Thứ sáu, 18 Tháng 1 2013 20:00

Đi tìm nguyên nhân việc lấy chồng Hàn Quốc

  • ĐI TÌM NGUYÊN NHÂN VIỆC PHỤ NỮ MIỀN TÂY NAM BỘ
    LẤY CHỒNG HÀN QUỐC

  • GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm

Chuyện các cô gái Việt lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc…(trong số đó, các cô gái miền Tây Nam Bộ chiếm phần lớn) thông qua hình thức môi giới hôn nhân, nhất là các đường dây môi giới bất hợp pháp lại một lần nữa được đem ra bàn luận: “Tại sao miền Tây được thiên nhiên đặc biệt ưu đãi, điều kiện tự nhiên vào loại thuận lợi nhất nước mà con gái lấy chồng ngoại lại cũng nhiều nhất nước?” – VieTimes đã đem vấn đề này trao đổi cùng GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, Trưởng bộ môn Văn hóa học - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ông khẳng định cái nghèo, sự hạn chế tri thức, đặc điểm văn hoá vùng miền chính là lý do khiến nhiều cô gái miền Tây quyêt ý lấy chồng Hàn Quốc, Đài Loan... ((bài đăng trên VieTimes 25-10-2007).

Nghèo, trình độ dân trí thấp và bối cảnh văn hóa vùng

Ông cho biết: "Trước hết, tôi phải khẳng định ngay rằng đúng là miền Tây Nam Bộ có điều kiện thuận lợi, thiên nhiên ưu đãi nhất nước, nhưng để từ đó suy ra rằng cuộc sống của người dân ở đây sung sướng nhất nước thì điều đó đã trở thành quá khứ. Đó là thời của văn hóa Nông nghiệp. Còn hiện nay, thời đại của công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì những ưu đãi của thiên nhiên không phải là tất cả.

Xưa, miền Tây giàu nhất nước. Địa chủ ở đây có đất đai thẳng cánh cò bay, thóc lúa đầy nhà. Khác với các vùng đất khác, con người nơi đây phân hóa rất sâu sắc. Tổ tiên của họ – những người đi vào khai hoang vùng đất mới, chia làm hai loại rõ rệt. Thứ nhất là lớp dân dưới đáy - đó là những người nghèo túng không mảnh đất cắm dùi, những người sống bằng nghề trộm cướp, những người trốn tù vượt ngục… vào vùng đất mới với hy vọng thay đổi số phận. Bên cạnh đó là những người trí thức bất đắc chí, không hợp tác được với triều đình hoặc không được triều đình trọng dụng nên mới phải bỏ đi. Họ là những trí thức cực đoan mang theo một nền giáo dục Nho giáo cũng rất cực đoan.

Ở giai đoạn trước đây, khi công nghiệp chưa tràn vào thì với điều kiện rất thuận lợi như đất đai màu mỡ, lại được phù sa bồi đắp, hệ thống kênh rạch, sông ngòi chằng chịt đem lại nguồn lợi thủy sản dồi dào, bước chân ra đồng là có cá, có tôm…, cái gì cũng sẵn. Chính vì vậy mà người dân miền Tây luôn hài lòng với cuộc sống của mình, không cần học nhiều, làm nhiều vẫn có thể đủ ăn, không cần chắt chiu tằn tiện như người miền Bắc hay miền Trung, làm được bao nhiêu là tiêu bấy nhiêu. Với cuộc sống dễ chịu như vậy, dễ hiểu là họ không có ham muốn thay đổi cuộc sống hiện tại – đó là cái trạng thái mà ta hay gọi là “không có chí tiến thủ”. Sang thời đại công nghiệp, vùng đất vốn phụ thuộc hoàn toàn vào nông nghiệp bỗng như bị “khớp”. Sản phẩm nông nghiệp làm ra không nâng được giá. Trong khi đó, đồng ruộng bị ảnh hưởng bới hóa chất, bởi thiên tai… không cho năng suất cao như trước. Mảnh đất vốn sống chung với lũ, nhờ lũ để bồi đắp phù sa giờ lại đắp đê ngăn lũ. Thuỷ sản gần như không còn. Người thì đông lên. Trong khi công nghiệp thì lại chưa vươn được tới. Hệ quả tất yếu là cái nghèo bao trùm lêm một bộ phận lớn dân cư.

