1. CON ĐƯỜNG ĐẾN VỚI CHỦ NGHĨA DÂN TỘC
Mục đích công cuộc mà Tôn Trung Sơn theo đuổi là cứu nước, cho nên mở đầu bài giảng ngày 27-1-1924, Tôn Trung Sơn đã nói: “Định nghĩa theo cách đơn giản nhất thì chủ nghĩa Tam Dân là chủ nghĩa cứu nước”. Chủ nghĩa là gì? Theo Tôn Trung Sơn, “Thường khi nghiên cứu…, trước hết nảy sinh tư tưởng. Khi tư tưởng sáng tỏ sẽ nảy sinh ra niềm tin (nguyên văn chữ Hán là “tín ngưỡng”). Có niềm tin, sẽ nảy sinh ra sức mạnh”. Do đó chủ nghĩa “là một tư tưởng, một niềm tin và một lực lượng” (tr. 49)[3]. Như vậy, có thể hiểu rằng chủ nghĩa dân tộc chính là tư tưởng tin vào vai trò của dân tộc như một lực lượng quyết định trong việc cứu NƯỚC. “Chủ nghĩa dân tộc là một thứ bảo bối giúp một quốc gia phát triển và một dân tộc sinh tồn” (tr. 89). Vì cứu nước mà cần chủ nghĩa dân tộc, vì nước và dân tộc có quan hệ mật thiết với nhau.
2. QUAN HỆ NƯỚC (QUỐC GIA) và DÂN TỘC
Theo Tôn Trung Sơn, Nước (Quốc gia) hình thành do lực lượng nhân tạo (vũ lực), còn Dân tộc hình thành do lực lượng tự nhiên. Có 5 lực lượng: cùng huyết thống (vd: da vàng), cùng lối sống (vd: du mục), cùng ngôn ngữ, cùng tôn giáo (vd: dân Do Thái với Do Thái giáo), cùng phong tục tập quán (tr. 53-55).
Dân tộc thường không trùng nhưng cũng có thể trùng với Quốc gia. Ở phương Tây, thường là không trùng: Anglo-Saxon là dân tộc tạo nên không chỉ nước Anh mà còn cả nước Mỹ; nhưng đồng thời nước Anh không chỉ dân Anglo-Saxon, mà còn cả các dân da trắng, đen, nâu khác. Rồi ngay như Hương Cảng, Ấn Độ thuộc nước Anh (vào thời Tôn Trung Sơn) nhưng dân thì là người Hán, người Hindu. Còn ở Trung Quốc thì, theo Tôn Trung Sơn, “từ thời Tần, Hán về sau, Trung Quốc đều là một quốc gia gồm một dân tộc” (tr. 51). Như vậy, ở Trung Hoa “chủ nghĩa Dân tộc = chủ nghĩa Quốc tộc” (tr. 50).
3. TRUNG QUỐC KHÔNG CÓ CHỦ NGHĨA DÂN TỘC, QUỐC TỘC
Tôn Trung Sơn nói: “Các nhà quan sát nước ngoài nói, người Trung Quốc là một mảng cát rời rạc. Nguyên nhân của điều này là ở đâu? Đó là vì người Trung Quốc nói chung chỉ có chủ nghĩa gia tộc và chủ nghĩa tông tộc, không có chủ nghĩa quốc tộc. Đối với gia tộc và tông tộc, người Trung Quốc có sức liên kết vô cùng mạnh. Để bảo vệ tông tộc, người Trung Quốc không tiếc hy sinh tính mệnh của mình… Còn đối với quốc gia, trước nay người ta chưa hề có một lần hy sinh với tinh thần cực lớn, do đó sức đoàn kết của người Trung Quốc chỉ có thể đạt đến tông tộc, chưa mở rộng được tới quốc tộc” (tr. 50-51).
