Thứ bảy, 19 Tháng 1 2013 16:50

Ngữ dụng học và văn hóa - ngôn ngữ học

  • NGỮ DỤNG HỌC
    VÀ VĂN HÓA - NGÔN NGỮ HỌC

  • GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm
    (Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh)

    Bài đăng trên t/c Ngôn ngữ, số 4-1999, tr. 32-37.

Bài viết bàn về quan hệ của ngôn ngữ học với văn hóa học và vị trí của phân môn “văn hóa - ngôn ngữ học” trong hệ thống các bộ môn ngôn ngữ học.



I- VĂN HÓA - NGÔN NGỮ HỌC QUANH TA VÀ TRONG TA
Ngôn ngữ học là một khoa học có mối quan hệ mật thiết với rất nhiều ngành khoa học khác. Những năm qua, mối quan hệ này đã đẻ ra hàng loạt bộ môn khoa học giáp ranh như ngữ dụng học, xã hội - ngôn ngữ học, tâm lý - ngôn ngữ học, triết - ngôn ngữ học, lôgic - ngôn ngữ học…

Sự quan tâm ngày càng lớn của nhân loại trong mấy chục năm gần đây tới văn hóa đã làm sản sinh ra một ngành khoa học hiện đang phát triển rất mạnh mẽ là văn hóa học. Mà văn hóa và ngôn ngữ lại là hai đối tượng đặc biệt, chúng là chất keo gắn kết các thành viên của một dân tộc với nhau, chúng làm nên tính đặc thù của dân tộc đó, do vậy mà chúng có mối quan hệ với nhau rất mật thiết. Mảng vấn đề “ngôn ngữ và văn hóa” đã từng được quan tâm từ lâu trong giới giáo viên sinh ngữ (bởi lẽ học một thứ tiếng cũng tức là học nền văn hóa của ngôn ngữ đó); trên cơ sở này, người ta đã xây dựng nên môn đất nước học (stranovedenie) ở Nga (Vereshagin-Kostomarov 1983) hay ngôn ngữ học xuyên văn hóa (cross-cultural linguistics) ở các nước phương Tây. E.D. Hirsch trẻ thì nói đến xóa mù văn hóa (cultural literacy) trong giảng dạy (Hirsch 1987).

Tuy nhiên, quan hệ của văn hóa và ngôn ngữ không chỉ có thế. Ở Nga và các nước phương Tây, các vấn đề nhân cách ngôn ngữ, bức tranh ngôn ngữ về thế giới, ngôn ngữ và con người, ngôn ngữ và việc mô hình hóa các hoạt động xã hội, ngôn ngữ và nhân học… đã được quan tâm thảo luận từ mấy chục năm nay. Ở Trung Quốc, Nhật Bản các nghiên cứu về mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa cũng rất được chú ý.

Ở Việt Nam, một số bài viết lâu nay về lý thuyết giao tiếp, nghi thức lời nói, từ vựng - ngữ nghĩa, lịch sử ngôn ngữ… thực chất đã bàn đến quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa. Năm 1992, tại Hội thảo quốc gia Việt Nam: những vấn đề ngôn ngữ và văn hóa do Hội ngôn ngữ học Việt Nam và Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội tổ chức, chúng tôi đã nêu vấn đề “Đi tìm ngôn ngữ của văn hóa và đặc trưng văn hóa của ngôn ngữ” (Trần Ngọc Thêm 1993) và từ đó đến nay đã góp phần xây dựng thành công môn học Cơ sở văn hóa Việt Nam trong chương trình giảng dạy đại học (Trần Ngọc Thêm 1998a). Cũng từ khoảng thời gian này, nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài ngành ngôn ngữ học đã ngày càng thấy rõ tầm quan trọng của mối liên hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa. Trong chương trình đào tạo cao học và nghiên cứu sinh của Trường ĐH KHXH&NV thuộc Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, đã hai năm nay chúng tôi phụ trách hướng dẫn môn học chuyên đề “Ngôn ngữ và văn hóa” (Trần Ngọc Thêm 1997a) – môn học này đã giúp học viên làm sáng tỏ khá nhiều điều trong việc triển khai các công trình nghiên cứu của mình ở các lĩnh vực khác nhau của ngôn ngữ học.

