I. HÀNH VI LỜI NÓI VÀ HÀNH VI VĂN BẢN
Trong lịch sử ngôn ngữ học, từ lâu người ta đã gán cho câu chức năng giao tiếp (x. , chẳng hạn: Reformatxkij 1967, tr. 30). Với sự hình thành ngôn ngữ học văn bản, người ta lại thừa nhận sự tồn tại của chức năng đó ở cả các đơn vị trên câu (đoạn văn/chỉnh thể trên câu, văn bản).
Đúng ra chỉ có văn bản – cái nằm ở cấp độ trên cùng của cấp hệ ngôn ngữ - là đơn vị duy nhất trực tiếp tham gia vào giao tiếp, có tính độc lập giao tiếp. Tất cả những đơn vị dưới nó muốn tham gia vào giao tiếp thì trước hết phải trở thành một bộ phận của văn bản hoặc, nếu đủ điều kiện, trở thành chính văn bản ( trong trường hợp này, trước mắt ta là hiện tượng “văn bản = đoạn văn” hoặc “văn bản = đoạn văn = câu”). Văn bản, và chỉ có văn bản, mới vừa là phương tiện giao tiếp vừa là chính đơn vị của giao tiếp.
Gắn chức năng giao tiếp cho câu là kết quả tất yếu của sự ngộ nhận coi câu là đơn vị ngôn ngữ cao nhất. Như ta đã biết do sự phức tạp của đối tượng cho nên trong lịch sử ngôn ngữ học đã hình thành truyền thống nghiên cứu các đơn vị ngôn ngữ theo con đường “ từ thấp đến cao”, “từ nhỏ đến lớn” ( quá trình quy mô hóa) ( Trần Ngọc Thêm 1985, tr. 10). Thành ra, cứ mỗi lần “phát hiện” ra một đơn vị cao hơn thì đơn vị đó lại trở thành “cao nhất” và có chức năng giao tiếp.
Truyền thống “từ nhỏ đến lớn” mạnh đến nỗi ngay cả L. El’mslev người đã nhận thức rõ sự cần thiết phải xuất phát từ văn bản trong việc khảo sát ngôn ngữ ( El’mslev 1960, tr. 273 ), cũng không đưa ra được những mẫu nghiên cứu nào theo cách thức này. Như một định mệnh, truyền thống “từ nhỏ đến lớn” bộc lộ cả trong việc nghiên cứu các “hành vi lời nói” (speech act). Do quan niệm rằng câu là đơn vị giao tiếp cho nên, khởi đầu, các hành vi lời nói được nghiên cứu ở dạng những câu riêng biệt ( x, vd: Searle 1969). Sau đó là bức tranh quen thuộc - các nhà nghiên cứu bắt đầu tìm cách “vượt ra khỏi giới hạn của một hành vi lời nói riêng biệt”: J. Searle đưa ra dấu hiệu “mối tương quan của hành vi lời nói với phần còn lại của văn bản” để phân loại các hành vi tại lời (Searle 1986, tr. 175); H.Isenberg coi hành vi lời nói như “cấu trúc mặt của câu” với các “mối liên kết văn bản” của nó (Dem’jankov 1986, tr. 226-230); T’ van Dijk 1981, tr 163-165, 198-201). Cuối cùng là sự xuất hiện của khái niệm “hành vi lời nói vĩ mô” (speech macro-act) (Dijk 1981, tr. 195, 236-238) và những công trình đầu tiên xem xét hành vi lời nói ở dạng những văn bản hoàn chỉnh (Pochepcov 1980; Matveeva 1984). Như vậy là trong lĩnh vực nghiên cứu hành vi lời nói ta lại thấy lặp lại quá trình quy mô hóa trong khi, hơn đâu hết, chính ở đây công việc nghiên cứu cần được tiến hành xuất phát từ văn bản như một sản phẩm trực tiếp của hành vi lời nói – một sản phẩm hoàn chỉnh và không phân chia.
