Chủ nhật, 30 Tháng 11 2014 05:08

Tuần VN trao đổi với GS. Trần Ngọc Thêm về người Việt và con đường phát triển của VN

  • TUẦN VN TRAO ĐỔI VỚI GS. TRẦN NGỌC THÊM VỀ NGƯỜI VIỆT VÀ CON ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN CỦA VN

  • Duy Chiến (thực hiện)

Vanhoahoc.vn- Liên tiếp trong hai ngày 26 và 27-11-2014, Vietnam.net và TuanVietnam đã đăng loạt bài do PV Duy Chiến thực hiện, trao đổi với GS. Trần Ngọc Thêm về mối quan hệ giữa tính cách người Việt và con đường phát triển của VN. Trong sự so sánh thường trực với văn hóa Trung Hoa và phương Tây, GS.

Thêm đã chỉ ra bản chất âm tính đậm đặc của văn hóa Việt, người Việt. Chất âm tính đó từng phát huy mặt mạnh của mình trong việc giữ gìn bản sắc dân tộc và giữ nước, nhưng hiện nay nó đang là nguyên nhân cơ bản kìm hãm sự phát triển. Với một truyền thống văn hóa "ưa được nịnh", "thích được khen", nhưng lại sợ phê bình và tự phê bình, sẽ không thể có "văn hóa từ chức", không thể có sự tiến bộ. Chính bởi vậy mà ta đã bỏ lỡ nhiều cơ hội lớn từ sau Đại hội 6 năm 1986... Muốn phát triển, phải thoát khỏi cái vòng kim cô âm tính ấy.

Bài 1: Người Việt ưa nịnh, thích 'dìm': Tác hại đến đâu?

26/11/2014 02:00 GMT+7

LTS TuanVietnam: Vừa qua, "Đại tướng quân Hai lúa" trở thành đề tài được bàn luận sôi nổi. Mặc dù đây chỉ là một câu chuyện nhỏ, nhưng từ đó đã gợi ra rất nhiều điều khiến chúng ta suy ngẫm, liên quan đến việc vì sao những sáng tạo, thay đổi, cải cách của VN vẫn còn gặp nhiều rào cản và chậm bước so với đòi hỏi của thời đại.

Chẳng hạn, so với các quốc gia láng giềng trong khối ASEAN, như Myanmar, Campuchia, Lào, thì Việt Nam đổi mới sớm nhất. Nhưng sau cú đột phá ngoạn mục vào năm 1986, chúng ta lại rơi vào trì trệ, hiện nay nhiều người đã cảnh báo về nguy cơ tụt hậu...

Nguyên nhân văn hóa căn cốt ẩn sau những vấn đề ấy chính là chủ đề của cuộc trò chuyện của Tuần Việt Nam với GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, Viện sĩ Viện hàn lâm Khoa học tự nhiên Nga, Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng Trường Đại học KHXH&NV thuộc ĐHQG-HCM. Những câu trả lời của ông xoay quanh một lý giải được ông khái niệm hóa là "Văn hóa âm tính".

 

GS-TSKH Trần Ngọc ThêmẢnh: Phạm Thành Long/ Documentary.vn

"Biến đổi từ từ"

Thưa Giáo sư, là người có nhiều năm nghiên cứu văn hóa VN, xin ông đưa ra một nhận định tương đối khái quát vì sao những thay đổi của chúng ta thường diễn ra khó khăn và chậm hơn so với đòi hỏi bức thiết của thực tế?

GS.TSKH Trần Ngọc Thêm: Tôi đã có quá trình nghiên cứu khá lâu về câu hỏi nhức nhối này và đi đến kết luận rằng văn hóa VN có đặc điểm là biến đổi từ từ, không có đột biến, trừ trường hợp có ảnh hưởng hay tác động có yếu tố bên ngoài như cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 hay công cuộc Đổi mới năm 1986. Giờ tôi xin nhắc lại để trả lời cho câu hỏi của anh.

Xuất phát từ đâu VN lại có đặc điểm văn hóa như vậy, thưa ông?

GS.TSKH Trần Ngọc Thêm: Năng lực hành động và năng lực tư duy bắt đầu từ văn hóa. Nói cách khác, văn hóa là cái gốc rễ của dân tộc. Phải hiểu sâu hơn về cội nguồn gốc rễ đó thì mới lý giải được mọi chuyện, mọi vấn đề đặt ra, mọi vấn nạn mà chúng ta đang thấy.

Theo phân loại của tôi, nền văn hóa Việt Nam của chúng ta thuộc loại âm tính, mang những đặc trưng khác hẳn những nền văn hóa dương tính. Văn hóa âm tính giống như tính cách của người đàn bà, thích sự ổn định và luôn hướng tới sự ổn định, rất ngại mọi sự thay đổi. Văn hóa dương tính thì ngược lại, giống tính cách người đàn ông, mạnh mẽ, quyết liệt, hay thay đổi, ghét sự trì trệ, nhàm chán, v.v.

Khi nghiên cứu chúng ta tách ra chứ kỳ thực trong mỗi sự vật, hiện tượng, con người... đều có phần âm và phần dương, cái khác nhau là ở chỗ mặt nào trội hơn mà thôi.

Điều kiện tự nhiên là nguồn gốc của văn hóa. Thiên nhiên khác nhau thì kinh tế cũng sẽ khác nhau, từ đó văn hóa ắt cũng sẽ khác nhau. Các dân tộc có truyền thống mưu sinh bằng nông nghiệp trồng trọt là âm tính; trong đó nông nghiệp lúa nước thuộc loại âm tính nhất. Các dân tộc sống bằng chăn nuôi, du mục thuộc loại dương tính.

Trên thế giới mênh mông này chỉ có Đông Nam Á là cái nôi của nền nông nghiệp lúa nước. Trồng trọt phụ thuộc vào thiên nhiên nhiều hơn chăn nuôi, trồng lúa nước thì mức độ phụ thuộc cao nhất. Sự phụ thuộc khiến người ta trở nên thụ động. Và cũng chính vì vậy mà nơi này có nền văn hóa âm tính nhất.

Đông Bắc Á và phương Tây là những vùng đồng cỏ, thảo nguyên mênh mông, con người thời cổ sống bằng kinh tế du mục, khiến con người phải luôn phải rong ruổi, di chuyển. Điều này tác động đến lối suy nghĩ, dần dần hình thành kiểu văn hóa dương tính, đối lập với văn hóa âm tính của chúng ta.

Văn hóa Việt - Trung: Giống nhau chỉ trên bề mặt

Nhiều công trình nghiên cứu trong và ngoài nước khẳng định văn hóa VN chịu ảnh hưởng rất sâu rộng bởi nền văn minh Trung Hoa, yếu tố cùng thể chế cũng chi phối sự ảnh hưởng này. Quan điểm của ông ra sao?

GS.TSKH Trần Ngọc Thêm: Nhìn bề ngoài thì đúng là như thế, nhưng nếu chỉ dừng ở cảm nhận bề ngoài thì ta sẽ chỉ có được những nhận xét cảm tính, phiến diện rất đáng tiếc vì không đi vào bản chất gốc của sự việc! Văn hóa luôn là "mục tiêu, động lực và nền tảng của sự phát triển" cho nên dù có sự tương đồng về thể chế thì VN và TQ vẫn khác nhau rất nhiều.

Trên cơ sở nghiên cứu tài liệu, cũng như qua quan sát thực địa tại nhiều địa phương khác nhau của TQ, tôi thấy rất rõ rằng những sự giống nhau tuy nhiều nhưng thuộc về tầng mặt, trong khi những sự khác nhau thì nằm ở tầng sâu, rất căn bản.

Một bên là văn hóa âm tính điển hình như VN, một bên là loại hình văn hóa trung gian "vừa có âm vừa có dương" và có những giai đoạn mặt dương có phần trội hơn như TQ thì làm sao giống nhau hoàn toàn được. Chỉ có thể có những ảnh hưởng do tiếp xúc giao thoa, còn do có cái gốc nền rất khác nhau nên bản chất cũng khác nhau.

Tính trung gian này của văn hóa TQ thể hiện rất rõ trong lĩnh vực tổ chức xã hội. Trong khi xã hội phương Tây luôn biến động nên coi trọng cá nhân, Đông Nam Á ưa ổn định, ít biến động nên coi trọng làng xã thì Đông Bắc Á ở giữa, coi trọng gia đình.

Cụ thể là thế nào, thưa giáo sư?

GS.TSKH Trần Ngọc Thêm: Văn hóa âm tính xuất phát từ nông nghiệp lúa nước nên có sức mạnh tập thể rất cao. Chính nhu cầu thu hoạch mùa màng, bảo vệ cuộc sống đã buộc mọi người phải chung tay, phải có mối liên kết ràng buộc chặt chẽ.

Tương tự như vậy, khi có ngoại xâm là bị đẩy vào thế cùng, sức mạnh tập thể của văn hóa âm tính, sức mạnh làng xã sẽ trỗi lên chống lại. Lúc ấy cả nước như một.

Đặc trưng rõ nhất của văn hóa VN là vai trò cao của cộng đồng làng xã - đơn vị tế bào của xã hội Việt Nam. Từ làng ra đến nước, tạo nên mô hình Làng - Nước. Trong suốt chiều dài của lịch sử, TQ đô hộ ta cả ngàn năm, đánh chiếm ta bao nhiêu lần mà ta không mất nước là nhờ việc cái gốc văn hóa Việt nằm ở làng chứ không phải ở đô thị.

Quan quân TQ cai trị chỉ có thể đưa đến ở các đô thị chứ không thể kiểm soát hết nông thôn, nên không thể tiêu diệt hay đồng hóa được văn hóa Việt. Và do văn hóa làng quá mạnh nên cứ mỗi khi quân xâm lược rút đi thì văn hóa làng lại tấn công trở lại đô thị, kéo đô thị trở về với văn hóa làng. Đây là đặc trưng rất Việt, khác biệt với nhiều quốc gia khác có nền văn hóa thiên về dương tính mà tại đó, đô thị luôn có lực hút kéo nông thôn biến đổi theo thành thị.