Sau này, khi bị Nguyên (Mông Cổ), rồi Thanh (Mãn Châu) đô hộ, chủ nghĩa dân tộc Trung Hoa cũng đã hình thành và phát triển. Nhưng có lẽ vì yếu ớt quá nên rồi lại mất. Cho nên, ở bài giảng ngày 19-2-1924, Tôn Trung Sơn nói: “Theo tôi quan sát thì chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc đã mất… không chỉ mất một ngày, mà đã mất mấy trăm năm… Trong mấy trăm năm này, trong sách báo Trung Quốc xem ra chẳng thấy đâu bóng dáng của chủ nghĩa dân tộc, chỉ thấy những lời ca tụng công đức đối với Mãn Châu… Gần đây, sau khi phát sinh tư tưởng cách mạng vẫn còn nhiều người vỗ ngực là văn nhân học sĩ Trung Quốc, ngày ngày làm cái loa tuyên truyền cho Mãn Châu… Những người này không chỉ dùng miệng lưỡi để ủng hộ Mãn Châu mà còn lập ra tổ chức, gọi là Đảng Bảo Hoàng, chuyên bảo vệ vua Thanh để tiêu diệt tư tưởng dân tộc của người Hán. Tất cả những người thuộc Đảng Bảo Hoàng đều… hoàn toàn là người Hán”. Như vậy, “hai năm rõ mười” là “chủ nghĩa dân tộc của chúng ta thực sự đã mất rồi”. “Lại suy tới mấy trăm năm trước thì Trung Quốc hoàn toàn không có chủ nghĩa dân tộc” (tr. 89-90).
Thực ra thì không chỉ Trung Quốc, mà cả các nước phương Tây cũng không có chủ nghĩa dân tộc. Tuy Tôn Trung Sơn không nói, nhưng lịch sứ cho thấy rõ điều này. Nếu không có chủ nghĩa dân tộc thì các nước phương Tây có gì? Về điều này thì Tôn Trung Sơn trả lời: Họ có chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa thế giới.
4. CHỦ NGHĨA ĐẾ QUỐC VÀ CHỦ NGHĨA THẾ GIỚI
Chủ nghĩa đế quốc là gì? Tôn Trung Sơn gỉai thích: “Đó là thứ chủ nghĩa dùng lực lượng chính trị để xâm lược nước khác”. “Các dân tộc châu Âu đều nhiễm thứ chủ nghĩa này, do đó thường xảy ra chiến tranh. Gần như cứ 10 năm lại có một cuộc chiến tranh nhỏ, cứ 100 năm lại có một cuộc đại chiến” (tr. 108).
Trong chiến tranh thế giới (lần thứ nhất), nhiều nước nhỏ tham gia chiến tranh góp phần đánh bại phe đồng minh (Đức, Áo, Thổ Nhĩ Ký, Bungari) là do theo chủ trương của Wilson giành “quyền tự quyết cho các dân tộc”. Nhưng khi thắng lợi, các nước đế quốc Anh, Pháp, Ý đã trở mặt, các nước nhỏ không những không được tự quyết, mà còn bị sáp bức nặng nề hơn. Do vậy, theo Tôn Trung Sơn, “mong muốn vĩnh viễn duy trì cái địa vị lũng đoạn này… các cường quốc đưa ra một thứ học thuyết lập lờ là chủ nghĩa thế giới để mê hoặc chúng ta. Họ rêu rao rằng nền văn minh của thế giới phải tiến bộ, nhãn quan của loài người phải xa rộng, chủ nghĩa dân tộc quá ư chật hẹp… do đó cần đề xướng chủ nghĩa thế giới” (tr. 111-115). “Kỳ thực chủ nghĩa thế giới mà họ chủ trương chỉ là biến tướng của chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa xâm lược mà thôi” (tr. 111).
Trung Quốc giống như phương Tây là cùng không có chủ nghĩa dân tộc, do vậy, dễ hiểu là Trung Quốc cũng từng dùng chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa thế giới để đi xâm lược.
5. TRUNG QUỐC với CHỦ NGHĨA ĐẾ QUỐC và CHỦ NGHĨA THẾ GIỚI
Người Trung Quốc có nguồn gốc từ đâu? Tôn Trung Sơn viết: “Người Trung Quốc nói nhân dân là Trăm họ, người nước ngoài nói thời cổ ở phương Tây có một dân tộc Trăm Họ, về sau di cư vào Trung Quốc”. Họ “vượt Thông Lĩnh, tới Thiên Sơn, qua Tân Cương rồi tới lưu vực Hoàng Hà”, “tiêu diệt hoặc đồng hóa dân tộc Miêu Tử vốn có ở Trung Quốc, trở thành dân tộc Trung Quốc ngày nay”. Tôn Trung Sơn tán thành cách giải thích này và lập luận thêm: “Nếu văn hóa Trung Quốc không phải từ bên ngoài du nhập vào… thì xét theo quy luật tự nhiên, văn hóa Trung Quốc phải bắt nguồn từ lưu vực sông Chu Giang…, bởi vì lưu vực sông Chu Giang khí hậu ôn hòa, sản vật phong phú, nhân dân rất dễ tìm kế sinh nhai, là nơi dễ phát sinh nên văn minh. Như khảo cứu lịch sử thời Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thành Thang, Văn Vương, Vũ Vương không sinh tại lưu vực Chu Giang, mà đều sinh tại Tây Bắc… Do đó văn hóa Trung Quốc là từ phương Bắc tới, từ nước ngoài tới” (tr. 101-102).
