Thứ tư, 04 Tháng 2 2015 06:00

Lễ hội chém lợn: "Không hiểu thì đừng có bàn" (GS. Trần Ngọc Thêm)

  • LỄ HỘI CHÉM LỢN: "KHÔNG HIỂU THÌ ĐỪNG CÓ BÀN" (GS. TRẦN NGỌC THÊM)

  • GS. Trần Ngọc Thêm

Ngày 27.1, Tổ chức Động vật Châu Á đề nghị chấm dứt Lễ hội chém lợn ở thôn Ném Thượng, xã Khắc Niệm (Tiên Du, Bắc Ninh). Tổ chức này bày tỏ lo ngại nghi thức “chém lợn” tác động tiêu cực đối với xã hội.

Trong đó, ảnh hưởng xấu tới tâm lý của người chứng kiến, tác động xấu tới ngành du lịch cũng như hình ảnh của Việt Nam. Trước đề nghị trên, phóng viên danviet.vn có cuộc trao đổi với Giáo sư Trần Ngọc Thêm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa học lý luận và ứng dụng, Trường Đại học Khoa học xã hội & nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) - tác giả của cuốn sách nổi tiếng “Cơ sở văn hóa Việt Nam”.

Trong bài trả lời phỏng vấn nhan đề “Lễ hội chém lợn – ‘Không hiểu thì đừng đến xem’’” đăng trên Dân Việt ngày 2-2, GS. Trần Ngọc Thêm bày tỏ: “người nào muốn tham dự thì phải tôn trọng phong tục tập quán địa phương, muốn đưa tin và bình luận thì phải hiểu văn hóa riêng đó, nếu không hiểu thì đừng có bàn”.

 alt

Lễ hội Chém lợn tại Bắc Ninh. Ảnh: Tổ chức Động vật Châu Á

Thưa Giáo sư, thời gian qua có nhiều ý kiến cho rằng, Lễ hội chém lợn với nghi lễ “chém đứt đôi con lợn” là lễ hội dã man, tàn bạo, cần phải loại bỏ. Ý kiến của ông thế nào?

- Dưới góc độ người nghiên cứu văn hóa, tôi không đồng ý với yêu cầu cấm Lễ hội chém lợn, nhất là khi yêu cầu này dựa trên lý lẽ rằng đây là cách đối xử dã man với động vật.

Khái niệm “dã man” vốn là sản phẩm của phương Tây từ thời thực dân. Họ từng biện bạch khi đi xâm lược các dân tộc Châu Á và Châu Phi rằng đó là họ đi “khai hóa văn minh” cho các dân tộc còn sống trong cảnh man di mọi rợ.

Khái niệm “văn minh” vốn hoàn toàn đúng khi được dùng để chỉ sự phát triển cao về khoa học công nghệ. Nhưng từ chỗ phương Tây là nơi có nền khoa học công nghệ phát triển để suy ra rằng văn hóa của họ cũng cao luôn, rằng mọi cái gì khác biệt với Châu Âu đều là dã man, lạc hậu lại là một sự nhầm lẫn lớn ở lĩnh vực văn hóa.

Ông nhìn nhận Lễ hội chém lợn như thế nào?

- Lễ hội là một hiện tượng mang tính văn hóa đậm đặc. Mà văn hóa thì luôn là sản phẩm của một cộng đồng chủ thể, trong một không gian và một thời gian rất cụ thể.

Nếu chịu khó đặt mình vào vị trí của người làng Ném Thượng thì có thể chúng ta sẽ hiểu được rằng lễ hội này có truyền thống từ rất lâu đời. Nó được tổ chức để tưởng nhớ công lao của một vị tướng cuối đời Lý, khi đến vùng núi này đã chém lợn rừng nuôi quân đánh giặc.

Con lợn trong lễ chém lợn rất được coi trọng và mang tính linh thiêng. Người dân gọi một cách tôn kính là "Ông ỉn", vào ngày lễ được nhốt trong cũi hồng rước với cờ trống, lọng, kèn, đưa đi khắp làng. Đi đến đâu, người dân trong làng bày mâm cúng, góp tiền công đức đến đấy.