Trong những cuộc đối đầu với các cuộc xâm lăng, chất âm tính mạnh của văn hóa làng xã ấy đã phát huy tác dụng, giúp cho VN dù có trải qua hàng ngàn năm lệ thuộc cũng không bị ảnh hưởng của đô thị lôi kéo, kết quả là không bị văn hóa ngoại bang đồng hóa.

Trong khi đó,trong văn hóa TQ và các nước Đông Bắc Á, do làm nông nghiệp lúa cạn, trồng kê mạch, không cần liên kết lớn ở quy mô làng xã nên đơn vị cơ bản của xã hội là gia đình. Từ gia đình (nhà) ra đến nước, tạo nên mô hình Quốc gia - Nhà nước.

Đặc trưng của gia đình là tôn ti trật tự, có trên có dưới. Ra xã hội cũng vậy, "trên bảo thì dưới phải nghe" là nguyên tắc tối thượng. Nó khác với VN ta ngày xưa là "phép vua thua lệ làng", hay ngày nay là hiện tượng "trên bảo dưới không nghe", "thủ kho to hơn thủ trưởng", v.v...

Bởi vậy mà trong văn hóa TQ, ý chí luận rất mạnh. Họ có thể làm được những việc "kinh thiên động địa" như xây Vạn lý Trường thành thời Tần Thủy Hoàng, hay "chiến dịch diệt chim sẻ" vào những năm 1958-1962 khiến cho sau đó châu chấu tràn ngập phá nát mùa màng và kéo theo nạn đói lớn làm cho nhiều người chết đói.

Văn hóa TQ hướng đến cái tuyệt đối, cực đoan kiểu "đội đá vá trời", "Ngu Công dời núi", "Tinh Vệ lấp biển", "toàn dân làm gang thép", "toàn dân diệt chim sẻ". Trong khi văn hóa VN do thiên về âm tính nên hướng đến sự dung hòa theo triết lý âm dương. Theo đó, làm cái gì cũng hướng tới mục tiêu "vừa phải", không thấp quá nhưng cũng đừng cao quá, "trông lên thì chẳng bằng ai, trông xuống chẳng ai bằng mình".

Xe bọc thép mới do cha con ông Trần Quốc Hải chế tạo. Ảnh: TTO

Tư duy "vừa phải", ưa khen ngợi

Đứng từ góc độ này thì có thể thấy hai nền văn hóa rất khác nhau về bản chất. Vậy tư duy "vừa phải" mà ông vừa nói tác động đến ta thế nào - trong tính cách cá nhân, cộng đồng, xã hội...?

GS.TSKH Trần Ngọc Thêm: Tư duy "vừa phải" là đặc điểm cố hữu của người nông dân Việt. Thấy ai khó khăn thì mọi người xung quanh xúm lại giúp cho vươn lên, đó là mặt tốt đẹp. Nhưng ngược lại, nếu thấy có ai vươn lên cao hơn thì mọi người cũng thường xúm lại, cùng nhau kéo xuống, để về sau không ai còn dám nghĩ đến chuyện nổi trội lên nữa!

Ở VN ta, những người tài giỏi xuất sắc trong một cơ quan hay bị dèm pha, đố kỵ. Mà ở đời thì anh nào giỏi, làm nhiều thì hay có sai nhiều. Do "ghen ăn tức ở" (hiện nay lớp trẻ gọi tắt là thói GATO) và tâm lý muốn giữ lấy cái sự ổn định, bình yên cho mình mà người ta sẽ săm soi, bới móc thổi phồng, biến cái lỗi nhỏ thành to, thậm chí đặt điều nói không thành có.

Khi cả tập thể đã xúm vào "trị" anh giỏi mà lãnh đạo lại non tay thì ông ta sẽ không bảo vệ người giỏi nữa và ngả theo số đông. Đó là một lý do lớn khiến nhiều người phải từ bỏ môi trường nhà nước, hoặc thậm chí ra nước ngoài tìm đất phát triển khả năng.

Với tư duy "vừa phải" như thế, ở VN không thể có những công trình vĩ đại như Vạn lý Trường thành, Kim tự tháp hay Angkor. Những cái kỳ vĩ đó chỉ có thể là sản phẩm của lối tư duy tuyệt đối theo kiểu văn hóa dương tính, đối lập với tư duy "vừa phải" của ta.

Mặt khác, văn hóa âm tính giống như người phụ nữ, thường chỉ thích nghe và tin là thật những lời khen nịnh. Vì vậy mà người VN ta thường không thích bị chê, kiểu "Tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại", "Đừng vạch áo cho người xem lưng". Có ai đụng đến khuyết tật gì của mình là lập tức thanh minh thanh nga, tìm cách trốn tội, "đá quả bóng sang chân người khác".

Cả hệ thống quản lý nếu không tỉnh táo, sáng suốt, thì cũng bị nền văn hóa âm tính này chi phối và phạm phải những quyết định sai lầm.

Chẳng hạn, mấy năm qua có một tổ chức quốc tế thường khảo sát các giá trị ở các quốc gia qua thăm dò dư luận. Khi họ công bố kết quả rằng VN là đất nước có chỉ số hạnh phúc cao vào loại gần nhất thế giới thì chỗ nào cũng phấn khởi đưa tin, lên tiếng phụ họa. Nhưng khi cũng chính tổ chức này công bố kết quả rằng ngành nọ ngành kia của Việt Nam do tham nhũng, đút lót nhiều mà có chỉ số hài lòng thấp thì ngay lập tức, tổ chức đó bị phản ứng.

Với một truyền thống văn hóa "ưa được nịnh", "thích được khen", nhưng lại sợ phê bình và tự phê bình đến như thế, nếu không tự thay đổi từ gốc rễ mà cứ đòi hỏi tiến bộ, đòi hỏi "văn hóa từ chức"..., thì vẫn chỉ là mơ mộng mà thôi!

(Còn nữa)

Duy Chiến (thực hiện)

Bài 2: Làm thế nào VN có 'những cú thay đổi ngoạn mục'?

27/11/2014 01:30 GMT+7

LTS:"Văn hóa âm tính", đặc tính "biến đổi từ từ" chi phối ra sao đến sáng tạo, đổi mới tại VN? Làm sao khắc phục điều này?... Đó là nội dung Phần 2 cuộc trò chuyện của Tuần Việt Nam với GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, Viện sĩ Viện hàn lâm Khoa học tự nhiên Nga, Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng Trường Đại học KHXH&NV thuộc ĐHQG-HCM.

 

GS. TSKH Trần Ngọc Thêm - Ảnh: Phạm Thành Long/ Documentary.vn

Mặt trái của sự ổn định kéo dài

Ở phần trước, GS đã bàn đến những tác động của tư duy "vừa phải" đến tính cách cá nhân, cộng đồng, xã hội. Ở tầm vĩ mô hơn, tác động của nó ra sao đến bộ máy, cơ chế vận hành đất nước?

GS.TSKH Trần Ngọc Thêm: Xuất phát từ tư duy "vừa phải", nền văn hóa âm tính luôn hướng tới sự ổn định. Ổn định là đứng yên, mọi sự thay đổi, phát triển đều bị chống lại, bị kìm hãm. Và cả một bộ máy, cả cơ chế đều hướng tới sự ổn định, phục vụ và gìn giữ cho sự ổn định đó. Cái mới xuất hiện thường bị dị ứng, bị xem là "có nguy cơ mất ổn định" rất cao.

Muốn phát triển thì phải có đột phá, thay đổi hiện trạng, và phải có người giỏi để làm việc này. Nhưng như tôi đã nói, văn hóa âm tính của ta sẽ "kéo" người giỏi nào muốn nổi trội lên. Và toàn bộ người Việt chúng ta đều thấm nhuần đức khiêm tốn, coi đó không chỉ là đạo đức mà còn là cách sống.

Các nền văn hóa dương tính như phương Tây không như vậy. Họ được giáo dục sự trung thực, nói về mình như mình thực có. Họ quan niệm tự cao tuy có thể vấp ngã, nhưng sau vấp ngã sẽ học kinh nghiệm mà đi lên, còn khiêm tốn thì không.

Ai cũng ngại thay đổi, xáo trộn. Vì vậy, khi chọn người chẳng hạn, người ta sẵn sàng "bầu" cho người không có gì đặc sắc nhưng được cái là lúc nào cũng vui vẻ, xởi lởi, hòa đồng với mọi người, ai nói gì cũng gật.

Dường như đặc tính thích "ổn định" này cũng chi phối lớn đến quan niệm về tài năng và cách sử dụng người tài ?

GS.TSKH Trần Ngọc Thêm: Cũng vì thích sự ổn định nên người VN thường thích người dễ bảo, biết nghe lời. Trong gia đình thì thích "con ngoan", biết vâng lời chứ không phải biết sáng tạo. Còn trong nhà trường thì muốn "trò giỏi", nhưng "giỏi" ở đây phải hiểu là học thuộc bài, làm văn cũng phải theo văn mẫu của thầy cô đưa ra.

Cho nên người VN với bản tính linh hoạt chỉ giỏi sáng tạo vặt, biến báo kiểu Trạng Quỳnh, thích ăn may kiểu Trạng Lợn, nói dóc kiểu Ba Phi, còn sáng tạo kiểu làm máy bay, tầu ngầm, chế tạo xe tăng thì nhẹ sẽ bị coi là "có vấn đề".

Với nền giáo dục như thế này thì làm sao đào tạo cho ra những những nhà phát minh, nhà bác học, nhà văn hóa lỗi lạc?

Trong quản lý xã hội, nhiều lãnh đạo ở các cấp đều thường chọn cấp phó, người giúp việc thấp hơn mình từ một đến vài "cái đầu". Người ta cho rằng làm như thế thì mới đảm bảo "ổn định", trước hết là "ổn định" vị trí của mình.