Không khí văn hóa - ngôn ngữ học bao trùm quanh ta đã lâu, không những thế, tinh thần văn hóa - ngôn ngữ học còn tồn tại ngay trong chính bản thân ta và mỗi nghiên cứu ngôn ngữ học của ta nữa. Thực tế đó cho thấy đã đến lúc ở Việt Nam cần chính thức thành lập một môn học mới, giáp ranh giữa ngôn ngữ học và văn hóa học với tên gọi ngôn ngữ học văn hóa (cultural linguistics) hoặc văn hóa - ngôn ngữ học (culturolinguistics).

II- VỊ TRÍ BỘ MÔN VĂN HÓA - NGÔN NGỮ HỌC

Văn hóa - ngôn ngữ học, cũng như xã hội - ngôn ngữ học, tâm lý - ngôn ngữ học… có mối liên hệ rất mật thiết với ngữ dụng học, bởi lẽ tất cả chúng đều nghiên cứu mối quan hệ giữa các ký hiệu ngôn ngữ với người sử dụng chúng. Hơn thế nữa, nếu xem ngôn ngữ như một hệ thống ký hiệu và ngôn ngữ học như một bộ phận của ký hiệu học thì ngữ dụng học sẽ là một lĩnh vực bao trùm, nó chứa đựng trong mình ba loại tri thức sau:

a)Các môn học vẫn được xem là nội dung điển hình của ngữ dụng học mới xuất hiện những năm gần đây như lý thuyết hàm ngôn, lý thuyết giao tiếp, lý thuyết hội thoại, lý thuyết lập luận…

b)Các môn học được xem là thuộc lĩnh vực truyền thống của ngôn ngữ học nhưng thực ra chính là thuôc ngữ dụng học vì chúng có đối tượng là mối quan hệ giữa các ký hiệu ngôn ngữ và người sử dụng chúng như phong cách học, tu từ học…

c)Các môn học liên ngành như xã hội - ngôn ngữ học, tâm lý - ngôn ngữ học, ngôn ngữ học thần kinh… Thuộc số này sẽ có cả văn hóa - ngôn ngữ học.

Phát triển quan điểm mà chúng tôi đã trình bày trong bài Cách nhìn hệ thống về bức tranh các bộ môn ngôn ngữ học ở giai đoạn hiện tại đăng trong tạp chí Ngôn ngữ số 2-1990, vị trí của môn văn hóa - ngôn ngữ học trong mối quan hệ với những môn khác của ngữ dụng học và trong hệ thống các bộ môn ngôn ngữ học nói chúng thể trình bày trong sơ đồ sau (xem sơ đồ 1).

Có thể nói rằng ngữ dụng học với nội dung bao gồm những môn học chỉ liên quan đến ngôn ngữ và người dùng chúng – nhóm (a) và (b) trong ba nhóm vừa nêu – là ngữ dụng học theo nghĩa hẹp; còn ngữ dụng học bao gồm cả những tri thức liên ngành – tức là bao gồm cả ba nhóm môn học (a)-(b)-(c) – là ngữ dụng học theo nghĩa rộng. Như vậy, văn hóa - ngôn ngữ học là bộ môn khoa học thuộc lĩnh vực ngữ dụng học theo nghĩa rộng.

Mối quan hệ như vậy giữa ngữ dụng học với có thể được trình bày như trong sơ đồ 2.
Sơ đồ 2

KÝ HIỆU HỌC
KẾT HỌC
NGHĨA HỌC
DỤNG HỌC
NGÔN NGỮ HỌC
Ngữ kết học
Ngữ nghĩa học
Ngữ dụng học
Ngữ âm học
Ngữ pháp học
Ngữ nghĩa học từ vựng
Ngữ nghĩa học cú pháp
Ngữ nghĩa học văn bản
Lý thuyết hội thoại
Lý thuyết hàm ngôn
Phong cách học…

