* Thưa giáo sư Trần Ngọc Thêm, ông đã từng có nhiều cái tết xúng xính quần áo mới, "vui như tết"?
- Nhớ nhất vẫn là những tết ngày còn nhỏ. Đến tháng chạp người ta bắt đầu lo lắng cho tết rồi. Rất hay. Bao nhiêu cái mới tập trung cho ngày tết hết. Quần áo có thể may vào bất cứ lúc nào nhưng cứ đợi đến tết mới may. Quanh năm có chợ nhưng chợ tết có ý nghĩa đặc biệt nên cuối năm nếu được theo mẹ đi ra chợ thì sung sướng lắm, không khí chợ tết khác hẳn, chưa kể ở một số dân tộc miền núi, chợ tết là chợ tình...
Đi chợ mua sắm rồi, lại bắt đầu trang hoàng tết, mua những tranh gà, tranh lợn về dán lên, trồng cây nêu. Tất cả dồn lại tạo nên một không khí mới, môi trường mới, suy nghĩ mới, chờ đón một cái gì đó mới cho một năm. Phương Tây tính tuổi vào ngày sinh nhưng ở Việt Nam thì cứ đến tết mới là thêm một tuổi. Tôi và mẹ, các chị thường quây quần bên nồi bánh chưng, những cây củi rất to, trời rét ngồi rất ấm, nói chuyện với nhau. Nồi bánh chưng cao sôi sùng sục.
* Làm bánh, nấu bánh chưng là một nét văn hóa trong mỗi gia đình tạo nên không khí ngày tết. Nhưng ở đô thị, đi mua bánh làm sẵn trở nên phổ biến. Đó là sự thích nghi hay mai một?
- Đặt vấn đề như vậy không hoàn toàn đúng. Đặt bánh là văn hóa đô thị. Ở đô thị người ta bận rộn nên chia việc theo hướng chuyên môn hóa là tất yếu. Điều kiện đô thị ở trong cái nhà ống, có 4m, lấy chỗ nào mà nấu? Nên đó là chuyện đương nhiên. Quan trọng là bây giờ nhiều người vẫn nấu bánh.
* Như vậy, không lẽ ở đô thị thì ít tết hơn?
- Tết ở thành thị mất đi nhiều lắm rồi nét truyền thống, không biết tương lai sẽ thế nào. Thành thị không theo văn hóa nông nghiệp, mà là văn hóa công nghiệp theo kiểu Tây phương hóa. Tức là công việc suốt cả năm cứ đều đều như thế, không có những lúc quá bận và những lúc quá rảnh rỗi nên cái tết không còn ý nghĩa ăn bù, chơi bù. Tết đến, các gia đình không còn ở nhà nữa mà đi nghỉ Đà Lạt, Vũng Tàu...
* Tết đến, nhiều người dường như cũng mệt mỏi hơn: quà biếu, hàng trăm ngàn người xa quê trở về, kẹt xe, kẹt tàu, hết vé máy bay, tàu xe bến bãi là cả một vấn đề...
- Tôi cho rằng với số đông dù mệt mỏi thì cái thích thú vẫn nhiều hơn, cái giá trị vẫn nhiều hơn nên họ vẫn duy trì. Ví dụ anh đi làm xa, đến tết anh tích lũy chừng chục triệu chẳng hạn, thì anh tự nguyện bỏ ra 4-5 triệu để về quê, để hưởng cái sum họp, tình cảm gia đình, cái không khí quê hương để rồi sau đó lại ra đi, làm ăn rồi một năm nữa lại về. Sự lãng phí, tiêu tốn, mệt mỏi đó là tự nguyện, cho nên chắc chắn phần được phải nhiều hơn. Tôi nghĩ ở VN, tết về quê vẫn còn tồn tại trong thời gian khá dài nữa. Đó là điều rất cần thiết và làm nên bản sắc của người Việt, của văn hóa VN.
* Thế còn quà biếu phải hiểu như thế nào?