Người nuôi lợn được lựa chọn kỹ càng từ những người có gia đình hạnh phúc, con cháu đề huề, nuôi lợn mát tay. Người chém lợn để tế Thánh cũng được chọn từ những người khỏe mạnh, con cháu đề huề, đúng tuổi 50.

Ông lợn trong lễ hội làng Ném Thượng phải được chém một nhát đứt làm đôi trong sự hò reo của người tham gia. Thịt lợn được xem là thiêng liêng, máu lợn được xem là đem lại may mắn, sung túc, khả năng sinh sản, sức sống tràn trề, mùa màng bội thu...

Vì vậy sau mỗi khi chém lợn, người dân tranh nhau sờ vào hoặc nhúng đồ của mình vào tiết lợn để cầu may. Thịt lợn sau khi tế Thánh được chia đều cho mọi người trong làng, để cả làng được phát tài, phát lộc.

Như ông nói, lễ hội này có truyền thống từ lâu đời, vậy tại sao chỉ mới vài năm gần đây dư luận có nhiều ý kiến trái chiều về “nghi lễ chém lợn”?

- Lễ hội là hiện tượng văn hóa làng. Lâu nay lễ hội chỉ diễn ra trong phạm vi nội bộ của làng. Trong phạm vi ấy chẳng hề có vấn đề gì về đạo đức, giáo dục con em, vì thông qua đó họ chỉ nhìn thấy những điều tốt đẹp.

Gần đây do các thông tin về lễ hội bị đưa lên mạng, lên các phương tiện thông tin. Qua lời bình của những người ngoài cuộc, thiếu hiểu biết về văn hóa nên đã khiến cho vấn đề bị bóp méo.

Trước ý kiến lo ngại rằng, nghi lễ chém lợn với hình ảnh con lợn bị chém ra làm đôi trước sự chứng kiến của nhiều người, trong đó có cả trẻ em sẽ tác động không tốt đến tâm lý trẻ, ông thấy sao?

- Từ ngàn đời nay, người dân khắp nơi vẫn mổ lợn, làng Ném Thượng vẫn chém lợn, trẻ em khắp nơi vẫn cứ xem và không có chuyện vì thế mà đứa trẻ trở nên hung ác.

Bây giờ thử thống kê xem trong số những người trộm cướp trên cả nước có bao nhiêu người gốc ở làng Ném Thượng? So sánh với các làng xung quanh xem, làng Ném Thượng có tàn ác hơn không? Tôi cho rằng, chuyện này tuyệt đối không có.

Thậm chí tôi tin rằng, ngược lại, những nơi mà dân làng giữ gìn được văn hóa truyền thống như làng Ném Thượng, con em trong làng sẽ được giáo dục tốt hơn.


alt

Giáo sư Trần Ngọc Thêm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng, 
Trường Đại học Khoa học xã hội & nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM).

Vậy ông thấy thế nào về việc duy trì lễ hội truyền thống này vào năm 2015 và cách xử lý của UBND tỉnh Bắc Ninh là vận động để người dân Ném Thượng chỉ thực hiện “thịt lợn” thay vì “chém lợn”. Nghi lễ được thực hiện phía “sau đình” và chỉ cho ít người xem, thay vì thực hiện giữa sân đình như trước?

- Trước hết tôi cho rằng, người ngoài làng như chúng ta không có quyền bàn về việc cho phép hay không cho phép dân làng thực hiện những công việc nội bộ của riêng mình mà không vi phạm pháp luật, không ảnh hưởng gì đến những làng xung quanh.

Việc người dân thực hiện nghi lễ “chém lợn” hay “thịt lợn” thế nào là truyền thống của họ, không ai có thể bắt họ thay đổi truyền thống. Đó là lễ hội riêng, chuyện nội bộ của người dân làng Ném Thượng.

