Thứ năm, 10 Tháng 10 2013 21:05

GS. Trần Ngọc Thêm: Đánh giá của Đại tướng về vai trò của văn hóa Việt vô cùng đúng

  • GS. Trần Ngọc Thêm: Đánh giá của Đại tướng về vai trò của văn hóa Việt vô cùng đúng

  • Hoàng Lực

    (Báo Giáo dục Việt Nam)

(GDVN) - Theo GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, nhận định của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho rằng: "Mỹ xâm lược Việt Nam là một sai lầm... Mỹ thua ở Việt Nam là thua về văn hóa" là vô cùng đúng. Ngoài các yếu tố như chính nghĩa, tinh thần dân tộc..., có hai đặc trưng quan trọng của văn hóa Việt đã được khai thác tối đa trong chiến tranh là tính tổng hợp và tính linh hoạt.

Thời chiến, "văn hóa âm tính" giúp cho sức mạnh người Việt tăng lên gấp bội

Trong cuộc gặp gỡ lần thứ hai và cũng là lần cuối cùng giữa Đại tướng Võ Nguyên Giáp với ông McNamara - nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ vào năm 1997, sau gần 30 năm người Mỹ thất bại tại chiến tranh Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp hỏi ông McNamara: “Ông có biết vì sao nước Mỹ lại thua Việt Nam không?”, McNamara không trả lời được. Đại tướng đã nói với ông ta rằng: “Các ông thua vì Mỹ xâm lược Việt Nam là một sai lầm. Mỹ thua là do không hiểu được Việt Nam, không hiểu gì về văn hóa người Việt”.

mcnamara-giap

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong cuộc gặp năm 1995 ở Hà Nội (Ảnh: AFP)

Nhận định ở khía cạnh văn hóa, GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm - Giám đốc Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng (Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh), cho rằng nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của Mỹ ở Việt Nam có rất nhiều, “nhưng nhìn một cách khái quát, nhận định Mỹ thua ở Việt Nam là thua về văn hóa vô cùng đúng”.

Theo GS. Trần Ngọc Thêm, R.S. McNamara vốn là một nhà kỹ trị (trước khi làm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ông từng là Chủ tịch tập đoàn Ford Motor Co). Trong tập hồi ký “Nhìn lại quá khứ: tấn thảm kịch và những bài học từ Việt Nam” (In Retrospect: The Tragedy and Lessons of Vietnam) xuất bản năm 1995, McNamara đã thừa nhận: “Chúng ta… đã hành động theo… nguyên tắc và truyền thống của nước Mỹ. Nhưng chúng ta đã sai lầm. Chúng ta sai lầm tệ hại”. Một trong những sai lầm đó theo McNamara là việc Mỹ đã “đánh giá thấp sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc”, điều đó “phản ánh sự thiếu hiểu biết cơ bản của chúng ta (người Mỹ) về lịch sử văn hóa, chính trị” của Việt Nam.

Là một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu về văn hóa Việt Nam, GS. Trần Ngọc Thêm cho rằng để đối phó với kỹ thuật, Việt Nam đã thắng Mỹ bằng sức mạnh văn hóa. Ngoài các yếu tố như chính nghĩa, tinh thần dân tộc..., có hai đặc trưng quan trọng của văn hóa Việt đã được khai thác tối đa là tính tổng hợp và tính linh hoạt.

Tính tổng hợp trong văn hóa Việt Nam xuất phát từ nền nông nghiệp trồng lúa nước, là một nghề phụ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên. Do phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên nên người Việt đã luôn phải cố gắng tổng hợp và bao quát hết như cha ông ta vẫn nói: “Trông trời, trông đất, trông mây / Trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm..”. Tính tổng hợp là một đặc trưng của văn hóa nông nghiệp “âm tính”, giống như người phụ nữ cùng lúc có thể bao quát làm được nhiều việc; khác với văn hóa phương Tây “dương tính” thiên về tư duy phân tích – giống như người đàn ông cùng lúc chỉ tập trung làm được một việc mà thôi. Với tư duy phân tích, người phương Tây quen với lối ai làm việc của người ấy, chiến tranh là nhiệm vụ của quân đội, còn nhân dân tách hẳn ra một bên. Còn ở Việt Nam thì lúc có chiến tranh, không chỉ có quân đội mà ai cũng tham gia chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Chính là tính tổng hợp của văn hóa đã làm nên cái gọi là “chiến tranh nhân dân” mà người Mỹ dù có được nghe thấy cũng khó mà hiểu hết được bản chất của nó” – GS Trần Ngọc Thêm phân tích. Nhờ có tính tổng hợp, mỗi người dân đều là một chiến sĩ nên người Việt Nam tuy không đông nhưng đã có sức mạnh tăng lên gấp bội.

