Thứ sáu, 18 Tháng 1 2013 20:27

Cuộc chiến Nhật-Hàn 1592-1598 qua hai gương mặt Hideyoshi và Yi Sun-sin

  • CUỘC CHIẾN NHẬT-HÀN 1592-1598
    QUA HAI GƯƠNG MẶT HIDEYOSHI VÀ YI SUN-SIN

  • GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm

  • (Trường Đại học Khoa học Xã hội - NV
    Đại học Quốc gia Tp.HCM)

Báo cáo tại Hội thảo Quốc tế kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, tháng 12-2003.

1. Korea gần như là quốc gia láng giềng duy nhất của Nhật Bản – hai nước chỉ cách nhau một eo biển nhỏ mà ở giữa lại có đảo Tsushima nối liền – bởi vậy mà quan hệ lịch sử giữa hai quốc gia này chứa đầy những sự kiện phức tạp. Một trong những sự kiện phức tạp đó là cuộc chiến tranh của Nhật Bản xâm lược bán đảo Hàn (lúc đó là triều đại Choson – Triều Tiên) hai lần trong các năm 1592-1598.

Trong vòng một thế kỷ, từ năm 1478 đến 1577, Nhật Bản rơi vào một cuộc nội chiến đẫm máu giữa các thủ lĩnh samurai của các địa phương mà lịch sử Nhật Bản gọi là cuộc Shengoku Zidai (Các tỉnh giao tranh). Người có công chặn đứng được sự sụp đổ của đất nước Nhật Bản do cuộc nội chiến trăm năm gây nên là tướng Nobunaga Oda (1534-1582), một con người vô cùng điềm tĩnh và khôn ngoan. Sau cái chết của Nobunaga, một trong những tướng lĩnh tài ba nhất của ông là Hideyoshi Toyotomi (âm Hán-Việt là Phong Thần Tú Cát, 1536-1598) đã tiếp tục đưa sự nghiệp thống nhất đất nước đến hoàn tất và đã trở thành người nắm quyền lực cao nhất (được phong nhiếp chính năm 1585 và chức tể tướng năm 1586).

Trong quá trình thực hiện công cuộc thống nhất đất nước Nhật Bản, từ lâu Hideyoshi đã có ý định xâm lược Triều Tiên, và không chỉ dừng lại ở Triều Tiên, ông còn muốn qua con đường Triều Tiên để tấn công xâm lược Trung Hoa. Năm 1586, ông đã nói với giám mục Gasper Coelho rằng ông sẽ đánh Triều Tiên với 2.000 chiến thuyền và muốn nhờ vị giám mục này đặt mua giúp ông hai chiếc tàu chiến tốt của Tây Ban Nha (Sansom 1994: 570).

2. Lệnh tấn công Triều Tiên được phát ra ngày 24-4-1592, với một đội quân gần 20 vạn người và 10 vạn quân dự bị đóng ở đại bản doanh của Hideyoshi gần Nagoya. Do sự chủ quan và nhu nhược của triều đình Triều Tiên mà ngày 23-5 ba cánh quân Nhật Bản đầu tiên đã đổ bộ lên thành phố cảng Busan, chiếm được pháo đài một cách dễ dàng. Ngày 12-6 họ đã chiếm xong Seoul và đuổi theo triều đình Triều Tiên lên phía bắc.

Cho đến lúc này, đã có tám cánh quân đổ bộ vào Triều Tiên. Chiến thuyền Nhật Bản đậu san sát ngoài hải cảng Busan. Các cánh quân này đã chia nhau cai trị khắp đất nước Triều Tiên. Vua Triều Tiên là Sonjo, sau khi thất thủ tiếp tại Bình Nhưỡng (Pyong-yang), đã phải chạy lên tận Wiju ở tả ngạn sông Áp-lục (Yalu) và cho người sang triều đình Trung Hoa cầu viện.

Nhưng trong thời gian đó, một sự kiện quan trọng đã xảy ra: Hải quân Nhật Bản đóng tại vùng biển Busan đã liên tiếp bị tấn công, cắt đứt các đường tiếp tế, cùng với sự phát triển của phong trào chiến tranh du kích trên đất liền, đã dẫn đến làm thay đổi hẳn tình thế (Samson 1994: 583, 587).