Ở phạm vi văn bản, việc sử dụng thuật ngữ “hành vi lời nói” đã trở nên không chính xác, bởi lẽ thuật ngữ này gắn bó quá chặt chẽ với câu và với hành vi nói năng. Sẽ là chính xác hơn nếu ta dùng thuật ngữ “hành vi giao tiếp” cho trường hợp khái quát. Hành vi giao tiếp có thể định nghĩa như một sự tác động hoàn chỉnh, có tính chất cơ sở của người phát tin đối với người nhận tin thông qua sản phẩm ngôn ngữ. Tính chất hoàn chỉnh đòi hỏi hành vi này phải bao gồm cả việc phát và nhận thông báo. Tính chất cơ sở hạn chế hành vi này ở kích thước tối giản, ở sự tác động một lần một chiêu.
Sản phẩm ngôn ngữ của hành vi giao tiếp có hai loại – lời nói và văn bản. Văn bản là sản phẩm ngôn ngữ hoàn chỉnh ở cả ba bình diện – hình thức, cấu trúc và nội dung, còn lời nói thì thiếu sự hoàn chỉnh ở cả ba bình diện ấy. Sự khác biệt cơ bản này quy định những đặc trưng điển hình của từng loại: Dạng tồn tại điển hình của văn bản là dạng viết, của lời nói – dạng nói. Văn bản là sản phẩm điển hình của ngôn ngữ viết, còn lời nói là sản phẩm điển hình của ngôn ngữ nói. Như vậy, ta vẫn có thể gặp văn bản ở những dạng không điển hình: dạng nói (vd: báo cáo miệng) hoặc mang những đặc trưng của ngôn ngữ nói (vd: văn bản kịch). Cách hiểu như vậy về văn bản và lời nói tỏ ra thực tế hơn, có sức bao quát hơn đồng thời khắc phục được sự thô sơ và gây ra nhầm lẫn của quan niệm phổ biến cho rằng văn bản là tất cả những gì được viết ra và nó chỉ tồn tại ở dạng viết mà thôi (I. R. Gal’perin và những người khác).
Từ đây, ta có thể phân biệt hai loại hành vi giao tiếp. Nếu sản phẩm ngôn ngữ được thể hiện dưới dạng lời nói thì ta sẽ có hành vi giao tiếp lời nói, gọi tắt là hành vi lời nói. Còn nếu sản phẩm ngôn ngữ thể hiện dưới dạng văn bản thì ta sẽ có hành vi giao tiếp văn bản, gọi tắt là hành vi văn bản.
II. CÁC THÀNH TỐ CỦA HÀNH VI GIAO TIẾP. SỰ PHÂN ĐOẠN THÔNG BÁO CỦA NỘI DUNG
Cho đến nay, đã có khá nhiều mô hình giao tiếp khác nhau, với thành phần và số lượng các thành tố khác nhau (chẳng hạn, mô hình của R. Jakobson (1975, tr. 198) có 6 thành tố - người phát, người nhận, văn cảnh, thông báo, kênh tiếp xúc và mã; mô hình của I. P. Susov (1980, tr. 7) chứa 4 thành tố - người nói, người nghe, vật quy chiếu và văn bản v. v. ), song một số mô hình thỏa đáng với những thành tố thiết yếu thì dường như vẫn còn chưa có.
Tầm quan trọng hàng đầu trong hành vi giao tiếp thuộc về hai thành viên “người phát tin” P và “người nhận tin” N. Sự hình thành hành vi giao tiếp gắn liền với sự xuất hiện của nội dung tổng thể ở người phát tin.
“Nội dung tổng thể” là một hệ thống tinh thần tham gia vào hành vi giao tiếp và được cấu tạo từ những yếu tố tổ chức theo một cách thức nhất định tạo nên một thế giới khả hữu (hoặc bộ phận của nó) được phản ánh trong nhận thức của người phát tin. Thế giới khả hữu có thể là thế giới thực bên ngoài hoặc thế giới bên trong, thế giới cảm xúc, thế giới tư tưởng, thế giới tưởng tượng của người phát tin. “Thế giới khả hữu là thế giới không biết tới các hạn chế ngữ nghĩa” (Stepanov 1981. tr. 223-224). Nội dung tổng thể có tất cả các dấu hiệu của hệ thống tinh thần mà V. M. Solncev (1977. tr. 46) nêu ra.