Khoa học giáp ranh

Toán - ngôn ngữ học
Ngôn ngữ học máy tính
Lôgic - ngôn ngữ học
Văn hóa - ngôn ngữ học
Xã hội - ngôn ngữ học
Tâm lý - ngôn ngữ học
KHOA HỌC liên quan
Toán học
Tin học & công nghệ thông tin
Lôgic học
Văn hóa học
Xã hội học
Tâm lý học

Các sơ đồ này, ngoài việc định vị văn hóa - ngôn ngữ học, còn có tác dụng giúp ta sắp xếp lại “kho tài sản” ngôn ngữ học cho đến nay đã quá phong phú và bừa bộn của mình. Tất nhiên, vai trò của chúng chỉ là định hướng; chúng tuyệt nhiên không phải là những sơ đồ cứng nhắc, nhất thành bất biến. Danh sách các bộ môn nêu ở các sơ đồ này chỉ mang tính gợi ý chứ không phải là một danh sách đóng kín. Mặc dù chúng tôi đã cố gắng bóc tách và phản ánh trong sơ đồ những bộ môn đa ngành, đa lĩnh vực, nhưng thực tế bao giờ cũng phong phú hơn mọi hệ thống, sơ đồ. Song không thể vì sự phong phú và đa dạng này của thực tế mà phủ nhận các hệ thống,sơ đồ… bởi lẽ bản thân khoa học không phải là cái gì khác mà chính là sự mô hình hóa, sơ đồ hóa, hệ thống hóa (cũng có nghĩa là đơn giản hóa) hiện thực. V.I.Lênin đã nhận xét: “Con người không thể nắm được = phản ánh = miêu tả đúng được giới tự nhiên một cách đầy đủ như là chỉnh thể, trong tính “chỉnh thể trực tiếp” của giới tự nhiên; tất cả cái mà con người có thể làm được là đi gần mãi đến đó, bằng cách tạo ra những trừu tượng, những khái niệm, những quy luật, tạo ra một bức tranh khoa học về vũ trụ…” (Bút ký triết học, toàn tập, tập 29, tr. 202).

III- ĐỐI TƯỢNG CỦA VĂN HÓA - NGÔN NGỮ HỌC
Văn hóa - ngôn ngữ học, với tư cách của một bộ môn khoa học giáp ranh, có đối tượng là tất cả các hiện tượng liên quan đồng thời tới cả hai ngành ngôn ngữ học và văn hóa học. Tùy theo phạm vi của các loại hiện tượng này mà ta có thể phân biệt hai nhóm lớn:

A- Văn hóa - ngôn ngữ học trong phạm vi một dân tộc

1.Văn hóa - ngôn ngữ học lịch sử với vấn đề tính cách và nguồn gốc văn hóa dân tộc. Điều rất rõ ràng là mỗi dân tộc có một hệ thống tính cách (thói hay và tật xấu) riêng, và cũng rõ ràng là chúng gắn với những quá trình hình thành và phát triển khác nhau của nền văn hóa dân tộc, song lý giải chúng như thế nào thì vẫn là vấn đề nan giải của văn hóa học. Cứ liệu văn hóa - ngôn ngữ học lịch sử chắc chắn sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc làm sáng tỏ vấn đề này.

2.Văn hóa - ngôn ngữ học từ vựng. Ngôn ngữ nào cũng có rất nhiều những nhóm từ vựng đặc thù do những đặc trưng tự nhiên và xã hội quy định: chẳng hạn, văn hóa Việt Nam là văn hóa thực vật và nông nghiệp điển hình nên, đối với tiếng Việt, rất quan trọng là những nhóm từ chỉ thực vật và các loại thực vật đặc thù (tiếng Việt có hàng mấy chục từ khác nhau để chỉ các giai đoạn phát triển, các bộ phận, các loại cây lúa, cây tre…); Việt Nam lại là vùng sông nước nên nhóm từ sông nước và những cách nói liên quan đến sông nước đóng một vai trò rất quan trọng trong đới sống ngôn từ Việt (xem Trần Ngọc Thêm 1997b, tr. 419-429; Trần Ngọc Thêm 1998b); nông nghiệp Việt Nam là nông nghiệp trồng lúa nước, ruộng phải chia nhỏ và có rất nhiều bờ nhỏ để giữ nước nên không thể cơ giới hóa được, chính vì vậy mà nhóm từ chỉ cách thức vận chuyển bằng sức người (mang, vác, gánh, khiêng…) cực kỳ phát triển…