3. Ai là người đã lãnh đạo những cuộc tấn công vào hải quân Nhật Bản, làm thay đổi tình thế ấy? Đó chính là đô đốc Yi Sun-sin (이순신 = 李舜臣, Lý Thuấn Thần, 1545-1598), một vị tướng tài giỏi nhất trong lịch sử Korea.

Yi Sun-sin sinh ở Seoul ngày 28-4-1545 (ngày 8-3 âm lịch). Lên tám tuổi, ông theo cha về sống ẩn dật ở Asan (Chungcheongnamdo). Năm 21 tuổi, ông bắt đầu tìm hiểu nghệ thuật quân sự. Năm 28 tuổi, ông tham dự cuộc thi tuyển chọn quan võ do triều đình tổ chức, nhưng đã bị hỏng môn cưỡi ngựa. Bốn năm sau ông mới tham dự lại và vượt qua được ở kỳ thi tiếp theo. Ông được bổ nhiệm làm một chức quan nhỏ ở vùng sông Tumen ở miền bắc Korea, sau đó trải qua nhiều chức vụ nhỏ khác. Đến năm 1591, ông được bổ nhiệm làm Tư lệnh Hải quân Cánh tả tỉnh Cholla (Toàn La tả thuỷ sứ), đóng tại Chwasuyong (nay là Yosu). Một năm sau khi nhậm chức, ông đã thấy rằng cần phải kiện toàn môt cách cơ bản lực lượng hải quân. Ông bắt tay vào việc kiện toàn hệ thống phòng thủ ven biển, sửa chữa vũ khí, đóng tàu và đào tạo hải quân. Sau khi nghiên cứu các mẫu tàu bè, ông đã cho đóng một loại tàu đặc biệt gọi là Quy thuyền (Tàu Rùa).

Quy thuyền là một loại tàu chiến có hình dáng theo kiểu con rùa[1]. Theo một số tài liệu lịch sử thì vào thời kỳ đầu của triều đại Choson (Triều Tiên) đã có thuật ngữ Gwiseon (긔선, Quy thuyền), nhưng không có đủ cơ sở để khẳng định chắc chắn rằng vào thời gian đó loại tàu rùa này đã được thiết kế. Còn Geobukseon (거북선) mới là thuật ngữ dùng để chỉ loại tàu chiến có hình con rùa với đầu rồng của đô đốc Yi Sun-sin. Loại tàu chiến này có mái vòm úp lên che kín (giống mu rùa), toàn thân bọc sắt[2] để tránh đạn và thuỷ lôi. Đây là những con tàu bọc sắt thuộc loại đầu tiên trên thế giới. Trên mui tàu (mu rùa) cắm vô số các cọc sắt nhọn làm chông để tiêu diệt những thuỷ quân địch nhảy sang. Bình thường, những lớp chông sắt này được nguỵ trang kín để che mắt quân thù. Tuy nhiên, khi quân lính Triều Tiên muốn nhảy sang tàu địch từ mái Quy thuyền của mình thì những lớp chông sắt nhọn này sẽ được tách ra. Trên nóc Quy thuyền có hai cột buồm. Mỗi phía của Quy thuyền đặt mười mái chèo và 6 súng thần công. Để chống lại sự tấn công từ phía trước và phía sau, súng thần công còn được đặt ở trong miệng rồng và ở đuôi rùa nữa, như vậy là súng được đặt chĩa ra tất cả mọi hướng. Xung quanh tàu bố trí rất nhiều chỗ cho các xạ thủ bắn cung. Quy thuyền của Yi Sun-sin dài khoảng 55 cheok (khoảng 17m) với thuỷ thủ đoàn khoảng từ 125 đến 130 người. Bởi lẽ Quy thuyền có khả năng bắn ra hàng loạt đạn súng thần công từ mọi phía về hướng tàu địch, nên trong mọi trận chiến, Quy thuyền luôn là lực lượng xung kích tả xung hữu đột và góp phần quan trọng nhất vào thắng lợi của cuộc chiến.

