Thứ sáu, 18 Tháng 1 2013 20:52

Vai trò của chủ nghĩa gia đình ở Korea: từ truyền thống đến hội nhập

  • VAI TRÒ CỦA CHỦ NGHĨA GIA ĐÌNH Ở KOREA:
    TỪ TRUYỀN THỐNG ĐẾN HỘI NHẬP

  • GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm

  • (ĐH KHXH&NV, Đại học Quốc gia Tp.HCM)

    In trong: Văn hoá phương Đông - truyền thống và hội nhập. – H.: NXB ĐHQG Hà Nội, 2006

Chủ nghĩa gia đình có ba đặc trưng nổi bật: (1) Cá nhân không thể độc lập tách rời khỏi gia đình và quan hệ giữa các thành viên gia đình được sắp xếp theo tôn ty trên dưới rất rõ ràng, chặt chẽ, và nghiêm ngặt; (2) Gia đình có một truyền thống mà tất cả các thành viên gia đình qua các thế hệ đều quan tâm gìn giữ; (3) Gia đình trở thành mô hình tổ chức quan trọng nhất, ảnh hưởng của nó không chỉ giới hạn trong phạm vi những người ruột thịt mà còn được nhân rộng ra toàn xã hội. Văn hoá Việt Nam chỉ có tính “gia đình chủ nghĩa” đại khái xuê xoa, còn văn hoá Korea thì có “chủ nghĩa gia đình” tôn ty chặt chẽ. Nó tạo nên một thứ “chủ nghĩa hội đoàn” dựa trên ba nền tảng chủ yếu là liên hệ huyết thống, liên hệ đồng hương, và liên hệ đồng môn. Cuối cùng, chủ nghĩa gia đình và chủ nghĩa hội đoàn cùng phối hợp tạo nên một chủ nghĩa tập thể với hai đặc tính cơ bản là tính khép kín và tính không chính thức. Trong tiến trình hội nhập, chủ nghĩa gia đình và các sản phẩm của nó là chất keo gắn kết các cá nhân, tạo nên một xã hội gắn bó chặt chẽ, có tôn ty trật tự, nó là nguồn gốc của lòng trung thành. Nó cũng có nhược điểm là sinh ra thói độc đoán ở người trên và thói nhu nhược ở người dưới, nạn bè phái và tính địa phương chủ nghĩa.


1. Khái niệm “Chủ nghĩa gia đình”

Gia đình là đơn vị tổ chức đặc trưng phổ biến ở mọi xã hội loài người. Tuy nhiên, ở mỗi loại hình văn hoá, mỗi nền văn hoá, vai trò của gia đình rất khác nhau. Trong xã hội phương Tây hoặc phương Tây hóa, thì vai trò của gia đình thấp mà vai trò của của cá nhân cao; trong xã hội phương Đông thì ngược lại. Ngay trong xã hội phương Đông, cùng với xu hướng hội nhập, vai trò của gia đình trong xã hội cũng giảm dần, nhường chỗ cho sự gia tăng của vai trò cá nhân. Song ở Hàn Quốc ngày nay, dù đã trở thành một nước công nghiệp phát triển, nhưng truyền thống gia đình và ảnh hưởng của gia đình vẫn còn rất mạnh mẽ. Sở dĩ như vậy là vì trong nền văn hoá Korea, gia đình không chỉ đơn giản là một tế bào xã hội, mà hơn thế nữa, nó trở thành một nhân tố chi phối tổ chức xã hội, một thứ “chủ nghĩa” – chủ nghĩa gia đình (familism).
Theo Choi Chae Seok, chủ nghĩa gia đình là hình thái xã hội mà: 1) Gia đình là đơn vị cấu thành xã hội; 2) Gia đình được quan tâm hơn bất cứ một tập thể xã hội khác; 3) Từng cá nhân không thể tách rời, độc lập khỏi gia đình; 4) Quan hệ giữa các thành viên trong gia đình không tự do và bình đẳng mà dựa vào sự sắp xếp theo theo trật tự trên dưới rõ ràng; 5) Và hình thái xã hội này không chỉ tồn tại trong gia đình mà còn được nhân rộng ra ngoài xã hội [Ko Yeong Bok 2001: 27].

Theo chúng tôi, gia đình đúng là một hình thái xã hội, còn chủ nghĩa gia đình thì không. Chủ nghĩa gia đình là một đặc trưng văn hoá, một tính cách dân tộc. Trong 5 đặc điểm của chủ nghĩa gia đình mà Choi Chae Seok nêu ra thì đặc điểm thứ nhất quá chung chung, không có giá trị khu biệt, nó thuộc về khái niệm ‘gia đình’ chứ không phải ‘chủ nghĩa gia đình’. Bốn đặc trưng còn lại thì có phần lộn xộn và chưa đầy đủ.