Cách làm đó vô hình trung đã tạo nên một "cơ chế loại bỏ người tài" ra khỏi bộ máy. Thậm chí trong xã hội cũng không có đất cho họ dụng võ vì những ràng buộc đạo đức, pháp luật luôn chống lại nguy cơ làm "mất ổn định".

Nghe ông nói tôi không khỏi liên hệ đến những câu chuyện "Đại tướng quân" hay phát minh, sáng chế "Hai lúa" được nhắc đến rất nhiều gần đây?

GS.TSKH Trần Ngọc Thêm: Phải, với những đặc điểm tôi đã phân tích, không có gì ngạc nhiên khi thấy những sáng chế, phát minh hay sáng kiến cải tiến khoa học kỹ thuật trong nước ít khi được quan tâm, ngược lại có khi còn bị o ép.

Như chuyện ông Phan Bội Trân ở TP.HCM bỏ tiền của, trí tuệ công sức ra chế tạo tàu ngầm mi-ni mà phải "lên bờ xuống ruộng" khi cho chạy thử nghiệm...

Như chuyện ông “Hải máy bay” chế tạo xe tăng cho Campuchia, có thể có vị Bộ trưởng sẽ trả lời rằng việc này là do "cơ chế bên Campuchia thoáng hơn ở ta... Và ta không có nhu cầu sửa chữa xe quân sự vì đã có đơn vị chuyên môn làm rồi". Điều này có thể đúng. Nhưng nó cũng đồng thời cho thấy nền văn hóa âm tính luôn kìm hãm sáng tạo, dị ứng với thay đổi đã chi phối mạnh mẽ đến mức nghiệt ngã vào hệ thống quản lý xã hội.

Nguy cơ của nền văn hóa âm tính vô cùng lớn nếu không biết phát huy mặt mạnh và khắc phục những mặt trái của nó, thoát ra khỏi "vũng lầy ổn định" của nó.

Không thể "cứ từ từ" mãi

Theo GS, chắc phải có giải pháp nào cho "căn bệnh" âm tính, truyền thống biến động từ từ của chúng ta chứ?

GS.TSKH Trần Ngọc Thêm: Nghiên cứu lịch sử, tôi nhận thấysự "biến động từ từ" như một quy luật ấy có thể thúc đẩy cho nhanh hơn lên nếu có được sự kết hợp ở những mức độ khác nhau của ít nhất 3 trong số 4 điều kiện: (1) Cuộc sống của toàn dân chúng rơi vào (hoặc gần như rơi vào) tình trạng đặc biệt khó khăn, bế tắc; (2) Có một vị minh quân, minh chúa, tức một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, sáng suốt, tận tâm tận lực vì dân; (3) Có một cú hích từ bên ngoài và (4) Mỗi người nhìn ra xung quanh thấy người khác khá hơn mình và bản thân mình có nhu cầu thay đổi hiện trạng.

Trong đó, điều kiện 1 thuộc về văn hóa vật chất - mưu sinh; điều kiện 2 thuộc về văn hóa chính trị; điều kiện 3 thuộc về ngoại lực; điều kiện 4 thuộc về văn hóa tính cách, tinh thần.

Cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trường hợp đột biến nhờ hội tụ ở mức rất cao ba điều kiện đầu: 1/ Cuộc sống của dân chúng dưới thời thực dân, phát xít Nhật rơi vào bước đường cùng, hàng triệu người chết đói. 2/ Cái tên "Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh" có sức mạnh như một lời hiệu triệu thu hút quần chúng. 3/ Chiến tranh thế giới kết thúc, Nhật đầu hàng Đồng minh vô điều kiện.

Công cuộc Đổi mới năm 1986 là một trường hợp đột biến khác cũng hội đủ cả ba điều kiện đầu, nhưng ở mức thấp hơn: 1/ Cuộc sống kinh tế của cán bộ nhân dân ba miền ở mức rất khó khăn. 2/ Tổng bí thư Trường Chinh là một nhà lãnh đạo có uy tín và tận tâm tận lực vì dân. 3/ Công cuộc Cải tổ (Perestroika) của Liên Xô cũng vừa lúc bắt đầu.

Nếu nói về "cú hích từ bên ngoài" thì hiện nay VN đang có rất nhiều đấy chứ, thưa GS? Chẳng hạn VN hiện đang là thành viên của nhiều tổ chức lớn trên thế giới và khu vực như WTO, AFTA, NAFTA, v.v... tất cả đều yêu cầu ràng buộc VN phải cải cách, cải tổ theo hướng chung của thế giới?

GS.TSKH Trần Ngọc Thêm: Đúng là VN đang có những tác động bên ngoài, nhưng chúng chưa đủ sức tạo nên những thay đổi mang tính đột biến. Ta đã bỏ lỡ nhiều cơ hội lớn từ sau Đại hội 6 năm 1986.

Những năm 1990 là thời mà chính sách Mở cửa đã bắt đầu phát huy tác dụng, đời sống một bộ phận dân chúng khá lên đã kích thích toàn xã hội hừng hực, hứng thú làm giàu. Giai đoạn này, ngoài 3 điều kiện đầu cho sự phát triển đột biến của VN mà chúng tôi đã nói ở trên, điều kiện thứ 4 là "Mỗi người nhìn ra xung quanh thấy người khác khá hơn mình và bản thân mình có nhu cầu đó" đã hiện hữu ở mức cao.

Tuy nhiên, bước sang những năm 2000, dễ quan sát thấy rằng xã hội VN đã không còn sự phấn đấu hăng say như những năm 1990 nữa, dù VN đã hội nhập nhiều hơn, sâu rộng hơn với thế giới. Một bộ phận đáng kể trong cán bộ và dân chúng thấy rằng mình đã thoát khỏi tình trạng cùng cực và đã chuyển sang được trạng thái "trông lên thì chửa bằng ai, nhưng trông xuống thì chẳng ai bằng mình" nên đã hài lòng mà chững lại.

 

Một tướng lĩnh Campuchia bên chiếc xe thiết giáp do cha con ông Hải chế tạo hoàn chỉnh. Ảnh: LĐO

Cần một hệ giá trị mới

Vào thế kỷ 17, 18 tiếp xúc với văn minh phương Tây, chúng ta cũng có cơ hội cải cách rất lớn giống như Nhật Bản. Tự Đức là vị vua thông minh, có tài, có năng lực và tầm nhìn song vẫn thất bại, trong khi Nhật hoàng lúc ấy là cậu bé 3 tuổi mà cuộc cải cách của Nhật lại thành công. Chúng ta có thể rút ra kinh nghiệm gì từ thất bại này?

GS.TSKH Trần Ngọc Thêm: Khu vực Đông Bắc Á vốn thuộc loại hình trung gian chuyển tiếp. Văn hóa của Nhật có độ dương tính cao nhất trong số các quốc gia ở đây nên người Nhật không làm thì thôi, còn khi đã nhận thức ra thì họ làm tới nơi tới chốn. Trong lịch sử, họ thường có cách làm là tiếp thu cái mới rồi đóng cửa lại thẩm thấu, sửa chữa, nâng cấp rồi phát huy.

Trước kia, Nhật đã từng tiếp nhận văn hóa Trung Hoa theo cách như thế. Rồi khi người Nhật phát hiện họ thua châu Âu, họ bắt tay cải cách ngay. Từ "thoát Á luận" cho đến "thoát Á, nhập Âu", người Nhật đã đề ra mục tiêu nhận thức rất rõ ràng, thoát hẳn khỏi cái cũ, nhập hẳn vào cái mới chứ không lơ lửng (mặc dù khi thực hiện thì họ vẫn biết giữ lại bản sắc văn hóa truyền thống Nhật Bản). Bên cạnh vua Minh Trị, cả dân tộc Nhật, cả nền văn hóa đều cùng chung mục đích và quyết tâm nên họ tiếp thu và cải cách thành công.

Còn chúng ta, do thuộc loại hình văn hóa âm tính cho nên trong khi vua Tự Đức và vài nhân vật khác có tầm nhìn rộng và xa hơn nên thấy được nhu cầu cần thoát, nhưng lại bị số đông bảo thủ kiềm xuống, lôi kéo trở lại. Cả triều đình không muốn thoát thì một mình vua và số ít người có tư tưởng canh tân cũng không làm được gì hơn.

Một nền văn hóa âm tính đậm đặc, với những con người lúc nào cũng chỉ lo "ổn định" luôn có một lực lượng bảo thủ không cho phép phái cấp tiến làm gì tới nơi tới chốn.

Bởi vậy mà VN rất khó có thoát ra được hoàn cảnh mà ta bị đặt vào, để có được những cú thay đổi ngoạn mục như Nhật Bản hay Hàn Quốc là các quốc gia Đông Bắc Á thuộc loại hình văn hóa trung gian. Dù có bậc minh quân mà nếu chưa hội đủ cả 4 điều kiện như tôi đã đề cập thì cũng rất khó.

Với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ thông tin, cả thế giới ngày nay trở thành một ngôi nhà chung. Ắt rằng, chúng ta sẽ còn có nhiều "cú hích" tác động vào. Vậy theo GS, để tận dụng thời cơ quốc tế hóa cao độ như hiện nay, chúng ta phải làm gì nhằm tạo được sự thay đổi đột phá mạnh mẽ cho kịp với các nước?

GS.TSKH Trần Ngọc Thêm: Từ những điều trình bày trên, có thể thấy rất rõ nguyên nhân sự trì trệ sâu xa là nằm trong văn hóa và con người. Chính bởi vậy mà Nghị quyết 33 của Hội nghị Trung ương 9 khóa XI đã đặt vấn đề "xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước".

Nhưng chỉ Nghị quyết không thôi thì chưa đủ. Để xây dựng và phát triển văn hóa - con người thì cần phải thay đổi hệ giá trị. Thực ra, hệ giá trị VN tự nó đang biến động rất mạnh. Vấn đề là cần sớm nhận thức được xu hướng biến động, góp phần điều chỉnh và định hướng sự thay đổi đó từ tự phát thành tự giác, theo hướng có lợi nhất, để tạo nên sự phát triển đột biến một cách sớm nhất.