4. Sau khi đóng xong các quy thuyền và luyện xong quân, đô đốc Yi Sun-sin đưa đoàn chiến thuyền của mình ra khơi. Trong trận trạm chán đầu tiên tại vùng biển Okpo (옥포 = 玉圃, Ngọc Phố) ngày 7-6, ông đã thắng lớn, trong một khoảng thời gian ngắn đã đánh chìm 26 trong số 30 chiến thuyền của hải quân Nhật neo đậu tại đây. Yi Sun-sin được thăng lên chức Tư lệnh thuỷ quân của ba tỉnh phía Nam (Tam đạo thuỷ quân thống chế sứ).

Sau đó, ông liên tục chiến thắng trong các trận đánh tại Tangp’o (Đường Phố), Tanghangp’o (Đường Hạng Phố), Hansando (한산도, Nhàn Sơn đảo) và Busan (Phủ Sơn). Trận thuỷ chiến ngoài khơi đảo Hansan là một trận đánh vang dội, được xem là một trong ba thắng lợi vĩ đại của cuôc chiến tranh chống xâm lược Nhật Bản năm 1592[3]. Trong trận này, một đoàn chiến thuyền lớn của Nhật Bản với vài trăm quân bị đánh tan. Viên chỉ huy đoàn chiến thuyền này là đô đốc hải quân Kurushima, nguyên là một tướng cướp biển, phải cắt cổ tự sát.

Những thắng lợi này của đô đốc Yi Sun-sin đã giúp quân đội Triều Tiên giành lại được toàn quyền kiểm soát trên mặt biển, chặn đứng ý đồ của quân Nhật triển khai mũi tiến công lên phía Bắc Triều Tiên bằng đường biển. Đồng thời chiến thắng của Yi Sun-sin còn giúp Triều Tiên bảo vệ được vùng Cholla giàu thóc gạo. Mặt khác, các chiến thắng này đã đặt lực lượng 15 vạn quân Nhật rơi vào tình thế hết sức nguy khốn, mọi đường tiếp tế từ Nhật Bản bị cắt đứt.

Việc các đường tiếp tế trên biển bị cắt đứt khiến cho quân Nhật Bản trên đất liền, mặc dù đã rải ra chiếm đóng hầu khắp bán đảo Triều Tiên, đã lâm vào tình thế bị cô lập. Đồng thời quân du kích Triều Tiên nổi lên hoạt động khắp nơi. Cùng với sự can thiệp dù là rất cầm chừng của quân Minh, quân Nhật Bản đã phải mở đường rút lui về phía nam và Hideyoshi phải chấp nhận ngừng bắn và thương thuyết với Trung Hoa.

5. Tuy nhiên, do thái độ kẻ cả nước lớn của nhà Minh và sự kiêu ngạo của Hideyoshi, cuộc thương thuyết đã bị thất bại. Năm 1597, Hideyoshi mở đợt tấn công thứ hai để chiếm lại Triều Tiên. Song lần này thì ở trên bộ, quân Nhật gặp phải sự kháng cự quyết liệt của người Triều Tiên, và đồng thời quân Minh cũng nhanh chóng tham chiến, khiến cho quân Nhật chỉ chiếm được tỉnh Kyongsang (Khánh Thượng đạo).

Trong khi đó thì trên biển hải quân Nhật hoạt động rất mạnh. Sở dĩ như vậy là vì, do những âm mưu đố kỵ và bè phái trong triều, sau khi quân đội Nhật rút đi lần thứ nhất, Yi Sun-sin bị thất sủng, triều đình Triều Tiên (Choson) đã cách chức Tam đạo thuỷ quân thống chế sứ của ông và thay vào đó một viên tướng bất tài là Won Gun (원군 = 元軍, Nguyên Quân). Đồng thời phía Nhật nhờ rút kinh nghiệm từ cuộc tấn công lần thứ nhất, nên đã củng cố lại lực lượng hải quân, tướng Konishi đã trực tiếp nắm quyền chỉ huy hải quân, nhờ vậy đã đánh cho hạm đội Triều Tiên do Won Gun lãnh đạo đại bại.