Nội dung tổng thể được hình thành trên cơ sở vốn sống của người phát tin. “Vốn sống”[1] là hệ thống các kiến thức bách khoa có thể về thế giới (trong đó có bản thân mình) mà thành viên giao tiếp thu nhận được trong toàn bộ đoạn đời đã sống. Vốn sống của người phát tin (VSP) không khi nào được đưa vào toàn bộ nội dung tổng thể vì dung lượng vô cùng lớn của nó và vì khả năng thực tế trong việc phát và nhận tin của những người tham gia giao tiếp là có hạn.
Bản thân nội dung tổng thể cũng không bao giờ được thể hiện trọn vẹn một cách tường minh dưới dạng ngôn từ. Là một hệ thống tinh thần tham gia vào giao tiếp, nội dung tổng thể bao giờ cũng được “phân đoạn thông báo” thành hai phần – cái đã biết và cái mới[2]. Do tính chất “đã biết” của mình, cái đã biết thường không được thể hiện hoặc thể hiện không đầy đủ dưới hình thức ngôn ngữ tường minh. Nó (hoặc phần lớn nó) nằm trong vốn sống dưới dạng “tiền giả định văn bản”( hoặc “tiền giả định lời nói”). Như vậy với cách tiếp cận “đi từ trên xuống” ta có thể định nghĩa “tiền giả định” là bộ phận của cái đã biết không được thể hiện tường minh trong sản phẩm ngôn ngữ; nó là tiền đề cần thiết cho cho việc thuyết minh sản phẩm ngôn ngữ[3]. Phần được tách ra của nội dung tổng thể và được thể hiện tường minh trong sản phẩm ngôn ngữ chúng ta sẽ gọi là “nội dung ngữ nghĩa”.
Như vậy, việc phân đoạn nội dung tổng thể ra thành tiền giả định và nội dung ngữ nghĩa được tiến hành trên cơ sở đối lập “sự thể hiện/không thể hiện tường minh” dưới dạng ngôn ngữ của các bộ phận nội dung tổng thể. Theo kết quả thì sự phân chia này nhiều khi có thể trùng với sự phân đoạn giao tiếp (được tiến hành trên cơ sở đối lập tính đã biết/tính mới của các bộ phận nội dung tổng thể), song không đồng nhất với nó. Nghĩa là nội dung, ngữ nghĩa có thể chỉ chứa cái mới song nó cũng có thể chứa trong mình một bộ phận của cái đã biết (rõ hơn cả là những văn bản khoa học mở đầu bằng câu “Mọi người đều biết…”.
Lại nữa ở một số loại văn bản, không chỉ cái đã biết mà cả cái mới cũng có một số bộ phận không được thể hiện tường minh dưới dạng ngôn ngữ. Bộ phận của cái mới không được thể hiện tường minh trong sản phẩm ngôn ngữ ta sẽ gọi là “hàm ý”. Tóm lại ta có thể hình dung cơ cấu của tổng thể như sau:
Nội dung tổng thể
Cái đã biết
Cái mới
Tiền giả định
NỘI DUNG NGỮ NGHĨA
Hàm ý
Để có thể được “truyền đạt” tới người nhận tin, nội dung ngữ nghĩa như một hệ thống tinh thần cần được mô hình hóa bằng một hệ thống vật chất có bản chất ký hiệu mà điển hình là “sản phẩm ngôn ngữ” dưới dạng văn bản hoặc lời nói. Để tiến hành được công việc mã hóa này người phát tin cần có vốn ngôn ngữ. “Vốn ngôn ngữ” (VN) là một bộ phận tách ra từ vốn sống. Nó bao gồm tất cả các tri thức có thể có về ngôn ngữ (các ngôn ngữ). Đối với việc giao tiếp thì vốn ngôn ngữ là bộ phận đặc biệt quan trọng của vốn sống.