Theo chúng tôi, gia đình có thể xem xét trong hệ toạ độ ba chiều “chủ thể - thời gian - không gian”. Như thế, có thể định nghĩa chủ nghĩa gia đình là một hiện tượng văn hoá - xã hội đặc thù với ba đặc trưng nổi bật như sau:

1) Cá nhân không thể độc lập tách rời khỏi gia đình và quan hệ giữa các thành viên gia đình được sắp xếp theo tôn ty trên dưới rất rõ ràng, chặt chẽ, và nghiêm ngặt;

2) Gia đình có một truyền thống mà tất cả các thành viên gia đình qua các thế hệ đều quan tâm gìn giữ;

3) Gia đình trở thành mô hình tổ chức quan trọng nhất, ảnh hưởng của nó không chỉ giới hạn trong phạm vi những người ruột thịt mà còn được nhân rộng ra toàn xã hội.

Đặc điểm đầu xem xét gia đình từ chủ thể. Đặc điểm thứ hai xem xét gia đình trong thời gian. Đặc điểm thứ ba xem xét gia đình trong không gian.

Văn hoá nông nghiệp nói chung đều coi trọng gia đình, song mức độ coi trọng thì ở mỗi nền văn hoá mỗi khác nhau. Văn hoá Trung Hoa và Korea đều có đủ cả ba đặc điểm, song tính tôn ty trong đặc điểm đầu thể hiện ở Trung Hoa không đậm nét bằng ở Korea với hệ thống các nghi lễ, kính ngữ. Văn hoá Việt Nam chỉ có sự gắn bó của cá nhân với gia đình trong đặc điểm đầu, còn tính tôn ty và hai đặc điểm sau thì có ở dạng rất mờ nhạt. Quan hệ trong gia đình Việt Nam tất nhiên là có tính tôn ty, nhưng là một thứ tôn ty dân chủ chứ không chặt chẽ và nghiêm ngặt. Không phải gia đình Việt Nam nào cũng giữ gìn được lịch sử gia đình, ghi chép gia phả. Gia đình Việt Nam có ảnh hưởng ra xã hội, nhưng nó không phải là mô hình tổ chức quan trọng nhất. Văn hoá Việt Nam coi trọng làng hơn gia đình, do vậy mà trong truyền thống Việt Nam chỉ có khái niệm “làng nước”. Ở Trung Hoa và Korea, gia đình và đất nước mới là hai hình thái xã hội cơ bản, tạo thành quốc gia (‘Quốc Gia’ = ‘nhà’ + ‘nước’). Khái niệm ‘nhà nước’ (quốc gia) ở Việt Nam được vay mượn từ văn hoá Trung Hoa [Trần Ngọc Thêm 1996/2004: 200-201].

Ở Việt Nam không có “chủ nghĩa gia đình” mà chỉ có lối sống và làm việc kiểu “gia đình chủ nghĩa”. Không nên nhầm lẫn hai khái niệm này. “Gia đình chủ nghĩa” là khái niệm dùng để chỉ lối làm việc theo kiểu tình cảm, coi nhau là “anh Hai”, “anh Ba”, “chú Tư”, thiếu tôn ty trên dưới rạch ròi, dẫn đến bệnh xuê xoa đại khái.

Sở dĩ có sự khác biệt giữa một bên là văn hoá Việt Nam với đặc tính “gia đình chủ nghĩa” đại khái xuê xoa, còn bên kia là văn hoá Korea với đặc tính “chủ nghĩa gia đình” tôn ty chặt chẽ là vì nghề nông nghiệp lúa nước thì đòi hỏi tính cộng đồng cao ở một phạm vi rộng mới đủ sức chống hạn, chống lụt và làm cho kịp thời vụ, mà chất nông nghiệp lúa nước thì ở Việt Nam đậm nét hơn ở Bắc Trung Hoa và Korea. Trong khi đó thì địa hình núi đá ở Korea buộc phải sống phân tán, không cho phép ở tập trung được theo ý mình, không tạo nên những cánh đồng lớn đòi hỏi tính cộng đồng cao, khiến cho vai trò của gia đình buộc phải lớn hơn làng xã.

2. Truyền thống gia đình ở Korea

Giống như ở Việt Nam, ở Korea ngày xưa, gia đình tiêu biểu là gia đình đông con và có nhiều thế hệ sống chung. Một gia đình như vậy sẽ đủ lớn mạnh và an toàn, đủ sức hỗ trợ lẫn nhau và đối phó với môi trường tự nhiên và xã hội. Với nguyên tắc truyền thống coi trọng gia đình, gia đình lớn là nơi đầu tiên người Hàn quay về mỗi khi gặp khó khăn.

Người Hàn luôn giữ một sự tôn kính với gia phả và lịch sử gia đình, luôn cập nhật gia phả này. Có nhiều gia phả ghi chép được đến hàng chục đời. Họ cũng ghi chép lại rất cẩn thận những thông tin khác như là chức tước, hàm vị, thành tích của thân nhân khi còn sống và vị trí ngôi mộ sau khi chết, v.v.

