Lý giải tiếp nguyên nhân vì sao Việt Nam bỏ lỡ cơ hội trở thành mãnh hổ, lối nào để sớm thoát khỏi những thế kẹt hiện nay, Tuần Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với GS. TSKH Trần Ngọc Thêm. Mời độc giả cùng theo dõi.
Việt Nam: Mãnh hổ hay mèo rừng?
Ông lý giải thế nào về tâm lý của người Việt, vốn luôn mạnh mẽ khi bị dồn vào chân tường, nhưng ngay sau đó, khi “Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa”. Có phải đây là một trong những nguyên nhân neo giữ chúng ta lại, khiến chúng ta khó bứt phá lên như láng giềng xung quanh?
GS. TSKH. Trần Ngọc Thêm: Đúng vậy! Thực tiễn đã chứng minh, người Việt Nam luôn mạnh mẽ phi thường khi bị đẩy tới chân tường, khi bị rơi vào “bước đường cùng”.
Câu “Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa” của nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã lột tả rất đúng bản chất của con người Việt Nam! Khi cơn hoạn nạn qua đi, chúng ta luôn có xu hướng chui trở lại vào cái vỏ ốc của thế “ổn định”, trở lại là những con người dễ bằng lòng với thực tại, ngại thay đổi… Đây là biểu hiện mặt trái của văn hóa âm tính của người Việt, như tôi vẫn nói.
Công cuộc Đổi mới giai đoạn đầu của Việt Nam là cái đà rất tốt để tạo ra sức bật xa. Nếu chúng ta duy trì được tốc độ đó thì chắc chắn đã đi xa hơn rất nhiều, chưa biết chừng đã trở thành “mãnh hổ” đáng gờm trong số các con hổ trong khu vực rồi.
Trong lịch sử, dân tộc ta đã từng vài lần bỏ lỡ “cơ hội vàng”. Ví dụ, thời nhà Nguyễn, lúc đó chúng ta không thiếu những người theo kịp thời cuộc như Nguyễn Trường Tộ; vua Tự Đức nổi tiếng thông minh nhưng công cuộc cải cách thất bại. Là thế hệ con cháu, sẽ là vô phép nếu trách móc các bậc tổ tiên, song trách nhiệm của chúng ta là phải “giải mã” cho được các lực cản này để không lặp lại các bi kịch trên. Theo ông nguyên do từ đâu chúng ta cứ lặp lại những lựa chọn chưa đúng như vậy?
GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm: Có không ít người cho rằng Nho giáo với tính bảo thủ là nguyên nhân dẫn đến bi kịch “bỏ lỡ cơ hội” trong lịch sử Việt Nam. Tôi thì cho là không phải.
Cùng chịu ảnh hưởng của Nho giáo, tại sao chỉ có Việt Nam đến nay đã trên một lần bỏ lỡ cơ hội, trong khi Nhật Bản lại canh tân được sớm thế? Tại sao ở chính cái nôi của Nho giáo là Trung Quốc, người ta cũng đã cải cách mạnh mẽ từ thời nhà Thanh?
Tại sao trên cùng một bán đảo mà Hàn Quốc thì hóa hổ, còn Triều Tiên thì chưa?
Với Việt Nam chúng ta, nếu không phải là do ảnh hưởng của Nho giáo thì do đâu?
GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm: Việc Việt Nam đã bỏ lỡ các cơ hội cải cách càng không phải là do ảnh hưởng của Nho giáo mà cũng chính là do bản sắc văn hóa của mình, vốn ngược lại với phương Tây và rất khác với bản sắc văn hóa trung gian của khu vực Đông Bắc Á.
văn hóa Việt Nam, lịch sử Việt Nam, cải cách, Đổi Mới
Cơ hội thành ‘mãnh hổ’ đã trôi qua là đáng tiếc, song ít nhất cũng cho chúng ta một bài học đáng tiếc nên cần mổ xẻ nghiêm túc để không còn bị tuột khỏi tầm tay lần nữa. Ảnh: newszing.
Văn hóa của chúng ta vốn lấy ổn định làm đầu khiến cho bất kỳ ai, mỗi khi đạt đến được một thành công nào đó, một sự ổn định nào đó thì đều chỉ muốn “dĩ hòa vi quý” để giữ lấy sự ổn định ấy, không muốn tiếp tục đổi mới để khỏi phải mạo hiểm hy sinh thành quả đã đạt được của mình.