Trong một đề tài thuộc Chương trình KH & CN trọng điểm cấp Nhà nước mà tôi đang làm chủ nhiệm, chúng tôi nghiên cứu và phân tích kỹ sự biến động của hệ giá trị VN trong quá trình chuyển đổi từ văn hóa làng xã đến văn hóa đô thị, từ văn hóa nông nghiệp đến văn hóa công nghiệp, từ văn hóa khép kín đến văn hóa trong thời kỳ toàn cầu hoá và hội nhập. Một trong những trọng tâm là phân tích kỹ nguyên nhân dẫn đến biết bao nhiêu thói hư tật xấu của con người VN hiện nay. Bởi lẽ muốn thay đổi để đi lên, để phát triển thì phải xóa hết các nguyên nhân gây ra những tật xấu đó.

Chẳng hạn, tính cộng đồng tự nó không xấu, nhưng cộng đồng kiểu làng xã là gây ra sự cào bằng, bệnh sĩ diện, bệnh thành tích...; tính cộng đồng tình cảm gây ra tật thiếu ý thức, không tuân thủ pháp luật...; sự kết hợp của nhiều đặc trưng gây ra quốc nạn dối trá, tham nhũng... Vì vậy phải thay đổi cộng đồng tình cảm bằng cộng đồng lý trí; thay cộng đồng làng xã bằng cộng đồng xã hội, tức coi trọng quyền lợi xã hội chứ không phải của một làng hay của một nhóm lợi ích, v.v... Trên cơ sở đó đề xuất một hệ giá trị VN mới.

Tuy nhiên, đề xuất một hệ giá trị VN mới mới chỉ là bước khởi đầu. Để đưa hệ giá trị đó vào cuộc sống, để tạo ra những con người VN mới thì cần có quyết tâm rất cao của cấp lãnh đạo cao nhất và sự đồng lòng của toàn dân. Được như vậy, VN mới có thể thoát ra khỏi căn bệnh trì trệ của truyền thống văn hóa âm tính, tạo nên một bước phát triển đột biến mới trong giai đoạn hiện đại.

Xin cảm ơn GS!

Duy Chiến (thực hiện)

Ý kiến bạn đọc về bài 1 (89)

TuanVN-1 

nguyễn nghĩa 16:56 Thứ năm

Vấn đề chính là sau bài viết này, ai hoặc tổ chức nào sẽ đọc nó & tiếp thu ? Sau đó làm gì nữa để tình trạng này không lặp lại ? Theo tôi,điều này quá cũ rồi, nói ra thì ai cũng biết, sau đó lại phát triển chứ không bị triệt tiêu, đảm bảo cứ nói theo kiểu này, 100 năm sau cũng " nguyễn y vân " ( Từ nay trở đi, hễ cứ bài nào nói đến chuyện nói mà không làm được thì nên không đăng cho nó khoẻ ).

Thích 7

Lê Thị Hạnh 17:02 Thứ năm

Cảm ơn GS đọc bài viết tôi thấy có mình trong đó, thật sự con người VN mình mà nói tính khách quan là hơi khó, mà luôn có sẵn " định kiến' trong đầu. Như mình này, Ng HN, vậy là vào SG luôn bị oánh giá là...vậy đấy, sao mà khá lên được nếu cứ nghe xu nịnh và thích khen, tôi luôn chê...chê cả bản thân mình sao khó thích nghi thế, 3 years có quá ngắn không ?

Thích 11

Trọng Nghĩa 20:37 Thứ năm

Văn hóa chỉ mang tính bản sắc. Yếu tố q đ các hành vi hay hành động của con ngươi vẫn là pháp luật. Hệ thống pl lỏng lẻo, không khoa học của VN chính là nguồn gốc của mọi sự mà chúng ta đang thấy

Thích 8

Bích Ngọc 20:50 Thứ năm

Tác giả phân tích sâu. VN sợ cái mới lắm vì cái mới tiến bộ sẽ đè cái cũ. Mà cái cũ là của người cũ, bè phái cũ nên k dễ để cái mới xâm nhập vào được đâu.

Thích 7

Tranminhsinh 22:45 Thứ năm

GS Thêm nói hay và sâu sắc quá .Xin cảm ơn GS

Thích 2

Hai tuan 22:48 Thứ năm

Bai viet rat hay, hoan toan phu hop voi thuc te cua Viet Nam.

Thích 2

Nguoivn 07:41 Thứ sáu

Đây là hậu quả của cơ chế chính sách, là hậu quả của căn bệnh thành tích chứ không phải bản tính người Việt. Căn bệnh này nếu càng kéo dài thì sẽ rất nguy hại.

Thích 3

hung vu 09:16 Thứ năm

giao su noi chi ly...cac vi co trach nhiem ,dung dau cac bo nganh nen doc ky loi giao su,,

Thích 8

Hoàng Long 17:23 Thứ tư

Âm và Dương theo trinh bầy của tác giả chỉ là một quan điểm trong rất nhiều quan điểm nhìn nhận cuộc sống chứ không phải là một sự tổng kết hay một định luật về tính cách người Việt nam. Định luật về Âm Dương đối với một cá nhân cũng không áp dụng được chứ đối với hàng triệu người thì càng không thể. Sự thể hiện tính cách con người nhìn có vẻ giống nhau ở một tổ chức xã hội mà nhà nước nắm vai trò điều hành. Nhưng đó chỉ là hình thức bề ngoài còn bản chất thì có thể khác. Cùng là một người Việt nam nhưng sang sống ở nước ngoài có thể chuyển từ tính cách "âm" sang "dương" ngay. Khách hàng hay độc giả sẽ là người quyết định sản phẩm anh làm ra hay nghĩ ra có tốt hay không. Tóm lại là cơ chế hiệu quả (tạo ra luật và thực thi luật cho một sân chơi sòng phẳng) và người lãnh đạo giỏi (đất nước hay công ty lớn nhỏ đều có người lãnh đạo) là yếu tố cơ bản của thành công. Người lãnh đạo giỏi cũng không cần phải tìm vì thị trường sẽ cho biết ai là người lãnh đạo giỏi.

Thích 19

Taiduc 19:31 Thứ tư

Giáo sư mới đề cập tới cái gốc Văn hóa của sự trì trệ ở VN, nhưng phần điều chỉnh của tổ chức XH thì chưa thấy nói tới, thực tiễn ở bất cứ tổ chức XH nào quá trình điều chỉnh luôn luôn tồn tại, tác động này mạnh hay yếu quyết định sự chuyển mình của những nền văn hóa, nó có thể khuếch trương những nét VH tạo đà cho XH phát triển bền vững hoặc ngược lại.

Thích 8

Sơn Đông 19:54 Thứ tư

Giáo sư nói: Điều kiện tự nhiên là nguồn gốc làm nên văn hoá". Vậy nên con người Việt Nam ta từ ngàn xưa đã là nền văn hoá lúa nước. Nay vẫn vậy và mãi mãi vẫn vậy. Tính cách đàn bà(âm tính) chẳng lẽ mãi mãi chúng ta không thể làm được gì to tát hay sao? Nếu muốn chỉ có thể bỏ sứ này mà đi thôi ? Làm sao ta có thể thay đổi điều kiện tự nhiên được nhỉ ? Buồn quá !

Thích 4

Công Tuấn 20:30 Thứ tư

Rất sâu sắc.

Thích 1

Nguyen Duc Toan 20:57 Thứ tư

Lãnh đạo và đào tạo cũng tác động lên văn hóa, thậm chí là rất mạnh. Sao chúng ta không đề cập đến nhỉ?

Thích 3

Lê Trung 23:40 Thứ tư

Văn hóa nịnh bợ của người Việt: Trưởng phòng xin ý kiến chỉ đạo của Giám đốc (trẻ chỉ bằng tuổi con): "Chúng tôi rất kính xin Giám đốc chỉ đạo để chúng tôi có cơ sở thực hiện ạ". Siêu nịnh. Bó tay.

Thích 6

Huy Toàn 10:00 Thứ năm

Xin hỏi GS và tác giả. Theo GS thì văn hóa phương Tây luôn biến động nên coi trọng cá nhân, Đông Nam Á ưa ổn định, ít biến động nên coi trọng làng xã ... Vậy tại sao năng lực làm việc nhóm của người VN so với người phương Tây lại kém thế ah?

Thích 13

Cuongtb 10:49 Thứ năm

Ko biết gì nhưng biết nịnh thì được lên làm sếp...các cơ quan công quyền nhà nước mình nhiều lắm và rất rất rất chán lắm

Thích 4

Võ Tấn Điền 10:01 Thứ năm

Cũng từ thuộc tính này mà mấy người tây chân ước chân ráo đến VN đi vài ba bước và đọc vài cái báo cáo đã khen lấy lòng và thế là các báo, TH đều đưa tin ngay. Còn những người tây tốt bụng mà phê bình thì không thèm ai để ý. Một bài viết hay nhưng dài quá dễ gây oải cho người đọc.

Thích 3

lieu luong 21:32 Thứ tư

Bai viet noi chinh xac va dung qua Cam on giao su

Thích 3

Minhtran 196522:21 Thứ tư

thông tin thật bổ ích và hay

Thích 3

Tom 23:11 Thứ tư

Ai mà dám sáng tạo, đổi mới. Không thấy gương đồng chí Bí thư tỉnh ủy Kim Ngọc đấy sao

Thích 8

NGOC 15:59 Thứ năm

@Tom: Ban noi the toi lai bat khoc cho bac Kim Ngoc

Thích 0

Lê Li La 22:56 Thứ tư

Mọi người yên tâm đi, giải pháp xoá bỏ "tư duy lừng khừng" này, văn hoá "đố kỵ, kèn cựa, nhỏ nhen..." này sẽ được lứa con con cháu cháu chắt chắt chúng ta đi du học về thực hiện!