Đạo Hiếu theo Nho giáo được xem là nền tảng cơ bản trong quan hệ giữa con người với con người trong gia đình và xã hội Korea truyền thống. Ngày xưa, con cái dù có lớn tuổi rồi cũng vẫn luôn phải xưng một cách khiêm nhường là ‘tiểu tử” (soja /소자 = 小子). Cha mẹ dù có qua đời do tuổi cao sức yếu cũng xem là do lỗi của con cháu không chăm sóc cha mẹ chu đáo nên con cháu cũng tự coi mình là “tội nhân” (joe-in /죄인 = 罪人). Con bất hiếu sẽ bị xã hội lên án.

Người Hàn thường rất tự hào về truyền thống gia đình của mình, nhất là khi đó là một gia đình thịnh vượng. Ở Korea, một gia đình được xem là thịnh vượng khi có học thức cao, tốt nghiệp những trường đại học danh tiếng, cha mẹ anh em hoà thuận, thương yêu nhau, nhà tốt xe tốt, cuộc sống dư giả và có thể giúp đỡ người khác… Trong quan hệ xã hội, khi nói đến một con người, người Hàn thường không xem xét đánh giá bản thân người ấy một cách trực tiếp, mà thường đánh giá người ấy thông qua gia đình của họ theo cách gọi: “con trai nhà họ Li” (Yi ssine jip adeul /이씨네 집 아들), “con gái nhà họ Pak” (Pak ssine jip ttal / 박씨네 집딸), “con dâu nhà họ Kim” (Kim ssine jip myeo-neu-ri / 김씨네 집 며느리), v.v.

Tầm quan trọng của gia đình đối với người Hàn còn thể hiện ở sự gắn kết, bảo bọc và hy sinh cho nhau giữa các thành viên trong gia đình. Nếu người Nhật có thể chết vì đất nước thì người Hàn có thể chết cho gia đình. Người Hàn có xu hướng hy sinh cả bản thân vì cuộc sống hạnh phúc của gia đình [Kim Jae Un 1991: 134]. Nếu một thành viên trong gia đình xuất thế thì cũng có nghĩa là cả gia đình cùng xuất thế; nếu một thành viên trong gia đình bị thất bại thì cả gia đình cùng sụp đổ [Ko Yeong Bok 2001: 62].

Phần lớn cha mẹ người Hàn sống vì con cái. Để có tiền cho con cái học hành, họ sẵn sàng chấp nhận một công việc vất vả hơn, bán nhà lớn và dọn đến một nhà nhỏ hơn. Vì việc học của con cái họ có thể di dân sang nước khác. Để cầu cho con thi đỗ, người không theo đạo Phật có thể đi lễ chùa, người không theo đạo Chúa có thể đi lễ nhà thờ. Đối với người Hàn, không có việc gì khiến họ mang “hận” lớn hơn là việc không lo được cho con cái đi học trung học, đại học [Pak Young Sun 2002: 64].

Chủ nghĩa gia đình thể hiện rất rõ trong các hoạt động chính trị, kinh tế ở Korea. Yi Seung-Man (이승만, Lý Thừa Vãn) mặc dù học ở Mỹ về, nhưng khi lên làm Tổng thống thì vẫn cai trị như một người cha độc đoán trong gia đình, coi các bộ trưởng như những người con. Ở phía bắc, tính chất “gia đình trị” càng thể hiện rõ nét với sự lãnh đạo cua hai cha con chủ tịch Kim Il-Sung (Kim Nhật Thành) và Kim Jong-Il (Kim Chính Nhật). Trong kinh tế, các tập đoàn lớn ở Hàn Quốc đều mang tính gia đình trị, các chức vụ chủ chốt trong công ty đều nằm trong tay những người thân trong gia đình.

3. Tính tôn ty – sản phẩm của chủ nghĩa gia đình

Quan hệ chủ yếu trong gia đình là quan hệ tôn ty trên dưới theo thứ bậc và tuổi tác. Trong một gia đình Korea truyền thống, người cha là chủ gia đình, có uy tín và được tất cả kính trọng. Tôn ty trong nhà được duy trì nhờ việc phục tùng người trên một cách tuyệt đối: con cái vâng lời cha mẹ, vợ phục tùng chồng, em phục tùng anh…

Bởi vậy, một khi gia đình là đơn vị được coi trọng nhất trong xã hội thì tính tôn ty gia đình mở rộng ra thành tính tôn ty xã hội. Trong đối nhân xử thế ngoài xã hội, người Hàn luôn luôn phân biệt, đánh giá đối tượng giao tiếp theo mức độ trên-dưới, cao-thấp, sang-hèn dựa vào thành phần gia đình, tuổi tác, học vấn, nghề nghiệp, tài sản, giới tính, v.v. Tục ngữ Korea có câu: “Ngay cả khi uống nước lạnh cũng phải có trên có dưới” (Chanmuldo wi arae itda, 찬 물도 위 아래 있다).