Đây chính là lý do giải thích vì sao Nguyễn Ánh khi còn phải chống lại Tây Sơn thì hăng hái mở cửa, tích cực hướng về phương Tây, còn khi có được đất nước trong tay, trở thành Gia Long thì lại nhanh chóng chuyển sang chính sách ngược lại là bế quan tỏa cảng, xa lánh phương Tây, trở về lấy Nho giáo làm chỗ dựa. Cách sống này đã chi phối dẫn đến việc Vua Gia Long truyền ngôi cho con thứ là Minh Mạng, người sẽ ra sức đề cao Nho giáo và ra mặt chống lại phương Tây để giữ ổn định, chứ không phải cho hoàng tử Cảnh, người đã thấm đẫm ảnh hưởng phương Tây trong máu thịt, để có thể đưa đất nước phát triển.
Văn hóa của dân tộc trồng lúa nước thường hướng đến ổn định và sinh ra tính cộng đồng làng xã với một nền giáo dục khuyến khích tâm lý háo danh chứ không phải hiếu học, ưa làm theo người khác chứ không có bản lĩnh để suy nghĩ độc lập; sinh ra thói cào bằng, không chấp nhận người giỏi hơn mình, có tư tưởng tiến bộ hơn mình.
Tất cả những cái đó là lý do giải thích vì sao triều đình Minh Mạng, sau đó là Tự Đức, với những quan văn nặng nề tư tưởng Tống Nho hủ bại (mà ở Trung Quốc người ta đã vứt bỏ) luôn khăng khăng bài xích mọi ý tưởng Âu hóa và chống đối quyết liệt mọi sáng kiến cải cách. Và hệ quả là những đề xuất cải cách toàn diện, khoa học và tiến bộ thường không được tiếp thu.
Nhứng khảo cứu này đã lý giải cho câu hỏi, tại sao cơ hội thành “mãnh hổ” của Việt Nam hồi thế kỷ 18 – 19 đã bị bỏ qua.
Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân và động lực của canh tân, Đổi Mới ở Việt Nam luôn có động lực hoặc tác động cả từ bên trong lẫn bên ngoài, có đúng không ạ?
GS. TSKH. Trần Ngọc Thêm: Canh tân hay Đổi Mới, nếu là việc của mình, tự mình làm thì tất yếu phải có nhu cầu từ bên trong. Còn có nhất thiết phải có sự tác động của yếu tố bên ngoài vào thời điểm cải cách hay không thì, theo tôi, phụ thuộc vào ba nhân tố: Quan hệ với thế giới bên ngoài có chặt hay không, văn hóa thuộc loại âm tính hay dương tính và quốc gia mạnh hay yếu.
Một quốc gia mạnh mà có văn hóa dương tính thì có thể tiến hành cải cách theo ý mình vào bất kỳ lúc nào, bất kể quan hệ với thế giới bên ngoài ra sao. Một quốc gia yếu mà có văn hóa dương tính thì khó lòng tồn tại độc lập được lâu dài, sớm muộn thế nào cũng sẽ bị các quốc gia dương tính mạnh hơn đồng hóa.
Việt Nam chính là một quốc gia có xu hướng văn hóa âm tính.
Thử nhìn lại công cuộc Đổi Mới cách đây 30 năm. Tuy bên trong là do nền kinh tế rơi vào khủng hoảng trầm trọng, đời sống nhân dân xuống thấp đến mức không thể nào chịu nổi nhưng nếu trong bối cảnh đó mà không có tác động bên ngoài từ cuộc cải tổ (Perestroika) đang sôi sục của Gorbachop ở Liên Xô lúc bấy giờ thì có lẽ chúng ta cũng khó thành công như đã thấy.
Bên cạnh đó, sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu hồi đầu những năm 1990 cũng đã tác động ít nhiều đến sự quyết định đường hướng của chúng ta.
Kỳ 2:
Đừng có đổ hết tội cho thể chế
Nhìn tổng thể thì vai trò quyết định thuộc về nhân dân, nhưng để không bỏ lỡ thời cơ thì vai trò quyết định thuộc về người lãnh đạo. Ngay cả khi dân chưa thật sẵn sàng, nhưng hiểu rằng đó là việc làm đúng đắn, mà lãnh đạo kiên quyết thì công việc đổi mới vẫn sẽ thành công.
