Thứ sáu, 18 Tháng 1 2013 20:41

Tình hình nghiên cứu văn hoá Korea ở Việt Nam

  • TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VĂN HOÁ KOREA Ở VIỆT NAM

  • GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm

  • (ĐH KHXH&NV, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh)

    In trong: “Hàn Quốc học và Việt Nam học: thực trạng và những vấn đề đặt ra”
    (kỷ yếu Quốc tế học thuật đại hội do Bộ ngoại giao Hàn Quốc tổ chức), Seoul, 2004.
    In một phần trong: Trần Ngọc Thêm. Korean studies in Vietnam. –
    In: “International review of Korean Studies”, vol. 1, number 1, January-December 2004

 Bài này trình bày những nét tổng quan về tình hình nghiên cứu văn hoá Korea ở Việt Nam trong lịch sử, những thành tựu và hạn chế của các công trình nghiên cứu văn hoá Korea, cùng những dự kiến cá nhân nghiên cứu văn hoá Korea trong thời gian tới.

Văn hoá là một khái niệm rất rộng. Theo định nghĩa của chúng tôi [Trần Ngọc Thêm 1976/2004: 25], VĂN HÓA là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội của mình. Ngoại diên của văn hoá do vậy bao trùm lên hết thảy các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, song cái khác của nó so với các khoa học này là ở chỗ trong khi các khoa học này đi sâu khám phá từng lĩnh vực thì văn hoá xem xét mối liên hệ giữa các lĩnh vực này với nhau trong một hệ thống chung.

Lịch sử nghiên cứu văn hoá Korea ở Việt Nam có thể chia làm 3 giai đoạn: giai đoạn trước 1954, giai đoạn 1954-1992 và giai đoạn từ 1992 đến nay.

I- Giai đoạn trước 1954

Ở Việt Nam trước 1954, việc nghiên cứu văn hóa Korea còn rất sơ sài. Các tài liệu công bố ở Việt Nam trong giai đọan này chủ yếu mang tính chất ghi chép cá nhân về đất nước, lịch sử và con người Korea.

Tài liệu sớm nhất nói về Korea ở Việt Nam đến nay còn biết được có lẽ là sách “Bắc sứ thông lục” (北使通录) của nhà bác học Việt Nam Lê Quý Đôn sống ở tk. XVIII (1724-1784). Bộ sách này gồm 4 quyển (hiện chỉ còn quyển 1 và 4) ghi chép về chuyến đi sứ của ông tới Bắc Kinh năm 1761, trong đó có nhiều đoạn viết về việc gặp gỡ, trao đổi giữa ông với sứ thần Korea (được gọi là Đông Quốc 东国 – “Nước ở phía Đông”) là Hồng Khải Hy (虹凯禧). Sau này, trong một bộ sách khác là “Kiến văn tiểu lục” (见文小录) viết năm 1777 gồm 12 quyển, Lê Quý Đôn lại tiếp tục dành nhiều trang viết về đất nước, con người và lịch sử Korea với tình cảm hết sức thắm thiết. Chẳng hạn, ở quyển 4 “Thiên chương”, ông viết: “Nước Cao Ly, về thời đại nhà Đường, gọi là An Đông đô hộ phủ (安东都护府), đến đời Thạch Tấn, Vương Kiến (Wang Keon, 王建, 918-943) mới khôi phục được và dựng thành một nước, kiêm tính cả Tân La và Bách Tế, trải qua các triều đại Tống và Nguyên đến đầu đời Minh Thái Tổ, triều đại do Vương Kiến dựng lên mới mất. Họ Lý lên thay (...) trải qua từ đời nhà Đại Minh đến triều đại hiện nay. Thế là trong khoảng 900 năm, trong nước mới có 2 lần thay đổi triều đại. Về điểm này, Trung Quốc cũng đáng lấy làm hổ thẹn” [Lê Quý Đôn 1777: 223-224].

Những năm đầu thế kỷ XX, trong hoạt động của phong trào Đông du, nhà yêu nước Việt Nam Phan Bội Châu đã có quan hệ với các chí sĩ Korea, Trường Đông Kinh nghĩa thục ở Hà Nội đã dịch in “Cao Ly vong quốc sử” (高丽亡国史) của các tác giả Korea và, ngược lại, cuốn “Việt Nam vong quốc sử” (越南亡国史) của Phan Bội Châu cũng đã được dịch và in trên một lần ở Korea.

Trong nửa đầu tk. XX, trên con đường hoạt động của mình, nhà cách mạng Việt Nam Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã có những bè bạn người Korea và từng nghiên cứu các tài liệu về Korea. Vì vậy, trong các bài viết của Hồ Chí Minh, khái niệm “Triều Tiên” (Joseon) đã được nhắc đến trên 20 lần [Bùi Khánh Thế 2002: 9].

Năm 1926 trong “An Nam tạp chí” số 4 có đăng bài viết của Sơn Sa Lê Khắc Hòa nhan đề “Ông Mạc Đĩnh Chi ở Cao Ly” kể về việc hai lần cụ Mạc Đĩnh Chi đã ghé thăm Korea trong quá trình đi sứ đến Trung Hoa. Năm 1942, cụ Sở Cuồng Lê Dư, một nhà Hán học uyên thâm, làm việc tại Viện Viễn Đông Bác cổ của Pháp Hà Nội, người đã từng tới thăm Korea vào năm 1914, đã đăng trên tạp chí Tri Tân một bài viết nhan đề “Cháu 22 đời vua Lý Anh Tông (1138-1175) hiện ở Cao Ly”. Đây là thông tin đầu tiên về sự tồn tại của một dòng họ Lý Việt Nam ở Korea.

II- Giai đoạn 1954-1992

Từ năm 1948, trên bán đảo Korea hình thành hai nước Korea: Đại Hàn Dân Quốc ở phía Nam và CHDCND Triều Tiên ở phía Bắc, cuộc chiến tranh 1950-53 làm cho hố ngăn cách này càng thêm sâu sắc. Trong giai đoạn 1954-1975, ở Việt Nam cũng tồn tại hai nhà nước: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở phía Bắc và Việt Nam Cộng Hòa ở phía Nam, sau 1975 mới thống nhất được thành một quốc gia là CHXHCN Việt Nam.

Quan hệ của chính quyền Việt Nam Cộng hòa với Đại Hàn Dân Quốc thời gian này chủ yếu là quan hệ quân sự; mấy chục số tạp chí “Văn hóa Á châu” và “Phương Đông” xuất bản ở Sài Gòn trong giai đoạn này không có lấy một bài viết nào về Korea. Còn quan hệ của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, sau này là CHXHCN Việt Nam, với CHDCND Triều Tiên trong giai đoạn này trong lĩnh vực văn hóa - giáo dục lại thiên về khoa học tự nhiên và kỹ thuật, vì vậy nhìn chung những thành tựu về nghiên cứu văn hoá Korea ở Việt Nam trong 40 năm này gần như không có gì.

Điều đáng kể duy nhất trong giai đoạn này là việc trong chuyến thăm CHDCND Triều Tiên vào năm 1959, nhà sử học Việt Nam Trần Văn Giáp đã sưu tầm được một số tài liệu, bao gồm các bài thơ văn xướng họa, các bài giới thiệu, bình sách giữa các sứ thần Việt Nam và Korea trong những cuộc tương phùng tương ngộ nhân những chuyến đi sứ đến Trung Hoa, đặc biệt là những tài liệu chân xác đầu tiên về thân thế và sự nghiệp của hoàng tử Việt Nam Lý Long Tường ở Korea. Các tài liệu này đã được Trần Văn Giáp phiên dịch, song đáng tiếc là trong giai đoạn này chưa có một bài khảo cứu nào được thực hiện trên cơ sở những tài liệu đó.

III- Giai đoạn từ 1992 đến nay

Việc nghiên cứu văn hóa Korea ở Việt Nam chỉ thực sự khởi sắc từ sau khi quan hệ ngoại giao ở cấp đại sứ giữa CHXHCN Việt Nam và Đại Hàn Dân Quốc được thiết lập chính thức vào ngày 22-12-1992.