Tính tôn ty xuất phát từ chủ nghĩa gia đình kết hợp với sự tuân thủ nghiêm nhặt ý thức hệ Nho giáo là nguyên nhân của sự tôn trọng phép tắc lễ nghĩa thái quá trong xã hội Korea. Ý thức phân biệt địa vị xã hội của người Hàn được định hình ngay từ thuở nhỏ thông qua sinh hoạt gia đình. Ở tuổi đến trường, ý thức tôn ty được phát triển trong giáo dục học đường và củng cố qua ứng xử trong quan hệ thầy trò. Trong môi trường làm việc, việc tôn trọng phép tắc lễ nghĩa đối với người trên luôn được nhấn mạnh. Trong một công sở, một công ty mà nhân sự càng nhiều, tổ chức càng chặt chẽ với chức vụ cao thấp rõ ràng thì lễ nghi phép tắc, tôn ty trật tự... càng nghiêm ngặt. Thái độ sống “biết trên biết dưới” trở thành một yếu tố quan trọng để thăng tiến.

Người Hàn quan niệm rằng ý thức tôn ty phải được biểu hiện thành những hành động, những cử chỉ cụ thể mang tính hình thức bên ngoài. Vì vậy mà những lễ nghi hay phép tắc ứng xử đóng một vai trò rất quan trọng trong việc duy trì địa vị và tôn ty trật tự. Tuỳ theo địa vị xã hội cao thấp mà người Hàn có hai xu hướng tính cách khác nhau là tính quyền uy ở người có địa vị cao hơn và tính phục tùng ở người có địa vị thấp. Trong quan hệ tôn ty, người trên thường đòi hỏi người dưới phải phục tùng, còn người dưới thì xem việc hy sinh cho người trên là nghĩa vụ đương nhiên. Tính cách này có gốc ở sự phục tùng cha mẹ, là sản phẩm của quá trình xã hội hoá chủ nghĩa gia đình.

Mỗi người Hàn đều luôn cố gắng hành động, cư xử sao cho phù hợp với địa vị của mình. Chẳng hạn, trong các buổi họp, họ luôn xác định cho mình một chỗ ngồi thích hợp nhất chứ không phải tiện đâu ngồi đấy. Người Hàn đều hiểu rằng người lớn (địa vị cao) thì có quyền đến muộn và ngồi ở vị trí trung tâm, còn người nhỏ (địa vị thấp) phải có trách nhiệm tới sớm và ngồi ở phía ngoài để còn chạy đi lo các việc vặt. Ý thức tôn ty cũng được thể hiện khi có những đối lập cần hòa giải. Việc hòa giải này không phải là dựa trên nguyên tắc bình đẳng, mà thường luôn có lợi cho người trên.

Như vậy, tính tôn ty như một sản phẩm của chủ nghĩa gia đình đã rèn luyện cho người Hàn thói phục tùng và tuân theo quyền lực. Để đảm bảo sự ổn định cho tập thể, quyền lực này phải tập trung vào một người có địa vị cao. Tục ngữ Hàn có câu: “Nhiều người ngồi ở vị trí cao thì nồi vỡ” (상좌가 많으면 가마솥을 깨드린다), tuy về nội dung tương đương với câu tục ngữ tiếng Việt “Lắm thầy thối ma, lắm cha con khó lấy chồng”, nhưng phản ánh tính tôn ty và nhu cầu tập trung quyền lực ở người Hàn cao hơn.

Tính tôn ty cũng là nguyên nhân của hệ thống kính ngữ rất phát triển. Trong tiếng Hàn, có những từ mà chỉ có người trên mới được dùng để gọi người dưới và, ngược lại, có những từ chỉ dành cho người dưới sử dụng để gọi người trên. Đã tôn trọng người trên thì còn phải tôn trọng mọi thứ mà người trên sở hữu, vì vậy trong ngôn ngữ có những phụ tố riêng thể hiện sự kính trọng đối với những vật dụng của người trên.

4. Chủ nghĩa hội đoàn

Chủ nghĩa gia đình và tính tôn ty còn dẫn đến thói quen phân biệt thân-sơ, gần-xa trong mọi quan hệ xã hội, tạo ra những mạng lưới liên hệ dưới dạng các nhóm hội đoàn. Người Hàn rất thích lập và tham gia vào các hội đoàn như hội bạn học ở trường, hội tôn giáo, hội những người cùng sở thích, hội các bà mẹ có con cùng học một lớp, v.v. Một người có thể là thành viên của nhiều hội đoàn. Các hội đoàn này thường tổ chức các cuộc họp mặt, nhỏ thì dăm bảy người, vài chục người, lớn thì có thể tới vài trăm người, thậm chí vài ngàn người... Khi tụ họp, họ nộp hội phí, cùng nhau ăn uống, kể cho nhau nghe những chuyện đã qua. Thỉnh thoảng, họ cùng nhau đi tiếp chầu thứ hai, thứ ba ở quán rượu, quán karaoke, v.v. Các cuộc tụ họp như thế giúp họ làm tăng thêm sự thân thiết, trao đổi thông tin, chia sẻ buồn vui, và cùng giúp đỡ nhau khi có thành viên gặp khó khăn [Pak Young Sun 2002: 62]. Trong văn hoá Korea, có thể nói đến sự tồn tại của một thứ “chủ nghĩa hội đoàn”.

Hiện nay, quan hệ hội đoàn của người Hàn chủ yếu dựa trên ba nền tảng là liên hệ huyết thống, liên hệ đồng hương, và liên hệ đồng môn.