Kỳ 1: Không thành mãnh hổ vì "thu mình trong vỏ ốc"
Chúng ta đã có những thành công thấy rõ trong lĩnh vực kinh tế, kể từ khi thực hiện Đổi mới dưới ngọn cờ của Đảng. Tuy nhiên, nhìn vào bức tranh văn hóa thì không khỏi lo lắng ? Ông chia sẻ gì về sự bất cân xứng này ?
GS. TSKH. Trần Ngọc Thêm: Một số ngành, lĩnh vực đã bắt kịp và được hưởng thành quả từ công cuộc đổi mới do Đảng lãnh đạo nhưng một số ngành, lĩnh vực thì vẫn chưa bắt kịp luồng gió đổi mới. Vẫn còn nhiều chuyện khi nhìn vào không thể không lo ngại như: Tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm đã trở thành nỗi ám ảnh thường trực của mỗi gia đình; Tình trạng lộn xộn và quá tải trong các bệnh viện và trong giao thông đô thị trở thành nỗi khôn nguôi của số đông người dân;
Chuyện cải tiến rối như tơ vò của ngành giáo dục hay chuyện ứng xử thiếu văn hóa, tùy tiện chặt hàng ngàn cây xanh ở Hà Nội, lấp sông ở Đồng Nai cũng góp phần làm cho người dân thấy không hạnh phúc;
Tình trạng “bộ phận không nhỏ” cán bộ suy thoái đã phình to, diễn biến tinh vi và chuyện cải cách hành chính vẫn là mối lo có thực với bất kỳ ai trong chúng ta.
văn hóa, giao thông, người lãnh đạo, Việt Nam, kinh tế
Một nét văn hóa - lễ hội Đền Hùng.
Thực ra ở nước nào cũng có những cái được và những cái chưa được như mong muốn. Làm gì có quốc gia nào ‘toàn bích’ phải không?
GS. TSKH. Trần Ngọc Thêm: Đừng nghĩ rằng cái nhìn lạc quan thấy cốc nước còn một nửa sẽ tốt hơn cái nhìn bi quan thấy cốc nước đã vơi đi một nửa. Cả hai cách nhìn đều gây tác hại như nhau: Bi quan sẽ khiến người ta không có dũng cảm để chống lại cái xấu, còn lạc quan thì sẽ không thấy cái xấu mà đấu tranh. Nghiêm túc hơn cả phải là cái nhìn khoa học, khách quan, thấy sự vật, hiện tượng đúng như nó đang có.
Trong trường hợp Việt Nam, vấn đề càng không đơn giản như vậy. Những kinh nghiệm xây dựng kinh tế của phương Tây có thể giúp kinh tế của chúng ta phát triển nhất thời, nhưng do không dựa vào thực lực là tài nguyên con người nên phải trả giá bằng sự tàn phá môi trường và tài nguyên thiên nhiên.
Thoạt nhìn, cứ tưởng cả các nhà đầu tư nước ngoài lẫn giới quản lý, kinh doanh và nhân dân trong nước, ai cũng được hưởng lợi, song nghĩ kỹ sẽ thấy người mất, kẻ thiệt là con cháu chúng ta, khi phải tiếp quản một đất nước mà mọi thứ đều bị khai thác hết mức để phục vụ cho sự phát triển nóng hiện nay.
So với Việt Nam, sự phát triển của các nước phương Tây có ba điểm khác biệt rất quan trọng: Thứ nhất là họ khai thác tối đa tài nguyên thiên nhiên của các nước khác, thứ hai là họ sử dụng một cách rất hiệu quả các nhân tài (tài nguyên con người) của các nước khác do chính sách nhập cư mang lại, và thứ ba là họ bắt đầu đi vào toàn cầu hóa và hội nhập trên cơ sở đã có văn hóa - con người công nghiệp và đô thị hoàn chỉnh.
Tình hình của chúng ta thì ngược lại ở cả ba điểm. Trong tất cả những bất cập, nút thắt hiện nay, nguyên nhân thể chế chỉ chiếm một phần, phần nguyên nhân quan trọng còn lại nằm ở văn hóa như câu hỏi anh đã đặt ra cho tôi.
Xin giáo sư nói rõ hơn ý này?