Trước sức mạnh như vũ bão của hải quân Nhật Bản, triều đình Triều Tiên phải vội vàng khôi phục lại chức cũ cho Yi Sun-sin. Lúc đó, hạm đội của Yi Sun-sin chỉ còn lại 12 chiến thuyền. Song với sự mưu trí và quả cảm phi thường, Yi Sun-sin đã lại chiến thắng lẫy lừng trong một trận giao tranh với hải quân Nhật trong vùng biển Hoàng Hải gần Mokp’o (Mộc Phố).

Thắng lợi này đã đưa đến một bước ngoặt trong lịch sử cuộc chiến, đẩy hải quân Nhật Bản vào thế bị vây hãm trong một khu vực chật hẹp, cũng tức là quân đội Nhật Bản bị vây hãm cả trên biển lẫn trên đất liền. Mặc dù vậy, trong tháng 10, quân Nhật dưới sự chỉ huy của tướng Shimasu đã mở được một cuộc tập kích lớn, sử sách ghi rằng trong trận này 38 nghìn quân Triều Tiên và quân Minh đã bị giết, đồn rằng các tướng Nhật đã gửi tai của 38 nghìn người bị giết này về để báo tin thắng trận; và ngày nay du khách đến Kyoto thường tới thăm di tích Mimizuka là nơi còn được gọi là Mộ chôn tai người.

Tuy có những chiến thắng trên đất liền như vậy, nhưng cuối tháng 10 năm 1598 thì Hideyoshi qua đời. Sau cái chết của Hideyoshi, các tướng lĩnh Nhật Bản tại chiến trường đã mở cuộc hoà đàm với quân Minh và khi quân Minh rút đi thì thương thuyết với quân Triều Tiên, rồi rút toàn bộ quân đội về nước.

Đầu tháng 11, 500 tàu Nhật tập hợp tại eo biển Noryang (Lộ Lương) để chuẩn bị về nước. Đô đốc Yi Sun-sin đã tổ chức truy kích quân địch trên biển. Bất ngờ ông bị một quả đạn lạc bắn gục. Trong trận này, hơn 200 tàu Nhật bị đánh chìm.

6. Cuộc chiến Nhật-Hàn 1592-1598, thực chất là giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh với Trung Hoa và đã kết thúc thất bại.

Nó đã chứng tỏ tài nghệ đóng tàu và đi biển của người Korea. Theo George Sansom thì “Người Triều Tiên có ưu thế hơn hẳn người Nhật về công nghệ thiết kế và đóng tàu biển. Về nghề đi biển, kể cả việc dùng pháo hạm, người Triều Tiên cũng hơn người Nhật” (1994: 592). Quy thuyền của Yi Sun-sin đã trở thành hình mẫu để sau này người ta cải tiến và chế tạo ra loại Quy thuyền Tongjeyeong (통제영) và Quy thuyền Jeollajwasuyeong (전라좌수영) (Heritage 2003: 274).

Đối với Nhật Bản, cuộc chiến 1592-1598 đã trở thành một bài học đắt giá về chiến tranh trên biển, giới cầm quyền Nhật Bản từ đó về sau đã luôn chú trọng phát triển sức mạnh và kỷ luật của hải quân.

Tuy nhiên, ở đây chúng tôi không có ý định thảo luận về khía cạnh lịch sử cũng như kỹ thuật của vấn đề, mà muốn đi sâu vào khía cạnh văn hoá của nó.

Trong cuộc chiến tranh này, nổi bật lên hai gương mặt, hai nhà quân sự vĩ đại nhất trong lịch sử của hai dân tộc – đó là Hideyoshi của Nhật Bản và Yi Sun-sin của Triều Tiên.

6.1. Hideyoshi thực ra không chỉ là nhà quân sự vĩ đại với chiến công lần lượt khuất phục các thủ lĩnh samurai địa phương để hoàn thành việc thống nhất đất nước, ông còn là một nhà chính trị và tổ chức thiên tài khi thực hiện được những công việc lớn như tổng điều tra ruộng đất năm 1583, tổng điều tra dân số năm 1590. Tuy Hideyoshi cũng có những thói xấu rất đời thường mà chính ông thừa nhận “ba điều là nghiện trà (rượu), thích nuôi chim ưng và ham mê đàn bà” (Sansom 1994: 601), nhưng phải công bằng mà thừa nhận rằng bình sinh ông là một con người có nhiều phẩm chất rất tốt đẹp: Trong những năm đầu lập nghiệp, ông không thích chém giết, luôn có ý thức tiết kiệm xương máu binh lính; ông rất khoan dung với những kẻ thù bại trận; biết sử xự lúc cương lúc nhu, thông minh sắc xảo, nhưng luôn thẳng thắn mà không xảo trá; rất hiếu thảo với mẹ già...