Liên hệ huyết thống gắn kết các thành viên trong cùng một họ, một gia tộc lớn. Nó đặc biệt phổ biến trong tầng lớp có thu nhập cao, có học thức, có quyền thế, v.v. Liên hệ này không chỉ có chức năng giữ gìn phát triển dòng tộc mà còn là một công cụ giúp đỡ lẫn nhau, đôi bên cùng có lợi, giống như ở người Việt “Một người làm quan cả họ được nhờ”.

Liên hệ đồng hương cũng rất quan trọng đối với người Hàn. Ngày xưa người Hàn chỉ sống khép kín trong cộng đồng riêng của mình. Ngày nay, nhờ có phương tiện giao thông liên lạc giữa các vùng thuận lợi nên khoảng cách giữa các vùng cũng mờ dần, nhưng quê hương vẫn luôn là nơi linh thiêng với họ. Khái niệm “quê hương” theo quan niệm của người Hàn, nhỏ thì là “lý” (ri, 리 = 里, làng), mà lớn thì là “đạo” (do, 도 = 道, tỉnh). Ngày nay, cùng với quá trình đô thị hoá, nhiều người Hàn người từ các tỉnh lên thành phố để học hành, kiếm việc làm…, và liên hệ đồng hương giúp họ xác định được cái gốc của mình, duy trì sự quan tâm đến tình hình quê hương, trực tiếp hoặc gián tiếp giúp đỡ nhau trong công việc và cuộc sống.

Với truyền thống coi trọng học thức, giáo dục là một trong những con đường quan trọng nhất để tiến thân, và do vậy mà những mạng lưới hội đoàn xây dựng trên mối liên hệ đồng môn giữa những người cùng trường học cũng rất quan trọng và phổ biến, nhất là đối với những trường lớn và nổi tiếng. Ở Hàn Quốc, những tổ chức hình thành trên cơ sở quan hệ đồng môn rất nhiều. Chẳng hạn, nền tảng của công ty Daewoo là những người “xuất thân Y” (tốt nghiệp Trường đại học Yonsei), các công chức dân sự thì thường là “xuất thân S” (tốt nghiệp Trường đại học Quốc gia Seoul)…

5. Chủ nghĩa tập thể

Gia đình và hội đoàn là một dạng của tập thể. Khi nghiên cứu về các nền văn hoá phương Đông, các nhà nghiên cứu phương Tây thường nhìn ngay thấy chủ nghĩa tập thể (collectivism) như một trong những tính cách đặc biệt nhất, đối lập rõ rệt với “chủ nghĩa cá nhân” (individualism) như một nét đặc thù của văn hoá phương Tây.

H.C. Triandis (1983) nêu ra bốn đặc điểm của những người theo chủ nghĩa tập thể:

(a) Coi trọng những quan điểm, nhu cầu và mục tiêu của những người trong nhóm hơn là của chính mình;

(b) Coi trọng những nguyên tắc và trách nhiệm do các thành viên trong nhóm định ra hơn là dựa trên ý kiến của một cá nhân;

(c) Đặt niềm tin vào những người trong nhóm chứ không vào riêng một cá nhân nào;

(d) Sẵn sàng hợp tác với những thành viên trong nhóm [dẫn theo Han Seong-Yeul & Ahn Chang-Yil 1944: 302].

Chúng tôi cho rằng ba đặc điểm đầu hoàn toàn có thể gộp làm một, khi đó tính khái quát của nó sẽ cao hơn. Và như vậy người theo chủ nghĩa tập thể có hai đặc điểm:

(a) Coi trọng tập thể nhóm hơn bản thân mình hoặc bất kỳ một cá nhân nào;

(b) Sẵn sàng hợp tác với các thành viên trong nhóm.

Khi nghiên cứu về đặc tính xã hội của người Korea, nhiều nhà nghiên cứu Hàn Quốc và phương Tây cũng có khuynh hướng cho rằng chủ nghĩa tập thể là một trong những tính cách đặc biệt nhất của văn hóa Korea. S.T. Kim (1987), người từng nghiên cứu về đề tài này từ năm 1960, còn cho rằng chủ nghĩa tập thể là đặc điểm đầu tiên trong các đặc tính xã hội của người Korea [Han Seong-Yeul & Ahn Chang-Yil 1944: 304]. Những khẳng định loại này rõ ràng là mang tính cực đoan, có lẽ là do tác giả của chúng chưa biết đến những nền văn hoá phương Đông khác, nơi mà con người cũng luôn tồn tại trong tập thể, cộng đồng.

Trên cơ sở điều tra thực tế, người ta thấy chủ nghĩa tập thể Korea có những đặc điểm sau đây:

Chủ nghĩa tập thể Korea có quan hệ tỷ lệ thuận với tuổi tác. Người Hàn càng lớn tuổi thì khuynh hướng chủ nghĩa tập thể của họ càng mạnh; họ đặc biệt quan tâm đến bổn phận và trách nhiệm, nhận thức về địa vị, sự phục tùng cũng như sự lệ thuộc, đặc biệt coi trọng danh dự bản thân và những mối quan hệ gia đình.