Tuy nhiên, nếu việc riêng này lại được chụp ảnh, quay phim đưa lên báo chí thì đúng là có thể có ảnh hưởng đến người khác thật. Nhưng đây đâu phải lỗi của dân làng Ném Thượng? Họ đâu có mời khách đến xem, đâu có bán vé thu tiền người xem? Còn nếu người nào muốn tham dự thì phải tôn trọng phong tục tập quán địa phương, muốn đưa tin và bình luận thì phải hiểu văn hóa riêng đó, nếu không hiểu thì đừng có bàn.

Tôi cho rằng, với thời gian trôi đi, quan niệm về văn hóa và tâm linh của người làng Ném Thượng có thể sẽ khác đi; làng Ném Thượng có thể rồi cũng sẽ bị đô thị hóa - khi đó Lễ hội chém lợn sẽ tự mất đi hoặc có thể sẽ diễn ra theo cách khác. Nhưng đó chỉ có thể là một quá trình tự nhiên do chủ thể văn hóa quyết định, người ngoài không thể ép họ thay đổi dù nhân danh bất cứ thứ gì.

Từ Lễ hội chém lợn có thể thấy, “người ngoài làng” cũng như khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài thì đó là lễ hội dã man, gây tâm lý sợ hãi. Nhưng người “dân trong làng” nghĩ đó là làm việc tâm linh, lấy may mắn. Vậy, làm sao để hài hòa giữa các quan điểm trên?

- Văn hóa là cái đặc thù, nó phụ thuộc vào tập tục, truyền thống xã hội rất khác nhau của mỗi dân tộc. Văn hóa luôn là tốt, là giá trị đối với chính chủ nhân của nó, nhưng có thể sẽ là không thể chấp nhận được với các cộng đồng dân cư khác.

Khi một dân tộc này tự cho mình là văn minh và chê văn hóa của dân tộc kia lạc hậu, dã man, nhiều khi họ quên rằng chính họ cũng có những phong tục tập quán hoàn toàn tương tự.

Ví dụ, nhiều người phương Tây chê bai một số dân tộc Đông Á ăn thịt chó như ăn thịt người bạn của mình. Trong khi đó, người phương Tây gốc du mục, con ngựa cũng từng được xem là bạn, và món thịt ngựa vẫn được họ ăn một cách ngon lành.

Trong Lễ hội chém lợn - người dân chém một loài gia súc nuôi lấy thịt và cố gắng chỉ chém một nhát để “Ông” được “hóa” (hóa kiếp) ngay. Trong khi đó, trong trò chơi đấu bò của Tây Ban Nha, con bò bị lừa bằng tấm vải, bị đâm rất nhiều nhát để mua vui trước khi ngã gục. Trong trò chơi đấm bốc và nhiều trò thể thao mạnh khác của phương Tây - con người đấm vỡ mặt mũi đồng loại, làm cho máu chảy ròng ròng... Trong khi người phương Tây xem những cảnh này một cách hoàn toàn thích thú, thì với nhiều người phương Đông, đó mới thực sự là cảnh dã man, gây sốc.

Do vậy, không thể có mẫu văn hóa nào chung cho tất cả các dân tộc, các vùng miền. Cũng  không thể nói văn hóa của dân tộc này, vùng miền này là đúng; dân tộc kia, vùng miền kia là sai. Chỉ khi ta thấu hiểu nó, chính ta cũng có thể sẽ bị nó chinh phục.

Việc nhiều người miền Bắc nay rất thích món sầu riêng có mùi cực nặng của Nam Bộ, nhiều người am hiểu văn hóa Trung Hoa thích món đậu phụ thối của người Hoa, nhiều người phương Đông thích món pho-mát có mùi thum thủm của phương Tây là minh chứng cho việc đó. Văn hóa đòi hỏi sự khoan dung và thấu hiểu, chứ không phải sự đàn áp trên thế đông, thế mạnh, bằng cách nhìn lấy bản thân mình làm trung tâm.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thực hiện: Công Thọ (Danviet.vn)

X. thêm:

GS. Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa tín ngưỡng Việt Nam: Lễ hội Chém lợn - Độc đoán và thiếu hiểu biết về văn hóa

“Chính phương Tây là nơi đưa ra quyền văn hóa mà lại độc đoán như vậy. Dã man thì người Tây hay người Việt chưa biết người nào dã man hơn”

Đó là khẳng định của GS.TS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa tín ngưỡng Việt Nam khi nói về vấn đề Tổ chức Động vật châu Á đề nghị bỏ lễ hội chém lợn ở Bắc Ninh và cho rằng đây là lễ hội phản cảm, tàn bạo.

