Chủ nhật, 28 Tháng 4 2013 15:08

GS. Trần Ngọc Thêm: Có triết lý sống, khó khăn gì cũng vượt qua

  • GS. TRẦN NGỌC THÊM: CÓ TRIẾT LÝ SỐNG, KHÓ KHĂN GÌ CŨNG VƯỢT QUA

  •  Nguồn: báo Lao động Đồng Nai, 26/4/2013

Có lẽ trong giới nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam, không ai là không biết đến GS.VS.TSKH Trần Ngọc Thêm, tác giả của “Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam”, đã và đang được dùng phổ biến trong các trường đại học.

Hơn 20 năm qua, ông nỗ lực để xây dựng nền tảng lý luận cho một ngành mới, ngành Văn hóa học. Và nay, khi nói về trường phái văn hóa học Sài Gòn, người ta luôn nhắc đến ông, người đi đầu, người trụ cột. Ông cũng đã âm thầm hình thành “Tủ sách văn hóa học Sài Gòn” với hai đầu sách vừa mới ra lò.

- Sau nhiều năm tâm huyết, trăn trở với “Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam” mãi cho đến nay, ông mới lại cho ra đời tác phẩm lý luận mới “Những vấn đề văn hóa học lý luận và ứng dụng” lý do vì sao vậy?

Thứ nhất, về mặt chuyên môn, những ý tưởng mới chưa đủ “độ chín”. Thứ hai, về mặt chủ quan, tôi là người kỹ tính, cái gì chưa chuẩn bị kỹ, chưa thật ưng ý thì chưa cho ra. Thứ ba, về mặt khách quan, tôi có ít thời gian dành riêng cho công việc nghiên cứu quá. Thực ra, đây mới là lý do chính. Giai đoạn 10 năm 1991-2001, về chuyên môn, tôi dành cho “Cơ sở văn hóa Việt Nam”+ “Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam” và việc hoàn thiện chúng; về tổ chức, tôi dành cho việc xây dựng ngành “châu Á học” (tiền thân của Đông phương học) ở Trường Đại học Tổng hợp và ngành “Ngôn ngữ và văn hóa Đông phương” ở Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học Tp. HCM. Giai đoạn 10 năm 2001-2011, tôi dành cho việc xây dựng hệ thống ngành văn hóa học ở Đại học Quốc gia Tp. HCM cả về tổ chức lẫn chuyên môn: Về tổ chức, trong 10 năm dựng xong một ngành mới hoàn toàn ở cả ba cấp đào tạo cử nhân - thạc sĩ - tiến sĩ thật không đơn giản (đây là một trong những điểm mà Đại học Quốc gia Tp. HCM có thể tự hào vì ở Đại học Quốc gia Hà Nội cho đến nay vẫn chưa có ngành này). Về chuyên môn, nếu không tập trung toàn bộ trí tuệ, tâm huyết và công sức thì làm sao có thể có được nền tảng khoa học và lý luận cho việc đào tạo và nghiên cứu khoa học ở một ngành mới?

- Quãng thời gian để hình thành hai cuốn sách mới này đã diễn ra như thế nào?

Những vấn đề văn hóa học lý luận và ứng dụng” về cơ bản đã được hình thành trong suốt hơn 15 năm, từ sau khi ra mắt “Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam” cho đến bây giờ. Gần 100 bài với dung lượng khoảng trên 1.000 trang A4 được viết rải rác trong những năm này đều là chất liệu cho việc hình thành nên cuốn sách. Cuốn sách có thể cũng chưa ra mắt được nếu không có sự tham gia tổ chức bản thảo rất tích cực của một cán bộ Trung tâm Văn hóa học, cũng là người bạn đời của tôi – ThS. Tuyết Ngân. Tôi chịu ơn “người ấy” rất nhiều.

Cuốn “Văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ” là kết quả của một đề tài nghiên cứu khoa học cấp đại học quốc gia do một tập thể các cán bộ trẻ của Khoa Văn hóa học do tôi tổ chức thực hiện trong các năm 2009-2011.

- “Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam” được in lần đầu vào năm 1996 và đã được tái bản vào các năm 1997, 2001, 2004, 2006. Đây được xem là một trong những cuốn lý luận được sử dụng phổ biến nhất trong chuyên ngành văn hóa học, là một “chuyên khảo toàn diện, có hệ thống”, nói như nhà nghiên cứu, GS. Phạm Đức Dương. Vậy “Những vấn đề văn hóa học lý luận và ứng dụng” sẽ khác gì so với “Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam” vốn đã rất nổi tiếng của ông?