3.1. Đợt tổng kiểm kê cơ sở dữ liệu Korea học ở Việt Nam do chúng tôi thực hiện năm 2003 cho thấy đến giữa năm 2003 ở Việt Nam đã công bố được tổng cộng 236 công trình về Korea học (bao gồm cả sách và bài báo) của 147 nhà nghiên cứu. Trong số này, các tác giả là người Việt Nam chiếm 126 người; các tác giả là các nhà khoa học Hàn Quốc hoặc là người Hàn Quốc đang học sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ) ở các trường đại học Việt Nam chiếm 19 người; còn các tác giả thuộc các quốc tịch khác là 2 người [Tran Ngoc Them 2003e].

Căn cứ vào nội dung cụ thể của các công trình nghiên cứu, chúng tôi tạm chia một cách ước lệ thành 10 mảng đề tài như sau:

LĨNH VỰC

Số công trình

1.  Kinh tế và Phát triển 

50

2.  Văn hoá theo nghĩa hẹp (phong tục, lễ hội, tôn giáo, nghệ thuật, đời   sống vật chất)

42

3.  Ngôn ngữ và Giao tiếp

34

4. Quan hệ Việt-Hàn

34

5.  Văn học

26

6.  Tổ chức hành chính 

16

7.  Chính trị - Tư tưởng - Đạo đức - Giáo dục 

15

8.  Lịch sử 

7

9.  Tổng hợp 

5

10. Các vấn đề khác  

11

    TỔNG CỘNG  

236

Cả 10 mảng đề tài trên đều ít nhiều liên quan đến văn hoá, thuộc phạm vi của văn hoá theo nghĩa rộng. Trong đó mảng đề tài về văn hoá theo nghĩa hẹp đứng ở vị trí thứ hai, sau các vấn đề kinh tế và phát triển là những lĩnh vực mà Việt Nam đang rất mong muốn tìm hiểu và học hỏi Hàn Quốc để áp dụng vào việc xây dựng đất nước.

Trong phạm vi các vấn đề văn hoá theo nghĩa hẹp, các nhà nghiên cứu Việt Nam chú ý nhiều đến Nho giáo và Phật giáo ở Korea; đạo Saman và tín ngưỡng dân gian; các phong tục, lễ hội và văn hóa dân gian Korea; truyện dân gian và các tác phẩm văn học tiêu biểu của Korea; các vấn đề nông nghiệp và nông thôn Korea; nghệ thuật và các biểu tượng văn hóa Korea…

Những công trình này đã được công bố thành sách, bài báo khoa học tại các hội nghị, hội thảo, trong các sách và tạp chí. Đáng chú ý là các hội thảo khoa học và sách. Về hội thảo, trong hơn 10 năm qua, hàng loạt hội thảo khoa học trong lĩnh vực nghiên cứu Korea học đã được tổ chức ở Việt Nam, trong đó có ba hội thảo trực tiếp liên quan đến việc nghiên cứu văn hoá Korea.

3.2. Hội thảo thứ nhất được tổ chức tháng 12-1994 do Khoa ngữ văn Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội chủ trì tổ chức tại Hà Nội với tiêu đề “Những vấn đề văn hoá Việt Nam - Hàn Quốc” với 42 báo cáo mà sau đó được chọn lọc in thành cuốn “Tương đồng văn hóa Việt Nam - Hàn Quốc” ở NXB Văn hóa năm 1966 [Khoa Ngữ văn HN 1966].

Đáng chú ý trong hội thảo này là báo cáo của GS.TS. Cho Jae Hyon trình bày một cách tổng quan và toàn diện “Mối quan hệ Hàn Quốc - Việt Nam quá khứ, hiện tại và tương lai”; báo cáo của GS. Trần Đình Hượu và TS. Trần Ngọc Vương khai thác sự tương đồng của hai nền văn hoá đồng văn do cùng chịu ảnh hưởng của văn hoá Trung Hoa, còn GS. Trần Quốc Vượng thì nhấn mạnh đến sự duy trì bản sắc riêng của mỗi nền văn hoá do xuất phát điểm khác nhau của mỗi nước. Báo cáo của GS. Lê Chí Quế chỉ ra được một số nét cụ thể về sự tương đồng và khác biệt mang tính loại hình giữa hai nền văn hoá trên các lĩnh vực đồ đồng, phong tục mai táng, hệ thống thần thoại và truyện cổ tích. Cũng trong hội thảo này, PGS. Lê Sỹ Giáo bàn về nông lịch và tập quán nông nghiệp Korea; Nguyễn Thị Huế nói đến lễ hội; Trần Thúc Việt và Đỗ Thu Hà giới thiệu về hội họa và các biểu tượng văn hoá truyền thống. Các báo cáo còn lại đi vào nghiên cứu so sánh hai nền văn hoá trong các lĩnh vực văn chương, ngôn ngữ và kinh tế - xã hội.

Hội thảo thứ hai với tiêu đề “Văn hoá truyền thống Việt Nam - Hàn Quốc trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa” do Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học Tp. Hồ Chí Minh tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh năm 2000 với 34 báo cáo [HUFLIT 2000].

Tại hội thảo này, GS.Vũ Ngọc Khánh nói về sự tiếp nhận sáng tạo trong giao lưu văn hóa của hai nước Hàn Quốc và Việt Nam; PGS.TS. Mạc Đường bàn về những nét tương đồng và dị biệt trong quá trình phát triển của hai dân tộc; TS. Ahn Kyong Hwan, PGS. Lê Huy Tiêu, và CN. Lê Trọng Thanh Tâm thảo luận các vấn đề về phong tục Korea; TS. Cho Myeong Sook bàn về tư tưởng âm dương trong văn hoá Korea; ThS. Nguyễn Long Châu nói đến đạo Shaman. Các báo cáo còn lại bàn về giáo dục, ngôn ngữ kinh tế và các vấn đề khác.

Hội thảo thứ ba nhan đề “Các vấn đề văn hoá, xã hội và ngôn ngữ Hàn Quốc” do khoa Đông phương học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh tháng 8-2001 với 33 báo cáo đã được chọn in thành cuốn sách với cùng tiêu đề ở NXB Đại học Quốc gia Tp. HCM [Khoa Đông phương HCM 2002].

Tại hội thảo này, GS.TS. Lê Quang Thiêm và PGS.TS. Mai Ngọc Chừ bàn về sự tương đồng các yếu tố văn hóa truyền thống Việt Nam - Hàn Quốc nói chung; ThS. Nguyễn Long Châu và PGS.TS. Đinh Lê Thư nói về nghệ thuật tạo hình của Phật giáo Hàn Quốc; TS. Đỗ Thu Hà tìm hiểu quan niệm về đền bù đạo đức của người Hàn qua tục ngữ Korea; TS. Trần Thị Thu Lương giới thiệu những dấu ấn của văn hóa Hàn ở Việt Nam trong những năm gần đây; Catherine Earl tìm hiểu về văn hóa và phong tục Korea tk. XVII được ghi lại trong bút ký của một thuỷ thủ Hà Lan tên là Hendrick Hamel; PGS.TS. Nguyễn Văn Lịch giới thiệu về Kim Pusik và tác phẩm Samguk sagi (Tam Quốc sử ký); nhà nghiên cứu Nhật Chiêu so sánh nữ sĩ Hwang Chin-I (Hoàng Chân Y) của Korea với Hồ Xuân Hương của Việt Nam. Những báo cáo còn lại đi vào tìm hiểu những khía cạnh khác nhau của các vấn đề xã hội, ngôn ngữ Korea.

3.3. Một số hội thảo khác về Korea học hoặc Đông phương học cũng đều có những báo cáo khoa học tìm hiểu về văn hoá Korea. Tại hội thảo quốc tế kỷ niệm “Mười năm đào tạo và nghiên cứu Hàn Quốc tại Việt Nam” của Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức tháng 12-2002 [Khoa Đông phương HN 2003], TS. Lâm Thị Mỹ Dung giới thiệu về văn hoá thời đại đồng thau ở Hàn Quốc; GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm tìm hiểu những giá trị khoa học và kỹ thuật trong truyền thống văn hóa Korea; PGS. Nguyễn Văn Hồng, TS. Hoa Hữu Lân và PGS.TS. Nguyễn Trường Lịch bàn về vai trò của các giá trị Nho giáo truyền thống và Phật giáo trong xã hội Hàn Quốc hiện đại; TS. Hoàng Văn Việt bàn về khía cạnh văn hoá - tôn giáo trong sự hình thành văn hoá chính trị Hàn Quốc; TS. Đỗ Thu Hà tìm hiểu về tiến trình toàn cầu hoá tại Hàn Quốc dưới góc nhìn văn hoá.