Ông Thịnh cho biết ông không đồng tình với ý kiến của tổ chức động vật châu Á. Tổ chức này là những người đứng ngoài cuộc, không hiểu được bản chất của lễ hội nên mới đưa ra những ý kiến như vậy.

“Thế nào là phản cảm, thế nào là tàn bạo? Nói theo cách nói của họ thì đất nước Việt Nam này có một làng gọi là làng tàn bạo, làng dã man à? Khi nói như thế họ có hiểu lý do tại sao người ta làm như thế không? Phát ngôn như vậy là không chấp nhận được!”, ông Thịnh bức xúc nói.

 

    Lễ Chém lợn: Con mắt Tây phán xét văn hóa bản địa? (ý kiến của nhà sử học Dương Trung Quốc, PTS Trần Lâm Biền)

Đại biểu Quốc hội, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng việc sử dụng các cụm từ "dã man", "tàn ác", "phản cảm" khi nói về một lễ hội truyền thống là thiếu thận trọng.

"Nếu họ nói vậy khi nhắc tới yêu cầu bảo vệ động vật hoang dã tại Việt Nam thì tôi hoàn toàn tán thành. Nhưng, nghi thức trong lễ hội thì lại gắn với những đặc thù riêng về truyền thống tín ngưỡng" - ông Quốc nói.

Hơn nữa, ông Quốc cho rằng: "Trước khi đưa ra nhận xét cuối cùng, chúng ta nên có thiện chí để tìm hiểu rõ về căn nguyên và lịch sử của những nghi thức ấy".

"Chúng ta hãy cứ nghĩ rằng kiến nghị của Tổ chức Động vật Châu Á xuất phát từ sự chân tình và cần được tôn trọng. Tuy nhiên, việc thay đổi thế nào, thay đổi tới đâu, thì lại là một câu chuyện cần được nghiên cứu kĩ" – nhà sử học Dương Trung Quốc nói thêm.

Bên cạnh đó, theo PTS Trần Lâm Biền, đây là nghi thức với ngầm ý xin thành hoàng phù hộ để vùng đất bản địa được trù phú, màu mỡ - khi màu đỏ của tiết lợn được coi là biểu trưng của sinh khí. Và, trong vài năm gần đây, cuộc tranh cãi của giới nghiên cứu về việc duy trì hay thay đổi nghi thức này cũng thường xuyên diễn ra, nhưng với một quy ước bất thành văn: Tôn trọng truyền thống, cũng như cộng đồng người dân Ném Thượng.

   Lễ hội Chém lợn: Chém kín thì không còn ý nghĩa  Lễ hội Chém lợn: "Chỉ là vung dao rồi cứa nhẹ" (ý kiến của người dân làng Ném Thượng) - Đất Việt, 4-2-2015

Ông Nguyễn Văn Trương, Phó chủ tịch UBND phường Khắc Niệm, TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh cho biết việc Tổ chức Động vật châu Á đánh giá lễ hội Chém lợn phản cảm và tàn bạo là hơi quá. Theo như tổ chức này nói, việc chém những con lợn còn đang khỏe mạnh làm trơ lì cảm xúc của người xem khi chứng kiến cách thức động vật bị đối xử dã man, đặc biệt là đối với trẻ em, ông Trương cũng cho rằng điều này không chính xác vì những cảnh đó diễn ra thường ngày và trẻ em cũng được giáo dục từ nhỏ là không được những làm việc đó với ai khác ngoài động vật mà mình nuôi ra chứ không phải động vật hoang dã.

