Thứ hai, 22 Tháng 4 2013 06:42

GS. Trần Ngọc Thêm: Văn hóa cũng giống như khí trời

  • GS. TRẦN NGỌC THÊM: VĂN HÓA CŨNG GIỐNG NHƯ KHÍ TRỜI

  • Báo lao động

GS. Trần Ngọc Thêm: Văn hóa cũng giống như khí trời

Hơn 10 năm âm thầm chuẩn bị cho sự ra đời của Trung tâm Văn hóa học lý luận và ứng dụng (TT) vào ngày 22.4 tại TPHCM, GS-TSKH Trần Ngọc Thêm đã thấy trước việc cần thiết nghiên cứu, tạo lập và xuất khẩu tri thức văn hoá học ra thế giới.

(?) Xin ông giải thích rõ hơn về sứ mệnh mà TT tự đặt ra cho mình: Đưa văn hoá học vào từng hơi thở của cuộc sống và đưa cuộc sống vào từng trang nghiên cứu văn hoá học?

- Con người, ngoài đời sống vật chất, còn có đời sống tinh thần. Ta thường nói kinh tế là nền tảng của đời sống vật chất, văn hóa là nền tảng của đời sống tinh thần. Nhưng vai trò của văn hóa còn lớn hơn thế: Ngay trong kinh tế cũng đã có văn hóa rồi. Nếu làm kinh tế mà không có văn hóa thì đó là một thứ kinh tế chụp giật, mà kinh tế chụp giật thì không thể nào bền vững được.

Nói cách khác, văn hóa có mặt trong mọi ngõ ngách của cuộc sống. Do vậy, nếu như khoa học nói chung đã có sứ mệnh phục vụ thực tiễn và gắn liền với thực tiễn thì văn hóa học phải có sứ mệnh phục vụ và gắn bó với thực tiễn chặt chẽ hơn gấp bội phần. Nếu từng trang nghiên cứu văn hoá học mà thiếu hơi thở của cuộc sống thì mọi nghiên cứu sẽ chỉ là những lý thuyết suông. 

Mặt khác, nếu như mọi thứ trong cuộc sống- cho đến từng “hơi thở”- mà không được xem xét kỹ lưỡng dưới lăng kính của khoa học văn hóa học thì kiến thức của chúng ta về cuộc sống sẽ chỉ là những hiểu biết hời hợt; ta sẽ không bao giờ hiểu được đến ngọn nguồn vì sao văn hóa vừa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu và động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. 

(?) Vì sao cho đến tận bây giờ, một TT nghiên cứu văn hóa và văn hóa học như thế này mới ra đời tại TPHCM? Có quá chậm trễ không, thưa ông? 

- Câu trả lời sẽ là vừa “có”, vừa “không”. Có, là vì văn hóa quan trọng như thế, cần thiết như thế mà ngành khoa học nghiên cứu về văn hóa ở ĐHQG TPHCM mới chỉ được định hình trong 10 năm qua; một TT khoa học nghiên cứu và ứng dụng văn hóa học đến bây giờ mới ra đời. Không, bởi vì đó là sự chậm trễ chung của cả nước, của cả thế giới. 

Ở ĐHQG Hà Nội cho đến bây giờ vẫn chưa có ngành văn hóa học. Trong khuôn khổ của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Viện Văn hóa dân gian đã được đổi tên thành Viện Nghiên cứu văn hóa từ năm 2004, nhưng định hướng nghiên cứu thể hiện qua tạp chí chuyên ngành cho đến bây giờ vẫn chưa thay đổi: Tạp chí của viện vẫn còn là tạp chí Văn hóa Dân gian. Trên thế giới, ngành nghiên cứu văn hóa và văn hóa học chủ yếu mới chỉ hình thành từ giữa thế kỷ XX và đến tận cuối thế kỷ XX mới phát triển mạnh.

Sở dĩ có tình trạng đó là vì văn hóa là một đối tượng quá rộng, liên quan đến mọi lĩnh vực. Quá rộng nên rất khó mà bao quát hết được; mang tính liên ngành rộng nên một khi các chuyên ngành còn yếu thì chưa có đủ cơ sở cho nó ra đời. Vai trò của văn hóa cũng giống như không khí: Chính vì chúng không bao giờ thiếu vắng trong cuộc sống con người, cho nên con người thường hay quên sự có mặt của chúng đầu tiên.

(?) Xin ông nói rõ hơn về một trong những mục tiêu của TT - cung cấp các dịch vụ khoa học chất lượng cao về văn hoá học cho xã hội (như phản biện xã hội, tư vấn xã hội, dự báo xã hội)?

- Một trong những đặc điểm của loại hình văn hóa âm tính gốc nông nghiệp là tính đại khái qua loa. Cần đến cái gì cũng có ngay, nhưng thường không sâu, thiếu cơ sở lý luận, do vậy mà sự phản biện, tư vấn, dự báo dễ rơi vào hời hợt; thành ra nhiều việc cứ như làm thử, sai lại sửa, không bài bản. Mục tiêu của chúng tôi là luôn gắn lý luận với thực tiễn, lý luận thật sâu và thực tiễn thật rộng; khiến cho các ý kiến phản biện, tư vấn, dự báo được xây dựng trên một cơ sở khoa học chặt chẽ; nhờ đó mà hướng tới chất lượng cao. 

Ví dụ, bàn về lễ phục tại hội thảo về lễ phục nhà nước do Bộ VHTTDL tổ chức ở TPHCM hôm 17.4 vừa qua, tham luận của tôi lần đầu tiên đặt ra vấn đề phân biệt rạch ròi ba khái niệm “trang phục dân tộc truyền thống”, “quốc phục” và “lễ phục”; có lập thành bảng biểu rõ ràng. Và tôi đi đến kết luận rằng, đây là ba khái niệm giao nhau chứ không bao hàm nhau và rằng, ta hay dùng từ “quốc phục” thực ra là đã dịch sai cụm từ “national costume” (mà đúng ra phải là “trang phục dân tộc”). Thực sự là không nước nào có quốc phục. Trên cơ sở lý luận ấy, việc thảo luận và cách làm trong việc “đi tìm quốc phục, lễ phục” sẽ phải đổi khác.

- Và khi phấn đấu không mệt mỏi cho những sản phẩm khoa học chất lượng cao như vậy thì chính là ông cùng các đồng nghiệp đang từng bước tạo dựng nên thương hiệu “Văn hóa học Sài Gòn” phải không, thưa ông? Xin cảm ơn ông và chúc TT thực hiện được sứ mệnh cao cả của mình.