“Mấy nghìn năm nay, Trung Quốc vẫn thực hiện chủ nghĩa bình định thiên hạ, đã chinh phục hết các tiểu quốc ở châu Á”. “Như Trương Bác Vọng, Ban Đình Nguyễn triều Hán đã từng tiêu diệt trên 30 nước, giống như giám đốc công ty Anh-Ấn Claihum đã thu phục hết cả mấy mươi tiểu quốc của Ấn Độ vậy”. “Cho rằng mình là trung tâm của thế giới, nó gọi nước mình là Trung Quốc, tự xưng là một khối đại nhất thống, “trời chỉ có một vầng nhật, dân chỉ có một đức vua”, “người muôn nước phải khấu đầu trước vua ta”. Đó đều là những biểu hiện khi Trung Quốc còn chưa mất nước, khi đang tiến dần từ chủ nghĩa dân tộc sang chủ nghĩa thế giới” (tr. 97-98).
Chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thế giới có lợi cho kẻ xâm lược, cho nên Khang Hy đã biết lợi dụng điều này. Ông ta nói: “Thuấn là người rợ Di phía Đông, Văn Vương là người thuộc rợ Di phía Tây, những người thuộc các rợ Di, Địch phía Đông và phía Tây đều có thể tới Trung Quốc là vua”. Tức là Trung Quốc không phân biệt Di, Địch, Hoa, Hạ, mà không phân biệt Di, Địch, Hoa, Hạ là chủ nghĩa thế giới”. “Chủ nghĩa thế giới chính là chủ nghĩa thiên hạ mà hơn hai nghìn năm trước Trung Quốc đã nói tới” (tr. 99-100).
Đến đây, ta hiểu rằng chính vì Trung Quốc thường xuyên đi xâm lược các tiểu quốc khác cho nên ở Trung Quốc phát triển chủ nghĩa thiên hạ (chủ nghĩa thế giới) mà yếu về chủ nghĩa dân tộc. Mà yếu về chủ nghĩa dân tộc cho nên không bị xâm lược thì thôi chứ đã bị xâm lược thì dễ mất nước. Tôn Trung Sơn nói: “Trước đây, vì những người trong giai cấp trí thức Trung Quốc có tư tưởng của chủ nghĩa thế giới, nên Mãn Thanh vừa vào qua cửa ải thì cả nước liền mất” (tr. 99).
6. CHỦ NGHĨA DÂN TỘC VÀ CHỦ NGHĨA THẾ GIỚI: CẤI ĐÒN TRE VÀ CÁI VÉ SỐ
“Không thể nói một tư tưởng là tốt hay không tốt, chỉ có thể xem nó có phù hợp với mục đích sử dụng của chúng ta hay không. Nếu phù hợp với mục đích sử dụng của chúng ta thì tốt, không phù hợp với mục đích sử dụng của chúng ta thì không tốt… Các nước trên thế giới dùng chủ nghĩa đế quốc để chinh phục người khác, hòng bảo toàn địa vị đặc biệt của mình, làm chủ toàn thế giới. Họ đề xướng chủ nghĩa thế giới, muốn toàn thế giới đều phục tùng họ. Trung Quốc trước kia cũng muốn làm chủ toàn thế giới, muốn đứng trên đầu muôn nước, do đó nó chủ trương chủ nghĩa thế giới” (tr. 100).
Để thấy rõ mối quan hệ giữa chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa thế giới, Tôn Trung Sơn đưa ra một so sánh rất dí dỏm mà ông đã tận mắt chứng kiến tại Hương Cảng: Có một người sống bằng nghề khuân vác, gia sản chỉ có cái đòn tre và hai sợi dây thừng. Anh ta dành dụm được hơn 10 đồng bèn mua một tấm vé sổ số, hy vọng sẽ đổi đời. Ghi nhớ số hiệu chiếc vé, anh ta giấu nó vào cái đòn tre. Đến ngày mở thưởng, vừa nhìn thông báo, anh ta biết ngay là mình trúng giải nhất. Vui sướng quá, anh ta liền quẳng cái đòn tre và hai sợi dây thừng xuống biển, vì nghĩ rằng từ nay không cần tới nó nữa.