Những vấn đề văn hóa học lý luận và ứng dụng” chắc chắn là một bước tiến dài hơn về tư duy lý luận (các tư tưởng cơ bản hình thành trong “Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam” đã được chỉnh sửa và hoàn thiện), rộng hơn về phạm vi bao quát (từ Việt Nam ra thế giới), và sâu hơn về những cố gắng đưa chúng vào giải quyết những vấn đề mà cuộc sống xã hội những năm qua đã đặt ra.

Song dù tôi và người tổ chức bản thảo đã cố gắng nhiều, “Những vấn đề văn hóa học lý luận và ứng dụng” về cơ bản mới dừng lại ở một sự tổng kết những gì đã viết. Một sự tổng kết thực sự dưới dạng một “chuyên khảo toàn diện, có hệ thống” mới về lý luận văn hóa học mà tôi dự kiến cho ra mắt vẫn còn nằm ở phía trước. Đó sẽ là một bộ sách gồm hai cuốn mà tiêu đề dự kiến là: “Văn hóa học dịch lý - hệ thống - loại hình: những vấn đề lý luận” và “Văn hóa học dịch lý - hệ thống - loại hình: những vấn đề phương pháp”.

- Nam bộ không phải là đất mẹ, vậy, lý do gì ông chọn vùng đất này cho đề tài của cuốn sách “Văn hóa người Việt vùng Tây Nam bộ”?

Đúng là tôi không sinh ra ở Nam Bộ, nhưng đất và người Nam Bộ đã cưu mang tôi và biết bao người con đất Bắc như tôi. Trong thâm tâm, tôi rất biết ơn số phận run rủi đã cho mình có được cơ hội đó. Một người nghiên cứu về văn hóa mà nếu không có cơ hội được sống ở cả hai đầu đất nước thì không thể nào hiểu hết được sự đa dạng và phong phú của văn hóa và con người Việt Nam. Thực hiện cuốn sách này chính là thêm một dịp để tôi học hỏi – sau khi hoàn thành, tôi thấy mình đã “lớn lên” rất nhiều; xuất bản cuốn sách này chính là một cơ hội để tôi tri ân đất và người Nam Bộ – những con người với những phẩm chất vô cùng dễ thương mà tôi rất mực yêu quý và kính trọng.

- Thời này là thời của sách kinh tế, sách dạy làm người, những sách mà người ta có thể chia nhỏ, bán nhanh, ứng dụng tức thời…; làm sách khoa học như ông, có gặp khó khăn không?

(Cười) Cũng may là xã hội không ai giống ai. Mỗi người, mỗi gia đình có một triết lý sống riêng. Một trong những triết lý sống của chúng tôi là: Tiền cần để sống, nhưng không nên sống vì tiền. Cũng may, tôi thuộc số những người có thể sống và nuôi gia đình đủ sống bằng “nghề làm khoa học” và “nghề giáo sư”. Việc nghiên cứu văn hóa nói chung và văn hóa phương Đông nói riêng cũng giúp chúng tôi rất nhiều trong việc hoàn thiện triết lý sống của mình. Có triết lý sống mà mình tin tưởng rồi thì khó khăn gì cũng vượt qua được cả.

- Đã đi suốt cả một đời với khoa học, đặc biệt là khoa học nhân văn, điều gì làm ông trăn trở nhất?

Điều làm tôi trăn trở và đau lòng nhất chính là cùng với sự phát triển rất nhanh của khoa học tự nhiên và công nghệ, cùng với sự gia tăng rất nhanh về tài sản trong mỗi quốc gia, mỗi gia đình, thì tính nhân bản của xã hội ở nhiều nơi dường như đang đi xuống, sự giàu có về tài sản của thiên nhiên quanh ta cũng đang giảm đi nhanh chóng (chỉ nhìn vào vùng đất Tây Nam Bộ cũng đủ thấy). Trước đây, Marx đã phê phán chủ nghĩa tư bản người bóc lột người, trong sách “Những vấn đề văn hóa học lý luận và ứng dụng” tôi gọi hình thức bóc lột này là bóc lột đồng đại (nhà tư bản này bóc lột người công nhân kia), thì nay các quốc gia đều đang rất vô tư “bóc lột” con cháu mình (vay nợ dài hạn, khai thác cạn kiệt tài nguyên) – tôi gọi hình thức này là bóc lột lịch đại. Văn minh thì đi lên, còn văn hóa đang đi về đâu?

Chân thành cảm ơn Giáo sư về cuộc trao đổi này!

 LDDongNai-3

 LDDongNai-1