3.Văn hóa - ngôn ngữ học ngữ âm, ngữ pháp. Sự khác biệt ngữ âm của các ngôn ngữ thuộc các loại hình văn hóa khác nhau. Biểu hiện của các đặc trưng văn hóa trong lĩnh vực ngữ âm. Khả năng của các đặc trưng ngữ âm trong việc chỉ ra các đặc thù văn hóa. Nhận diện văn hóa (quê quán, dân tộc…) qua những đặc điểm ngữ âm. Sự khác biệt ngữ pháp của các ngôn ngữ thuộc các loại hình văn hóa khác nhau. Biểu hiện của các đặc trưng văn hóa trong lĩnh vực ngữ pháp. Khả năng của các đặc trưng ngữ pháp trong việc chỉ ra các đặc thù văn hóa.

4.Văn hóa - ngôn ngữ học giao tiếp. Lĩnh vực giao tiếp nói chung và giao tiếp ngôn ngữ nói riêng luôn luôn là một lĩnh vực mang tính đặc thù rất cao của mọi nền văn hóa. Chẳng hạn, đối với người Việt, đó là tính thích giao tiếp và rụt rè; khuynh hướng lấy tình cảm làm đầu trong quan hệ giao tiếp; thói quen thích tìm hiểu đối tượng giao tiếp; thói trọng danh dự đặc biệt của chủ thể giao tiếp; lối ưa tế nhị, ý tứ, vòng vo trong thái độ giao tiếp; sự phong phú và tinh tế đặc biệt của hệ thống nghi thức giao tiếp (xưng hô, chào hỏi, cảm ơn, xin lỗi, chửi mắng…) (Trần Ngọc Thêm 1977b, tr. 307-316). Trong khi đó thì người phương Tây không ưa quá vồn vã nhưng giao tiếp rất mạnh bạo, ghét tò mò, nói năng trực khởi, không thích vòng vo, hệ thống nghi thức rõ ràng, chặt chẽ, đơn giản. Văn hóa phương Tây trọng động, người phương Tây coi trọng thời gian nên các ngôn ngữ có hệ thống thời - thể rất phát triển, hệ thống nghi thức chào hỏi phân biệt theo thời gian (chào buổi sáng, trưa, chiều, tối…); còn người Việt Nam không có nhu cầu phân biệt thời - thể, nhưng do trọng tình nên lại có hệ thống nghi thức chào hỏi phân biệt theo tình cảm (chào bác, chào ông, chào anh, chào em…).

B- Văn hóa - ngôn ngữ học trong phạm vi nhiều dân tộc

5.Nghệ thuật ngôn từ với loại hình ngôn ngữ và văn hóa. Có hàng chục cách để phân loại các ngôn ngữ trên thế giới, và, cũng như vậy, có hàng chục cách khác nhau để phân loại các nền văn hóa trên thế giới. Và hiển nhiên là phân loại ngôn ngữ và văn hóa theo nguồn gốc không trùng với kết quả phân loại chúng theo loại hình và theo khu vực địa lý. Song, dễ thấy rằng trên những nét cơ bản nhất thì những cách phân loại này có khá nhiều chỗ gặp nhau (ví dụ, hai loại hình ngôn ngữ đơn lập và biến hình về cơ bản là tương đương với hai loại hình văn hóa gốc nông nghiệp và gốc du mục mà chúng tôi đã xác định và với hai khu vực phương Đông và phương Tây). Sự gặp gỡ này quyết không phải là tình cờ. Từ mối quan hệ giữa loại hình ngôn ngữ và văn hóa, ta sẽ thấy mối liên hệ rất thú vị với nghệ thuật ngôn từ của mỗi dân tộc. Chẳng hạn, đối với ngôn ngữ và văn hóa Việt, đó là khuynh hướng ưa mực thước, hài hòa (âm dương) trong văn hóa và tính ưa cân đối nhịp nhàng trong ngữ âm và ngữ pháp; khuynh hướng trọng tình cảm trong văn hóa và tính biểu cảm từ vựng và ngữ pháp (dẫn đến số lượng và vai trò đặc biệt lớn lao của các từ láy); tính động, linh hoạt trong văn hóa với loại ngữ pháp ngữ nghĩa mà trong đó từ hư đóng vai trò đặc biệt, khuynh hướng thích dùng danh từ hơn động từ, cấu trúc chủ động hơn cấu trúc bị động…). Trong khi đó thì văn hóa và ngôn ngữ phương Tây ưa rõ ràng và dứt khoát trong quan hệ, duy lý trong ứng xử, nguyên tắc chặt chẽ trong lối sống và trong ngữ pháp, thích dùng danh từ, cấu trúc bị động… (Trần Ngọc Thêm 1977b, tr. 316-325).