Đặc trưng văn hóa thứ hai giúp người Việt Nam chiến thắng bất kỳ kẻ thù nào là tính linh hoạt. Nghề nông nghiệp trồng lúa nước luôn luôn phải đối phó với tự nhiên, mà tự nhiên luôn chứa đầy những yếu tố bất ngờ không thể dự tính trước được, cho nên chúng ta phải rất linh hoạt. Tùy nơi, tùy lúc, tùy người mà có những ứng xử khác nhau chứ không cứng nhắc theo một cách bất biến nào. Trong khi đó, văn hóa phương Tây lại có truyền thống phải tính toán, sắp xếp trước mọi việc một cách nề nếp, có nguyên tắc chứ không thể tùy tiện được. “Một bên là cái linh hoạt đối đầu với bên kia là cái nguyên tắc thì cái linh hoạt luôn luôn thắng. Trong chiến tranh, hơn thua nhau là ở sự bất ngờ mà tính linh hoạt luôn tạo nên sự bất ngờ – đó chính là kiểu chiến tranh du kích thiên biến vạn hóa khiến đối phương không thể đối phó được.

Tính tổng hợp và tính linh hoạt chính là hai yếu tố văn hóa làm nên “chiến tranh nhân dân” và “chiến tranh du kích” nổi tiếng giúp chúng ta chiến thắng kẻ thù” – GS. Trần Ngọc Thêm nhấn mạnh.


Thế mạnh văn hóa trong thời chiến hiện đang bộc lộ nhiều hạn chế

GS. Trần Ngọc Thêm cho rằng, bước sang hòa bình, cùng với việc mở cửa hội nhập và tham gia vào quá trình toàn cầu hóa, toàn bộ văn hóa truyền thống đang có những thay đổi căn bản.

“Chúng ta đang ở trong một giai đoạn có sự đối lập rất gay gắt giữa truyền thống văn hóa nông thôn - nông nghiệp với thực trạng của một xã hội hướng đến lối sống đô thị - công nghiệp. Văn hóa nông thôn - nông nghiệp truyền thống đang biến đổi mạnh, mọi điều kiện không còn như cũ. Trong khi đó chúng ta vẫn chưa có được xã hội công nghiệp và lối sống đô thị. Xã hội Việt Nam hiện nay đầy rẫy những người nông dân khoác áo đô thị. Việc làm thì giống như người đô thị nhưng cách hành xử, thói quen sinh hoạt, cách quản lý, cách suy nghĩ, cách làm việc vẫn là của anh tiểu nông” – GS. Trần Ngọc Thêm phân tích.

gs-tran-ngoc-them-giaoduc.net.vn

GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm - Giám đốc Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh): "Nhìn một cách khái quát, nhận định Mỹ thua ở Việt Nam là thua về văn hóa vô cùng đúng”.

Chính là vào lúc này, những đặc trưng văn hóa trước đây đã giúp ta làm nên chiến thắng trong chiến tranh thì nay lại bộc lộ hết những mặt hạn chế của nó.

Trong khi người phương Tây mạnh về tư duy phân tích, giờ nào việc nấy, làm ra làm chơi ra chơi, đã làm thì phải hướng tới hiệu suất cao nhất, thì chúng ta lại quen lối tư duy tổng hợp, vừa làm vừa chơi. “Vừa làm vừa uống trà uống nước, việc gì cũng “chín bỏ làm mười”, đại khái, hời hợt, không đến nơi đến chốn – đây hoàn toàn là cách sống của người tiểu nông sản xuất nhỏ lẻ, manh mún”, GS. Trần Ngọc Thêm chỉ rõ.

Lịch sử văn hóa quản lý của phương Tây phát triển theo hướng chính quy, nề nếp, bài bản; xã hội được tổ chức và quản lý tuyệt đối theo luật pháp, nên từ đó mà phát triển lên thành xã hội công nghiệp - đô thị, vì vậy phương Tây không có vấn đề xung đột văn hóa. Trong khi văn hóa Việt Nam truyền thống đặc trưng bởi tính linh hoạt rất mạnh mẽ. Điều đó là thế mạnh trong chiến tranh, nhưng khi chuyển sang hòa bình, xây dựng xã hội công nghiệp - đô thị, tính linh hoạt chuyển thành tùy tiện. Người quản lý làm việc theo tình cảm, xử lý công việc tùy tiện khiến dân chúng không tin tưởng vào luật pháp; phổ biến tình trạng lách luật, có việc gì thì chủ trương “tự xử”…

Người Việt dù ở đâu cũng luôn phát huy tối đa khả năn linh hoạt biến báo, xoay xở sao cho có lợi tối đa cho mình, với đủ loại mánh khóe. Đến mức chúng ta quên rằng phải biết xấu hổ với những thói xấu đó nên thoải mái lên mạng dạy nhau, viết sách dạy nhau gian lận, trốn vé khi vào bảo tàng, khi đi xe; quay cóp khi thi cử; trốn visa, nhập cảnh bất hợp pháp khi ra nước ngoài… Cuốn sách “Xách ba lô lên và đi” đang gây phản ứng mạnh trong cộng đồng mạng của tác giả trẻ Huyền Chíp là một ví dụ…

Chính tính tổng hợp và tính linh hoạt mà trong chiến tranh giúp ta có lợi thế trước phương Tây bao nhiêu thì bây giờ đang bộc lộ hết mặt hạn chế bấy nhiêu, gây nên những bất cập mà chúng ta đang gặp phải hiện nay khi chuyển từ xã hội nông nghiệp - nông thôn sang xã hội công nghiệp - đô thị.