Chủ nghĩa tập thể Korea có quan hệ tỷ lệ nghịch với trình độ học vấn. Trong khi giáo dục trung học có tác dụng giúp học sinh duy trì chủ nghĩa tập thể truyền thống, thì giáo dục đại học và sau đại học lại khuyến khích người học phát huy chủ nghĩa cá nhân. Nói khác đi, trình độ học vấn càng cao thì khuynh hướng chủ nghĩa tập thể càng giảm.

Chủ nghĩa tập thể Korea có quan hệ tỷ lệ thuận với mức độ thỏa mãn trong gia đình, hôn nhân và cuộc sống. Điều này ảnh hưởng tới nam giới nhiều hơn nữ giới. Việc kết hôn theo tình yêu hay do mai mối cũng như việc sống cùng cha mẹ hay ở riêng thường là do hoàn cảnh cụ thể chứ không phải do khuynh hướng chủ nghĩa tập thể của từng cá nhân quy định [Han Seong-Yeul & Ahn Chang-Yil 1944: 304, 313-14].

Mặc dù người Việt Nam cũng có tính cộng đồng rất cao, nhưng chủ nghĩa tập thể của người Hàn hoàn toàn khác với tính cộng đồng của người Việt. Tính cộng đồng của người Việt là sản phẩm của văn hoá làng xã với thuộc tính tiêu biểu là tính dân chủ “phép vua thua lệ làng”, “thủ khi to hơn thủ trưởng” [Trần Ngọc Thêm 1996/2004: 190-96]. Trong khi đó thì chủ nghĩa tập thể của người Hàn là sản phẩm của chủ nghĩa gia đình và chủ nghĩa hội đoàn, tạo nên một bộ ba gắn bó chặt chẽ. Cả ba thành tố của tam giác này còn đều bị chi phối bởi thuộc tính “tính tôn ty” do chủ nghĩa gia đình sinh ra, những mối quan hệ này được chúng tôi trình bày bằng sơ đồ sau (x. hình 1).

Trong các mối quan hệ trên thì chủ nghĩa gia đình là gốc, chủ nghĩa tập thể là ngọn. Một khi chủ nghĩa tập thể ở Korea không tồn tại một cách biệt lập mà có nguồn gốc từ chủ nghĩa gia đình thì cách nhìn của các tác giả Hàn Quốc và phương Tây coi chủ nghĩa tập thể là một trong những tính cách đặc biệt nhất của văn hóa Korea nêu trên sẽ không còn đủ sức thuyết phục. Nét nổi trội trong tính cách văn hóa Korea chính là chủ nghĩa gia đình, còn chủ nghĩa tập thể chỉ là một hệ quả của nó.

Trên cơ sở một điều tra xã hội học, việc ưu tiên sử dụng người trong truyền thống văn hóa Korea được đánh giá theo thang điểm 100 như sau: Độ tin cậy tuyệt đối (điểm 100) thường rơi vào cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh chị em. Mức điểm 99 là những người cháu trai cháu gái. Anh em họ thì được 97 điểm; những người họ hàng xa khác được 96 điểm. Bạn trung học được 97 điểm, trong khi bạn đại học thì chỉ có 85 điểm. Những thành viên cùng tôn giáo, cùng nhà thờ đạt độ tin cậy là 95, trong khi những người lớn tuổi ở cùng quê thì được xếp ở mức 70. Những người Hàn xa lạ có độ tin cậy là 5, còn người nước ngoài chẳng có quan hệ gì cả thì độ tin cậy chỉ có 1 [De Mente, Boyé 1998: 352-53].

Chủ nghĩa tập thể như một sản phẩm của chủ nghĩa gia đình không chỉ đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội của nửa phía nam bán đảo, mà ở nửa phía bắc, nó cũng quan trọng không kém. Nó chính là nền tảng của “tư tưởng chủ thể” do Kim Il Sung (Kim Nhật Thành) xây dựng.

Chủ nghĩa tập thể có hai đặc tính cơ bản là tính khép kín và tính không chính thức.

Tính khép kín: Trong bất cứ tập thể nào thì các thành viên cũng gắn bó mật thiết trong quan hệ giao tiếp bên trong và khép kín trong quan hệ với những người nằm ngoài tập thể. Hội đoàn lại càng như thế. Do gắn bó mật thiết, các thành viên của một hội đoàn sẽ hình thành sự đồng nhất. Bởi vậy, người Hàn thường đánh giá con người thông qua tập thể của người đó: biết một người nằm trong tập thể nào thì mọi người sẽ lập tức gán ghép ngay những thiên kiến về tập thể ấy cho người đó. Nói cách khác, người Hàn ít quan tâm đến cá tính của từng cá nhân mà chủ yếu quan tâm đến tính đặc thù chung của cả tập thể.

