Chủ nhật, 02 Tháng 2 2014 15:53

Trần Ngọc Thêm: Đích của văn hóa là hạnh phúc của con người

  • ĐÍCH CỦA VĂN HÓA LÀ HẠNH PHÚC CỦA CON NGƯỜI
    (Phỏng vấn GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm)

  • Báo “Sinh viên Việt Nam”, xuân Giáp Ngọ 2014

    K.Hải - B.Phượng (thực hiện)

Gia dinh hanh phuc-1SVVN & Vanhoahoc.vn: Mỗi năm qua đi thường là dịp để mọi người cùng nhau “tổng kết” những mặt được và chưa được, đặt tiền đề cho sự đổi thay, hướng đến mục tiêu tích cực hơn trong chặng đường sắp tới. Trên tinh thần như vậy, GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm (ĐHQG Tp. HCM) đã có cuộc trao đổi thẳng thắn cùng “Sinh viên Việt Nam” xung quanh những nghiên cứu của ông về đặc trưng tính cách của người Việt trong giai đoạn hiện nay. Dưới đây là bài trả lời phỏng vấn với một số chỉnh sửa của người được phỏng vấn.

GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm: Đến những năm gần đây, tôi thấy người Việt vẫn duy trì được những tính tốt như tính linh hoạt, tính quân bình... nhưng cũng bộc lộ nhiều tính xấu như tính láu cá khôn vặt; tài xoay xở; thói dối trá, ích kỷ; vô cảm; thiếu bản lĩnh cá nhân, a dua; cào bằng... Tính xấu khá nhiều và tương đối nổi trội. Điều đó không có gì lạ vì xã hội đang phát triển. Đời sống những năm gần đây đã được cải thiện, do vậỵ, nguyên nhân chính dẫn đến việc tính xấu nổi trội, theo tôi, là do sự xung đột giữa hệ giá trị “truyền thống” với hệ giá trị mà chúng ta đang hướng tới – hệ giá trị đô thị - công nghiệp.

Sợ bị “ném đá” nhưng vẫn thích “hơn một chút”

* Có người cho rằng sự linh hoạt, giỏi ứng biến là một phẩm chất đặc trưng của người Việt. Phẩm chất này phải chăng rất hữu ích trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn kéo dài như hiện nay, thưa ông?

- Tôi nghĩ điều đó đúng. Những tính xấu của người Việt hiện đại, phần lớn đều liên quan đến tính linh hoạt: Tính láu cá, giỏi ứng biến cũng là do quá linh hoạt mà ra. Linh hoạt là đặc trưng nổi bật của văn hóa truyền thống Việt Nam. Tính cách của người Việt tựa như câỵ tre, gió thổi đến thì ngả xuống mà hết gió thì lại đứng thẳng lên. Mình vẫn là mình nhưng mình không quá cứng để mà bị tình thế bẻ gãy. Trong khi đó, văn hóa phương Tây lại khác hẳn. Họ có truyền thống lên kế hoạch, luôn tính toán kỹ lưỡng mọi thứ trước. Xã hội của họ luôn phát triển, đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm đảm bảo cho sự phát triển đó ít gây rối loạn; đồng thời yêu cầu phát triển khuyến khích sự năng động và vai trò của con người cá nhân.

Xã hội Việt Nam ta hiện nay đang ở giai đoạn chuyển tiếp giữa hai truyền thống văn hóa rất trái ngược nhau: Văn hóa làng xã (âm tính) và văn hóa đô thị (dương tính). Khi ta bắt đầu chuyển sang thời đại công nghiệp hóa, đô thị hóa, mở cửa, hội nhập thì làng xã dần chuyển sang đô thị và hướng theo đô thị. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của tập quán, thói quen nên khi vào đô thị, con người vẫn mang văn hóa làng xã vào theo. Điều ấy làm cho các yếu tố không phù hợp va đập vào nhau, dẫn tới xung đột, rồi phá vỡ hệ giá trị. Và nếu sự xung đột này còn tiếp diễn thì sẽ còn dẫn đến nhiều hệ lụy tai hại, nhất là việc coi thường kỷ cương, bất chấp pháp luật, tự hành xử theo ý của mình làm cho tình hình tội phạm sẽ ngày càng gia tăng hơn nữa.