Thích 8

kim thu 23:05 Thứ tư

Bài viết quá chính xác, cảm ơn giáo sư, một con người uyên bác!

Thích 2

Thắng 23:27 Thứ tư

Mình thích cái câu "Văn hóa âm tính giống như tính cách của người đàn bà, thích sự ổn định và luôn hướng tới sự ổn định, rất ngại mọi sự thay đổi"

Thích 5

Nguyễn thị thanh Thuý 01:32 Thứ năm

Thật có lý ! Đúng là người vn ưa nịnh , thích khen và sợ phê bình . Làm sao mọi người biết được cái gốc rễ , cội nguồn chuyện ấy nhỉ (?!)

Thích 3

hoang nguyen 06:38 Thứ năm

xin cam on giao su. nhung quan trong la can phai thay doi gi ah

Thích 2

dương vũ 08:29 Thứ năm

các bạn trẻ hãy đọc và suy ngẫm để bước chân vào đời được vững vàng hơn!

Thích 2

nguyễn tư duy 12:12 Thứ tư

Thế mới biết CAMPHUCHIA đổi mới tư duy ..hay gọi là thức thời..một đất nước hãy còn nặng tư duy phong kiến, dám làm một việc trao tước hiệp sĩ cao cấp cho người nước ngoài..quả là đáng phải suy nghĩ về tư duy và tầm nhìn...chấm một huân chương cho đất nước chùa tháp...

Thích  23

Lan 14 giờ trước

Gs nói rất chính xác. Cảm ơn GS

Thích  11

hiếu lê 12 giờ trước

bài báo rất hay giáo sư phân tích con người việt nam mình rất đúng cảm ơn giáo sư và bài báo

Thích  12

tấn vũ 12 giờ trước

Ông nói điều kiện tự nhiên là nguồn gốc của văn hóa , Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Người ta còn nói xã hội nào thì văn hóa ấy .Văn hóa làm sao phát triển tốt khi sự dối trá lên ngôi

Thích  36

Psdac 12 giờ trước

bài viết hay

Thích  1

Loi Phan Tan 12 giờ trước

Tôi nghĩ bây giờ nhiều người cũng nhận ra được vấn đề gốc rễ này rồi, nhưng muốn thay đổi thì rất là khó, chẳng lẽ phải đợi khi nào Lào, Campuchia, Myanmar "vượt mặt" thì sẽ có sự thay đổi căn bản hơn - chắc là một ngày không xa đâu, không có gì phải quá bức xúc.

Thích  5

Hoàng Kỳ 14 giờ trước

Người việt có văn hóa một người làm quan cả họ được nhờ, hệ quả gây đến tham nhũng

Thích  10

Nguyễn Văn Luận 14 giờ trước

Bài viết của thầy cũng dường như chưa hoặc ngại không nói ra là cái gì sẽ khắc chế, thậm chí tiêu diệt những cái xấu của nền văn hóa âm tính ấy, cái gì đang là mảnh đất màu mỡ cho nền văn hóa âm tính sinh sôi, nảy nở và phát triển đến mức dị dạng như hiện nay?

Thích  14

Nguyễn Hoàng Anh 14 giờ trước

Cảm ơn nhà báo Duy Chiến và GS Trần Ngọc Thêm! Bài viết rất hay và ý nghĩa với bản thân tôi. Có lẽ phải chờ một cuộc cách mạng tư tưởng, văn hóa, khoa học kỹ thuật hay cách mạng gì đó như GS nói thôi...

Thích  24

lê đình dũng 14 giờ trước

Chưa đi sâu trọng tâm vấn đề bản chất thực sự

Thích  27

Binhduong 14 giờ trước

Thảy đổi từ gốc dễ rất dễ: tôi cho rằng trước hết phá hết khoảng cách giữa các làng xã, bằng cách làm đường cao tốc đan xen nối liền các làng xã với nhau. Xây dựng cách đồng mẫu lớn; áp dụng công nghệ cao, quy mô lớn trong sản xuất nông nghiệp, 1 người có thể quản lý 500 mẫu lúa, 500 hata ngô...chỉ bằng chiếc điện thoại di động...phải làm cuộc cách mạng đường sá trước; sau đó là cuộc cách mạng ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp. Đó là cách duy nhất để phá bỏ văn hóa âm tính.

Thích  5

Lam Ba 14 giờ trước

Người VN có truyền thống rất quí giá là tinh thần yêu nước, khi đất nước lâm nguy thì đoàn kết cao để chống lại mọi kẻ thù. Nhưng khi hoà bình rồi thì y như GS Trần Ngọc Thêm nói. Thật rất buồn cho đất nước!, phương cách gì cứu đây? Nếu không thoát khỏi tật xấu này thì VN cứ tụt hậu mãi.

Thích  6

Dao Minh Tuan 14 giờ trước

Thực ra nội dung các câu trả lời này chẳng cần giáo sư Thêm trả lời mà nhiều nhiều người trong số chúng ta cũng trả lời được. Vấn đề cốt lõi của đất nước chúng ta là có quá nhiều giáo sư, tiến sĩ và thạc sĩ, nhưng những cái học hàm, học vị đó chỉ có tính chất "trưng bày" và đưa vào "bộ sưu tập hồ sơ cá nhân" là chính. Tôi xin được đặt hàng cho tác giả bài báo này viết thật sâu về " Tiến sĩ khoa học " hiểu như nào cho đúng là Tiến sĩ khoa học? Quy định của Việt Nam, quy định của thế giới về Tiến sĩ. Luận án tiến sĩ cần phải đáp ứng yêu cầu gì? Đề tài cần phải có tiêu chí gi? Nội dung phải có tiêu chí gì? Các nội dung trong luận án tiến sĩ có được trích quá nhiều từ các nội dung của tác giả khác sau đó có trích dẫn, chú thích? Hay là phải là một phát minh, một sáng chế chưa từng được công bố, chưa từng được sử dụng? Có giá trị thực tiễn?...... Một người làm trong các trường đại học, cao đẳng ..... làm được như ông Tám lũy ngày trước và một vài người bây giờ chắc hẳn đã có công khoa học.

Thích  21

lê văn thanh 14 giờ trước

Tác giả diễn giải qua văn hóa âm tính thật thú vi. Tôi thừa nhận mình mang dòng văn hóa đó. Cái âm tính len lỏi từ tầng lớp bình dân tới tầng lớp tinh hoa của xã hội di truyền cho cả thế hệ sau. Chao ôi văn hóa âm tính thần thánh hóa cá nhân, văn hóa âm tính định hình con người nhu nhược trong vỏ ốc tri thức. Văn hóa âm tính là văn hóa nhược tiểu trong thế giới ngày càng "phẳng".

Thích  6

Hồ Minh 16 giờ trước

Đọc bài của GS Thêm toát cả mồ hôi. Biết rồi mà vẫn thấy sợ.

Thích  12

Mạnh Toàn 16 giờ trước

Rất lâu rồi mình mới đọc được một bài viết đăng trên Vietnamnet hay như thế này. Xin cảm ơn giáo sư.

Thích  29

huynh no 17 giờ trước

Thưa ông Thêm ông đã nói VN có nền văn hóa ưa nịnh, thích khen,sợ phê bình và tự phê bình thì làm sao lại "TỰ THAY ĐỔI TỪ GỐC RỂ " được.

Thích  12

Thầy Bói Ngao 13 giờ trước

@huynh no: thì vẫn chỉ là mơ mộng mà thôi!

Thích  0

Ánh Sáng 17 giờ trước

Vua Sáng có Tôi hiền.

Thích  18

Hương 16 giờ trước

Bài của Bác rất thực tế, nhưng chỉ những con người Việt Nam dám suy nghĩ, dám thay đổi mới làm được và mong các hãy cùng suy nghĩ

Thích  7

Nguyễn Văn Pha 17 giờ trước

Theo tôi, để một đất nước phát triển ngoài vấn đề văn hóa còn phụ thuộc vào tư tưởng cải cách của các nhà lãnh đạo. Mọi người sẽ thấy rõ hơn nếu so sánh giữa thời ký trước và sau cải cách năm 1986, giữa các nước trong Liên bang Xô viêt với các nước láng giềng của họ, giữa Nam và Bắc Triều tiên, giữa Trung quốc lục địa với Đài loan, Hồng kông, Macao .

Thích  13

Tran Kim Cuc 17 giờ trước

Nhìn ra gốc rễ nhưng chua chắc đã chữa được vì nó giống như bệnh ung thư đã di căn ấy mà. Chắc cần phải có một cuộc đại phẫu thuật...

Thích  22

Hanh 17 giờ trước

Tôi cũng đã đọc một số bài báo giới thiệu về các công trình nghiên cứu về Đông Á của các nhà khoa học trong và ngoài nước. Người Hán trước kia định cư ở vùng bắc sông Dương Tử, sau khi chiếm được phần đất rộng mênh mông phía nam con sông này do người Việt cổ định cư thì đã đồng hóa được văn hóa Hán với Việt, do đó khó thể nói văn hóa Việt phụ thuộc nhiều vào văn hóa Trung Hoa. Cái quan trọng nhất là người Việt thiếu tự tin, điều mà người Nhật, Hàn đã có. Nhật, Hàn Quốc đã tách ra được và xây dựng được nền văn hóa rất riêng của họ. Từ đố họ đã bứt lên thành những nước tiên tiến trên thế giới. Còn Việt nam, xem ra những năm gần đây mức độ ảnh hưởng văn hóa Trung quốc có vẻ tăng lên so với những năm 90 thế kỷ trước. Đó thực sự là một điều lo ngại

Thích  14

Nguyễn Bá Long 17 giờ trước

Là người việt nam nhưng đọc bài này tôi mới hiểu thêm phần nào văn hóa Việt nam, hãy mở toang cánh cửa đón luồng ánh sáng tiên tiến vào. Xây dựng nền VH tiên tiến đậm đà bản sắc DT, cần làm rõ thế nào là đậm đà bản sắc DT, phải chăng âm tính là nét đặc trưng Văn hóa DT Việt. Đã đến lúc ổn định là cần thiết nhưng không thể kéo dài sự trì trệ này trong thời gian tới được nữa.