Các bài viết về văn hoá Korea còn được công bố rải rác trong nhiều hội thảo, trong các sách báo và tạp chí của các ngành khoa học khác. Đáng chú ý trong số này là loạt bài của GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm nghiên cứu về ảnh hưởng của văn hoá Korea trong buổi đầu hình thành văn hoá Nhật Bản nói chung, Phật giáo Nhật Bản nói riêng [Trần Ngọc Thêm 2003b, 2003c], và nghiên cứu những đặc trưng của văn hoá Korea và Nhật Bản qua so sánh hai nhân vật của cuộc chiến tranh Nhâm Thìn 1592-1598 là đô đốc Triều Tiên Yi Sun-sin và tướng quân Nhật Bản Hideyoshi [Trần Ngọc Thêm 2003d]. Một nghiên cứu so sánh khác về tính cách của hai dân tộc Hàn và Việt cùng những ảnh hưởng khác nhau của chúng đến mức độ thành công trong tiến trình đô thị hoá của hai dân tộc được GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm trình bày tại Hội thảo quốc tế bàn về “Đô thị hoá ở Seoul & thành phố Hồ Chí Minh” tổ chức tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh vào tháng 6-2004[Trần Ngọc Thêm 2004].

3.4. Đặc biệt, sách viết chuyên về văn hoá Korea có thể kể đến ba cuốn.

Thứ nhất là cuốn của GS. Lê Quang Thiêm (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) nhan đề “Văn hóa văn minh và yếu tố văn hóa truyền thống Hàn” dày 396 trang do NXB Văn học ấn hành năm 1998 [Lê Quang Thiêm 1998]. Sách được viết như một tập bài giảng chuyên đề cho sinh viên năm cuối ngành Đông phương học và chia thành hai phần rõ rệt: phần một bàn “Về cách hiểu văn minh, văn hoá, bản sắc văn hoá” dày 188 trang; phần hai của sách dày 184 trang gồm 10 chương trình bày về các “Yếu tố văn hóa truyền thống Hàn”. Tuy sách này chưa cung cấp được một bức tranh tổng quan về văn hoá Korea và cũng chưa đi sâu được vào từng vấn đề, song sách có ưu điểm là chú trọng các thành tố văn hoá tinh thần và, ở vào thời điểm năm 1998, khi mà ngành Hàn Quốc học Việt Nam vừa mới chập chững đi những bước đầu tiên, cuốn sách của Lê Quang Thiêm đã là một cố gắng quan trọng đáng ghi nhận, nó cung cấp cho sinh viên một số tri thức bước đầu về văn hoá Korea bằng tiếng Việt.

Thứ hai là cuốn giáo trình của ThS. Nguyễn Long Châu (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh) nhan đề “Tìm hiểu văn hóa Hàn Quốc” do NXB Giáo dục ấn hành năm 2000 [Nguyễn Long Châu 2000]. Trong quá trình chuẩn bị bản thảo, NXB Giáo dục có mời chúng tôi (- TNT) đọc và góp ý, rồi sau đó là biên tập nội dung cho cuốn sách này. Tên gọi ban đầu của sách là “Bản sắc văn hoá Hàn Quốc” được chúng tôi đề nghị thay hai chữ “bản sắc” bằng “tìm hiểu” cho phù hợp với nội dung hơn. Sách dày 393 trang chia làm 13 chương, có ưu điểm là bao quát được nhiều lĩnh vực khác nhau của văn hoá Korea. Đây là cuốn sách đầu tiên về văn hoá Korea do một người vừa biết cả tiếng Hàn lẫn tiếng Anh biên soạn, bản thảo lại được chuẩn bị chu đáo và biên tập kỹ lưỡng nên đã tránh được rất nhiều sai sót về hình thức và nội dung. Nhược điểm của sách là bố cục có phần lỏng lẻo, thiếu tính hệ thống chặt chẽ. Chẳng hạn, chương 4 (Những biến động chính trị - xã hội) thực chất là sự tiếp nối của chương 2 (Bối cảnh lịch sử) nhưng lại bị trình bày gián đoạn; các vấn đề như Nghệ thuật gốm sứ, Kỹ thuật làm giấy - in ấn, Điện ảnh không nhất thiết phải trình bày thành những chương riêng, trong khi có những lĩnh vực văn hoá cần thiết hơn nhiều như ăn, mặc lại không được nói đến.

Thứ ba là cuốn “Tra cứu văn hoá Hàn Quốc” của GS. Hwang Gwi Yeon và ThS. Trịnh Cẩm Lan do NXB Đại học Quốc gia Hà Nội ấn hành năm 2002 nhân dịp kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam - Hàn Quốc [HGY & TCL 2002]. Sách dày 456 trang, có ưu điểm là phạm vi bao quát rộng, toàn bộ nội dung được sắp xếp theo 18 chủ đề (tương ứng với 18 chương). Tiếc rằng sách có khá nhiều sai sót về nội dung và chưa thật khoa học về hình thức. Sách được viết phục vụ cho mục đích tra cứu, nhưng có nhiều đề mục không mang tính khái niệm, khó mà có thể tra cứu được (kiểu như: “Sự kiến quốc của Choson và củng cố thể chế chính trị”, “Sự xâm lược Choson của Nhật Bản và cuộc đấu tranh của dân tộc Choson”, v.v.). Chủ đề Hiến pháp là bản dịch trọn vẹn Hiến pháp của Đại Hàn Dân Quốc gây cảm giác hơi lạc lõng. Chủ đề Các tập đoàn kinh tế lớn của Hàn Quốc có quan hệ với Việt Nam gây ấn tượng quảng cáo khá rõ; có chỗ còn được viết bằng lời của chính các công ty[1]. Cuốn sách còn không hề ghi tên một tài liệu tham khảo nào, có một số chương mục đã được chép nguyên văn từ sách khác[2].

Mặc dù còn có một số nhược điểm, song đây chính là ba cuốn sách đầu tiên được viết bằng tiếng Việt chuyên về văn hoá Korea[3]. Cả ba cuốn gộp lại thì chúng lần đầu tiên cũng đã cung cấp được một bức tranh toàn cảnh về văn hóa của bán đảo Hàn và mỗi cuốn – theo cách của mình – đã có những đóng góp nhất định trong việc giúp cho sinh viên và người đọc Việt Nam tìm hiểu về văn hoá Korea.

3.5. Ngoài các sách biên soạn về văn hoá Korea xuất bản ở Việt Nam, cũng nên kể đến những sách dịch giới thiệu về văn hoá Korea xuất bản bằng tiếng Việt.

Đáng chú ý nhất thuộc loại này là tập sách nhan đề Tiếp cận văn hoá Hàn Quốc dày 428 trang do Đặng Văn Lung chủ biên gồm 40 bài [Đặng Văn Lung 1998], trong đó bài đầu tiên giới thiệu chung về văn hoá và lịch sử Hàn Quốc là của Đặng Văn Lung, còn 39 bài còn lại là những bài được tuyển chọn từ các số của tạp chí Koreana do Quỹ Hàn Quốc (Korea Foundation) xuất bản bằng tiếng Anh được Chi Liêu và Đặng Linh Chi dịch ra tiếng Việt (NXB Văn hoá - Thông tin, 2002). Tuy là tập bài, nhưng các bài được chọn (trong khoảng các năm 1988-2000) bao quát được nhiều vấn đề văn hoá từ quá khứ đến hiện đại và có bố cục khá tốt, mặc dù khâu dịch thuật còn chứa nhiều sai sót.