Tuy nhiên, Hideyoshi đã mất hết sáng suốt khi vào những năm cuối đời, ông đã ăn chơi xa xỉ, xây dựng nhiều lâu đài, dinh thự đồ sộ, độc đoán trong công việc, tàn bạo trong ứng xử. Người đời nguyền rủa việc ông đang tâm tàn sát cả nhà Hidetsugu là cháu ruột của mình, người mà ông đã nhường cho chức nhiếp chính. Ông đã phạm phải sai lầm nghiêm trọng khi lăng nhục sứ thần Trung Hoa trong lễ phong vương cho ông và càng sai lầm hơn khi quyết định đánh Triều Tiên lần thứ hai. Ông chết trên giường bệnh ở tuổi 62, khi cuộc tấn công Triều Tiên lần thứ hai mới tiến hành được một năm – một cái chết đầy tiếc nuối và bất an, ích kỷ nữa, khi chỉ lo rằng những người dưới quyền sẽ phản bội con mình nên nhiều lần bắt họ thề thốt trung thành; trăng trối lại 11 điều thì tới 9 điều là lo cho con mình rồi.

Theo chúng tôi, những thành công và thất bại của Hideyoshi đều có liên quan đến một nét bản sắc của văn hoá Nhật Bản – đó là cái “chất samurai”.

Nhờ những phẩm chất riêng của mình mà một samurai là ông chiến thắng được những samurai khác. Nhưng cũng chính bởi cái đam mê chiến thắng này mà một anh hùng trong đối nội là ông trở thành một kẻ kiêu ngạo và tham vọng ngông cuồng trong đối ngoại.

Tất nhiên, việc Hideyoshi chủ trương xâm lược Triều Tiên và Trung Hoa không chỉ đơn giản là biểu hiện của tham vọng chinh phục. Đây còn là một tính toán nhằm cùng lúc ba mục đích: Bằng cuộc chiến này, ông không những có thể chứng minh cho các quốc gia láng giềng và thế giới phương Tây thấy sức mạnh quân sự của Nhật Bản, mà còn có thể hướng tính hiếu chiến của các samurai ra ngoài, làm cho họ sao lãng việc gây rối trong nước. Ngoài ra, đây còn là một cách hợp lý và hợp pháp để diệt trừ bớt lực lượng samurai thân phương Tây: để đưa đi đánh Triều Tiên, Hideyoshi đã huy động chủ yếu quân đội từ miền Tây Nhật Bản, mà nơi đây lại là vùng chịu ảnh hưởng của Kitô giáo nhiều nhất!

Mặc dù vậy, tham vọng chinh phục và thói kiêu ngạo là nét tính cách không thể phủ nhận ở Hideyoshi. Trong một bức thư viết cho vợ năm 1587, Hideyoshi nói với một giọng đầy kiêu ngạo rằng ông sẽ “lệnh cho người Triều Tiên phải đến chầu nhà vua (Nhật Bản)”, và tiếp sau đó “sẽ nói chuyện với người Trung Hoa”. Hideyoshi tự tin đến nỗi, trong một bức thư gửi mẹ sau khi cuộc tấn công lần thứ nhất (1952) được phát động, ông khẳng định rằng Seoul nhất định sẽ bị chiếm và đến mùa thu chắc chắn ông sẽ nhận được quà tặng từ kinh đô Trung Hoa (Sansom 1994: 528, 596)[4].