Tính phi chính thức: Hội đoàn là sự mở rộng của gia đình, nhưng khác với gia đình, cơ quan, công ty mang tính chính thức, hội đoàn mang tính tự nguyện và phi chính thức. Hội đoàn không coi trọng công việc hay địa vị xã hội, vì thế khi tham gia sinh hoạt hội đoàn, người Hàn được lâm thời thoát ra khỏi sự gò bó thường ngày và cảm thấy được gần gũi, thoải mái và bình đẳng hơn. Bởi vậy, tổ chức hội đoàn chính là một sự bổ sung hoàn hảo cho tổ chức gia đình, công ty.

6. Những ưu điểm và hạn chế của chủ nghĩa gia đình Korea trong tiến trình hội nhập

Ưu điểm của chủ nghĩa gia đình, chủ nghĩa hội đoàn và chủ nghĩa tập thể kiểu Korea là ở chỗ nó là chất keo gắn kết các cá nhân trong cùng một nhóm, tạo nên một xã hội gắn bó chặt chẽ, có tính tập thể cao, thúc đẩy người Hàn đoàn kết với nhau hơn. Khi một người Hàn giành được giải vô địch trong một cuộc thi đấu quốc tế, mọi người dân đều tự hào nói về sự kiện đó suốt ngày. Trong kỳ thi đấu bóng đá thế giới World Cup 2002, khi Hàn Quốc vào đến vòng tứ kết thì nhân dân toàn quốc đã ủng hộ với một sắc áo đỏ ngập trời, họ vui sướng mở lễ hội ăn mừng khắp nước.

Chủ nghĩa gia đình, chủ nghĩa hội đoàn và tính tôn ty còn có ưu điểm là tạo nên một xã hội có trật tự. Nó cũng là nguồn gốc của lòng trung thành như một nét tính cách đặc thù của những nền văn hoá như Korea, Nhật Bản. James S. Gale trong cuốn “Những bức phác họa về xứ Hàn” (1892) rất kinh ngạc về lòng trung thành với sự tôn kính tuyệt đối với chủ nhân của người Hàn [Kim Jae Un 1991: 159]. Nhờ chủ nghĩa gia đình với tính tôn ty mà những tập đoàn tư bản Hàn Quốc (chaebol) có được sự tổ chức chặt chẽ.

Trong cuộc sống lấy quan hệ làng xã làm trọng như ở Việt Nam thì mọi người chỉ có thể nhờ vả nhau chứ không sai bảo được nhau như trong gia đình; đây là lý do tại sao ở Việt Nam tính dân chủ tình cảm mạnh hơn tính tôn ty. Bởi vậy mà hoạt động quản lý xã hội ở Việt Nam luôn khốn khổ với căn bệnh “trên bảo dưới không nghe” khá phổ biến trong quá khứ và hiện tại mà lịch sử Korea nhờ có chủ nghĩa gia đình với tính tôn ty đã không bao giờ biết đến.

Nhưng mặt khác, chủ nghĩa gia đình, chủ nghĩa hội đoàn với tính tôn ty cũng là nguồn gốc của một loạt nhược điểm. Về phía người trên, tính quyền uy sinh ra thói độc đoán dokdan /독단 (獨斷). Còn từ phía người dưới thì tính phục tùng dẫn đến thói nhu nhược. Sự nhu nhược này đã từng được nhiều nhà nghiên cứu nhắc đến dưới nhiều tên gọi khác nhau như những nhược điểm lớn trong tính cách Hàn. Chẳng hạn, nhà tâm lý học người Nhật Takahashi (1921) nói đến các tính “phụ thuộc”, “nhu nhược”, “dễ bảo”, “nhẹ dạ” như bốn trong mười tính cách của người Hàn; còn Ko Yeong Bok [2001: 12] thì nói đến “tính phụ thuộc”, “tính tự ti”, “thói nô lệ” như ba trong 22 tính cách tiêu cực mà người Hàn cần phải sửa chữa.

Ngoài ra, chủ nghĩa gia đình và chủ nghĩa hội đoàn quá mạnh còn khiến cho người Hàn chỉ gắn bó đoàn kết với những ai thuộc vào cái khối “uri” (chúng tôi) của mình và kéo theo sự phân biệt đối xử đối với những thành viên ngoài khối. Điều này giải thích tại sao ở Korea có sự phân biệt, đố kị giữa vùng này với vùng khác, địa phương này với địa phương khác…, làm nảy sinh ra thói ‘phe cánh’, bè phái và tính địa phương chủ nghĩa, căn bệnh lẫn lộn công tư mà Takahashi (1921, theo [Kim Jae Un 1991: 156]), Yun Tae Rim [1964: 29] và Bộ Tổng đốc Joseon (1927, theo [Ko Yeong Bok 2001: 12]) từng nói đến. Cộng thêm vào đó, nạn bè phái và địa phương chủ nghĩa còn bị chi phối bởi địa hình núi non phức tạp cộng với lối sống nông nghiệp định cư.