Cũng phải nói thẳng rằng, trình độ dân trí của người dân nơi đây còn thấp. Lý do đơn giản là trước kia họ luôn bằng lòng với cuộc sống hiện tại nên không thấy cần học hành cao, không cần đỗ đạt cao. Ở đây, những gia đình có con học lên đến cấp 3 (phổ thông trung học) là đã hài lòng lắm rồi. Số chịu khó vươn lên học tới đại học hoặc cao hơn thì rất ít. Trình độ dân trí thấp, cuộc sống quen đơn giản, nên việc họ suy nghĩ đơn giản, ít đắn đo cân nhắc trước sau là chuyện dễ hiểu.

Trong khi đó, con cái đều có phẩm chất của văn hoá truyền thống Việt Nam là yêu thương, hiếu thảo với cha mẹ. Thấy ba má nghèo, muốn giúp đỡ. Nhiều cô gái chọn cách lấy chồng ngoại để có tiền giúp bố mẹ, để bố mẹ mở mày mở mặt với chòm xóm. Ý định, mong muốn này của các cô gái khi thể hiện ra lại được bố mẹ chấp thuận dễ dàng. Bố mẹ và con cái gặp nhau ở cùng một kiểu suy nghĩ. Nhiều người như thế, nhiều gia đình như thế tạo nên một bối cảnh văn hoá hoàn toàn khác hẳn với miền Bắc và miền Trung, nơi mà con người bị bị tác động rất nhiều bởi dư luận xã hội, mà dư luận xã hội thì rất chặt chẽ, khắt khe.

Trong khi đó, những thông tin về mặt trái của hôn nhân với người nước ngoài qua các công ty môi giới bất hợp pháp lại khó đến được những nơi này. Họ ít đọc báo, nghe đài, vào mạng internet… Nếu có đọc báo, nghe đài, xem truyền hình thì cũng quan tâm nhiều đến những chương trình giải trí, tin tức... mà thôi. Những gia đình có gốc Nho giáo, có truyền thống giáo dục con cái kỹ lưỡng thì do số lượng ít nên không đủ tạo nên một luồng dư luận xã hội ảnh hưởng tới xung quanh.

Tóm lại, nghèo, trình độ văn hóa thấp cùng bối cảnh văn hóa vùng là những nguyên nhân sâu xa khiến cho con gái miền Tây lấy chồng ngoại qua các công ty môi giới hôn nhân nhiều đến vậy, nhiều nhất cả nước."

Phóng viên (PV): Như vậy, người miền Tây, đặc biệt là phụ nữ quan niệm như thế nào về tình yêu, hôn nhân và gia đình ạ?

GS.TSKH Trần Ngọc Thêm (TNT): Như đã nói, người miền Tây Nam Bộ thường quan niệm, nhìn nhận mọi vấn đề khá đơn giản. Tâm lý này bắt nguồn từ việc thời xưa họ được thiên nhiên rất ưu đãi. Phụ nữ miền Tây quan niệm về tình yêu, hôn nhân và gia đình có khác so với phụ nữ miền Bắc và miền Trung. Ở miền Bắc và miền Trung, vai trò của người phụ nữ trong gia đình tương đối lớn, tương đối bình đẳng hơn trong quan hệ với nam giới. Nếu người chồng lo việc xã hội, việc nước thì người vợ là nội tướng trong gia đình, một tay quán xuyến tất cả mọi việc tề gia nội trợ. Họ luôn có ý thức chăm lo, vun vén cho gia đình, từ việc cắt đặt việc nhà đến việc nuôi dạy, giáo dục con cái… Đồng thời, họ cũng đòi hỏi khá nhiều phẩm chất ở người chồng như tu chí làm ăn, công danh sự nghiệp sáng láng… Phụ nữ miền Tây thì dễ dãi hơn. Họ rất chiều chuộng chồng, dễ dàng chấp nhận chuyện chồng nhậu nhẹt, say xỉn, thậm chí đánh đập mình. Trong khi đó, họ cũng ít lo vun vén cho gia đình như phụ nữ miền Trung, miền Bắc. Chồng mang bao nhiêu tiền về là xài hết bấy nhiêu, trưng diện cho bản thân trong khi nhà cửa có thể vẫn dột nát. Đối với con cái, cách giáo dục của họ cũng dễ dãi hơn rất nhiều. Con cái muốn học đến đâu thì học, không định hướng, không ép buộc…