“Đối thoại với các nền văn hóa: Triều Tiên” là tên một cuốn sách in năm 2001 do Trịnh Huy Hóa biên dịch nằm trong một bộ sách có tiêu đề chung là “Đối thoại với các nền văn hóa” do NXB Trẻ ở Tp. Hồ Chí Minh xuất bản [Trịnh Huy Hóa 2001]. Tuy là một cuốn sách mang tính phổ cập và bản dịch không ghi rõ là đã biên dịch từ cuốn sách nào, của ai, lại có một số sai sót, nhưng xét về nội dung, có thể thấy bản gốc đã được viết bởi một cây bút rất am hiểu và do vậy đã trình bày được một cách khá rõ, ngắn gọn (trong 198 trang) và sắc sảo một bức tranh tổng quát về văn hoá Korea.

“Hàn Quốc: lịch sử và văn hóa” là tiêu đề cuốn sách do NXB Chính trị Quốc gia ấn hành năm 1995 (191 trang) được dịch (không ghi tên dịch giả) từ bản tiếng Anh “Korea; its history and culture”do trung tâm “Dịch vụ thông tin hải ngoại Hàn Quốc” (Korean Overseas Information service) xuất bản tại Seoul năm 1994 [Hàn Quốc 1995]. Cuốn sách gồm hai phần rõ ràng (ở bản gốc tiếng Anh in thành hai cuốn riêng biệt), trong đó phần một là “văn hoá” gồm bốn mục là triết học và tôn giáo, ngôn ngữ và văn học, mỹ thuật, nghệ thuật sân khấu và thủ công mỹ nghệ; phần còn lại viết về lịch sử.

“Tìm hiểu các nước trên thế giới: Trung Quốc, Triều Tiên và Nhật Bản - đỉnh cao văn minh Đông Á” là bản lược dịch cuốn sách tiếng Anh của Gina L. Barner nhan đề “The Rise of Civilization in East Asia: The Archaeology of China, Korea and Japan” (London, Thames and Hudson Ltd, 1993, 1999, 288 p.). Người biên dịch là Huỳnh Văn Thanh, sách do NXB Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh công bố năm 2003. Đây là một cuốn sách khoa học chuyên sâu về một lĩnh vực liên quan đến văn hoá là khảo cổ học, trong đó phần khảo cổ học Korea được trình bày trong sự đan xen thống nhất với thành tựu khảo cổ học trong toàn vùng Đông Bắc Á (bao gồm Korea, Trung Quốc và Nhật Bản). Có thể nói đây là một bản dịch rất có trình độ và mang tính chuyên nghiệp; mặc dù được dịch từ tiếng Anh, nhưng phần lớn các địa danh quen thuộc đã được chuyển dịch khá chính xác sang dạng Hán-Việt, người dịch tỏ ra có nhiều cố gắng trong việc tìm và chọn các thuật ngữ Việt tương thích để chuyển dịch.

Góp phần giới thiệu về văn hoá Korea còn có hai cuốn sách xuất bản ở Seoul bằng tiếng Việt. Đó là cuốn Hàn Quốc xin chào bạn dày 120 trang, được dịch từ bản tiếng Anh “Hello from Korea” của ba tác giả người Mỹ gốc Hàn là Jeannie J. Park, Edward J. Park, Sylvia R. Chwe do Cục Thông tin Hàn Quốc (Korean Information Service) xuất bản [HQ xin chào 1999]. Mặc dù sách được in ấn rất đẹp và đã được in tới bốn lần (1994, 1997, 1998, 1999), nhưng đáng tiếc rằng đây là một bản dịch kém chất lượng, dịch giả (không ghi tên) tỏ ra là người kém hiểu biết về văn hoá Korea nên đã để lọt khá nhiều những lỗi phải nói thẳng là ngớ ngẩn. Cuốn thứ hai là Hàn Quốc (đất nước - con người). Đây là cuốn sách khổ bỏ túi (11.5 x 18.5cm), dày 176 trang, do trung tâm “Dịch vụ thông tin hải ngoại Hàn Quốc” (Korean Overseas Information service) xuất bản tại Seoul năm 1993 (tái bản có bổ sung). Đây là một bản dịch (không ghi tên dịch giả) có thể xem là đạt yêu cầu (tuy chưa phải là có chất lượng cao).

IV- Những nhược điểm thường gặp

Do đang ở giai đoạn đầu nên phải công khai thừa nhận rằng phần lớn các công trình đã xuất bản bằng tiếng Việt về văn hoá Korea chưa mang tính “nghiên cứu” thực thụ. Hơn thế nữa, ngay cả việc đọc hiểu để trình bày lại cũng chưa đến nơi đến chốn. Bởi vậy, việc nghiêm khắc nhìn lại những loại lỗi này để tránh mắc phải trong tương lai là một việc làm tuy không đem lại thích thú gì nhưng là một công việc cần thiết không thể tránh né. Phần đang trình bày không có ý định kể ra tất cả các lỗi mà chúng tôi đã phát hiện[4] mà chỉ là một cố gắng phân loại và tìm hiểu nguyên nhân của những sai sót ấy cùng những ví dụ điển hình.

Xét về kiểu lỗi, chúng tôi thấy có thể quy về năm loại: lỗi quy chiếu sai khái niệm, lỗi không quy chiếu được khái niệm, lỗi diễn đạt không chính xác và thiếu khoa học, lỗi sai sót về ngôn ngữ, và lỗi mâu thuẫn ở tài liệu gốc. Ở đây chỉ giới hạn việc trình bày ở ba loại lỗi đầu.

1. Quy chiếu sai khái niệm

Quy chiếu sai khái niệm là dùng khái niệm này để diễn đạt khái niệm kia, là “râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Có ba nguyên nhân dẫn đến loại lỗi này: (a) Do không tra cứu chữ Hán; (b) Do dựa vào tiếng Anh và thiếu vốn văn hoá chung; (c) Do thiếu vốn văn hoá Korea.

a) Do không tra cứu chữ Hán

Đây là nguyên nhân khá phổ biến dẫn đến mọi nhầm lẫn. Bởi lẽ tiếng Hàn và tiếng Việt đều vay mượn một số lượng lớn từ ngữ từ tiếng Hán. Để khu biệt nghĩa của các từ gốc Hán đồng âm, tiếng Việt dùng thanh điệu, còn tiếng Hàn thì khu biệt trên văn tự bằng cách chua chữ Hán trong dấu ngoặc đơn. Bởi vậy, do không tra cứu theo chữ Hán cho nên ở nhiều sách và bài viết, các từ đồng âm đồng tự trong tiếng Hàn đã bị quy chiếu sai lệch nhiều khi chuyển dịch sang tiếng Việt.

Sai sót điển hình là trường hợp hai khái niệm Hàn và Hán: Trong phần lớn sách báo chuyên môn và không chuyên môn, “sông Hán” (Hangang, 한강 = 漢江) được “dịch” thành “sông Hàn” (cụm từ phổ biến: “Kỳ tích sông Hàn”), trong khi có chỗ “Tam Hàn” (Samhan, 삼한 = 三韓) lại được “dịch” thành “tam Hán” [Barner G.L. 2003: 312].

Jeju (제주 = 濟州) âm Hán-Việt là “Tế Châu” (tế = cứu giúp) thì trong [Trịnh Huy Hóa 2001: 15] không hiểu dựa vào đâu mà cho rằng Jeju có nghĩa là “quận ngoài xa” và dịch là “Trường quận”. Seokbulsa (석불사 = 石佛寺) tên gọi ban đầu của động Seokguram) âm Hán-Việt là “Thạch Phật tự” thì trong [HGY & TCL 2002: 374] không hiểu dựa vào đâu mà giải nghĩa thành “ánh sáng của sự thật”. Bulguksa (불국사 = 佛國寺) âm Hán-Việt là “Phật Quốc tự” (chùa Nước Phật) thì trong [HQ xin chào 1999: 75] gọi là đền “đất Phước”, trong [HUFLIT 2000: 28] giải nghĩa tên này là “Mảnh đất hạnh phúc”.

Trong [Trịnh Huy Hóa 2001: 151], sách Tam Quốc sử ký (Samguk sagi, 삼국사기 = 三國史記 ) của Korea được “dịch” thành “Tam Quốc chí” (của Trung Hoa!). Còn sách Tam quốc chí của Trung Hoa thì trong [Đặng Văn Lung 2002: 168] lại được gọi là “Cuốn Lịch sử ba triều đại từ thế kỷ III của Trung Quốc”!