6.Tiếp xúc ngôn ngữ và tiếp biến văn hóa. Vấn đề giao thoa ngôn ngữ dưới ánh sáng của giao lưu văn hóa. Vấn đề tiếp biến văn hóa (acculturation) trong văn hóa và đồng hóa, dị hóa (assimilation, dissimilation) trong ngôn ngữ (không chỉ trong lĩnh vực ngữ âm!). Vấn đề dịch thuật dưới ánh sáng của những tương đồng và dị biệt văn hóa.

7.Đa ngôn ngữ và đa văn hóa ở những quốc gia có sự đa dạng trong thống nhất (các dân tộc có cùng cội nguồn) và ở những quốc gia đa dạng mà không thống nhất (các dân tộc có nguồn gốc khác nhau). Các vấn đề phương ngữ, thổ ngữ, song ngữ, ngôn ngữ quốc gia.

8.Văn hóa - ngôn ngữ học và phương pháp dạy tiếng. Việc giảng dạy và học tập ngoại ngữ với đối tượng là những học viên nước ngoài xuất thân từ những loại hình ngôn ngữ và văn hóa khác nhau.

9.Văn hóa và ngôn ngữ dân tộc với vấn đề toàn cầu hóa. Trong khuynh hướng toàn cầu hóa kinh tế và truyền thông hiện nay, vấn đề ngôn ngữ quốc tế trong quan hệ với khuynh hướng bảo tồn ngôn ngữ và văn hóa dân tộc trở thành đối tượng quan tâm của hầu hết mọi dân tộc – đó là nhiệm vụ của ngành văn hóa - ngôn ngữ học.

IV- BỘ MÁY KHÁI NIỆM VÀ PHƯƠNG PHÁP TIẾP CẬN
CỦA VĂN HÓA - NGÔN NGỮ HỌC

Văn hóa - ngôn ngữ học là một khoa học giáp ranh giữa ngôn ngữ học và văn hóa học nên tất yếu là bộ máy khái niệm của nó được hợp nhất từ bộ máy khái niệm của cả hai ngành. Do có nhiều nét tương đồng nên mặc dù phát triển độc lập, nhưng ngôn ngữ học và văn hóa học có khá nhiều thuật ngữ thống nhất hoặc gần tương đương, ví dụ như đa ngôn ngữ & đa văn hóa, song ngữ & song văn hóa, biểu trưng ngôn ngữ & biểu trưng văn hóa, tiếp xúc ngôn ngữ & giao lưu văn hóa, giao thoa ngôn ngữ & giao lưu văn hóa; đồng hóa, dị hóa trong ngôn ngữ & tiếp biến văn hóa trong văn hóa…

Tương tự, phương pháp tiếp cận của văn hóa - ngôn ngữ học tất yếu cũng phải bao gồm phương pháp tiếp cận của cả hai ngành văn hóa học và ngôn ngữ học. Tuy nhiên, đặc biệt quan trọng đối với văn hóa - ngôn ngữ học là các phương pháp so sánh đối chiếu, phương pháp hệ thống - cấu trúc, phương pháp thống kê, phương pháp mô hình hóa và phương pháp điều tra…