Chủ nghĩa dân tộc ví như cái đòn tre, chủ nghĩa thế giới như tấm vé sổ số. Vé sổ số (= chủ nghĩa thế giới) có thể giúp anh ta phát tài to, bởi vậy mà đã sớm vứt cái đòn tre (= chủ nghĩa dân tộc) đi. “Đến khi bị Mãn Châu tiêu diệt, không những không làm được đại bá chủ thế giới, mà ngay cả chút gia sản mọn của mình (chủ nghĩa dân tộc) cũng còn không giữ nổi. (tr. 104). “Những thanh niên mới đề xướng văn hóa mới ở Trung Quốc ngày nay đều tán thành chủ nghĩa thế giới, phản đối chủ nghĩa dân tộc” (tr. 99). “Người Trung Quốc theo chủ nghĩa thế giới có nghĩa là nhập quốc tịch Anh hoặc quốc tịch Mỹ, giúp Anh hoặc Mỹ đánh phá Trung Quốc” (tr. 101). “Các dân tộc bị khuất phục, bị nô dịch như chúng ta trước hết cần khôi phục địa vị tự do, bình đẳng, sau đó mới có thể nói đến chủ nghĩa thế giới… Vứt bỏ chủ nghĩa dân tộc để chạy theo chủ nghĩa thế giới thì có khác nào người phu khuân vác ném chiếc đòn tre chứa chiếc vé số xuống biển” (tr. 115-116).
7. CÁCH KHÔI PHỤC CHỦ NGHĨA DÂN TỘC
Như vậy, để cứu đất nước Trung Quốc, vấn đề mấu chốt là cần khôi phục chủ nghĩa dân tộc. Nhưng như ở trên Tôn Trung Sơn đã phân tích, trong vấn đề dân tộc, người Trung Quốc vốn là một dải cát rời rạc, vốn không có đoàn thể dân tộc. Nhưng bù lại Trung Quốc có đoàn thể gia tộc và tông tộc, mở rộng ra, phát triển chủ nghĩa tông tộc thành chủ nghĩa quốc tộc. Tình hình này thuận lợi hơn nhiều so với ở phương Tây, nơi “lấy cá nhân làm đơn vị… Khi khiếu kiện, người ta không hỏi tình hình gia đình như thế nào, mà chỉ hỏi sự đúng sai của cá nhân ra sao” (tr. 135).
8. LỜI KẾT
Về học thuyết của Tôn Trung Sơn, còn có thể nói rất nhiều: cả những tư tưởng sau sắc cần nghiên cứu học tập lẫn những sai lầm nho nhỏ của ông. Chẳng hạn, ông nói rằng “loài người được phân chia… thành 5 chủng tộc: trắng, đen, đỏ, vàng, nâu” (tr. 53); hay như đoạn bàn về nguồn gốc người Trung Quốc, ông có cảm nhận đúng với kết luận của nhiều nhà khoa học là tổ tiên của người Hán có nguồn gốc từ vùng Tây Bắc đi vào, và cũng tư duy về nguồn gốc văn hóa về cơ bản là đúng, song có phần lầm lẫn nguồn gốc dân tộc với nguồn gốc văn hóa nên có đoạn về lưu vực Châu Giang; hoặc là từ bài Bàn về việc bỏ châu Nhai phản đối việc Trung Quốc mở rộng lãnh thổ, tranh đất với Việt Nam ta mà ông cho rằng từ thời Hán, rồi Tống, Minh… Trung Quốc không xam lược nước ngoài (tr. 116-117). Tất cả những điều đó, ta có thể hiểu, bởi lẽ dù có trình độ tư duy khổng lồ, nhưng Tôn Trung Sơn trước hết là một nhà cách mạng, chứ không phải là một nhà bác học.
Dưới góc độ tư tưởng và mục đích cách mạng, thì cách lập luận, lối tư duy của Tôn Trung Sơn là rất khoa học và chặt chẽ. Trong ánh sáng này, ta dễ hiểu tại sao Hồ Chí Minh lại đánh giá “chủ nghĩa của Tôn Dật Tiên có ưu điểm là chính sách của nó thích hợp với điều kiện nước chúng tôi”. Nếu từ chủ nghĩa Tôn Trung Sơn, ta soi vào hoàn cảnh cách mạng Việt Nam những năm 1920-1950 thì sẽ hiểu Bác hơn.
CHÚ THÍCH
[1] Lenin, Toàn tập, tập 21, M: 1980, tr. 513-514.
[2] Trần Dân Tiên. Hồ Chí Minh truyện – Thượng Hải, NXB Tam Liên: 1949, tr. 91.
[3] Tư tưởng Tôn Trung Sơn trong bài dẫn theo: Tôn Trung Sơn. Chủ nghĩa Tam dân. – H.: Viện TT KHXH, 1995, 424 tr.