PV: Tâm lý này, quan niệm này liệu có thể lý giải thêm một thực tế cũng rất nhức nhối ở nhiều tỉnh miền Tây là bên cạnh hiện tượng con gái lấy chồng ngoại nhiều, còn có hiện tượng không ít người vào thành phố làm gái mại dâm, thưa giáo sư?

TNT: Đúng là từ tâm lý dễ dãi ấy đã sinh ra một quan niệm dễ dãi là cứ nghề gì kiếm ra tiền, có lợi thì làm. Tuy vậy, chỉ một lý do đó thôi thì chưa đủ. Lý giải thực tế này còn phải nói đến quan niệm về vấn đề trinh tiết của người phụ nữ.

Khái niệm trinh tiết chỉ hình thành khi chế độ sở hữu xuất hiện. Trong xã hội phụ quyền, người đàn ông coi vợ là một vật sở hữu – giống như tài sản – của mình, vì vậy trinh tiết được chọn làm một dấu hiệu của sự sở hữu đó. Xã hội nào phân hóa sớm thì quan niệm đó xuất hiện sớm. Nền văn hóa nào coi đàn ông là tối thượng thì quan niệm đó là quan trọng. Còn nơi nào ý thức sở hữu không mạnh, ảnh hưởng văn hóa bên ngoài đến chậm thì quan niệm về chữ trinh cũng nhẹ nhàng hơn.

Miền Tây Nam Bộ với bối cảnh văn hóa vùng có nhiều điểm riêng biệt chính là một nơi như thế. Thiên nhiên ưu đãi khiến ý thức sở hữu không mạnh. Trong khi miền Bắc chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi Nho giáo với quan niệm nặng nề về chữ trinh, và sự ảnh hưởng này là rộng khắp, phổ biến, đồng đều do đặc điểm sống quần cư trong các làng xóm nhỏ, thì ở miền Tây, đạo Nho chỉ ảnh hưởng trong một bộ phận nhỏ dân cư (là những trí thức gốc Nho giáo). Tầng lớp dân cư còn lại (dân dưới đáy, dân nghèo) ít bị chi phối bởi hệ tư tưởng này. Bên cạnh đó, việc các gia đình sống cách xa nhau (sống trong các bưng biền, chia cách bởi sông ngòi, kênh rạch) khiến cho mối quan hệ trong cộng đồng làng xã lỏng lẻo hơn nhiều so với miền Trung và miền Bắc. Điều đó đồng nghĩa với việc áp lực xã hội không mạnh, dư luận xã hội không khắt khe, khiến cho ngay cả những việc như phụ nữ vào thành phố làm gái mại dâm cũng dễ được chấp nhận hơn.

PV: Trở lại câu chuyện về các cô dâu Hàn Quốc, qua cái chết của Huỳnh Mai và Kim Đồng, chúng ta cũng đặt ra rất nhiều câu hỏi về vai trò của các công ty môi giới hôn nhân. Giáo sư có nhận xét gì về vấn đề này?

TNT: Sự tồn tại của các công ty môi giới hôn nhân bất hợp pháp là không thể chấp nhận được. Thật là quá tệ. Như báo chí đưa tin, đám cưới tổ chức xong, bên nhà trai đưa cho nhà gái 400 đô thì môi giới ăn chặn mất một nửa. Còn có 200 đô, nhà gái không đủ tiền trang trải chi phí và thuê xe trở về quê. Không những thế, họ còn “đem con bỏ chợ”. Cưới xong là hết trách nhiệm. Chả cần biết con người ta bên xứ người sống chết thế nào… Nhưng cũng cần phải nói thêm rằng, luật pháp của chúng ta có quá nhiều kẽ hở. Chính những kẻ hỡ này đã bị họ khai thác triệt để và kiếm tiền trên phẩm giá, sinh mạng của những cô gái ước ao lấy chồng ngoại để mong đổi đời…

PV: Còn vai trò của các Đại sứ quán, các hiệp hội tại các nước có người Việt làm dâu thì sao?