Thích  16

Hải 17 giờ trước

Từ trước đến nay tôi vẫn đang đi tìm câu trả lời tại sao Việt Nam bị đô hộ gần 1000 năm Bác thuộc mà vẫn không mất đi bản sắc văn hóa, tiếng nói của mình. Xin cám ơn Giáo sư đã chỉ !

Thích  7

Kim 17 giờ trước

Hay quá! đọc bài này xong mới biết văn hóa TQ là văn hóa "nửa nam nửa nữ"..thảo nào khó chơi.

Thích  7

bùi dung 18 giờ trước

Tôi vẫn thấy chưa thuyết phục, không rõ ràng câu trả lời cho câu hỏi Cụ thể là thế nào, thưa giáo sư?

Thích  5

Phú Nguyễn 16 giờ trước

@bùi dung: Bài này chưa hết mà bạn. Mình cũng hy vọng có giải pháp nào đó ở bài tiếp theo của GS :)

Thích  0

superman300000kmps 18 giờ trước

Tôi nghĩ nên nhân dịp này tạo ra dịch vụ nịnh. Những người nịnh chuyên nghiệp sẽ được thuê để đi nịnh khách hàng trong thời gian được yêu cầu. Nịnh không phải chỉ có tâng bốc khách hàng mà còn là xúm nhau vào dìm kẻ nào dám phê bình khách hàng. Tất nhiên, khi kẻ ấy cũng thuê dịch vụ nịnh thì những người nịnh chuyên nghiệp khác sẽ được đưa đến đấu khẩu với đồng nghiệp... làm cùng công ty Nịnh.

Thích  10

Hai Song 18 giờ trước

@superman300000kmps: Sáng kiến, áp dụng vào các Cty NN bảo đảm kinh doanh có lãi ngay,!

Thích  8

Nguyễn Văn Đại 18 giờ trước

Xin cảm ơn tác giả Duy Chiến. Tôi hy vọng sẽ được tìm hiểu tiếp phần trả lời của GS-TSKH Trần Ngọc Thêm trước khi có cơ sở nhận xét phản hồi.

Thích  5

Thien Doan 18 giờ trước

Tôi cho rằng ảnh hưởng của văn hóa rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn là việc tồn tại tình trạng "mua quan bán chức" đã hủy hoại các giá trị nhân văn và sự tự trọng. Tôi được biết, để xin vào bệnh viện công hoặc trường công, người ta phải hối lộ nhiều trăm triệu đồng, trong khi thu nhập theo luật của họ chỉ vài triệu một tháng. Vì vậy tiêu cực phát sinh, tối thiểu để hoàn vốn và sau đó nữa là làm giầu. Như vậy làm sao người ta có thể từ chức...

Thích  9

Thuyduong 16 giờ trước

@Thien Doan: cái này nó tồn tại từ xa xưa rồi ngày xưa muốn làm chức sắc gì trong làng người tq cũng phải dùng tiền mua đó bạn, nên tục lệ này theo như lý giải của gs thì chắc khó có thể bỏ

Thích  2

NĐT 18 giờ trước

Sự phát triển của một đất nước có lệ thuộc vào văn hóa và phong cách sống của quần chúng tuy nhiên không nhiều. Sự ảnh hưởng chính quyết định thành công của một dân tộc chính là giai tầng cấp trên những người định hướng và quyết định đường lối của đất nước đó. Nhật bản đã không thể như ngày nay nếu không có Thiên hoàng Minh trị. Hàn quốc đã không thể như ngày nay nếu không có Park Chun Hee, Chung Doo Hwan (tiện thể so sánh luôn với Bắc Triều Tiên). Trung Quốc không thể như ngày nay nếu không có Đặng Tiểu Bình. Singapor sẽ chỉ là một hòn đảo nhỏ nếu không có Lý Quang Diệu. Nói chung giai tầng lãnh đạo cấp tiến và tinh túy sẽ làm thay đổi được tương lai của một đất nước.

Thích  36

Hanh 17 giờ trước

@NĐT: Ủng hộ ý kiến của bạn

Thích 3

Bá Thịnh 19 giờ trước

Tôi hoàn toàn chưa đồng ý với quan điểm của tác giả trong các nhận định này. Với 5000 năm lịch sử tồn tại và phát triển của Dân tộc Việt, tại sao chúng ta lại phải gọt chân cho vừa giày ? Cần phải nhìn vấn đề theo hướng khác.

Thích  9

Dân Việt 18 giờ trước

@Bá Thịnh: Tôi nhất trí ý kiến của anh. Vấn đề là cơ chế, là mô hình, là....

Thích  14

Phạm Ngọc Hùng 19 giờ trước

Bài viết phản ánh đúng thực trạng hiện tại, tuy nhiên người làm chính sách có đọc, có thay đổi tư duy hay không?, đó mới là vấn đề cần quan tâm.

Thích  6

Culys 19 giờ trước

Bài quá thực tế rất hay, đúng với thực tại của VN . Các quan chức của ta cần phải đọc bài này.

Thích  6

tran binh 03:20 Thứ tư

Ung dung am duong trong xep loai van hoa

Thích  3

ky tran 04:23 Thứ tư

giao su noi qua dung!

Thích  3

Anh 22 giờ trước

Bài hay đúng nhưng thiếu, vậy làm gì để thay đổi? Mỗi cá nhân phải nhậ thức được điều này, mỗi cá nhân phải thay đổi mình thì xã hội mới thay đổi được. Bạn đã sẳn sàng thay đổi chưa!!!?

Thích  6

Anh Tuan 18 giờ trước

Làm sao có thể thay đổi cách suy nghĩ thích an toàn của các "bô lão" đây? Chỉ có lớp trẻ sau này dám nghĩ dám làm mới bức phá vượt lên dung hòa âm dương làm một, nhưng cuối cùng liệu có bị sự khống chế của một số bô lão có chức vị?

Thích  3

phương tùng 19 giờ trước

@Anh: có chữ còn tiếp kìa bạn. mình đã nhìn ra gốc rễ thì thay đổi thế nào là do mình chứ. thân.

Thích  1

bill nguyen 22 giờ trước

RAT HAY CO LY

Thích  3

nguyễn thanh bình 21 giờ trước

bài viết phân tích rất sâu sắc. cảm ơn GS.TS Trần Ngọc Thêm đã cho chúng ta có cái nhìn vừa khái quát vừa cốt lõi của vấn đề. Tư duy con người Việt Nam cần có sự thay đổi mạnh mẽ ngay từ những chuyện nhỏ nhặt nhất của đời sống. Nếu không Việt Nam cũng chỉ mãi là cái bóng của chính mình sau gần 30 năm cải tổ đất nước mà thôi.

Thích  6

Hoangkyanh 21 giờ trước

Bài viết quá hay. Chuẩn quá

Thích  2

Trung 20 giờ trước

Một lý luận tuyệt đối!! Chỉ có những cái nhìn thấu đáo như thế mới nhận ra người mình như thế nào. Chỉ có lãnh đạo sáng suốt như thế nào mới thấp sáng lại nền văn hóa của mình. Càng đọc thì càng thấy hay nhưng mà cảm thấy buồn khi phải chờ đợi cái gọi là ánh sáng văn hóa Việt Nam khi nào mới hé mở...

Thích  4

Mất bò mới lo làm chuồng19 giờ trước

@Trung: Sống là không chờ đợi. Chính thế hệ chúng ta sẽ tự khởi xướng trào lưu văn hóa mới, đừng âm tính sợ sệt không dám dấn thân.

 5

nguyen van thang 20 giờ trước

rất hay xin cảm ơn GS Trần Ngọc Thêm

Thích  1

ngoc khanh 19 giờ trước

Tại sao Thái Lan cũng văn hóa lúa nước mà họ lại tiến bộ và phát triển vậy ?

Thích  2

Thu Ha 19 giờ trước

Bài viết và nội dung trả lời phỏng vấn của Giáo sư hay quá, rất đúng thực tế với cách làm, cách nghĩ của người Việt Nam và cũng đã đến lúc cần thay đổi "Tư duy vừa phải" ấy thôi!

Thích  2

NGUYEN VAN PHUC 20 giờ trước

Cảm ơn tác giả đã phân tích sâu sắc vấn đề. Xin hỏi thêm tác giả có cách nào tác động để hạn chế tiêu cực trong kiểu tư duy này không ?

Thích  0

Quang Thanh 20 giờ trước

Các cụ ta có câu dạy con cháu lthuộc giới lãnh đạo: Khôn cho người ta ghét, dại cho người ta khinh, thông minh thì không sử dụng, khéo nịnh thì nên... Xét đến cùng âu cũng là văn hóa nước Việt mình thôi, nhất là một đất nước thuộc dạng đang phát triển mà phát triển từ chế độ phong kiến lên ...,

Thích  1

hi Nhách 21 giờ trước

Tư duy kiểu GS Thêm nói thì chỉ có ở miền bắc thôi.

Thích  4

Vũ Kiên 18 giờ trước

@hi Nhách: Thế trong nam có công trình gì kỳ vĩ rồi? Nó là tư duy của người Việt được hình thành qua hàng vạn năm, khác chăng thì khác chút về hình thái thôi!!

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh giới thiệu bài phỏng vấn “Người Việt ưa nịnh, thích 'dìm': Tác hại đến đâu?Nhà văn Nguyễn Quang Vinh giới thiệu bài phỏng vấn “Người Việt ưa nịnh, thích 'dìm': Tác hại đến đâu?” trên FB
"
10. Bài viết cực hay, hay cực, đọc thấy nghiện vì đúng, nói như bà con Nam bộ đọc thấy ghiền luôn nè: + Người Việt ưa nịnh, thích 'dìm': Tác hại đến đâu?
"Với một truyền thống văn hóa "ưa được nịnh", "thích được khen", nhưng lại sợ phê bình và tự phê bình đến như thế, nếu không tự thay đổi từ gốc rễ mà cứ đòi hỏi tiến bộ, đòi hỏi "văn hóa từ chức"..., thì vẫn chỉ là mơ mộng mà thôi!" - GS-TSKH Trần Ngọc Thêm. (
http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/208782/nguoi-viet-ua-ninh--thich--dim---tac-hai-den-dau-.html)

Ý kiến bạn đọc về bài 2 (53)

TuanVN-2

Thaophuong 19:02 Thứ năm

Quá hay,quá chính xác.