Người nhận tin sử dụng vốn ngôn ngữ của mình (VNn) để giải mã sản phẩm ngôn ngữ thu được. Anh ta lại dùng vốn sống của mình (VSn) để thuyết minh kết quả giải mã theo hướng phù hợp với các tiền giả định của nó. Kết quả là ở người nhận tin xuất hiện một nội dung ngữ nghĩa (Dn) – đó là một hệ thống tinh thần gần giống với hệ thống có ở người phát tin (Dp). Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp tốt nhất thì Dn cũng không thể trùng với Dp bởi lẽ nội dung ngữ nghĩa như một hệ thống như một hệ thống tinh thần không thể trực tiếp “truyền đạt” được, mà vốn sống của hai người khác nhau lại không bao giờ giống nhau. Đây chính là nguyên nhân của mọi thứ “hiểu lầm”. “Hiểu sai” và hiện tượng đa nghĩa văn bản không thể nào tránh khỏi (nhất là đối với các văn bản nghệ thuật).
Mô hình hành vi giao tiếp được trình bày ở hình 1. Để dễ bao quát và trực quan dễ thấy, trong mô hình này này đã sử dụng phép tách không gian trong một loạt trường hợp: tách vốn sống Vs ra khỏi thành viên giao tiếp, tách nội dung D và vốn ngôn ngữ VN ra khỏi vốn sống.
Từ mô hình gốc này có thể dễ dàng tách ra mô hình hành vi tạo văn bản (nửa phía trái), mô hình hành vi tiếp thu văn bản (nửa phía phải), mô hình hoạt động ngôn ngữ (nửa phía dưới).
Trong quan hệ đối với sản phẩm ngôn ngữ (văn bản, lời nói), tất cả thành tố còn lại của hành vi giao tiếp tạo thành “môi trường” của nó. Trong lý thuyết hệ thống thì khái niệm “môi trường” có nhiều cách lý giải khác nhau, song hợp lý hơn cả là cách hiểu môi trường như những mối liên hệ được tách ra của một hệ thống nhất định với thế giới xung quanh mà nếu thiếu chúng thì không thể khảo sát có hiệu quả hệ thống đang xét được (Sadovskij 1974, tr. 211-215). Vai trò của môi trường đối với hai loại sản phẩm ngôn ngữ là rất khác nhau. Nó đạt mức tối đa trong trường hợp sản phẩm ngôn ngữ là lời nói. Trong số các thành ngữ của môi trường văn bản thì quan trọng hơn cả là tiền giả định.
Cần lưu ý rằng tham gia trong một hành vi giao tiếp luôn luôn chỉ có hai thành viên - người phát tin và người nhận tin, mỗi thành viên đó có thể là đơn nhất hoặc tập thể. Tính tập thể không làm thay đổi đặc tính và chức năng của thành viên giao tiếp. Trường hợp khi người nhận tin, đến lượt mình lại trở thành người phát tin - ấy là một hành vi giao tiếp đã kết thúc và đã bắt đầu một hành vi giao tiếp mới. Như vậy, ranh giới của một hành vi giao tiếp được xác định bởi chính hai đặc tính cơ bản đã nêu trong định nghĩa của nó – tính cơ sở và tính hoàn chỉnh của qúa trình tác động từ người phát tin tới người nhận tin. Chính ở chỗ này nhiều nhà nghiên cứu đã mắc phải sai lầm, chẳng hạn M. M Bakhtin (1979, tr 246-248) đã phê phán F. D. Sausure về việc mô hình hành vi lời nói của ông này không tính đến tính đối thoại của giao tiếp, trong khi đó là điều vượt ra ngoài phạm vi của một hành vi lời nói.