- Từ xưa đến nay, VN và các dân tộc trên thế giới đều có quà biếu. Nhưng ngày xưa quà biếu chỉ mang tính tượng trưng, xuất phát từ tình cảm. Bây giờ, từ tình cảm cộng với phong trào, cùng với đời sống khá giả lên, quà biếu đã bị lạm phát. Mà một hiện tượng một khi đã lạm phát hơn mức bình thường thì nên có những giới hạn về mặt hành chính. Nước mình là một trong những nước có truyền thống dân chủ làng xã, dân chủ nông nghiệp, cho nên ít có chế định. Nhiều nước khác có những chế định mạnh hơn nhiều như Pháp, Trung Quốc. Tôi cho rằng qui định mới đây về việc biếu xén của chúng ta là một chế định cần thiết.
* Cũng giống việc cấm đốt pháo phải không, thưa giáo sư?
- Đúng rồi. Tôi còn nhớ ở Hà Nội, trong khu tập thể, nhà nhà sát nhau. Đêm 30 tết mỗi nhà đốt một bánh pháo thì không có chỗ mà thở. Tôi phải lấy nilông bịt kín các chỗ hở để các cháu khỏi bị ngạt. Khủng khiếp đến mức độ đó. Việc cấm đó là cần thiết.
* Trong Cơ sở văn hóa VN, ông gọi Tết Nguyên đán là "lễ tết", chứ không phải là "lễ hội", thể hiện sự sum họp gia đình, gia tiên và gia thần. Nhưng dường như bây giờ hội nhiều hơn lễ. Như vậy, những giá trị về tết có bị đặt ra?
- Tết thì ăn là chính ("ăn tết"), chơi phụ. Hội thì ăn phụ, chơi chính ("chơi hội"). Trong ăn có chơi, trong chơi có ăn. Ngày xưa nhịp điệu nông nghiệp lúc lơi, lúc căng. Vào mùa thì cực kỳ vất vả, bận rộn, người ta lao vào làm việc. Khoảng thời gian rỗi sau mùa mới trở nên quan trọng. Bởi vậy mới có thời gian ăn bù, cho bõ những ngày làm việc. Bây giờ thì dần dần công nghiệp hóa, nhịp điệu thời gian đã giãn ra rồi. Thành phố lúc nào cũng như lúc nào, lúc nào cũng căng thẳng như lúc nào (cười) do vậy nhu cầu ăn bù không còn nữa. Một khi cái ăn giảm thì cái chơi tăng lên.
* Nhưng có một hệ quả từ chơi nhiều, đó là nhậu nhẹt tăng...
- Quanh năm không gặp gỡ được nhau, tết gặp nhau uống một chén cho đầu óc lâng lâng lên, vui vẻ lên, nói năng hoạt bát hơn là chấp nhận đuợc. Còn thi nhau uống thì... mệt rồi, tốn kém, tổn hại đến sức khỏe, con người trở nên bê tha, không hiểu được ý nghĩa của rượu... Song giá trị vẫn là giá trị. Không phải vì chuyện nhậu nhẹt mà phản đối tết.
* Trong những lễ nghi, cúng kiếng thể hiện phong tục người Việt Nam trong ngày tết, dường như thế hệ trẻ tuổi biết quá ít về ý nghĩa của nó?
- Về mặt này thì tôi phải nói rằng văn hóa truyền thống của ta không có phương thức giáo dục tốt. Tôi sống ở Hàn Quốc hai năm, thấy người ta có phương thức rất hay. Tất cả những ngày lễ, ví dụ như tết năm mới, người ta cúng đến mấy tiếng đồng hồ. Tất cả mọi người phải tham gia cúng: chủ gia đình, tất cả con cháu đứng, đến người thấp hơn, rồi thấp hơn nữa, rồi khách khứa... Không ai là không làm thao tác. Điều đó mang tính giáo dục cao, ngay cả đứa bé cũng hiểu rõ việc làm của mình. Theo tôi, ý nghĩa chính của việc cúng bái mà tất cả mọi người tự nguyện tuân theo: duy trì sợi chỉ đỏ xuyên suốt thời gian từ thế hệ ông cha đến thế hệ con cháu.
ĐẶNG TƯƠI thực hiện
Nguồn: tuoitre.com.vn