*Trong quá trình nghiên cứu văn hóa học liên quan đến tính cách người Việt, phát hiện nào mà ông thấy tâm đắc nhất?

- Điêu tôi thấy tâm đắc nhất khi nghiên cứu tính cách nguời Việt là sự nhất quán có tính hệ thống về tính cách. Tính tốt nào đi với tính xấu nào đều có nguyên nhân. Bên cạnh tính linh hoạt, người Việt còn có tính tổng hợp, cũng xuất phát từ nền văn hóa nông nghiệp lúa nước. Nguời Việt, với đặc trưng âm tính, giống như một người phụ nữ, cùng lúc có thể làm được nhiều việc, có thể bao quát tốt nhưng cái gì cũng hờì hợt, đại khái. Đặc trưng này còn tồn tại đến tận hôm nay. Người Việt có thể làm được nhiều việc nhưng thường theo kiểu “đánh trống bỏ dùi”, “đẽo càỵ giữa đường”, không việc nào đến đầu đến đũa.

Một đặc trưng nổi bật khác là tính cộng đồng. Đặc điểm của cộng đồng làng xã là mọi người gắn bó, đoàn kết lại với nhau nhưng tính cộng đồng thân thiết, gắn bó với nhau này chỉ giới hạn trong phạm vi làng xã khép kín, mọi người qụen biết nhau, có quen biết thì có cộng đồng. Tôi thấy ở đây có sự mâu thuẫn khi người Việt vừa có tính cộng đồng, gắn bó, lại cũng vừa rất cá nhân, ích kỷ, bên ngoài cộng đồng của mình ra thì coi như không quen biết, không có trách nhiệm gì hết. Điều này cũng làm phát sinh nhiều hệ quả trong xă hội ngày nay. Khi mà bạn sống trong môi trường công nghiệp, đồng nghĩa với việc bạn sẽ bước ra khỏi môi truờng cộng đồng làng xã. Anh ra xã hội, anh gặp và tiếp xúc với toàn người lạ, thường lúc đó, anh chỉ biết lo việc của mình và vô cảm với người khác, anh thiếu trách nhiệm với xã hội. Tính cộng đồng cũng sinh ra tâm lý cào bằng, mọi người chỉ ngồi hàng ngang, dàn hàng ngang với nhau. Người có tài ở Việt Nam phải tìm cách giấu mình đi và nảy sinh ra tính khiêm tốn giả vờ. Họ không dám bộc lộ năng lực thật của mình vì sợ bị “đánh hội đồng”, sợ bị “ném đá”. Và vì cào bằng nên dần sinh ra căn bệnh “sĩ”. Vì sao? Vì sống trong cộng đồng, trong xã hội nên việc “anh ở đâu” nó quan trọng lắm. Mọi người cứ ngang hàng nhau nên ai cũng rất thèm được hơn người khác một chút. Đó chính là lý do vì sao nhiều người Việt cứ thích phô trương, thích “hơn một chút”, nhưng chỉ dừng ở mức “một chút” thôi để không bị “ném đá”.

Người Việt luôn muốn sự hài hòa nên sinh ra tính “ở giữa”. Nhìn lên thì chẳng bằng ai, nhìn xuống thì thấy không ai bằng mình... Tính tự hài lòng khiến người Việt ưa ổn định, dễ hài lòng nên mới có chuyện một số cuộc điều tra quốc tế gần đây ghi nhận Việt Nam là một trong những nước có chỉ số hạnh phúc cao, dù đời sống thì vẫn còn nhiều khó khăn.

Vì tính cách của người Việt có tính hệ thống cao, xấu - tốt thường đi cạnh nhau, có khi cái tốt nổi trội, có khi cái xấu lấn át, cái này nảy sinh cái kia và ngược lại, nên nó có thể có vai trò dự báo, định hướng cho chúng ta, để chúng ta biết mình cần phải bỏ đi tính cách xấu nào và giữ lại tính cách nào là tốt đẹp và phù hợp.