Văn hóa - ngôn ngữ học là một bộ phận của ngữ dụng học nhưng so với ngữ dụng học, văn hóa - ngôn ngữ học có những nét đặc thù đáng kể mang tính phương pháp luận mà khi tiếp cận cần phải đặc biệt chú ý.
Văn hóa mang tính dân tộc nên văn hóa - ngôn ngữ học luôn chú ý đến những hiện tượng đặc thù, trong khi đó thì những hiện tượng mà ngữ dụng học miêu tả thường mang tính phổ quát, ở ngôn ngữ nào cũng có. Chẳng hạn, hàm ý hội thoại, lối nói vòng… dưới con mắt của các nhà ngữ dụng học là những hiện tượng chung cho mọi ngôn ngữ, nhưng dưới góc độ văn hóa - ngôn ngữ học có thể thấy ngay rằng trong ngôn từ của các dân tộc có truyền thống văn hóa nông nghiệp phương Đông, hiện tượng này đóng vai trò quan trọng hơn nhiều so với trong ngôn từ của các dân tộc phương Tây và, do vậy, chúng chính là nét đặc thù của các ngôn ngữ này.
Ngữ dụng học xem xét mối quan hệ giữa các ký hiệu ngôn ngữ với người sử dụng chúng (người phát tin, người nhận tin, tình huống giao tiếp…) như chúng vốn có, thiên về miêu tả các hiện tượng ngôn ngữ, còn đối với văn hóa - ngôn ngữ học thì mối quan tâm hàng đầu phải là việc lý giải các hiện tượng ngôn ngữ. Chẳng hạn, văn hóa - ngôn ngữ học cho biết rằng, do các dân tộc nông nghiệp sống thiên về cộng đồng, coi trọng tình, luôn đặt tình cảm lên trên hết thảy (trên lý, trên lợi…) nên sinh ra lối nói năng coi trọng ý tứ, tế nhị, vòng vo tam quốc, còn các dân tộc phương Tây thì coi trọng cá nhân, duy lý, ưa dứt khoát, rạch ròi nên vai trò của lối nói hàm ý, vòng vo thấp hơn nhiều.


Trên đây là vài nét phác thảo chân dung của một môn học mới có quan hệ mật thiết với ngữ dụng học mà chắc chắn là trong một tương lai không xa sẽ giữ một vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu cũng như đào tạo ngôn ngữ học.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN
1.Lênin V.I. 1981: Bút ký triết học, Toàn tập, tập 29. – M., NXB Tiến bộ.

2.Trần Ngọc Thêm 1990: Cách nhìn hệ thống về bức tranh các bộ môn ngôn ngữ học ở giai đoạn hiện tại. – Tạp chí Ngôn ngữ, số 2, tr. 34-39.

3.Trần Ngọc Thêm 1993: Đi tìm ngôn ngữ của văn hóa và đặc trưng văn hóa của ngôn ngữ. – In trong : Việt Nam: Những vấn đề ngôn ngữ và văn hóa. - HN, Hội Ngôn ngữ học Việt Nam xuất bản, 1993, tr. 9-16 và Tạp chí khoa học xã hội (Viện KHXH tại Tp. Hồ Chí Minh), số 18, 1993, tr. 45-54.

4.Trần Ngọc Thêm 1997a: Ngôn ngữ và văn hóa (chương trình đào tạo cao học và tiến sĩ). – ĐH KHXH&NV Tp. Hồ Chí Minh.

5.Trần Ngọc Thêm 1997b: Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam (in lần thứ 2). - NXB Tp. HCM, 684 tr.

6.Trần Ngọc Thêm 1998a: Cơ sở văn hóa Việt Nam. – H., NXB Giáo dục (in lần thứ 2).

7.Trần Ngọc Thêm 1998b: Vai trò của nước trong truyền thống văn hóa Việt Nam và Đông Nam Á. – Tạp chí văn hóa - nghệ thuật, số 8, tr. 66-72.

8.Âåðåùàãèí Å.Ì., Êîñòîìàðîâ Â.Ã. 1983: ßçûê è êóëüòóðà. Ì., Ðóññêèé ÿçûê.

9.Hirsch Jr. E.D. 1987: Cultural literacy (What Every American Needs to Know). – Boston, Houghton Miflin Co.