Sondok, Chindok, Chinsong thực chất là ba nữ vương thời Silla (yeowang = 여왕 = 女王) thì trong [HGY & TCL 2002: 320] viết rằng “Các nhà sử học thế kỷ XX gọi họ là nữ hoàng”: hoàng (thường dành để gọi các vua Trung Hoa) là cao hơn vương một bậc. Tương tự, Sejong Taewang (세종태왕 = 世宗太王) âm Hán-Việt là “Thế Tông Đại Vương” thì trong [HGY & TCL 2002: 329] viết thành “Sejong đại đế”. Vương và hoàng, vương và đế là những khái niệm không thể đồng nhất với nhau. Trong [Khoa Ngữ văn HN 1966: 159] thời kỳ Tam Quốc (삼국) của Korea (57 trCN - 668 sCN) thì bị gọi là thời kỳ “Tam Hoàng” (lộn với Tam Hoàng (三黃) Ngũ Đế của Trung Hoa?).

Nói về tử vi, trong [HGY & TCL 2002: 146] viết “Để xem [tử vi]… cần có… năm, tháng, ngày, giờ sinh… của người cần xem (gọi là saju), và bốn cặp đặc điểm (tính cách) có quan hệ với saju, tất cả hợp lại có nghĩa là saju palcha”. Thực chất, người viết đã không hiểu mình đang viết gì, bởi vì saju palja (사주팔자 = 四柱八字) đơn giản là “tứ trụ bát tự”. Đó là bốn thông tin chính (giờ, ngày, tháng, năm sinh = tứ trụ) được viết bằng tên can chi nên thành tám chữ (bát tự) chứ chẳng hề có “bốn cặp đặc điểm, tính cách” nào ở đây!

b) Do dựa vào tiếng Anh và thiếu vốn văn hoá chung

Nguồn tài liệu khá phổ biến để tìm hiểu và viết về văn hoá Korea là tiếng Anh. Từ tiếng Hàn sang tiếng Anh, từ tiếng Anh về tiếng Việt, “tam sao thất bản” là điều dễ hiểu. Song nếu có vốn văn hoá chung vững vàng thì vẫn khắc phục được những sai lệch này.

Trong tiếng Anh, từ “temple” có nghĩa rất rộng, nó dùng để chỉ mọi nơi thờ cúng (đền, miếu, điện, thánh đường, v.v.), thế nhưng khi “dịch” từ tiếng Anh sang tiếng Việt, người ta thường chỉ nhớ một-hai nghĩa đầu tiên là ‘đền’, ‘miếu’, cho nên trong [Trịnh Huy Hóa 2001: 16] chú thích ảnh chùa Bulguksa (Phật Quốc tự) là “Một ngôi đền cổ từ thời Silla thống nhất; trong [HQ xin chào 1999: 23, 75] nói đến “Đền Pulguksa”, “Miếu hang Sokkuram” (đúng ra là chùa Bulguksa, chùa hang Seokguram). Ngược lại, nơi thờ cúng ở đạo Lão lẽ ra phải là “đền”, “quán” thì trong [Lê Quang Thiêm 1998: 332] lại nói đến “chùa chiền Lão giáo”!

Từ “pagoda” trong tiếng Anh chỉ cả chùa lẫn tháp, vậy là khi chuyển từ tiếng Anh sang tiếng Việt, người ta thường chỉ nhớ đến nghĩa đầu tiên là chùa, cho nên các loại tháp như tháp Đa Bảo (Dabot’ap), tháp Thích Ca (Sokkat’ap) trong sân chùa Bulguksa thường được “dịch” thành chùa [HQ xin chào 1999: 75]. Trong [HUFLIT 2000: 28], Dabot’ap (Đa Bảo tháp – “bảo” ở đây hiểu theo nghĩa nhà Phật: trong Phật giáo có “tam bảo” là ba thứ của báu Phật-Pháp-Tăng) được giải nghĩa là “Chùa của nhiều kho báu”!

Trong [HQ xin chào 1999: 24] viết “Yi-Song-gye (tên huý là Vua Taejo)” là lẫn lộn tên huý với tên thuỵ hay miếu hiệu: “Taejo” (Thái Tổ) là tên thuỵ (miếu hiệu), tức là tên do vua sau đặt cho vua trước để đánh giá công lao, chứ không phải tên huý (là tên do cha mẹ đặt cho lúc còn nhỏ sau này lớn lên kiêng không dùng nữa).

Phương Đông chỉ có trò “đá cầu”, còn “cầu lông” là trò chơi du nhập từ phương Tây, bởi vậy trong [HGY & TCL 2002: 406] ghi đề mục “Cầu lông - Chegi” là lẫn lộn khái niệm.

c) Do thiếu vốn văn hoá Korea

Nếu có hiểu biết về văn hoá Korea thì [HGY & TCL 2002: 384] sẽ không viết “[Đảo Kanghwa] là nơi tạc tượng Triptaka của Hàn Quốc”, vì “Goryeo Tripitaka” là bộ “Đại tạng kinh Korea” được khắc chữ (chứ không phải tạc tượng) ở đảo Kanghwa. Và sẽ không gọi đội ‘tàu Rùa’ của đô đốc Yi Sun-sin dùng để đánh quân Nhật trong cuộc chiến tranh Nhâm Thìn 1592 là “tàu chim cu” [HGY & TCL 2002: 247, 340]. Còn Saemaeul là phong trào “Làng mới”, “Cộng đồng mới” chứ không phải là “phong trào Cộng hòa mới” [HGY & TCL 2002: 112].

Thiếu vốn văn hoá Korea thì ngay cả những người giỏi tiếng Hàn như các tác giả cuốn “Tục ngữ, thành ngữ tiếng Hàn” cũng vẫn có thể mắc sai lầm như khi giải thích câu tục ngữ 눈치가빠르면절에도젓갈을얻어먹는다 là “Nhanh mắt thì tới chùa cũng có nước mắm uống” (Nhanh tay nhanh mắt thì đi đâu cũng không sợ túng bấn) [Lê Huy Khảng… 2003: 52]. Mặc dù chữ “nun” (눈) có nghĩa là “mắt”, nhưng nunchi (눈치) không phải là mắt mà là một cách thức giao tiếp bằng linh cảm, sử dụng đôi mắt để cảm nhận thế giới và đọc ý tứ của người khác qua ánh mắt của họ. Bởi vậy, câu tục ngữ trên phải hiểu là: “Có linh cảm tốt thì lên chùa cũng kiếm được nước mắm mà ăn” bởi vì nhà chùa ăn chay nên ở đó làm gì có nước mắm: Có linh cảm tốt thì có thể làm được cả những điều không thể!

2. Không quy chiếu được các khái niệm văn hoá Korea về những khái niệm sẵn có trong tiếng Việt

Cũng do đều vay mượn một số lượng lớn thuật ngữ từ tiếng Hán cho nên tiếng Hàn và tiếng Việt có khá nhiều khái niệm và thuật ngữ tương đồng mà chỉ cần nhắc đến, chúng đã trở nên rất gần gũi và dễ hiểu. Song phần vì khi nghiên cứu sử dụng tài liệu viết bằng các ngôn ngữ phương Tây (tiếng Anh, Pháp, Nga, v.v.), phần vì thiếu những tri thức cần thiết chung về văn hoá và phần vì không chịu khó tra cứu, cho nên một số tác giả đã không làm chủ được kiến thức, không quy chiếu được các khái niệm văn hoá Korea về những khái niệm quen thuộc có sẵn trong tiếng Việt, dẫn đến những miêu tả mơ hồ, khó hiểu. Loại lỗi này có thể quy về hai nguyên nhân chính:

a) Do không tra cứu chữ Hán

Khái niệm I Qing (易經) trong tiếng Hán, yeokgyeong (역경) trong tiếng Hàn mà dịch ra tiếng Việt là ‘Kinh Dịch’ thì ai cũng hiểu, nhưng trong [HGY & TCL 2002: 146] gọi là “Sách về sự thay đổi”; [Đặng Văn Lung 2002: 233] gọi là “Sách về những sự thăng trầm” thì đã trở nên hoàn toàn xa lạ.

