Chủ nhật, 02 Tháng 10 2016 09:39

Quà 8-3 gửi độc giả “Văn hóa học”

  • QUÀ 8-3 GỬI ĐỘC GIẢ “VĂN HÓA HỌC”

  • T.N.T.

 

Nhân ngày 8-3 năm nay, tôi xin gửi tới độc giả “Văn hóa học” một món quà nhỏ gồm hai phần.

Phần thứ nhất là 11 câu nói vui, cũng là 11 nhận xét, có thể là rất phiến diện, của những người đàn ông gửi tới những phụ nữ yêu quý của mình. Bản gốc của bài này có ở trên mạng, tôi đã mạo muội chỉnh sửa và nhuận sắc cho gọn hơn và hay hơn (bằng những kinh nghiệm cá nhân của mình).

Ở phần thứ hai, tôi kể lại (cho gọn gàng hơn và hợp lý hơn) câu chuyện của Andersen nhan đề “Ông lão làm gì cũng đúng”.

12 điều này làm thành một món quà nhỏ, xin gửi nó cùng một nụ hôn tới tất cả những người phụ nữ yêu quý, bạn đọc hiện hữu và tiềm tàng của “vanhoahoc”, mà tôi quen biết hoặc chưa từng quen biết…

T.N.T.

I- PHỤ NỮ THÔNG MINH & PHỤ NỮ NGU NGỐC...

1. Phụ nữ ngu ngốc chăm chăm soi mói bắt lỗi chồng để chì chiết. Phụ nữ thông minh luôn tìm ưu điểm của chồng để động viên.

2. Phụ nữ ngu ngốc không ngừng bới móc chuyện quá khứ xấu xa của chồng. Phụ nữ thông minh ghi sổ rồi nhủ mình quên đi chuyện quá khứ để cùng chồng tạo dựng tương lai.

3. Phụ nữ ngu ngốc cãi nhau với chồng mọi lúc mọi nơi, khiến cho họ thấy mất mặt, bẽ bàng. Phụ nữ thông minh giữ thể diện cho chồng trước mặt mọi người, khiến cho họ thấy tự tin, phấn khởi.

4. Phụ nữ ngu ngốc luôn khẳng định quyền lực bằng cách hạ thấp chồng và quên rằng làm như thế, cô ta trở thành kẻ bị chồng căm ghét. Phụ nữ thông minh luôn tán thưởng, động viên chồng và biết rằng bằng cách đó, cô trở thànhthần tượng được chồng ngưỡng mộ.

5. Phụ nữ ngu ngốc tự tin cho rằng mình luôn nhìn thấy bản chất xấu xa của cánh đàn ông và bằng cách đó, biến mọi chuyện nhỏ thành chuyện to, chuyện to trở thành không thể cứu vãn được. Phụ nữ thông minh cho rằng mỗi giới có chỗ mạnh chỗ yếu riêng và với một tấm lòng vị tha, sẵn sàng tha thứ cho những lầm lỗi của chồng, và bằng cách đó, làm cho mọi chuyện to trở thành nhỏ, chuyện nhỏ trở thành không có gì.

6. Phụ nữ ngu ngốc xem chồng như cung tên, kéo sợi dây càng căng thì mũi tên càng bay xa. Phụ nữ thông minh xem chồng như cánh diều, càng nới rộng đầu dây thì cánh diều càng bay cao.

7. Phụ nữ ngu ngốc luôn tìm cách thuần dưỡng chồng và đòi hỏi chồng phải làm theo ý mình. Phụ nữ thông minh khôn khéo chiều chồng và xem chồng là chỗ dựa tin cậy.

8. Phụ nữ ngu ngốc luôn theo dõi chồng như một cảnh sát mẫn cán khiến anh ta phát ngán và thấy mọi người phụ nữ khác đều hơn vợ mình. Phụ nữ thông minh buộc chồng bằng một sợi dây vô hình đủ dài để anh ta dù có chót dại đi xa cũng phải tự tìm về vì hiểu ra rằng không có ai hơn vợ mình.

9. Phụ nữ ngu ngốc chăm chỉ giặt giũ, nấu ăn, nhưng quên chăm sóc sắc đẹp. Phụ nữ thông minh biết chia sẻ bớt việc giặt giũ, nấu ăn cho chồng con hoặc người giúp việc và không bao giờ quên chăm sóc nhan sắc của bản thân mình.