* Theo ông, giàu có hay nghèo khó liệu có quyết định đến “trình độ” văn hóa của một dân tộc?

Văn hóa không đo bằng trình độ tri thức, cũng không đo bằng sự giàu có hay nghèo khó về kinh tế. Một dân tộc rất giàu có thể có văn hóa rất nghèo hoặc ngược lại. Bản thân nền văn hóa Việt Nam cũng là một nền văn hóa đậm đặc. Cái đích mà văn hóa hướng tới không phải là kinh tế, là sự giàu có, đích của văn hóa chính là sự ổn định của xã hội và hạnh phúc của con nguời. Văn hóa phải khiến con người sung sướng hơn và hạnh phúc hơn. Người ta có thể không giàu, kinh tế đủ ăn thôi nhưng người ta cần thấy có hạnh phúc.

* Những phẩm tính văn hóa của người Việt như chúng ta đang thấy sẽ thúc đẩy (là chinh) hay cản trở (là chính) sự hội nhập quốc tế của đất nước và cần phải điều chỉnh theo hướng nào, thưa ông?

- Theo tôi, những đặc tính xấu phát triển và trở nên phổ biến gần đây đang cản trở là chính bởi chúng ta đang ở trong giai đoạn có sự xung đột, có sự mâu thuẫn rất lớn giữa hệ giá trị truyền thống nông thôn - nông nghiệp với hệ giá trị mới mà chúng ta đang hướng tới là hệ giá đô thị - công nghiệp - kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập. Văn hóa truyền thống là văn hóa đẹp, văn hóa tốt, nhưng nó chỉ phù hợp với xã hội truyền thống mà xã hội ấy thì đang dần bị phá bỏ, bị giải cấu trúc. Trong xã hội Việt Nam giờ đây đầy rẫy những người nông dân khoác áo đô thị. Việc làm thì giống người đô thị nhưng cách hành xử, cách suy nghĩ... thì vẫn bị ảnh hưởng của tư tưởng tiểu nông. Linh hoạt nhiều khi trở thành tùy tiện. Người Việt ở đâu cũng xoay xở với đủ loại mánh khóe.

Bạn bè thế giới cung cấp cho ta những bài học quan trọng, bổ ích nhưng chúng ta không thể áp dụng máy móc theo mô hình nào. Vì mỗi nền văn hóa, trong đó có văn hóa của chúng ta, đều là một hệ thống giá trị đặc sắc, không giống bất cứ một nền văn hóa nào hết. Chúng ta phải dựa trên cơ sở của mình để giữ lại những phẩm chất cần thiết, loại bỏ những tính cách xấu không phù hợp với thời đại mới – thời đại của những công dân công nghiệp. Đừng là những người tiểu nông chỉ biết mục tiêu trước mắt.

Người trẻ: Nghị lực là quan trọng nhất

* Công việc của ông vốn rất gần gũi với giới trẻ, ông thấy giới trẻ ngày nay thế nào?

- Tôi thấy hiện đang có không ít người trẻ Việt sống thiếu bản lĩnh, sống “nhạt”. Họ vẫn bị xã hội và những xu huớng chi phối quá nhiều. Những người Việt trẻ sống trong cộng đồng, ỷ được cha mẹ trợ cấp, cộng đồng đùm bọc... nên thiếu nghị lực và quyết tâm để làm đến cùng những việc mình mong muốn. Các bạn lợi thế hơn chúng tôi là cuộc sống cho các bạn rất nhiều lựa chọn nhưng không quá nhiều bạn đủ khôn ngoan để lựa chọn đúng. Thời chúng tôi, cuộc sống không có nhiều lựa chọn nhưng bản thân mỗi người đều xác định phải sống, làm việc và nỗ lực hết mình. Theo tôi thì thời nào cũng vậy, nghị lực của người trẻ là quan trọng nhất.

* Trong một nghiên cứu gần đây, ông công bố là có đến 80% sinh viên mắc tật dối trá. Nếu chỉ nhìn vào con số này thì thấy thật đáng quan ngại. Phải chăng, không thể đặt niềm tin vào những người trẻ?