Trong lịch sử Korea, chủ nghĩa bè phái từng là nguyên nhân của tình trạng chia rẽ nghiêm trọng gần như suốt thời kỳ Joseon. Nạn bè phái như sản phẩm của chủ nghĩa gia đình vẫn tiếp tục gây khó khăn không nhỏ cho xã hội Hàn đến tận bây giờ. Xã hội Korea trong giới quan chức, giới chính trị, giới kinh tế, giới trí thức, giới tôn giáo, giới văn hóa, v.v. hầu như ở đâu cũng tồn tại óc bè phái, nó nặng nề hơn so với ở Việt Nam rất nhiều. Lãnh đạo công ty này phần lớn là những người trong cùng một gia đình, lãnh đạo tập đoàn kia phần lớn là những người tốt nghiệp cùng một trường, lãnh đạo tổ chức nọ phần lớn là những người quê ở cùng một tỉnh...

Hiện nay ở Korea hệ thống gia đình lớn truyền thống đang được thay thế bằng hệ thống gia đình hạt nhân tập trung vào người chồng và vợ. Gia đình và xã hội truyền thống lấy người già làm trung tâm bây giờ đang chuyển đổi dần thành gia đình và xã hội lấy người trẻ làm trung tâm. Sự thay đổi này thể hiện rõ trong những thế hệ đang tiếp nhận ảnh hưởng của nền giáo dục kiểu phương Tây đề cao chủ nghĩa cá nhân, khiến cho khuynh hướng chủ nghĩa tập thể ngày càng giảm. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu của H.J. Lee, tuy tỉ lệ phần trăm hôn nhân có tình yêu trước ở Hàn Quốc có xu hướng tăng nhanh – tỉ lệ này vào năm 1958 là 32,5% thì đến năm 1980 tăng lên 77,7% – nhưng trong số này, những người trẻ tuổi quyết định kết hôn không tham khảo ý kiến gia đình chỉ chiếm có 3,4% [Han Seong-Yeul & Ahn Chang-Yil 1944: 305]. Điều này cho thấy ở Hàn Quốc chủ nghĩa tập thể vẫn đang được duy trì, nó cùng với chủ nghĩa cá nhân vẫn đang song song tồn tại và phát triển.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN

1. Choi Choe-sok 1976: 최채석. 한국인의 사회적 성격. 현음사. (Tính cách xã hội của người Hàn).

2. De Mente, Boyé 1998: NTC’s dictionnary of Korea’s Business & cultural code words / Boyé Lafayette De Mente. – NTC Publishing Group, 462 p.

3. Han Seong-Yeul & Ahn Chang-Yil 1994: Collectivism and Individualism in Korea. // In: Yoon Gene & Choi Sang-Chin (Ed.). Psychology of the Korean People - Collectivism and Individualism. – Seoul: Dong-A Publishing & Printing Co., Ltd. , p. 301-316.

4. Kim Jae-un 1992: The Koreans: Their Mind and Behavior (translated by Kim Kyong-dong). – Seoul, Kyobo Book Centre.

5. Ko Yeong Bok 2001: 고영복. 한국인의 성격 - 그 변혁을 위한 과제. 사회문화소. (Tính cách người Hàn: bàn về sự cải cách).

6. Ko Yong-bok 2001: 고영복. 한국인의 성격 - 그 변혁을 위한 과제. 사회문화소. (Tính cách người Hàn: bàn về sự cải cách).

7. Park Yong-sun 2002: 박영순. 한국문화론. 한국문화사. (Luận văn hoá Hàn Quốc).

8. Trần Ngọc Thêm 1996/2004: Tìm về bản sắc văn hoá Việt Nam (xuất bản lần 1 năm 1996, dẫn theo bản xuất bản lần 4 năm 2004). – NXB Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh.

9. Yun Tae-rim 1964: 윤태림. 한국인의 성격. (Tính cách người Hàn).


THE ROLE OF FAMILISM IN KOREA: FROM TRADITION TO INTEGRATION

(Summary)

Familism is a distinct socio-cultural phenomenon with three outstanding features: (1) Individual cannot separate from the family and the relation between family members is arranged in strict and clear hierarchy. (2) The family has a tradition that every family generation carefully reserves. (3) Family becomes the most important organizational pattern whose effects are not only restricted in blood relation but also spread out to social relation.

In Vietnamese culture, village is more important than family. Thus, in Vietnamese tradition, there is only “lang nuoc” (“lang”= village + “nuoc” = country) concept. “Nha nuoc” (“nha” = family + “nuoc”= country) concept is a borrowed one. While Vietnamese familism is perfunctory, Korean familism is strict.

In Korea, family hierarchy extends to social hierarchy. Combining with Confucian ideology, it forms an immoderate regard for civility, trains Korean’s obedience and observance to authority and prestige, creates a system of criteria discriminatory respectful from familiar manners of speaking. It also establishes a kind of corporatism which forges bonds to link together: (1) relatives, (2) fellow-countrymen, (3) classmates… Finally, familism along with corporatism creates a kind of collectivism with two basic properties - closeness and informality.

In process of integrating, familism and its consequences are a colloid which binds individuals together to form an orderly, close-knit society. Familism is also the source of loyalty. However, the seamy side is that familism develops senior’s arbitrariness and junior’s fe