10. Phụ nữ ngu ngốc chăm sóc sắc đẹp bằng cách hàng ngày tô vẽ và đắp mỹ phẩm lên mặt để cho thiên hạ nhìn và dành phần cho chồng cái mặt thô mộc với làn da ngày càng xấu xí vì bị mỹ phẩm bào mòn. Phụ nữ thông minh chăm sóc nhan sắc bằng cách sử dụng mỹ phẩm ở mức tối thiểu nhưng bảo tồn và phát huy vẻ đẹp tự nhiên ở mức tối đa, để cho thiên hạ ngưỡng mộ, còn chồng thì thấy vợ mình mỗi ngày một đẹp hơn.

11. Phụ nữ ngu ngốc khiến chồng thất bại trong những giọt nước mắt. Phụ nữ thông minh đem lại cho chồng sự thành công bằng những nụ cười.

Bản gốc có thể x. ở đây

“ÔNG LÃO LÀM GÌ CŨNG ĐÚNG” 

(kể lại dựa theo Andersen)

Trong một túp nhà nhỏ ở một vùng quê có một đôi vợ chồng già. Họ hầu như chẳng có của cải gì, thế mà cũng có một vật thừa, đó là một con ngựa mà ông cụ chỉ thỉnh thoảng mới dùng đến khi đi ra tỉnh. Một lần hai cụ nghĩ rằng tốt hơn hết là bán đi hoặc đem đổi lấy một vật gì có ích hơn. Nhưng biết đổi lấy cái gì bây giờ?

- “Việc ấy thì còn ai tính toán giỏi hơn ông được nữa kia chứ?” - Cụ bà nói. – “Hôm nay là ngày phiên chợ đấy. Ông mang ngựa đi bán lấy một món tiền hay đổi lấy cái gì cũng được. Ông làm thế nào tôi cũng ưng”.
Cụ bà quàng vào cổ cụ ông một cái khăn quàng ấm và ôm hôn ông cụ một cái rõ kêu. Rồi ông cụ leo lên ngựa, đem nó ra chợ tỉnh.

Trời nắng gắt, gió cuốn tung bụi. Trên đường có đủ các hạng người đi ra tỉnh. Giữa đám đông có một người đàn ông đang dắt bò, một con bò cái thuộc loại đẹp nhất. Ông cụ nông dân nghĩ thầm: “Sữa nó chắc là tốt lắm đây, bà lão nhà mình cần uống sữa cho đẹp da.” Nghĩ vậy, ông cụ bèn cất tiếng gọi: “Này bác đánh bò ơi! Tôi vẫn biết con ngựa đáng giá hơn con bò, nhưng cái đó không quan trọng. Tôi già rồi, thích nuôi bò hơn nuôi ngựa. Bác có muốn đổi bò của bác lấy ngựa của tôi không?”

- “Đổi thì đổi!” - Người đàn ông nói rồi họ trao đổi hai con vật cho nhau.

Đổi chác xong, lẽ ra ông cụ đã có thể quay về nhà, nhưng vì muốn nhân tiện đi chơi chợ nên quyết định dắt bò đi tiếp. Chẳng mấy chốc, cụ đã đuổi kịp một gã đang dắt một con cừu có bộ lông rất dày. Ông lão tự nhủ: “Mình vẫn muốn có một con vật đẹp như thế. Cừu thì có thể tự gặm cỏ quanh nhà ta, chẳng phải đi đâu xa kiếm thức ăn cho nó. Đến mùa đông thì cho nó vào buồng, vừa có lông làm áo ấm cho vợ, vừa có việc cho bà lão nhà mình khuây khỏa. Có lẽ vợ chồng mình nuôi cừu hợp hơn nuôi bò”. Cụ bèn bảo anh chàng dắt cừu: “Này anh bạn, anh có muốn đổi cừu lấy bò không?”

Được món hời, gã kia vội vã dắt bò đi và để cừu lại. Ông cụ lại dắt cừu đi tiếp. Bỗng ông gặp một anh chàng từ một con đường nhỏ đi ra, hai tay ôm một con ngỗng rất đẹp, làm cho ông lão cứ ngẩn ra mà ngắm nghía mãi. Cụ bèn bảo anh ta: “Anh ôm nặng lắm nhỉ? Ngỗng anh nuôi thế nào mà lắm mỡ thế? Và bộ lông của nó mới đẹp làm sao!” Rồi cụ ngẫm nghĩ: “Ngỗng này mà về tay mình thì cam đoan là bà lão nhà mình còn có thể vỗ cho nó béo hơn. Bao nhiêu cơm thừa, canh cặn trút cả cho nó, rồi thì nó sẽ to phải biết! Có lần bà ấy đã bảo giá nhà ta có một con ngỗng đem thả lẫn với đàn vịt thì đẹp biết mấy! Đây có lẽ chính là dịp để cho bà lão thỏa nguyện ước.” Nghĩ rồi, ông cụ cất giọng gọi to: “Này anh bạn, muốn đổi không? Anh lấy cừu, lão lấy ngỗng. Không phải là anh cho lão đâu, mà lão phải cảm ơn anh đấy, vì bà vợ lão vốn thích nuôi ngỗng mà!”

