người Mỹ là A. Kroeber và C. Kluckhohn đã viết một cuốn sách chuyên bàn về các định nghĩa văn hóa nhan đề: Văn hóa - tổng luận phê phán các quan niệm và định nghĩa (Culture: a critical review of concepts and definitions), trong đó đã dẫn ra và phân tích 164 định nghĩa về văn hóa. Trong lần xuất bản thứ hai của cuốn sách này, số định nghĩa văn hóa đã tăng lên đến trên 200. Còn hiện nay thì số lượng định nghĩa về văn hóa khó mà biết chính xác được: có người bảo là 400, có người nói là 500, lại có người quả quyết rằng chúng lên đến con số nghìn...
Các định nghĩa văn hóa hiện có tuy rất phong phú và đa dạng, nhưng tựu trung lại, chúng không nằm ngoài hai loại: định nghĩa miêu tả và định nghĩa nêu đặc trưng. Định nghĩa miêu tả liệt kê các thành tố của văn hóa, còn các định nghĩa nêu đặc trưng thì có thể quy về ba khuynh hướng lớn: Khuynh hướng thứ nhất coi văn hóa là những kết quả (sản phẩm) nhất định. Đó có thể là những giá trị, những truyền thống, những nếp sống, những chuẩn mực, những tư tưởng, những thiết chế xã hội, những biểu trưng, ký hiệu, những thông tin... mà một cộng đồng đã sáng tạo, kế thừa và tích lũy. Khuynh hướng thứ hai xem văn hóa như những quá trình. Đó có thể là những hoạt động sáng tạo, những công nghệ, những quy trình, những phương thức tồn tại, sinh sống và phát triển, cách thức thích ứng với môi trường, phương thức ứng xử của con người... Khuynh hướng thứ ba xem văn hóa như những quan hệ, những cấu trúc... giữa các giá trị, giữa con người với đồng loại và muôn loài.
Tất cả các khuynh hướng định nghĩa khác nhau ấy đều có hạt nhân hợp lý của mình, sự khác biệt giữa chúng chủ yếu là do các tác giả đã quá nhấn mạnh vào khía cạnh này hay khía cạnh khác của khái niệm mà thôi. Tuy nhiên, sau khi so sánh, rà soát thì, theo chúng tôi, bốn đặc trưng sau chính là những đặc trưng cần và đủ để phân biệt văn hóa với những khái niệm, hiện tượng có liên quan: a) tính hệ thống cần để phân biệt văn hóa như một hệ thống giá trị với quan niệm sai lầm coi văn hóa như một tập hợp (phức hợp) của những tri thức rời rạc từ nhiều lĩnh vực; b) tính giá trị cần để phân biệt văn hóa như cái có giá trị với cái phi văn hóa; c) tính nhân sinh cần để phân biệt văn hóa như cái nhân tạo với các giá trị tự nhiên; d) tính lịch sử cần để phân biệt văn hóa như cái được tích lũy lâu đời với văn minh như cái chỉ trình độ phát triển ở một thời điểm nhất định. Định nghĩa văn hóa của chúng tôi chính là sự tổng hợp của bốn đặc trưng cơ bản đó. Liên quan tới bốn đặc trưng cơ bản này là bốn chức năng cơ bản: tổ chức xã hội, điều chỉnh xã hội, giáo dục và giao tiếp.
Các đặc trưng / chức năng khác thường chỉ là hệ quả của chúng hoặc đã được bao hàm trong chúng: Tính chủ động đã bao hàm trong chức năng tổ chức xã hội (không chủ động thì làm sao mà tổ chức được); tính nhân đạo là hệ quả của tính nhân sinh (nói văn hóa mang chất người, do con người, vì con người là nói rằng văn hóa mang tính nhân đạo rồi); chức năng định hướng các chuẩn mực là hệ quả của chức năng điều chỉnh xã hội (đã được chúng tôi nói đến ở trang 23 của sách Cơ sở văn hóa Việt Nam bản in năm 1995 hoặc §1.1.2 sách Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam); chức năng nhận thức và thông tin đã hàm chứa trong chức năng giáo dục (nói A giáo dục B nghĩa là A thông tin nhận thức của mình cho B để B có được nhận thức như thế); chức năng tái tạo thế giới liên quan đến chức năng nhận thức (cho ta một cái nhìn về thế giới), do vậy liên quan đến chức năng giáo dục và chức năng điều chỉnh xã hội (tạo ra một thế giới mới)...
- Có người còn đòi hỏi định nghĩa văn hóa phải nhấn mạnh đến "cách thức sáng tạo và sử dụng các giá trị" vì chúng là những "giá trị đặc biệt, mang ý nghĩa định tính và đóng vai trò thước đo về trình độ phát triển của văn hóa"?
- Hiển nhiên, hoạt động là mắt xích nằm giữa con người với tự nhiên và xã hội: hoạt động tạo ra văn hóa, và bản thân hoạt động, phương thức hoạt động, công nghệ hoạt động của con người cũng là văn hóa. Không phải ngẫu nhiên mà có trường phái định nghĩa văn hóa như hoạt động. Song, theo chúng tôi, nhiệm vụ của định nghĩa văn hóa là để nhận diện và phân biệt văn hóa với vô văn hóa, văn hóa với tự nhiên, v.v., chứ đâu phải để phân biệt trình độ cao với trình độ thấp? Vả lại nếu quá nhấn mạnh đến khía cạnh này thì khái niệm văn hóa chủ yếu sẽ chứa đựng các tri thức kỹ thuật - công nghệ, mà đó là đối tượng quan tâm của văn minh chứ không còn là văn hóa nữa. Đối với chúng tôi, hoạt động sáng tạo và sử dụng các giá trị nằm trong khái niệm giá trị đó là một loại giá trị văn hóa phi vật thể.
- Về cấu trúc văn hóa, tại sao "tín ngưỡng" được xếp vào tiểu hệ "tổ chức đời sống cá nhân", còn "Phật giáo" lại được xếp vào tiểu hệ "ứng xử với môi trường xã hội"?
- Đây là một thắc mắc hoàn toàn có lý. Tuy nhiên, về mặt phương pháp luận khoa học, người ta đều biết rằng cùng một đối tượng phân loại có thể được xem xét theo nhiều hướng, nhiều tiêu chí khác nhau. Do vậy, việc xếp đối tượng đó vào nhóm phân loại nào phải căn cứ vào việc tiêu chí nào là chính, và phải đảm bảo yêu cầu sao cho việc phân loại không thiếu (phải bao quát hết đối tượng), không thừa (không chồng chéo lên nhau). Tín ngưỡng và tôn giáo tuy xét về bản chất thì cùng loại, nhưng xét về nguồn gốc và diễn biến của từng trường hợp cụ thể thì có thể lại rất khác nhau. Ai cũng biết rằng ở Việt Nam thì Phật giáo, Đạo giáo, Kitô giáo... đều là những tôn giáo không phát sinh từ các tín ngưỡng dân tộc mà có nguồn gốc ngoại lai, là sản phẩm của quá trình giao lưu văn hóa với các dân tộc khác. Mối liên hệ của chúng với các dân tộc và các nền văn hóa phát sinh ra chúng lớn hơn nhiều, quan trọng hơn nhiều so với mối liên hệ của chúng với các tín ngưỡng dân tộc. Chính vì vậy mà trong hệ thống của mình, chúng tôi đã xếp tín ngưỡng vào tiểu hệ "tổ chức đời sống cá nhân" (vì liên quan đến đời sống riêng mỗi người), còn Phật giáo và các tôn giáo khác được xếp vào tiểu hệ "ứng xử với môi trường xã hội".