TNT: Thật sự là khó có thể quan tâm đến tất cả mọi người với số lượng đông như thế. Song cũng phải thừa nhận rằng các cơ quan chức năng, các tổ chức của người Việt ở các nước này chưa làm hết trách nhiệm của mình, chưa chủ động hợp tác với các cơ quan, tổ chức của nước sở tại để tìm cách hạn chế, khắc phục tình trạng môi giới hôn nhân bất hợp pháp và trở thành chỗ dựa tin cậy cho các cô dâu.

Với câu chuyện của các cô dâu như Huỳnh Mai và Kim Đồng lâu nay báo chí Việt Nam đã có vai trò rất lớn, tạo nên một làn sóng dư luận. Hẳn là qua việc này, nhiều cô gái muốn lấy chồng ngoại, các ông bố bà mẹ cũng phải suy nghĩ kỹ trước khi quyết định.

PV: Dưới góc nhìn của giáo sư, chúng ta nên làm gì để chấm dứt tình trạng lấy chồng ngoại quốc thông qua môi giới hôn nhân bất hợp pháp như vậy?

TNT: Sự thực là một bộ phận dân chúng có nhu cầu nên các công ty môi giới mới sống được. Việc gì xã hội có nhu cầu thì trách nhiệm của nhà nước là phải đáp ứng. Tôi nghĩ rằng cái cần phải cấm chỉ là toàn bộ các trung tâm môi giới hôn nhân bất hợp pháp. Tất nhiên là phải quản lý thật chặt những người muốn lấy chồng ngoại quốc hoặc muốn lấy vợ Việt Nam. Họ phải hội đủ những điều kiện về sức khỏe, kinh tế và hiểu biết về người mà họ chuẩn bị kết hôn thì mới được phép chứ không để như hiện nay được…

Mặt khác, chúng ta cần xem xét lại hoạt động, vai trò, trách nhiệm của cơ quan phụ trách vấn đề này, tại sao lại có thể để những trung tâm môi giới hôn nhân bất hợp pháp có thể ngang nhiên hoạt động như thế. Cần đặt những câu hỏi như tại sao chúng vẫn hoạt động được? Luật pháp đã kín kẽ chưa? Chế tài xử phạt có đủ sức răn đe không?

Nói tóm lại, việc cần làm là phải có pháp luật, quy định chặt chẽ với các hình thức chế tài đủ sức răn đe và các cơ quan chức năng cần quản lý để các công ty cũng như dân chúng thực hiện đúng theo pháp luật. Nếu vi phạm, cứ chiếu theo luật mà xử. Muốn thế, luật phải đáp ứng các tiêu chí: đầy đủ (bao quát hết), rộng khắp (để ai cũng biết) và thật sự nghiêm minh.

Tôi chắc rằng phía chính phủ Hàn Quốc, Đài Loan... sẵn sàng hợp tác bởi đây là việc có lợi cho chính họ. Người có nhu cầu lấy vợ nước ngoài qua môi giới ở các nước này là những thanh niên ở nông thôn, nơi mà con gái đã đi hết ra thành phố. Vấn đề là ở phía bên ta hành động như thế nào.

Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường các biên pháp giáo dục, tuyên truyền. Tăng cường đưa những câu chuyện thực tế lên các phương tiện thông tin đại chúng, để người dân cũng bàn luận… Từ đấy, thay đổi dần quan điểm, nhận thức của họ. Có rất nhiều con đường để thoát nghèo chứ không phải chỉ có cách lấy chồng ngoại. Ở những vùng kinh tế khó khăn, Nhà nước phải có nhiều chính sách hỗ trợ, giúp họ nâng cao đời sống, như thay đổi cơ cấu ngành, đầu tư cơ sở hạ tầng… Khi đời sống khá lên thì chẳng việc gì họ lại phải đi đâu.

PV: Xin cảm ơn giáo sư về cuộc trao đổi này!

Minh Tâm (VieTimes)
Nguồn: http://www.vietimes.com.vn/