Thói kiêu ngạo và tham vọng chinh phục Trung Hoa này không chỉ có ở riêng Hideyoshi mà có ở cả người tiền nhiệm và chủ soái của ông là Nobunaga Oda (Sansom 1994: 595). Rõ hơn nữa, ở những lãnh tụ Nhật Bản trong chiến tranh thế giới thứ hai sau này thì tham vọng chinh phục không còn chỉ dừng lại ở Trung Hoa mà họ ôm mộng làm bá chủ toàn bộ thế giới Đông Á và Đông Nam Á! Tính cách này ở một nước không lớn như Nhật Bản thì đúng là sản phẩm không thể chối cãi của “chất samurai”.

Theo chúng tôi, cũng chính nhờ cái “chất samurai” này mà vào năm 1863, khi chạm trán với sức mạnh quân sự phương Tây và thua trận, những người samurai miền Tây Nhật Bản mới có đủ bản lĩnh và lòng tự ái để tiến hành ngay việc hiện đại hoá quân sự, kéo theo là nhu cầu bắt buộc phải hiện đại hóa về kinh tế, xã hội, tư tưởng, mở đầu cho thời kỳ Meiji (Minh Trị) nổi tiếng. Điều này lặp lại hầu như nguyên vẹn vào thời kỳ sau thế chiến thứ hai, tạo nên “sự thần kỳ Nhật Bản” có một không hai.

6.2. Yi Sun-sin, nhà quân sự xuất chúng nhất của Korea, lại thuộc một môtip văn hoá khác.

Giống như một củ sâm mọc lên trên núi đá, ông lành hiền và nhẫn nại hơn Hideyoshi; ông không có cái sắc sảo gai góc của Hideyoshi, và cũng không có nhiều tham vọng như Hideyoshi.

Bởi vậy mà khi trượt môn cưỡi ngựa trong kỳ thi tuyển võ quan, ông kiên nhẫn chờ bốn năm sau thi lại. Rồi lại nhẫn nại trải qua nhiều chức quan nhỏ trong suốt 14 năm cho đến khi được bổ nhiệm làm “Toàn La tả thuỷ sứ”. Hiền lành và nhẫn nại hơn nữa là ngay cả khi bị thất sủng và triều đình ngược đãi, ông không tự ái, được gọi giao lại chức cũ, ông vui vẻ nhận, chấp thuận chiến đấu trong tình trạng hạm đội của mình đã bị đánh gần tan. Qua đó, ông thể hiện lòng trung thành vô hạn đối với quốc gia.

Yi Sun-sin chết ở tuổi 53, trên chiến trường, rất thanh thản. Điều ông trăng trối lại cho người dưới quyền và các con là hãy giữ kín tin ông mất, tiếp tục đánh trống, thổi kèn và phất cờ mà tiến lên tiêu diệt quân địch. Câu nói nổi tiếng của ông là: “Người nào liều chết sẽ sống và kẻ nào tìm cách để sống sẽ chết”.

Ông chết sớm, nhưng những kỷ niệm về ông đã sống mãi ở khắp nơi. Để tôn vinh Yi Sun-sin, năm 1643 (45 năm sau khi ông qua đời) vua Injo (Nhân Tổ, 1623-1649) đã ban cho ông danh hiệu cao quý “Chungmugong” (충무공 = 忠武功, Trung Vũ Công) để ca ngợi lòng trung thành và tài năng quân sự lỗi lạc của ông.

Tượng Yi Sun-sin và Quy thuyền được dựng ở trung tâm thủ đô Seoul, giữa Sejong-no và Chong-no. Danh hiệu “Chungmu” (Trung Vũ) được lưu lại trong địa danh Chungmu-ro (충무로) cũng ở trung tâm thủ đô Seoul. Ở vùng bờ biển phía nam bán đảo có thị trấn Chungmu, cũng là để lưu danh đô đốc Yi Sun-sin. Ở rất nhiều nơi khác ngoài thủ đô, nhân dân cũng dựng nhiều đền thờ, tượng, bia kỷ niệm Yi Sun-sin.