Ông Trương dẫn lời của GS Trần Ngọc Thêm có nói trên một bài báo rằng nếu thế thì thống kê lại tội phạm xã hội thì có bao nhiêu người dân vi phạm và hỏi xem người dân làng Ném Thượng có trơ lì cảm xúc và tàn ác hơn nơi khác không. Và GS kết lại bằng câu không bao giờ có chuyện đó. "Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của GS Trần Ngọc Thêm. Bên cạnh đó, là người quản lý ở đây, tôi thấy mọi người dân Ném Thượng cũng đều như tất cả các người dân nơi khác. Thậm chí họ chấp hành chủ trương, pháp luật của Đảng và Nhà nước tốt hơn, họ xây dựng cuộc sống, kinh tế tốt hơn, văn hóa xã hội ổn định."

Báo Tiền phong ngày 09 tháng 02 năm 2015Lễ hội chém lợn sẽ thành rước lợn? 

Vào những ngày giáp tết Ất Mùi, rộ lên cuộc tranh cãi giữ lại hay duy trì tục chém lợn ở lễ hội Ném Thượng. Bên ủng hộ, tiêu biểu là GS Ngô Đức Thịnh cho rằng: “Cấm lễ chém lợn là cái lý của người đứng ngoài” và “Việc duy trì lễ hội là cần thiết và nó không tổn hại đến ai”.

Chung quan điểm này, GS. TSKH Trần Ngọc Thêm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng Trường Đại học KHXH & NV thuộc Đại học Quốc gia TPHCM nói: “Một hiện tượng văn hóa (ở đây là chém lợn) phải có lý do riêng để tồn tại đến giờ. Chém lợn tốt hay xấu tùy mắt người nhìn. Người ngoài có thể thấy ghê rợn nhưng dân làng người ta thấy thế nào mới quan trọng.

Phải tìm hiểu cặn kẽ tâm tư của người dân, không bị áp lực vì những lời của người phương Tây (Tổ chức Động vật châu Á xuất phát điểm là do một người phương Tây lập ra). Phương Tây chỉ biết nói người khác chứ không tự nhìn mình. Họ có lễ hội đấu bò, hành hạ con bò bằng những mũi lao suốt hàng tiếng đồng hồ đến khi nó kiệt sức gục xuống chết”.

Cũng theo GS Thêm: Người Việt có tập tục và lối suy nghĩ: giết lợn đồng nghĩa hóa kiếp cho nó sang một kiếp khác tốt đẹp hơn. Như vậy, một nhát chém là giúp nó nhanh siêu thoát. Thêm vào đó, con lợn được chém rất được coi trọng (được gọi là ông). Như vậy có tàn ác hay không, phải đứng từ góc độ người dân mà nhìn.

Người ta nói chém lợn là hành vi ghê rợn, dễ gây kích động làm chuyện đâm chém. Vậy phải nghiên cứu xem, người dân Ném Thượng bao năm nay chứng kiến nghi lễ, tính cách của họ thế nào, hay họ vẫn là những người bình dị như bao làng khác ở nước Việt Nam này.

“Nếu bảo chém lợn là hủ tục thì cũng nên xem xét trên bình diện chung. Cũng là đâm với chém nhưng đâm trâu lại là di sản quốc gia trong khi chém lợn thì bị nói ra nói vào. Đã cấm, theo tôi nên cấm hết!”, GS Thêm đề xuất.

PGS.TS Bùi Quang Thắng (Viện Văn hóa Nghệ thuật VN): 'Đòi bỏ tục chém lợn vì tâm lý tự ti, mặc cảm'

'Việc kêu gọi bỏ tục chém lợn ở làng Ném Thượng thể hiện tâm lý tự ti, mặc cảm đối với nền văn hóa của dân tộc mình", PGS.TS Bùi Quang Thắng (Viện Văn hóa Nghệ thuật VN) nhìn nhận.

- Gần đây, nhiều ý kiến cho rằng chém lợn là tàn bạo và muốn loại bỏ tục này tại lễ hội làng Ném Thượng (Bắc Ninh). Dưới góc nhìn của một chuyên gia văn hóa, quan điểm của ông thế nào?