Anh kia chẳng đợi nói đến lần thứ hai và ông lão nông dân nhanh chóng trở thành chủ nhân của con ngỗng. Lúc này lão đã ra gần đến tỉnh. Đường càng lúc càng đông.

Người nhân viên trạm thu thuế có nuôi một con gà mái. Thấy đông người, hắn lấy dây buộc vào chân để con gà khỏi xổng đi mất vì hốt hoảng. Con gà đậu trên cái barier chắn đường, ngó ngoáy cái đuôi cộc, chớp chớp mắt một cách ranh mãnh và kêu: “Cục ta cục tác, cục ta cục tác!” Ông lão trông thấy liền phá lên cười, bụng bảo dạ: “Trông con gà mới buồn cười làm sao! Trời, mình thích nó quá! Gà là một giống vật nuôi tiện nhất, chả phải trông nom gì, lại đẻ trứng. Giá mà đổi được ngỗng lấy con gà mái cho bà lão có trứng để làm món ăn hàng ngày thì hay biết mấy!” Cụ giơ ngỗng bảo người thu thuế: “Có đổi không?”

Hắn đáp: “Đổi à? Thế thì còn gì bằng nữa”. Người thu thuế lấy con ngỗng, ông lão ôm gà đi. Đi đã lâu nên thấy nóng nực và mệt mỏi, ông lão bước vào hàng ăn. Vừa lúc cậu bồi đi ra, tay xách một túi nặng. Cụ hỏi cậu ta: “Cậu xách cái gì thế?”. “Một túi táo còi đem cho lợn đây”. “Sao? Táo còi đem cho lợn à? Thật là phí phạm quá lắm! Bà lão nhà tôi mà vớ được chỗ táo này thì sướng phải biết! Năm ngoái cây táo già gần chuồng ngựa nhà tôi mọc được có mỗi một quả, bà ấy đặt nó lên tủ và giữ mãi cho đến lúc thối thì thôi. Tôi muốn cho bà ấy mừng một mẻ”.

Cậu bồi hỏi: “Thế cụ trả bao nhiêu?” “Trả bao nhiêu ấy à? Con gà này chứ bao nhiêu. Đủ chưa?” Họ nhanh chóng đổi cho nhau.

Rồi ông cụ bước vào nhà hàng. Nhà hàng rất đông khách, đầy lái buôn ngựa, lái bò và có cả hai khách du lịch người Anh. Hai người giàu đến nỗi họ mang theo một bao tải phồng căng chứa đầy vàng. Hai người đã nhìn thấy ông lão trao đổi con gà với cậu bồi ở cửa nên hỏi: “Cụ có cái túi gì thế?”

“À, túi táo tôi vừa đổi được đấy!” - Ông lão đáp rồi kể cho hai người Anh nghe toàn bộ câu chuyện của mình bắt đầu từ việc đổi ngựa lấy bò cho đến khi lấy được túi táo.

Hai người Anh nghe xong bảo cụ: “Thế này thì khi về đến nhà, bà lão chắc sẽ đón tiếp ông vui lắm đây, thế nào mà ông chẳng được bà ấy cho một trận!”

Ông cụ phản đối: “Sao lại cho một trận? Tôi cam đoan rằng bà ấy sẽ ôm hôn tôi và bảo Ông quả là người làm gì cũng đúng cho mà xem.”

Hai người Anh bèn nói: “Làm gì có chuyện ấy? Chúng ta cá với nhau nào! Ông muốn đánh cuộc bao nhiêu vàng? Một cân hay mười cân cũng đều được cả”.

Ông lão nông dân đáp: “Với tôi một đấu là đủ rồi. Tôi chỉ có thể cuộc với các ông đấu táo của tôi thôi. Đồng cân đồng lạng rồi đấy, các ông có bằng lòng không?”