Khái niệm 오행 (五行) đơn giản là ‘ngũ hành’, nhưng trong [HGY & TCL 2002: 175] đã để nguyên là o-haeng và viết “Xem bói theo thuyết o-haeng (o-haeng-jeom)” thì không ai hiểu. Khái niệm ‘tam tài’ trong [Lê Quang Thiêm 1998: 355] gọi là “ba sức mạnh của trời, đất, và người”.

Khái niệm ‘Hunmin Cheongeum’ (훈민정음, tên ban đầu của chữ Hangeul do Sejong Đại Vương đặt ra) đơn giản là “Huấn dân chính âm” (âm chuẩn dạy dân) thì ở [Lê Quang Thiêm 1998: 250] giải thích là “âm chính xác, hình tương tự” (hình là cái ở đây hoàn toàn không có); [HGY & TCL 2002: 258] giải thích là: “Chính âm để trị dân” cũng trở nên sai lạc (âm thanh, chữ viết chỉ có thể ‘dạy’ cho dân (huấn) chứ không thể ‘trị’ dân. Sách [Hàn Quốc 1993: 26] giải thích là “những âm chuẩn dùng để truyền bá kiến thức của con người” lại càng xa lạ.

Chiphyonjon do Sejong Đại Vương lập ra là “Tập hiền điện” thì [HQ xin chào 1999: 25] gọi là “Đáng kính đường”, [HGY & TCL 2002: 258] gọi là “Điện của những học giả lỗi lạc hay Học viện hoàng gia”.

Trường phái Sirhak (실학 = 實學) là “Thực học” thì [HQ xin chào 1999: 28] dịch qua tiếng Anh thành “Trường phái Học thuật Thực hành”, trong cuốn [Đặng Văn Lung 2002] ở trang 95 gọi là phái “Tiếp thu thực tế”, trang 226 gọi là “Kiến thức thực hành”, trang 239 tệ hơn nữa, viết là “phong trào Sirhak, tức là văn học tiếng Hàn Quốc”.

Samseonggak (삼성각 = 三星閣) là ‘Tam tinh các’ thì trong [Đặng Văn Lung 2002: 169] gọi là “Nơi thờ ba vị thần”; Chilseonggak (칠성각 = 七星閣) là ‘Thất tinh các’ thì cũng ở đó gọi là “Toà nhà thánh đường”. Beopdang (법당 = 法堂) là “Pháp đường” thì [Đặng Văn Lung 2002: 170] gọi là “Phật đường”. Sacheonwang (사천왕 = 四天王) là “Tứ Thiên Vương” thì [HQ xin chào 1999: 71] gọi là “các vua hộ vệ bốn phương”.

Dano (다노) là tết “Đoan Ngọ” thì [HQ xin chào 1999: 104] sáng tác thành ngày “song ngũ” và [Trịnh Huy Hóa 2001: 179] sáng tác thành ngày “tết Chơi đu”. Ngay cả khái niệm gisaeng (기생 = 妓生) là “kỹ nữ” (âm Hán-Hàn là “kỹ sinh”) thì [HQ xin chào 1999: 22] cũng không quy chiếu được nên phải giải thích vòng vo là “cô gái mua vui cho đàn ông bằng cách trò chuyện, khiêu vũ hay ca hát – giống như geisha của Nhật”.

b) Do dựa vào tiếng Anh, và thiếu vốn văn hoá chung

Koreana Tripitaka là ‘Đại Tạng Kinh Korea’ thì [HQ xin chào 1999: 64] gọi là “bộ Tam Tạng người Hàn”, [Đặng Văn Lung 2002: 269] gọi là “Bộ ba kinh Phật”.

24 ngày tiết trong năm thì [HQ xin chào 1999: 76] gọi là “24 phân mùa của năm âm lịch - dương lịch”. Ch’usok là tết Trung Thu thì [HQ xin chào 1999: 106, 109] gọi là “Lễ hội trăng mùa”, “Ngày lễ mùa”; còn [Trịnh Huy Hóa 2001: 181] thì gọi là “lễ hội Mặt trăng Mùa gặt”. Trà đạo thì [HQ xin chào 1999: 120] gọi là “Lễ trà mà Nhật Bản nổi tiếng”.

Confucianism được [HGY & TCL 2002: 48] gọi là “chủ nghĩa Nho giáo”. Phật giáo Đại Thừa (Mahayana) được [HGY & TCL 2002: 140] sáng tác thành “Đại Xa”. Một nội dung đơn giản là ‘Thiền chủ trương vô ngôn’ đã được [Đặng Văn Lung 2002: 247] diễn giải một cách khó hiểu thành “Phật giáo trường phái Son không đánh giá cao từ ngữ được viết ra”, và khái niệm ‘tam bảo Phật-Pháp-Tăng’ thì được [Đặng Văn Lung 2002: 288] diễn giải sai lệch thành “ba bảo vật của Phật giáo: Phật tổ, giáo huấn của Phật tổ, và giới Phật tử” (tăng ni không phải là toàn bộ giới Phật tử!).

‘Nhung hươu’ thì [HGY & TCL 2002: 211] gọi là “thuốc sừng dê”; ‘linh chi’ (영지) thì Đặng Văn Lung 2002: 375] gọi là “nấm bất tử”, [Khoa Ngữ văn HN 1966: 147] gọi là “cây nấm ma thuật”. ‘Chữ rời’ (thuật ngữ ấn loát) trong [Đặng Văn Lung 2002: 270, 271, 273] diễn giải lòng vòng là “chữ in kim loại có thể di chuyển được”, “con chữ gỗ có thể di chuyển”. Ngay tên riêng rất quen thuộc với mọi người Việt Nam, kể cả trẻ em đã xem phim Tàu là ‘Tần Thuỷ Hoàng Đế’ thì trong [Đặng Văn Lung 2002: 279] vẫn không nhận ra nên phải để nguyên là “triều đại của Shi Huang Ti nhà Tần”.

3. Diễn đạt không chính xác và thiếu khoa học

Loại lỗi này có ba nguyên nhân chính: (a) Do thiếu hiểu biết lịch sử; (b) Do thiếu hiểu biết ngôn ngữ; (c) Do thiếu hiểu biết văn hoá.

a) Do thiếu hiểu biết lịch sử

Do thiếu hiểu biết lịch sử Korea, [Trịnh Huy Hóa 2001: 33, 34] đã dùng các tên gọi “Đại Hàn”, “Choson” để nói về vương quốc Silla thời Tam Quốc. Nhiều sách báo thì dùng tên gọi “Hàn Quốc” để gọi bán đảo Hàn từ thời tiền sử.

[Trịnh Huy Hóa 2001: 30-31] kể rằng những bộ lạc du mục từ Siberia khi tiến vào bán đảo Triều Tiên vào thời đồ đá mới đã gặp những cư dân bản địa mà nền văn hoá của họ đã “phát triển dưới ảnh hưởng của nền văn hoá của Trung Quốc” (vào 5.000 năm trCN thì ngay cả Tam Hoàng Ngũ Đế cũng còn chưa có, làm sao mà có Trung Quốc và có văn hoá ảnh hưởng đến bán đảo Korea được?).

Mở đầu cho chủ đề về lịch sử, [HGY & TCL 2002: 37] đã đem thần thoại Dangun ra kể và khẳng định rất hùng hồn rằng “Năm 2333 trCN, trên bán đảo Hàn, nhà nước tên Cổ Choson được thiết lập… Thuỷ tổ kiến quốc của Cổ Choson là Tangun và ngày khai quốc là ngày 3 tháng 10”.

Sách [Hàn Quốc 1993: 19] ghi chú thích bản đồ là “Các vương quốc Shilla và Parhae hợp nhất” (chỉ có “Shilla Thống Nhất” chứ làm gì có “Parhae hợp nhất”?!).