Thích 3

Trọng Tiến 20:47 Thứ năm

Tôi âm tính, Anh âm tính, Nó âm tính. Chúng ta đều âm tính để giữ SỔ HƯU

Thích 9

ngo minh 23 giờ trước

Lau lam roi moi duoc doc mot bai phong van hay va co y nghia nhu the nay. Cam on GS Them.

Thích 1

Minh quang 23 giờ trước

Cam on GS, trước hét ban than moi nguoi phai tu súa minh va hy vong một ngay nao do su thay doi se đen,

Thích 1

Ngoc 20 giờ trước

Quan trọng là họ có nêu cao tinh thần Tổ quốc trên hết, gắn vào đó danh dự và trách nhiệm thì đất nước sẽ đi lên, còn chỉ luôn tự sướng tung hô nhau thì chả đi đến đâu

Thích 0

Tranminhsinh 22 giờ trước

Khái niệm tư duy âm tính ngập tràn với người Việt làm cho Tôi vừa bực mình vừa xấu hổ .Cảm ơn GS Thêm dã vạch ra cho người Việt và những người có trách nhiệm

Thích 2

DAT 22 giờ trước

Hy vọng giáo sư làm hay như viết thì dân chúng Tôi mới được nhờ - còn chỉ viết hay mà không làm được thì cũng khó ăn thua lắm.

Thích 2

HOIND 17:07 Thứ năm

Đã lâu rồi mình mới đọc được bài viết rất hay! Đúng thực trạng xã hội hiện nay. Mong rằng từ bài viết này, giúp ích - tác động làm thay đổi ý nghĩ thích "ổn định". Mình thấy trước tiên phải giáo dục gia đình, làm gương con cái - khu vực - xóm làng, hành động có văn hóa, dần dà thay đổi đi lên.

Thích 15

Đỗ Trình 17:28 Thứ năm

Bài viết đặt trọng tâm văn minh lúa nước hơi nhiều. chưa tính đến văn hóa tâm linh. Làm lúa dần sẽ ít đi nên nó sẽ tự cải biến hệ giá trị mà từ nó sinh ra. Về tâm linh có ví dụ chuyện cúng bái ở xứ ta thì thấy ai cũng đều là ăn mày, ăn xin chặng hạn :):):)

Thích 9

Dragon 13:35 Thứ năm

Phải hành động thôi các bạn, đừng chỉ dừng lại ở lời khen và cảm ơn. Hành động là cách tốt nhất để đi đếm mục đích.

Thích 13

Nguyễn 13:41 Thứ năm

Việt Nam vẫn đang trên con đường phát triển, tuy nhiên tốc độ không như mong muốn của người dân thôi.

Thích 2

Thành 23 giờ trước

@Nguyễn: bạn đang bị bệnh lạc quan quá mức

Thích 2 2

Savaagu 11 giờ trước

@Nguyễn: " Ta ru ta ngậm ngùi " !!!

Thích 2

Hoàng Huy 15:18 Thứ năm

Hãy chuẩn bị phá vỡ môi trường "âm tính" thôi các bạn.

Thích 13

Tuấn Kiệt 15:48 Thứ năm

Chỉ biết nói: Quá chính xác có điều sẽ chả thay đổi được gì?

Thích 7

Lucmachthankiem 15:42 Thứ năm

ĐÚng vậy, trước hết phải làm cuộc cách mạng đường sá thì mới phá được văn hóa âm tính đậm đặc này. Phải làm đường cao tốc bắc nam rộng 20 làn xe, làm đường sắt cao tốc bắc nam tốc độ cao 200km/giờ; người người làm đường, nhà nhà làm đường cao tốc; hạn chế đầu tư cho các lĩnh vực khác, cả nước dốc toàn lực vào làm đường sá thì mới mong thay đổi nhanh, đường sá kết nối các vùng miền, làng xã lại thành một mạng lưới kinh tế mạnh và người dân đi làm bằng xe hơi sẽ tự làm cho họ thay đổi tính cách. Nếu tôi có quyền quyết định, tôi sẽ vay 1000 tỷ USD để đầu tư toàn bộ làm đường bộ cao tốc. mạng lưới Đường cao tốc dày đặc sẽ biến đất nước nhiều núi đồi, nhiều sông rạch.. thành đồng bằng, thành cao nguyên. con người làng xã này kết nối với làng xã kia dễ dàng hơn thì tự nhiên cái văn hóa ao làng sẽ tự xóa bỏ. Tức là đường sá làm cho người ta có nhiều sự lựa chọn ở làng khác hơn là quanh quẩn ở "làng mình" tù túng,hủ bại...

Thích 12

Nguyễn Nam 14:02 Thứ năm

Mấy chục năm xây dựng con người mới, nền văn hóa mới mà sao văn hóa âm tính không giảm mà ngày càng tăng. Lực lượng nào "bảo thủ" níu "cấp tiến" có văn hóa dương tính hơn thực hiện cải cách, Đổi Mới. Là nhà nghiên cứu và lí luận GS hãy vạch rõ cho xã hội thấy lực lượng bảo thủ đó. Người dân thích những vấn đề cụ thể, thiết thực.

Thích 15

Phạm Mùi 13:06 Thứ năm

Rất cám ơn Giáo sư, TSKH Trần Ngọc Thêm về bài viết của ông. Theo hướng phân tích của ông tôi nghiệm thấy rằng cái văn hóa âm tính đậm đặc và lối tư duy làng xã ở ta có vẻ ngày càng được củng cố và phát triển. Cả người có danh vị lẫn không đều thi nhau vun đắp cho danh tiếng và địa vị của mình và gia đình mình ở làng xã bằng việc đua nhau xây đình, chùa, miếu, mộ sao cho nguy nga hơn bề thế hơn gia đình khác, làng xã khác. Làm sao có đủ 4 điều kiện như GS đề ra để đất nước phát triển đây?

Thích 36

duong kha 11:31 Thứ năm

Xin cảm ơn giáo sư Trần Ngọc Thêm,bài viết rất hay nhưng làm cách nào để chúng ta thoát khỏi tư duy .Nếu tất cả các thầy cô giáo từ bậc tiểu học cho đến đại học đều được bài viết này và đồng quan điểm với bài viết,đưa tư tưởng này vào bài giảng bằng mọi đều kiện có thể,thì tôi tin chúng ta đã thành công 1/3 đoạn đường thay đổi tư duy .

Thích 22

Savaagu 11 giờ trước

@duong kha: Xin ngài ! Ai cho phép các thầy cô làm việc ( Nên làm ) này ?

Thích 1

David Thái 11:53 Thứ năm

Bảo thủ là giết chết sự sáng tạo, làm bào mòn lòng tin của người dân và kìm hãm sự phát triển của Đất Nước. Đừng đổ thừa cho cơ chế nữa các vị ạ vì " Cơ chế tạo ra con người hay là con người tạo ra cơ chế ". Bảo thủ là kẻ thù của nhân loại chứ không riêng gì Việt Nam chúng ta.

Thích 15

nguyễn minh được 12:16 Thứ năm

Bài Viết nói lên tâm trạng phần lớn người Dân.Nước Việt hội tụ đủ yếu tố để Phát triển,NHưng sao vẫn lạc hậu,so sánh với Người Nhật thật khập khiễng,chúng ta muốn phát triển như người Nhật,nhưng cách quản lý,điều hành lại không áp dụng như họ.vậy chỉ phát triển trong suy nghĩ thôi.ảo tưởng lắm.

Thích 10

Phu 11:38 Thứ năm

Có một điều giáo sư chắc cũng biết đó là chỉ vì lợi ích nhóm mà chắc chắn các nhóm lợi ích này sẽ chi phối sự thay đổi. Tôi đồng ý với quan điểm về nguyên nhân sự trì trệ của giáo sư. Nhưng làm thế nào để cho nhóm đang có lợi ích cao nhất này thay đổi...quá khó vì họ không muốn thay đổi. Còn người dân muốn thay đổi thì lại ko tự quyết. Hoặc phải tìm ra nhóm cấp tiến đủ mạnh dẫn dắt.

Thích 9

Trần Nguyên Hãn 11:16 Thứ năm

Nhận xét về tình trạng xã hội vĩ mô hiện nay ở Việt Nam chúng ta rất thực tế, chính xác và hiếm người có nhận xét được như ÔNg; mong GS có nhiều ý kiến thường xuyên hơn.

Thích 10

trinh xuan hung 11:16 Thứ năm

Rat hay va rat thang than, dung la mot nha khoa hoc thuc su.

Thích 6

Vu Duc Thinh 10:57 Thứ năm

Tuyệt vời, một nhà khoa học phân tích tỷ mỉ chính xác, một người việt yêu nước thực sự. Ứoc gì có nhiều cán bộ lãnh đạo hiểu được để làm cho dân tộc VIET NAM vươn lên.

Thích 14

Honviet 10:43 Thứ năm

Cảm ơn Giáo sư, tôi đã sẵng sàng.

Thích 9

huynh no 10:36 Thứ năm

Thưa giáo sư, ông là ủy viên hội đồng lý luận trung ương sao những ý kiến của ông hình như không thấy thể hiện trong các văn kiện chính thống và có người biến nó thành hiện thực? Ông có thể cho mọi người biết điều gì làm cho lý luận của các giáo sư thì thật hay,thật đúng mà không đi vào thực tiễn được?