Mô hình giao tiếp vừa trình bày cho phép miêu tả chính xác hơn và giải thích rõ hơn hoạt động của các hành vi văn bản và lời nói. Trên cơ sở này, có thể xác định được những điều kiện cần thiết cho việc giao tiếp có hiệu quả.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN
1. Reformatskij A. A. “Vvedenie v jazykoznanie”. – M. 1967.
2. Trần Ngọc Thêm. “Hệ thống liên kết văn bản tiếng Việt”. – H. Khoa học xã hội. 1985.
3. Searle J. R “Speech acts”. – Oxford: 1969.
4. Searle J. R. “Klassifikacsija illokutivnykh aktov”. – V kn: Novoe v zarubezhnoj lingvistike, vyp. 17. -M: 1986, s. 170-194.
5. Dem’jankov V Z. “Teorija rechevykh aktov” v kontekste sovremenoj zarubezhnoj lingvislicheskoj literatury. – Vkn: Novoe v zarubezhnoj lingvistike, vyp. 17- M: 1986, S, 223-224.
6. Dejk T. van. “Voprosy pragmatiki teksta”. V kn: Novoe v zarubezhnoj lingvistike, vyp. 8-M: 1978,S. 259-336.
7. Dijk T. A van. “Studies in the Pragmatics of Discourse”. – The Hague – Paris- N. Y: Mouton, 1981.
8. Pochepcov G. G. “Pragmatika teksta” – V kn: Kommunikativno – pragmatichestkiei semanticheskie funkeii rechevykhedinic – Kalinin: 1980, s. 5-11
9. Matveeva G. G. “Aktualizacija pramagticheskogo aspekta nauchnogo teksia”. – Rostov na Donu: 1984.
10. Jakobon R. “Lingvistika i poetika” – V kh: Strukturalism: “za” i “protiv”. – M: 1975. a. 193 – 230.
11. Susov I. P. “Semantika I pragmatika predlozbenij” – Kalinin: 1980
12. Stepanov Ju. S. “Imena, predikaty, predlozhenija”. – M: 1981.
13. Solncev V. M. “Jazyk kak stukturno – sistemno obrazovanie”. – M: 1977.
14. Nikolaeva T. M “Aktual’noe chleneie – kategorija grammatiki reksta = Vja, 1972, No 2. s. 48 -54
15. Juga now V. I. “Teskt I ego kommunikativnaja stuktura”. - Kalinin: 1983.
16. Sadovskij V. N. “Osnovanija obshej teorii sistem”. – M: 1984.
17. Bakhtin M. M. “Estetika slovesnogo tvorchestva”. - M: 1979.
[1] “Vốn sống” là thuật ngữ riêng của truyền thống ngữ văn Việt Nam. Nó thuận tiện và bao quát hơn so với các thuật ngữ hay dùng phổ biến hiện nay trong các tài liệu thế giới như “tri thức về thế giới” “tri thức bách khoa”, “thesaurus thông tin”. v. v. Nó lại dễ đối chiếu với thuật ngữ”vốn ngôn ngữ” mà chúng tôi sẽ dùng ở dưới.
[2] Giống như trong lý thuyết các đơn vị ngôn ngữ và lý thuyết hành vi lời nói, trong lý thuyết phân đoạn thực tại ta cũng gặp cách tiếp cận “từ dưới lên”: khởi đầu là “phân đoạn thực tại câu” và kết thúc là “phân đoạn thực tại văn bản”. Tuy nhiên, những công trình hiện có về phân đoạn thực tại văn bản (Nikolaeva 1972; Juganov 1983, tr. 14-25, v. v. ) thực chất mới chỉ đề cập đến chức năng văn bản của phân đoạn thực tại câu chứ chưa phải là phân đoạn thực tại văn bản theo đúng nghĩa của nó.
[3] Cách định nghĩa tiền giả định trình bày ở đây không giống những cách định nghĩa thường gặp, song sự khác biệt này chủ yếu là do cách tiếp cận “trên xuống” hay “dưới lên” chứ không động chạm đến bản chất của khái niệm này. Khi bàn về tiền giả định của những câu riêng biệt dưới góc độ dụng học văn bản, Van Dijk (1987, tr. 298) cũng đã từng đi đến nhận xét: “Tiền giả định - đó là hành vi chuyển đến sự kiện mà người nghe đã biết (giả định đã biết)”.
Nguồn: Tạp chí Ngôn ngữ