Ở trang 40, [HGY & TCL 2002] viết “Năm 676, nhờ vào việc đẩy lùi hoàn toàn thế lực của nhà Đường ở bán đảo Hàn, ba nước đã tiến tới sự thống nhất” (Silla phải dùng cả trí lẫn lực mới lần lượt tiêu diệt được hai nước kia chứ làm gì có chuyện ba nước tự nguyện “tiến tới sự thống nhất”!). Ở trang 59, [HGY & TCL 2002] viết “Ngày 10/5/1945, tổng tuyển cử được tiến hành ở Nam Hàn” (ngày tổng tuyển cử là 10-5-1948).

Sách [HQ xin chào 1999] viết ở trang 75: “Mặc dầu không còn là một thành phố nữa, Kyongju vẫn giữ được nét đặc biệt của mình”. Kyongju chỉ thôi không còn là kinh đô chứ đã bao giờ thôi không còn là thành phố? Sách [HGY & TCL 2002: 372] viết về chùa Bulguksa: “năm 1973 nó được phục hồi lại bằng gỗ và trở thành dinh thự của Nhà nước”. Bulguksa cho đến nay vẫn là chùa và chưa bao giờ là dinh thự của Nhà nước cả!

Sách “Tra cứu văn hoá Hàn Quốc” được xuất bản năm 2002, nhưng ở phần giao thông, do lấy từ sách [Hàn Quốc 1993] nên ta đọc thấy đường tàu điện ngầm số 5 sẽ “hoàn tất vào năm 1994” [HGY & TCL 2002: 230], và sân bay Incheon thì vẫn “đang được xây dựng” [HGY & TCL 2002: 234].

b) Do thiếu hiểu biết ngôn ngữ

Sách [HGY & TCL 2002: 48] cho biết vua Sejong “sáng tạo ra tiếng Hàn vào năm 1426” (sáng tạo chữ viết chứ là sao sáng tạo ra ngôn ngữ được?). Theo [HGY & TCL 2002: 204], “Tên người Hàn… thường được cấu tạo bằng 3 chữ cái Trung Quốc”, và “Mỗi năm được đặt tên dựa theo mối liên hệ giữa hai bộ chữ cái Trung Quốc. Một bộ là Shipcar gồm có 10 chữ cái cơ bản và bộ kia là Shibiji có 12 chữ cái” [HGY & TCL 2002: 208]. Cái được nói đến ở đây thực ra là “chữ” (= âm tiết, sillable) chứ không phải là chữ cái (letter)!

Sách [Hàn Quốc 1993: 15] viết “Bảng chữ cái tiếng Hàn… gồm 10 nguyên âm và 14 phụ âm” (bảng chữ không thể chứa âm mà chỉ có thể chứa các ký hiệu nguyên âm và ký hiệu phụ âm). “Ở Hàn Quốc, Geomancy là tên mà người ta gọi một phương pháp đoán vị trí lý tưởng để đặt mộ chí, để xây nhà cửa…” [HGY & TCL 2002: 141]. Geomancy là một từ tiếng Anh, nó chưa bao giờ được người Hàn dùng làm tên gọi cho thuật phong thuỷ cả. “Điệp khúc - Kanggangsuwollae - nghĩa là ‘bảo vệ hòa bình’” [HGY & TCL 2002: 251]: suwollae là vòng tròn, Kanggangsuwollae là cái gì đó liên quan đến vòng tròn, chưa thấy ai chứng minh được rằng từ này có nghĩa là ‘bảo vệ hòa bình’.

Cũng cần phải nói thêm rằng, về mặt ngôn ngữ, những cách giải thích tên nước Korea thành: “Mảnh đất của những buổi sáng thanh bình”, “Vùng đất của bình minh tươi sáng”; “Những giọt nước lấp lánh trên đồi cao”, “Cao và sáng” chỉ là những cách hiểu giàu tính trữ tình, sản phẩm sự tưởng tượng của người phương Tây căn cứ theo các tên gọi “Triều Tiên” (조선 = 朝鮮) và “Cao Ly” (Goryeo = 고려 = 高麗) do người Trung Quốc phiên âm, giống như hiện nay họ phiên âm “Coca Cola” thành “Khả khẩu khả lạc” vậy, cho nên không thể coi đó là cách giải nghĩa chính thức như [HGY & TCL 2002: 336, 339; Trịnh Huy Hóa 2001: 12] đã trình bày. Còn các tên gốc “Joseon” và “Goryeo” là những từ cổ thuần Hàn, cho đến nay vẫn không xác định được ý nghĩa rõ ràng của chúng[5].

c) Do thiếu hiểu biết văn hoá

Theo [HGY & TCL 2002: 259] thì cuốn Hunmin cheongeum ngày nay “đã được công nhận là di sản văn hoá thế giới”. Không rõ thông tin này là căn cứ vào đâu vì trong số bảy di sản văn hoá thế giới của Hàn Quốc[6] thì không có “Huấn dân chính âm”.

Sách [Khoa Ngữ văn HN 1966: 117] nói về nữ thần Amateraxu như một “truyện tối cổ gắn với tín ngưỡng bản địa” (nữ thần mặt trời Amateraxu là của Nhật Bản, Korea làm gì có?).

Sách [Khoa Ngữ văn HN 1966: 147-148] nói về biểu tượng trường thọ “ở Nam Cực là con hươu”, “dân các vùng Nam Cực lấy biểu tượng ông Thọ là một ông tiên tay cầm quả đào trường thọ, cưỡi trên con hươu, đi cùng một tiểu đồng thổi sáo trúc”. Nam cực là vùng băng giá, làm gì có người ở mà có biểu tượng văn hoá trường thọ? Sách [Khoa Ngữ văn HN 1966: 154] viết “Giờ của hổ là 3-7 giờ chiều”. Giờ Dần là 3-5 giờ sáng chứ làm sao lại là 3-7 giờ chiều được?

Theo [HGY & TCL 2002: 199], “Nhà ở truyền thống của người Hàn Quốc bao gồm một sân chơi gôn được xây bao bằng những bức tường cao”. Golf là trò chơi mới du nhập từ phương Tây, làm sao có mặt trong văn hoá truyền thống Korea? Và sân golf cực kỳ lớn, làm sao mà lọt vào trong khuôn viên nhà ờ được?

V- Một cách nhìn về văn hoá Korea

Qua ba phần trình bày trên, có thể thấy rằng việc nghiên cứu văn hoá Korea ở Việt Nam mới đang trong giai đoạn bắt đầu, tuy đã góp phần nhất định trong việc giới thiệu văn hoá Korea cho người Việt Nam nhưng đóng góp khoa học thì chưa nhiều, tính hệ thống và tính khái quát chưa cao mà sai sót thì lại lắm.

Bước sang thập niên thứ hai tính từ khi xác lập quan hệ ngoại giao chính thức giữa Việt Nam và Hàn Quốc, giới Hàn Quốc học Việt Nam cần cố gắng nhiều hơn để đưa việc nghiên cứu văn hoá Korea lên một tầm cao mới.

Bản thân chúng tôi đang thực hiện một đề tài theo hướng này với nhan đề “Văn hoá Korea nhìn từ Việt Nam”. Công trình này có tham vọng vừa cố gắng trình bày văn hoá Korea một cách hệ thống, với những đóng góp nhất định về khoa học, lại đặt trong cái nhìn đối chiếu với văn hoá Việt Nam. Hai phương pháp chủ yếu mà chúng tôi sử dụng là phương pháp hệ thống và loại hình – những phương pháp mà chúng tôi đã dùng trong việc nghiên cứu hệ thống văn hoá Việt Nam. Cuốn sách dự kiến bao gồm bốn chương.

Xuất phát từ một hệ toạ độ ba chiều – không gian, thời gian và nhân gian văn hoá Korea, cùng việc xác định loại hình văn hoá và nguồn gốc văn hoá Korea (đó là nội dung của chương Một), ba chương còn lại sẽ xem xét văn hoá Korea nhìn từ ba chiều kích của hệ toạ độ.

Ở chương Hai với nhan đề “Văn hóa Korea nhìn từ chủ thể”, chúng tôi sẽ xem xét ba góc độ của chủ thể: Góc độ dân tộc với các vấn đề: văn hoá nhận thức và tính cách dân tộc. Góc độ xã hội với các vấn đề: văn hóa giao tiếp, văn hóa tổ chức nông thôn, văn hóa tổ chức quốc gia, văn hóa tổ chức đô thị và văn hóa tổ chức kinh tế. Góc độ con người với các vấn đề: tín ngưỡng - tôn giáo, các lĩnh vực nghệ thuật, trò chơi và văn hoá thể chất, văn hoá giới.