- Vâng, theo kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục thì tỷ lệ nối dối cha mẹ tăng theo lứa tuổi: ở học sinh cấp I là 22%, cấp II là 50%, cấp III là 64% và sinh viên là 80%. Cuộc điều tra này đã được thực hiện từ năm 2008; cuối tháng 9-2013 tôi có dẫn lại trong báo cáo trình bày tại Hội thảo “Thực trạng văn hoá học đường và nhu cầu giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trung học” do Sở Giáo dục - Đào tạo Lâm Đồng phối hợp với công ty Bước Tiến Mới tổ chức tại Đà Lạt. Và những con số này (được báo Tuổi trẻ trích đưa tin rồi các báo mạng khác loan truyền rằng đó là kết quả nghiên cứu của tôi) đã khiến dư luận và các bậc cha mẹ giật mình hoang mang lo lắng về sự tác động của xã hội, sự thay đổi môi trường, điều kiện sống đối với sự phát triển tâm lý của con em mình.

Tuy nhiên, đó là sự thực. Căn bệnh nói dối được hình thành là cả một quá trình. Chúng ta không quá khó khăn để nhận ra sự dối trá lan tràn nhiều nơi. Từ thi cử gian dối, bệnh thành tích trong nhà trường (học sinh dốt cỡ nào rồi cuối năm cũng được điểm 8-9 và lên lớp, tỷ lệ tốt nghiệp phổ thông năm nào cũng cao ngất ngưởng) đến cân điêu nói thách ở ngoài chợ; thanh minh, đổ thừa khi có !ỗi; nạn phong bì, chạy chọt ngoài xã hội... Sự dối trá phổ biến đến mức, “người lớn” thường quên đi rằng mình đang nói dối, ai cũng nghĩ mình là người 100% thật thà. Khi bị bắt gặp nói dối, họ luôn có đủ lý do để tự biện bạch. Cứ như thế, năng lực nói dối được tích lũy dần cùng với sự trưởng thành của những đứa trẻ. Đừng hoảng sợ và phê bình sinh viên nói dối nhiều, chính “người lớn” chúng ta còn nói dối nhiều hơn cả sinh viên.

Về vấn đề này, tôi đã có riêng một bài trả lời phỏng vấn PV báo Trí thức trẻ ngày 24-11-2013 nhan đề “Mổ xẻ nguyên nhân 80% sinh viên Việt Nam nói dối”.

* Còn về văn hóa đọc thì sao, thưa ông? Kiến thức đứng ở vị trí nào trong thời đại công nghệ thông tin - truyền thông phát triển vượt bậc như ngày nay?

- Không đọc thì không được, không đọc sẽ “chẽt đói”; nhưng đọc nhiều quá cũng không nên, vì đọc nhiều quá sẽ “bội thực”. Đọc là cần thiết, nhưng cần thiết hơn là việc “tiêu hóa” những kiến thức đã đọc được. Nhiều người có thói quen đề nghị tôi giới thiệu một cuốn sách mà tôi thích nhất. Xin thưa rằng không có một cuốn sách nào có thể trở thành cẩm nang hay chiếc đũa thần để thay đổi cuộc đời ta. Hãy tự đọc, tự tìm hiểu và suy nghĩ. Mỗi người đều có những nhu cầu đọc khác nhau, và bạn cần biết trong thời điểm hiện tại mình đang cần gì để có được những lựa chọn đọc cho phù hợp nhất. Và đọc bây giờ không chỉ là đọc sách giấy mà đọc trên mạng cũng là đọc. Nhiều người thấy doanh số báo giấy, sách giấy giảm đi đã vội la làng lên rằng văn hóa đọc đi xuống. Văn hóa đọc quả có phần đi xuống, nhưng không phải về số lượng mà là về một phần chất lượng, khi thanh thiếu niên có xu hướng ngại đọc văn chương, mà thay vào đó là truyện tranh. Việc đó sẽ làm tâm hồn của chúng ta nghèo nàn cằn cỗi đi rất nhiều.