Những hạn chế khác…

Bên cạnh tính tổng hợp và tính linh hoạt, những đặc trưng bản sắc khác của văn hóa truyền thống Việt Nam cũng đang bộc lộ những mặt hạn chế.

Thứ nhất là tính cộng đồng trong văn hóa làng xã của người Việt. Điểm mạnh của nó là mọi người trong cộng đồng thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, gắn bó với nhau tạo thành một tập thể. Nhưng đặc trưng đó chỉ phát huy tác dụng trong làng xã khép kín, có quen biết thì có cộng đồng mà không quen biết thì không có cộng đồng.

Bước vào xã hội công nghiệp - đô thị rộng lớn, nơi mà mọi người không thể quen biết thân thiết hết được với nhau, mọi hậu quả xấu bắt đầu nảy sinh. Lẽ ra mỗi người một việc, việc mình mình làm thì người Việt chúng ta cứ phải la cà trò chuyện, rồi tự cho mình cái quyền can thiệp vào việc riêng của người khác, nhà khác ngay cả khi người ta không làm gì ảnh hưởng đến mình, đến cộng đồng. Khi có công việc, người phương Tây xếp một hàng thẳng, người đến trước đứng trước người đến sau đứng sau, thì người Việt chúng ta cứ phải đứng dàn hàng ngang ra để còn túm lại nói chuyện với nhau”, GS. Trần Ngọc Thêm nêu ví dụ.

Tính cộng đồng kéo theo hệ lụy khác là thói cào bằng: Người Việt Nam không muốn ai hơn mình nên cứ thấy ai hơn mình là tìm cách phá họ, dìm họ xuống. Thói nói xấu sau lưng cũng từ đây mà ra. Cho nên Nguyễn Du mới nói “Chữ tài liền với chữ tai một vần”. Vì thế người có tài phải học cách giấu mình đi; từ đó mà nảy sinh sinh ra đức tính khiêm tốn giả vờ, không dám bộc lộ năng lực. Trong khi phương Tây thì coi trọng việc thể hiện năng lực, khả năng của mình để tự khẳng định và để xã hội tiện sử dụng.

Tính cộng đồng trong văn hóa Việt còn sinh ra thói sĩ diện, “bệnh sĩ”, dù không được như thế nhưng người ta vẫn cố phô trương ra mình như vậy – đó là nguyên nhân của căn bệnh “nổ”, “chém gió”, mà từ trẻ đến già đều mắc phải.

van-hoa-Viet-nam-giaoduc.net.vn1

Tính cộng đồng trong văn hóa Việt vừa có điểm mạnh nhưng cũng có những hạn chế nhất định (ảnh Lễ hội Gióng)

Thứ hai là tính ưa hài hòa của người Việt, tức là lối suy nghĩ luôn luôn thấy mình ở giữa: “nhìn lên thì chẳng bằng ai, nhìn xuống thì chẳng ai bằng”. Đây là một triết lý sống rất hay vì nó luôn tạo cho mình một cuộc sống ổn định, hạnh phúc. Vì vậy người phương Tây trước đây đến Việt Nam từng nhận định rằng tuy Việt Nam nghèo nhưng khuôn mặt mọi người luôn rạng ngời niềm vui, sự hài lòng. Các cuộc điều tra xã hội học trên thế giới hiện nay cũng cho biết rằng Việt Nam là một trong số ít quốc gia có chỉ số hạnh phúc cao. “Tuy nhiên trong cuộc sống hiện nay tính ưa hài hòa lại kiềm chế sự phát triển, hạn chế ý chí vươn lên", GS. Trần Ngọc Thêm đánh giá.

Thứ ba là người Việt thiên về “âm tính”. Đây là đặc trưng mà người Việt cần phải thay đổi hoàn toàn. Nó liên quan đến tất cả những hạn chế của các đặc trưng trên. Xã hội cũng như tự nhiên đều luôn biến động, tức là thiên về dương tính. Cho nên khuynh hướng thiên về “âm tính”, hậu quả của nền văn hóa nông nghiệp lúa nước nay không còn phù hợp. Văn hóa Việt Nam hiện tại phải chuyển sang hài hòa thiên về “dương tính”, tức là phải năng động hơn, chủ động hơn, mạnh mẽ hơn – GS. Trần Ngọc Thêm kết luận.

Nguồn: Báo Giáo dục Việt Nam ngày 10-10-2013 và tác giả.