Ở chương Ba, chúng tôi sẽ xem xét hai góc độ của “văn hóa Korea trong không gian”: Góc độ văn hóa Korea trong quan hệ với môi trường tự nhiên với các vấn đề: văn hoá ẩm thực, văn hoá trang phục, văn hoá kiến trúc, văn hoá giao thông, văn hoá núi đá, văn hoá xứ lạnh và văn hoá vùng. Góc độ văn hóa Korea trong quan hệ với môi trường xã hội với các vấn đề: văn hoá giao lưu với Trung Hoa, văn hoá giao lưu với Nhật Bản, văn hoá giao lưu với phương Tây và văn hoá hải ngoại.

Ở chương Bốn, chúng tôi sẽ xem xét hai góc độ của “văn hóa Korea trong thời gian”: Góc độ triết lý thời gian với các vấn đề: văn hóa lịch pháp, văn hóa vòng năm, văn hóa vòng đời. Góc độ văn hoá và phát triển với các vấn đề: chiến tranh và xung đột cùng những tiêu điểm trong sự phát triển của văn hoá Korea hiện đại.

Xuyên suốt các chương mục là những tư tưởng về hệ toạ độ ba chiều của văn hoá Korea, loại hình văn hoá Korea và triết lý âm dương tam tài ngũ hành trong văn hoá Korea.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Barner G.L. 2003: Tìm hiểu các nước trên thế giới; Trung Quốc, Triều Tiên và Nhật Bản - đỉnh cao văn minh Đông Á (Huỳnh Văn Thanh biên dịch). – NXB Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, 399 tr.

2. Đặng Văn Lung (cb) 2002: Tiếp cận văn hoá Hàn Quốc (Chi Liêu và Đặng Linh Chi dịch). – H.: NXB Văn hoá - Thông tin. 428 tr. [Đặng Văn Lung 2002:

3. Hàn Quốc 1993: Hàn Quốc (đất nước - con người). – Seoul, Trung tâm Dịch vụ thông tin hải ngoại XB. 176 tr.

4. Hàn Quốc 1995: Hàn Quốc: lịch sử và văn hóa. – H.: NXB Chính trị quốc gia, 191 tr. (dịch từ bản tiếng Anh: Korea – its history and culture. – Seoul, Korean Overseas Information service, 1994).

5. HQ xin chào 1999: Park Jeannie J., Park Edward J., Chwe Sylvia R., Hàn Quốc xin chào bạn (dịch từ tiếng Anh: Hello from Korea), in lần thứ 4. – Cục Thông tin Hàn Quốc (Korean Information Service) xuất bản. 120 tr.

6. HGY & TCL 2002: Hwang Gwi Yeon - Trịnh Cẩm Lan. Tra cứu văn hoá Hàn Quốc. - Hà Nội: NXB Đại học Quốc gia Hà Nội. 456 tr.

7. Khoa Ngữ văn HN 1966: Tương đồng văn hóa Việt Nam - Hàn Quốc. – HN: NXB Văn hóa. 469 tr.

8. Khoa Đông phương HN 2003: Mười năm đào tạo và nghiên cứu Hàn Quốc tại Việt Nam. – H.: NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 398 tr.

9. Korea Visual 2002: Korean Cultural Heritage 1-2 – Seen through pictures and names. Seoul, Sigong Tech Co.,Ltd. & Korea Visual Co.,Ltd.

10. Lê Huy Khảng… 2003: Lê Huy Khảng & Lê Huy Khoa. Tục ngữ, thành ngữ tiếng Hàn. – Tp.HCM, NXB Trẻ, 199 tr.

11. Nguyễn Văn Ánh, Đỗ Đình Hãng, Lê Đình Chỉnh 1996: Hàn Quốc: lịch sử - văn hóa (từ khởi thuỷ đến 1945). – HN, NXB văn hóa. 303 tr.

12. Trần Ngọc Thêm 2003a: Khoa học và kỹ thuật trong truyền thống văn hóa Korea. – Trong sách: “Mười năm đào tạo và nghiên cứu Hàn Quốc tại Việt Nam”. – H.: NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, , tr. 225-240.

13. Trần Ngọc Thêm 2003b: Ba vật đế biểu và thành tố văn hoá lục địa trong giai đoạn hình thành bản sắc văn hoá Nhật Bản. – Trong sách: “Nhật Bản trong thế giới Đông Á và Đông Nam Á”, NXB Tp. HCM, tr. 158-174.

14. Trần Ngọc Thêm 2003c: Ảnh hưởng Korea trong buổi đầu nghệ thuât Phật giáo ở Nhật Bản. – Trong sách: “Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản (những vấn đề lịch sử và hiện đại)”, kỷ yếu Hội thảo quốc tế kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản. – H.: NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 272-285.

15. Trần Ngọc Thêm 2003d: Cuộc chiến Nhật-Hàn 1592-1598 với hai gương mặt Hideyoshi và Yi Sun-sin (một thử nghiệm so sánh văn hoá). – Hội thảo quốc tế kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, tháng 12-2003.

16. Tran Ngoc Them 2003e: Research in Korean Studies in Vietnam. – SNU-UNSW Symposium on Korean Studies in Southeast Asia and Australasia: Co-ownership and Strategic Co-operation. – Seoul-Korea, Seoul University, November 2003, p. 33-48.

17. Trần Ngọc Thêm 2004: Vai trò của tính cách dân tộc trong tiến trình phát triển đô thị ở Hàn Quốc và Việt Nam. - Hội thảo quốc tế “Đô thị hoá ở Seoul & thành phố Hồ Chí Minh: kinh nghiệm và thách thức”, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, tháng 6-2004, tr. 90-99.

18. Trần Ngọc Thêm 1996/2004: Tìm về bản sắc văn hoá Việt Nam. – Tp. Hồ Chí Minh, NXB thành phố Hồ Chí Minh, 690 tr.

19. Trịnh Huy Hóa (biên dịch) 2001: Đối thoại với các nền văn hóa: Triều Tiên. - Tp. Hồ Chí Minh, NXB Trẻ, 198 tr.

CHÚ THÍCH

[1] Vd: “Daesang, đó là tên của tập đoàn kinh doanh chúng tôi, tượng trưng cho những ước mong của chúng tôi là sẽ cùng nhau mở ra một tương lai mới mẻ” [HGY & TCL 2002: 451].

[2] Các trang 213-223, 224-228, 229-240, 300-301, 395-398 được chép nguyên văn từ cuốn “Hàn Quốc (đất nước - con người)” của Trung tâm Dịch vụ thông tin hải ngoại Hàn Quốc xuất bản [Hàn Quốc 1993].

[3] Nếu không kể đến cuốn sách “Hàn Quốc: lịch sử - văn hóa (từ khởi thuỷ đến 1945)” của ba tác giả Nguyễn Văn Ánh, Đỗ Đình Hãng và Lê Đình Chỉnh do NXB văn hóa xuất bản năm 1996 dày 303 trang, tuy trong tên gọi có chữ “văn hoá” song thực chất chủ yếu là một giáo trình về lịch sử.

[4] Danh sách này dài khoảng vài chục trang.

[5] Trong tiếng Việt cũng xảy ra nhiều trừơng hợp tương tự. Chẳng hạn, sông Lam ở Nghệ An thường được giải thích là ‘sông Xanh’, nhưng thực ra “Lam” chỉ là một cách Hán-Việt hoá tên cổ của sông này là Rum (rum nghĩa là ‘nước’, ss. “nậm Rốm”).

[6] Bảy di sản văn hoá thế giới của Hàn Quốc là: Cung Changdeok, thành Hwaseong, chùa Bulguksa và chùa hang Seokguram, điện Janggyeongpanjeon ở chùa Haeinsa (nơi chứa những ván gỗ khắc bộ Đại tang kinh Goryeo), Jongmyo (Tông miếu)