Thích 30

Trọng Tuấn 14:31 Thứ năm

@huynh no: "Trong quản lý xã hội, nhiều lãnh đạo ở các cấp đều thường chọn cấp phó, người giúp việc thấp hơn mình từ một đến vài "cái đầu". Người ta cho rằng làm như thế thì mới đảm bảo "ổn định", trước hết là "ổn định" vị trí của mình". Nó là như thế đấy! GS đã trình bày rồi, riêng Ông thì làm thế nào được!? Cần cả một cơ chế quản trị cao hơn.

Thích 8

Iong vu 12:06 Thứ năm

@huynh no: vi van hoa am tinh day thoi cụ!

Thích 11

phạmvănliêm 10:05 Thứ năm

Hay quá không còn góp ý được gì nữa

Thích 6

Văn Hiếu 10:19 Thứ năm

Xin cảm ơn GS!

Thích 4

vũ trọng hùng 10:22 Thứ năm

GS Thêm nói rất đúng.XH VN hiện nay đang bị một số nhóm người bảo thủ, nang lực yếu kém kìm hãm, muốn bứt phá trước tiên phải phá vỡ sự kìm hãm đó. Liệu ta có dám làm hay không?

Thích 13

Lộc Phan 09:46 Thứ năm

Việt Nam đang ở trong "nền văn hóa âm tính đậm đăc" không khác gì "đang rơi vào bẩy thu nhập trung bình". Cảm ơn GS đã có bài viết hay, mong GS có thêm bài viết tiếp để đưa ra giải pháp nào để đất nước VN thoát ra, sánh vai cùng các nước khác đang phát triển ...

Thích 6

Le Vinh 09:29 Thứ năm

Bài viết quá hay. Sao Giáo sư không viết sách để những nhận xét, lý luận này thâm nhập vào thế hệ trẻ. Để dân mình biết, sửa chữa và đến lúc nào đó (10-20 năm sau), biết đâu có sự đột biến trong nhận thức và bắt đầu cho thời kỳ mới như nước Nhật vậy. Thực tình mà nói, ngay bản thân tôi cũng vậy, nói theo ý mình, theo suy nghĩ mình cũng không dám nói huống chi mà thay đổi, sáng tạo được.

Thích 21

Nguyễn Hữu Nhân 09:47 Thứ năm

Tôi rất tâm đắc với các phân tích của GS Thêm về tác hại khủng khiếp của nền văn hóa lấy sự "ổn định" làm mục tiêu và sử dụng các giải pháp "khôn vặt và láu cá" để xây dụng và quản lý kinh tế-xã hội, khoa hoc, công nghệ, văn hóa.... Tôi muốn nói thêm, nếu không thoát khỏi nền văn hóa này, chúng ta mãi mãi khó phát triển, bứt phá.

Thích 15

pham viet ha 09:35 Thứ năm

Lâu lắm mới đọc trọn vẹn 1 bài viêt sâu sắc và thâm thúy đến vậy. Cảm ơn giáo sư!

Thích 12

Dân đọc báo 09:29 Thứ năm

Cái tật xấu của người Việt ta chính là sự đố kỵ, giàu thì họ ghét, nghèo thì họ khinh và trong xã hội thì muốn an phận thì phải tỏ ra ngốc nghếch, còn nếu muốn vươn lên thì không phải chỉ khôn là đủ mà phải có sự"ranh ma"

Thích 24

huu Thanh 09:49 Thứ năm

@Dân đọc báo: rất đồng ý.

Thích 4

Tam 08:48 Thứ năm

muốn giàu ... quá dễ đó là để mọi người làm giàu , cho người giàu làm ... cho người nghèo giàu. để người giàu phổ biến cách làm giàu

Thích 9

Tran 08:34 Thứ năm

Thật tâm đắc với những ý kiến của một vị giáo sư. Mong ông có những đóng góp thiết thực vào sự phát triển của đất nước ta hiện nay

Thích 12

Thành Nam 09:19 Thứ năm

Biện pháp thiết thực có thể triển khai đc ngay là: Toàn bộ hệ thống chính trị của đất nước cần loại bỏ các công việc, hạng mục, vấn đề nặng tính hình thức, xa hoa, phù phiếm, nệ cổ,... để tập trung thực hiện theo hướng thực chất, bền vững và hiệu quả. Từ đó sẽ tạo ra phong trào sáng tạo trên mọi lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội

Thích 13

Nam 09:19 Thứ năm

Câu chuyện trao đổi gữa Tuần Việt Nam với giáo sư Trần Ngọc Thêm khá hay, khá thuyết phục trong tổng kết thực tiễn văn hóa Việt Nam và làng giềng, châu Á. Tuy nhiên có cảm giác hụt hẫng ở phần cuối của câu chuyện; ánh sáng cuối đường hầm và cánh cửa mở ra có vẻ mờ ảo và...mơ mộng!

Thích 20

tran van thanh 08:55 Thứ năm

Quá hay, cần có một cuộc cách tân!!!

Thích 6

Bá Thịnh 09:01 Thứ năm

Những phân tích của GS cũng có lý. Nhưng những kiến giải này hình như vẫn chưa ổn, chưa rõ, tương đối chủ quan và hơi lý thuyết Các kết quả nghiên cứu tiếp theo cần được sự phản biện rộng rãi của xã hội. Hy vọng có thể tìm ra con đường, giải pháp khả dĩ để chấn hưng đất nước và dân tộc.

Thích 8

Nguyễn Thiểu 09:35 Thứ năm

@Bá Thịnh: Tôi cũng nhận thấy sự chủ quan về lý luận trong bài. Cần viét có sức thuyết phục hơn, hoặc rõ ràng hơn. Nhạn thấy những nét này (văn hóa âm tính, tiêu cực...) ngoài tác giả ra có ai viết nữa không, để anh em tham khảo thêm.

Thích 3

This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. 08:59 Thứ năm

Bai viet cua giao su rat hay va rat cu the neu nuoc ta ma co nhung cu hich that su thi hay cho nuoc nha qua. xin cam on tac gia bai viet tren

Thích 3

tien ngo 08:55 Thứ năm

chỉ có những nhà lãnh đạo dám đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, đổi mới, cải cách, mới giải phóng được sức lao động thì đất nước mới phát triển, tự nó sẽ tạo ra văn hóa và cách ứng xử.

Thích 12

Nguyễn Hữu Hiếu 08:44 Thứ năm

Tôi thấy giáo sư Thêm đã nói được trọn vẹn thực tại của xã hội ra bây giờ. Chúng tôi thế hệ trẻ có sức, trí đầy lòng nhiệt huyết. Nhưng xã hội và cơ chế như này chúng tôi đang bị kìm hãm lại.

Thích 8

Nguyễn Xuân 08:38 Thứ năm

Bài nói này đề cập đến mặt trái của Truyện Trạng Quỳnh, mà tôi cũng đã nghĩ rất lâu, rằng đó chỉ là đề cao sự láu cá, khôn vặt, chả hay ho gì nếu gọi là tính cách của một cá nhân, dân tộc. Trước đây giáo dục của ta tán dương Trạng Quỳnh là "thái độ vùng lên của kẻ bị (phong kiến) áp bức". Nhưng suy rộng thì không phải. Học theo Trạng Quỳnh là học theo cai hủ bại, kìm hãm. Hậu quả bây giờ là nhân viên thường hay cãi lý với Trưởng phòng, vặn vẹo lý cùn, mà không mở được mắt nhìn thấy cái rộng hơn, cộng đồng hơn. Nhưng có một xã hội láu cá, thì mới có nhân vật Trạng Quỳnh. Đó là sự thảm hại của một cá tính LÁU CÁ của người Việt Nam.

Thích 12

Nguyễn Văn Pha 08:21 Thứ năm

Tôi đồng ý với những đánh giá của giáo sư về văn hóa và tính cách người Việt đã cản trở sự phát triển của đất nước , nhưng những đánh giá đó có thể chỉ đúng với thời kỳ nước ta còn lạc hậu. Hiện nay, dân trí nước ta đã cao hơn trước, hàng triệu người đã có trình độ cao đẳng, đại học trở lên, hàng ngày tiếp thu nền văn minh và kiến thức khoa học công nghệ phát triển của thế giói, đa phần người dân đều có tư tưởng vươn lên cùng thời đại. Vậy, tại sao chúng ta vẫn không thể bứt phá lên được? Nhiều nước ĐNA cũng có văn hóa âm tính như ta, tại sao họ phát triển hơn ta nhiều?

Thích 14

Võ Tá Luân 10:57 Thứ năm

@Nguyễn Văn Pha: Quan điểm của bạn chỉ đúng một phần thôi, cái gì cản trở sự phát triển của đất nước nếu không né tránh thì ai cũng thấy đó là cơ chế hiện nay không còn phù hợp với thời đại ngày nay toàn cầu hoá đó bạn. Lấy sự "ổn định" để làm nền tảng cho sự phát triển là không thiết thực, phải có bước đột phá. Phải thay đổi từ thượng tầng đến hạ từng để phát triển đất nước. VN ngày nay đã tham gia nhiều tổ chức và khi tham gia các tổ chức đó người ta muốn VN phát triển lắm chứ nên họ bắt VN phải thay đổi cơ chế để phù hợp với xu thế chung của nhân loại và quan trọng là lãnh đạo ta có quyết tâm thay đổi cơ chế cản trở đất nước đi lên hay không hay muốn duy trì mãi sự "ổn định" giả tạo? Có nghĩa chúng ta phải mạnh dạn cải cách cơ chế toàn diện để đưa đất nước phát triển kịp với khu vực và thế giới, còn không sẽ tiếp tục tụt hậu là đương nhiên khỏi phải bàn cãi.

Thích 7

Mất bò mới lo làm chuồng 10:37 Thứ năm

@Nguyễn Văn Pha: Tại vì người Việt Nam người nào cũng tự nhận thấy bản thân mình là tốt, là thiên tài. Mà đã tốt, đã thiên tài thì tại sao còn phải thay đổi?