- “Được ngay thôi”. Thế là hai bên làm giao kèo, không quên mời ông chủ hàng cơm ký tên làm chứng. Rồi ba người thuê một chiếc xe ngựa để cùng về gặp bà cụ.

- “Chào bà lão yêu quý!” – ông lão gọi to từ ngoài ngõ.

- “Chào tình yêu của tôi!” – Bà lão vui vẻ đáp lời và chay ra đón.

- “Tôi đổi chác xong rồi”.

- “Ồ, tôi biết rằng ông sẽ làm tốt mọi việc mà”. - Bà lão đáp rồi ôm lấy ông, chẳng để ý gì đến túi táo ông đeo ở vai lẫn hai ông khách lạ.

Ông cụ kể: “Tôi đã đổi ngựa lấy một con bò cái”.

- “Đội ơn thượng đế, vậy là nhà mình sắp có sữa để uống, lại có cả bơ và phomát nữa. Đổi như vậy là hời đấy”.

- “Ừ, nhưng sau tôi lại đổi con bò sữa lấy một con cừu cái rồi”.

- “Thế thì hơn thật. Nhà mình cũng chỉ vừa đủ để nuôi một con cừu, mà cừu cũng cho sữa. Tôi mê phó mát sữa cừu lắm. Ngoài ra tôi lại có len để đan bít tất cho ông. Bò cái thì chả được như thế. Ông quả là người biết lo liệu”.

- “Chưa xong đâu bà nó ạ, con cừu ấy tôi đã đổi lấy một con ngỗng đẹp ra trò!”

- Ông lão yêu quý ơi, quả là ông luôn nghĩ cách làm cho tôi vui. Từ giờ đến lễ Giáng sinh mình sẽ đủ thời gian để vỗ béo nó”.

- “Nhưng không còn con ngỗng nữa đâu, tôi đã đem nó đổi lấy một con gà mái rồi”.

- “Gà mái có giá trị của gà mái chứ. Nó biết đẻ trứng này, biết ấp này, rồi nở ra khối là gà con, lớn lên sẽ thành cả một bầy đầy sân. Cả đời, tôi chỉ mơ có một sân đầy gà vịt thôi”.

- “Vẫn chưa xong đâu, bà lão yêu quý ạ. Tôi đã đổi con gà lấy một túi táo còi rồi”.

- “Sao? Ông có nói thật không đấy? Quả là ông xưa nay làm gì cũng đúng. Ông có biết không, sớm nay lúc ông vừa mới đi xong, tôi đã nghĩ đến chuyện làm một món gì đó thật ngon để chiều về có bữa ăn ngon cho bõ công đi cả một ngày vất vả. Tôi nghĩ mãi mà đến bây giời cũng chưa quyết định được sẽ làm món gì. Nhưng bây giờ thì tôi biết rồi, tôi sẽ làm món táo chiên, với làm thêm món trứng đúc cho ông uống rượu nhé”.
Nói rồi, bà cụ bèn quàng tay ôm lấy cổ chồng thật chặt và hôn chùn chụt vào má, vào môi ông y như chị vú hôn em bé vậy.

alt

Theo dõi toàn bộ câu chuyện, cả hai người Anh cùng tròn xoe mắt và há hốc mồm kinh ngạc. Một lúc sau họ mới cất được lời: “Chúng tôi có nằm mơ cũng không thể nào tưởng tượng ra được trên đời này có những người như hai ông bà. Ông lão đổi chác mỗi lúc một thiệt hơn, thế mà bà lão không hề buồn phiền. Trái lại, trong bất kỳ trường hợp nào, bà lão đều vui mừng và tin cậy vào sự lựa chọn của chồng. Còn ông lão thì trong mọi việc làm đều có nghĩ đến vợ. Tấm lòng của hai ông bà thật hiếm người có được”.

Họ bèn đưa cho ông không phải là một đấu vàng theo giao kèo mà là chia hẳn nửa bao tải vàng của họ.

Kết quả là buổi sáng ông lão ra đi mang theo một con ngựa, vậy mà thay vào đấy, buổi chiều bên cạnh túi táo còi ông còn dẫn theo về cả một khối tài sản gấp nghìn vạn lần lớn hơn. Quả là ông không hổ với danh hiệu mà bà lão đặt cho: “Ông lão làm gì cũng đúng!” Còn ông lão thì ắt hiểu rõ rằng quá nửa thành công ấy là của bà, do bà tạo dựng...

Bản gốc có thể x. ở đây (chưa kiểm tra vể độ chính xác so với nguyên bản)