Ở huyện Asan (Asan-gun, 안산군), cách Seoul 85 km về phía nam, có chùa Hyonchung (Hyonchungsa, 횬충사), là nơi thờ Yi Sun-sin, được xây dựng vào năm 1706 và đã trở thành thánh địa cho tất cả những ai ngưỡng mộ ông. Khu chùa này như một công viên, tại đây có ngôi nhà của Yi Sun-sin, bãi tập bắn cung và một viện bảo tàng với rất nhiều hiện vật, bao gồm cả mô hình Quy thuyền. Không xa lắm về phía bắc là ngôi mộ của đô đốc nằm trên một quả núi nhỏ. Ở thành phố Chinhae (친헤), tỉnh Kyongsangnam (Nam Khánh Thượng), người ta cũng tái dựng mô hình Quy thuyền neo trong vịnh biển, và đó là một trong những thắng cảnh du lịch quan trọng.


6.3. Chất “văn hoá núi đá” của Korea và chất “văn hoá samurai” của Nhật Bản khác nhau nhiều, nhưng cũng có chỗ giống nhau. Chỗ giống nhau ấy là cái nghị lực và quyết tâm.

Nghị lực và quyết tâm của “văn hoá samurai” với lòng đam mê chiến thắng, trong hoàn cảnh biệt lập tương đối của một đảo quốc, đã giúp người Nhật có thể thay đổi để tiến lên nhanh chóng.

Nghị lực và quyết tâm của “văn hoá núi đá”, với tính cần cù và nhẫn nại, cũng đã giúp người Hàn thành công trên con đường hiện đại hóa, nhưng hiển nhiên là chậm hơn nhiều so với Nhật Bản.

Phải chăng chính cái sự giống nhau và khác nhau này chính là nguồn gốc gây nên những quan hệ rắc rối, đã tạo nên cái “ẩn ức” “không chịu thua kém” của người Hàn trong quan hệ với người Nhật?[5]

Tài liệu tham khảo

1. Hwang Gwi-yeon & Trịnh Cẩm Lan 2002: Tra cứu văn hoá Hàn Quốc. – H.: NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

2. Heritage 2003: Korean Cultural Heritage: Seen through Picturers and Names 2. – Seoul: Sigong Tech Co., Ltd. & Korea visuals Co., Ltd.

3. Lee Ki-baik 2002: Lịch sử Hàn Quốc tân biên (A new history of Korea). – NXB Tp.HCM.

4. Saccone R. 1998: Koreans to remmember: Fifty famous people who helped shape Korea. – Seoul: Hollym.

5. Samsom G. 1994: Lịch sử Nhật Bản, tập II (1334-1615). – H.: NXB KHXH.

6. Tarnowsky W. 1999: Samurai – hiệp sĩ miền Viễn Đông. – Tp.HCM: NXB Trẻ.

Chú thích:

[1] Hwang Gwi-yeon & Trịnh Cẩm Lan (2002: 340) không hiểu căn cứ vào đâu mà gọi/dịch là “tàu chim cu”?!

[2] Chú thích trong ngoặc ở bản dịch cuốn sách của Lee Ki-baik “Lịch sử Hàn Quốc tân biên (A new history of Korea)” (NXB Tp.HCM, 2002, Lê anh Minh dịch, Dương Ngọc Dũng hiệu đính) về quy thuyền là sai và thừa: “... với một cái vỏ bảo vệ (có lẽ là bằng thép) để tránh tên và thuỷ lôi của địch...” (tr. 300).

[3] Hai trận kia là trận chiến bảo vệ Haengju (Hạnh Châu) và trận chiến bảo vệ Chinju (Tấn Châu) (Lee Ki-baik 2002: 300-303).

[4] G. Sansom cho biết rằng thư đề ngày 14-7-1592 (tr. 596). Trong khi đó, cũng theo sách này thì quân Nhật đã chiếm được Seoul ngày 12-6-1592 (tr. 582).

[5] Chẳng hạn, trong thể thao, việc đội tuyển bóng đá Hàn Quốc thắng hay thua đội của các nước khác thì chỉ là chuyện vui buồn bình thường, nhưng nếu đấu với đội tuyển Nhật Bản thì người Hàn Quốc ai cũng muốn rằng đội mình nhất thiết phải thắng mới được. Trong thời gian xảy ra trận đấu, người Hàn Quốc thường ít đi ra đường mà dán mắt vào màn hình TV, nếu thắng thì mừng vui tột cùng, còn nếu thua thì thấy buồn ghê gớm.