GS. TSKH. Trần Ngọc Thêm: Để bác bỏ việc đổ lỗi hoàn toàn cho nguyên nhân thể chế, tôi chỉ cần nói rằng: Trung Quốc cùng thể chế với ta, tại sao quản lý xã hội tốt hơn ta? Họ đổi mới sau ta, tại sao lại vượt nhanh hơn ta? Trong khi đó, một loạt quốc gia khác thể chế chính trị như ta, cũng cứ tụt hậu, khó bứt lên được?
Còn về nguyên nhân ở văn hóa thì có thể nói rõ hơn, đó là vấn đề con người. Một xã hội làm sao phát triển nếu có số đông những con người quen sống dựa dẫm, chỉ thích cào bằng không muốn cho ai vượt lên hơn mình, không đủ bản lĩnh để dùng người tài, người giỏi; thích chăm lo cho lợi ích phe nhóm hơn là hợp tác vì lợi ích chung; quen ưa nịnh nọt và thích được khen hơn là nghe lời nói thẳng trái tai nghịch nhĩ; tầm nhìn tủn mủn vụn vặt quen đối phó một cách tùy tiện mà thiếu tác phong khoa học bài bản để nhìn xa; chưa thoát ra khỏi lối sống nông nghiệp - nông thôn để xây dựng một lối sống công nghiệp - đô thị…
Chính những thói xấu đó sẽ dẫn đến mọi sự tùy tiện, càng sửa càng hỏng.
Đã bao nhiêu năm nay chúng ta dành nhiều thời gian, phát động nhiều công cuộc nhằm xây dựng văn hóa, để “trồng” những con người sống có văn hóa….
GS. TSKH. Trần Ngọc Thêm: Nhưng cũng từng ấy năm, chúng ta mới chỉ dừng lại ở một số nét khái quát về đường lối, chủ trương chứ chưa cụ thể hóa chúng, càng chưa thực hiện chúng. Trong hai Chương trình hành động triển khai Nghị quyết 5 (khóa VIII, 1998) và Nghị quyết 33 (khóa XI, 2014), cả hai khái niệm “văn hóa” và “con người” đều ở dạng rất chung chung, chưa hướng cụ thể vào cái chúng ta cần.
Cái chúng ta cần là văn hóa phát triển, đưa xã hội tiến lên.
Theo ông, trước những bộn bề ngồn ngộn đó, chúng ta cần phải làm gì để có thể thoát khỏi ‘vết xe đổ’, để có thể nắm bắt kịp thời cơ và vận hội mới trước mắt?
GS. TSKH. Trần Ngọc Thêm: Nếu nhìn trong tổng thể thì vai trò quyết định thuộc về nhân dân, nhưng để không bỏ lỡ thời cơ thì vai trò quyết định thuộc về người lãnh đạo. Có phất được và sau đó có giữ vững được ngọn cờ hay không, hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực của những người lãnh đạo.
Ngay cả khi dân chưa thật sẵn sàng, nhưng hiểu rằng đó là việc làm đúng đắn, mà lãnh đạo kiên quyết thì công việc đổi mới vẫn sẽ thành công. Ví như chuyện đốt pháo hay chuyện đội nón bảo hiểm trước đây, tuy dân nhiều người không thích, nhưng lãnh đạo lúc ấy rất kiên quyết, và hai việc này đã thành công ngoài sức tưởng tượng. Rõ ràng là vai trò quan trọng nằm ở người đứng đầu.
Hơn bao giờ hết, đất nước chúng ta đang đứng trước nhiều cơ hội, thời cơ lớn mà không phải thời đại nào cũng có được, nhưng cũng kèm theo không ít thách thức. Nhìn tổng thể, có thể nói đây là thời cơ vàng để Việt Nam đi lên sánh vai với bè bạn năm châu như mong ước cháy bỏng của Bác Hồ và của muôn triệu người Việt Nam chúng ta!
Thưa ông, thực ra kinh tế và văn hóa là 2 tầng của cấu tạo cơ thể kinh tế - xã hội bất kỳ quốc gia nào. Cơ hội thành ‘mãnh hổ’ đã trôi qua là đáng tiếc, song ít nhất cũng cho chúng ta một bài học đáng tiếc nên cần mổ xẻ nghiêm túc để không còn bị tuột khỏi tầm tay lần nữa. Một lần nữa xin cám ơn ông vì đã dành thời gian cho Tuần Việt Nam.