- Ở Việt Nam, người dân xây dựng cho mình các vị thần bảo hộ, mà chúng ta gọi là thành hoàng làng. Để biểu thị sự tôn thờ các thánh thần, người dân sáng tạo nên lễ hội, các hình thức tế lễ, diễn xướng và lễ hội chém lợn cũng chính là nét văn hóa đó.

Người dân làng Ném Thượng thực hiện lễ chém lợn như một nghi thức thiêng để tưởng nhớ tướng Đoàn Thượng. Dân làng Ném Thượng thông qua tục này để nhắc nhở con cháu nhớ đến vị thành hoàng làng. Vì thế, đây là "nghi lễ chứ không phải hành vi đồ tể".

Việc đòi bỏ diễn xướng chém lợn chẳng khác nào việc tranh cãi có nên ăn thịt chó hay không. Vì mỗi nền văn hóa đều có ý nghĩa riêng. Văn hóa là sự khác biệt, không nên so sánh nền văn hóa này với nền văn hóa khác. 

- Những ví dụ nào tiêu biểu cho việc phán xét áp đặt này thưa PGS?

- Có những tục bị coi là tục tĩu như 'linh tinh phộc' tại Lâm Thao (Phú Thọ), có những lễ hội bị coi là 'dã man, tàn bạo' như đâm trâu tại Tây Nguyên, chọi trâu ở Đồ Sơn (Hải Phòng), và bây giờ là chém lợn ở Ném Thượng (Bắc Ninh)… 

Đã có ý kiến nên bỏ lễ hội đâm trâu ở Tây Nguyên, vì có người coi con trâu là đầu cơ nghiệp, đâm trâu là tàn bạo. Nhưng thực chất, con trâu ở Tây Nguyên chỉ là vật tế thần chứ không phải đầu cơ nghiệp như người nông dân đồng bằng Bắc Bộ. 

Chúng ta cũng thường áp đặt văn hóa của mình lên văn hóa của người khác vì thế mới nhầm hành vi diễn xướng, mang tính biểu tượng, là nghi lễ với hành động thường ngày. Chém lợn, đâm trâu trong nghi lễ khác với hành động trong lò mổ.

- Những hành vi diễn xướng được cho là bạo lực phổ biến như thế nào ở các nền văn hóa lâu đời?

- Trên thế giới có nhiều lễ hội mà ta cho là "tàn bạo" nếu như không hiểu hết ý nghĩa của lễ hội đó.Như tại Đan Mạch, tới tuổi trưởng thành, các chàng trai đảo Faroe phải giết một con cá heo hoặc cá voi để được công nhận là những ngư dân trưởng thành. Người Nepal giết hàng nghìn con bò để cảm tạ nữ thần Gadhima. 

Hay như trong lễ trưởng thành của người Samburu (Kenya), mỗi ngày họ sẽ giết 100 con bò trong vòng một tuần. 

Nếu chúng ta đứng ở góc độ của mình để kêu gọi tẩy chay các lễ hội trên là động vào niềm tin, vào văn hóa của người khác.

- Song không ít người quan điểm, dù là phong tục tập quán, nét văn hóa nhưng nếu quá bạo lực thì nên bỏ. Ông nghĩ sao?

- Chúng ta hội nhập phải trên tinh thần tôn trọng sự khác biệt. Việc lắng nghe các ý kiến phải trên cơ sở hiểu biết, chứ không phải theo đám đông. Đối với lĩnh vực văn hóa, hiện nay tổ chức cao nhất trên thế giới là UNESCO và UNESCO lại rất hiểu và tôn trọng sự khác biệt văn hóa.

Đối với lễ hội chém lợn tại Ném Thượng, trước tiên chúng ta phải tôn trọng người dân và niềm tin, tín ngưỡng của họ. Tục chém lợn là một diễn xướng độc đáo thể hiện lớp văn hóa cổ xưa. Và việc kêu gọi bỏ tục lệ này thể hiện sự tự ti, mặc cảm đối với chính nền văn hóa của dân tộc mình. Nếu chúng ta không đủ tự tin, không tôn trọng chính văn hóa của mình thì đừng mong người khác tôn trọng.